Mùa Xuân trong thơ Hồ Chí Minh
KIỀU NINH
Mỗi mùa xuân đến, lòng người lại xao xuyến rung động, cảm xúc này càng mãnh liệt hơn trong tâm hồn nhạy cảm của các văn nghệ sĩ, đặc biệt là các thi nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy, mặc dù chưa bao giờ tự nhận mình là nhà thơ, Bác chỉ xem thơ là vũ khí chiến đấu, làm thơ để bày tỏ nỗi lòng, tâm sự của mình nhưng cảm xúc về mùa xuân luôn ùa về chan chứa và sống động trong thơ Bác.
Mùa xuân là đối tượng khơi nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ của Bác, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong tư tưởng và tình cảm của Người. Những bài thơ xuân thấm đẫm hồn dân tộc, đậm đà cốt cách Á Đông, phảng phất bóng dáng ung dung tự tại của những bậc tao nhân mặc khách, nhưng lại tràn trề sức thanh xuân và luôn toát ra một tinh thần lạc quan vô hạn, thể hiện bản lĩnh vô song của một nhà cách mạng vô sản lỗi lạc. Vì thế, mùa xuân trong thơ Bác thường lộng lẫy mà tĩnh lặng, thanh cao sang trọng, lịch lãm nhưng lại mang đậm hơi thở của mùa xuân. Bài thơ “Nguyên tiêu” (Rằm tháng giêng) được Bác sáng tác năm 1948 có thể xem là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất viết về đề tài mùa xuân trong thơ Bác:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát, trăng ngân đầy thuyền.
Chỉ với bốn câu thơ tứ tuyệt, Bác đã gợi ra trước mắt người đọc một bức tranh xuân sinh động, thơ mộng. Ở đó, thiên nhiên và con người dường như hòa quyện vào nhau, tìm thấy vẻ đẹp trong nhau. Dưới cái nhìn đầy tươi mới, ngôn ngữ thơ của Bác có giá trị tạo hình cao: Dòng sông, mặt nước, bầu trời lung linh, thơ mộng trong ánh trăng rằm soi tỏ. Ánh trăng vốn là biểu tượng cao đẹp, trong sáng của tự do. Hình ảnh con thuyền bát ngát trăng ngân như ánh lên niềm vui, niềm tin tưởng lạc quan vào tương lai rạng rỡ của dân tộc, dù cho hiện tại cuộc kháng chiến lúc bấy giờ còn lắm gian nan, thử thách. Ngay từ câu mở đầu: "Rằm xuân lồng lộng trăng soi" đến câu kết: "Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền" đều toát lên chất hào sảng, phấn chấn đến đắm say lòng người. Và như thế, dù là đang bàn một việc quan trọng như việc quân sự, thì trong ánh trăng rằm trinh nguyên giữa đêm xuân trải khắp đất trời, chỉ làm tăng thêm phấn khích, hào hứng, bớt đi cái căng thẳng, mệt mỏi trong suy tư, họp bàn. Có thể coi Rằm tháng giêng là một kiệt tác về mùa xuân với cảnh xuân thật đẹp, tình xuân lai láng, hương xuân nồng nàn, sắc xuân rạng rỡ. Ở đó, tiểu vũ trụ-thi nhân và đại vũ trụ đất trời bao la tưởng như tan chảy hòa nhập vào nhau, cộng cảm giao hòa cùng nhau, theo đúng thuyết tam tài. Nó đã đánh thức cái đẹp trong tâm hồn để tạo nên một mỹ tục mới: Ngày Thơ Việt Nam vào rằm tháng giêng hàng năm.
Thơ của Hồ Chí Minh luôn là sự kết hợp giữa những giá trị tinh hoa văn hóa bác học Đông Tây với sự minh triết và thông tuệ của dân gian nên mùa xuân thường mang ý nghĩa kép: Đâu chỉ là mùa xuân của đất trời mà còn mang biểu tượng của hào khí dân tộc, của sự sống bất diệt, mang vẻ đẹp của tuổi trẻ và biểu tượng cho tương lai tươi sáng của dân tộc. Với một trí tuệ vô cùng mẫn tiệp và khả năng nhìn xa trông rộng, nhà chiến lược Hồ Chí Minh đã trở thành người đi trước thời đại, nên ngay từ cách đây hơn nửa thế kỷ, vào mùa xuân năm 1960, Người đã trịnh trọng phát động phong trào toàn dân trồng cây gây rừng tạo nên ngày hội trồng cây mỗi khi Tết đến xuân về - một mỹ tục mới nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của nhân loại và góp phần làm cho đất nước bốn mùa là cả một mùa xuân:
Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Không những thế, vị lãnh tụ tài hoa Hồ Chí Minh còn sáng tạo được một phong tục đẹp khác là làm thơ mừng xuân để gửi tặng đồng bào, chiến sĩ. Từ năm 1942 đến năm 1969, Người đã để lại cho cháu con một di sản quý báu gồm 22 bài thơ chúc Tết với mong ước thiêng liêng: Năm mới thắng lợi mới, năm mới tiến bộ mới để đất nước luôn hưng thịnh, vững bền. Bài thơ đầu tiên là Thơ chúc Tết xuân Nhâm Ngọ (1942), Bác đã viết:
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới
Chúc toàn quốc ta trong năm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Bài thơ giản dị như một lời hiệu triệu, đầy tinh thần lạc quan cách mạng và khi đó, Người đã tiên đoán một ngày “Cờ đỏ sao vàng bay phất phới”.
Những bài thơ chúc Tết thấm đẫm hồn non nước của Người ngày đó đã được thiêng hóa và trở thành lời tiên đoán sáng suốt về vận mệnh của toàn dân tộc:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta
(Mừng xuân 1968)
Những vần thơ xuân của Người không chỉ chứa đựng rất nhiều nét văn hóa thuần Việt, như: Phong tục khai bút đầu xuân ở một đất nước trọng văn, tục chúc nhau những điều tốt lành nhân dịp năm mới, tục lệ tổng kết thành tích vào dịp cuối năm để năm sau làm ăn tấn tới, thể thơ lục bát có nguồn gốc tự ca dao… mà còn thể hiện được tư tưởng lớn, những vấn đề thời sự lớn của thời đại… Chúng lại được vị lãnh tụ thi nhân khéo léo phô diễn bằng cách cảm, cách nghĩ giản dị của dân gian, với rất nhiều màu sắc dân gian nên rất đậm chất xuân và ngập tràn không khí Tết: Có hoa nở, cờ hồng, có cách gọi tên theo lối Âm lịch: Nhâm Ngọ, Bính Tuất, Đinh Hợi, Mậu Tý, Kỷ Sửu, Canh Dần, Tân Mão, Quý Tỵ, Nhâm Thìn… Nhờ thế mà những nội dung tư tưởng lớn lao, mang tính thời sự cao trong thời khắc trọng đại đã dễ dàng đến với trái tim của mỗi người dân, làm cho hình ảnh vị lãnh tụ càng trở nên gần gũi và những vần thơ tuôn chảy từ trái tim nhà cách mạng của giai cấp vô sản bỗng trở thành những bức thông điệp với tính chất dự báo rất lớn. Rồi suốt mấy chục năm ấy, việc Bác đọc thơ mỗi dịp xuân về đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, thiêng liêng như lời non song:
Con nghe Bác tưởng như lời non nước
Tiếng ngàn xưa và cả tiếng mai sau
(Tố Hữu)
Việc Bác đọc thơ mỗi dịp xuân về đã thỏa nguyện được tâm lý yêu thơ, thích thưởng thức thơ vào dịp đầu năm mới và khát vọng về một cuộc sống bình yên của toàn thể con dân đất Việt. Hai mươi hai bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi bài một vẻ, trong đó có không ít bài được coi là tuyệt bút:
Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa
(Mừng xuân 1967)
Những khúc ca xuân đầy hào khí, được xuất thần giữa khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng của vị lãnh tụ kính yêu đã trở thành phương châm hành động thôi thúc toàn thể Nhân dân tin tưởng, cùng nhau đoàn kết, giành thắng lợi. Bài cuối cùng Bác viết là vào năm Kỷ Dậu (1969):
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”.
Thơ Bác là thế, giản dị và mộc mạc song gửi gắm tình cảm của vị lãnh tụ kính yêu tới đồng bào của mình cùng với những lời hiệu triệu và chiến lược hành động của đất nước.
Thêm một mùa xuân mới đã về và cũng là thêm một mùa xuân vắng Bác, cùng với Di chúc, những tác phẩm thơ văn của Bác để lại là tài sản vô giá đối với dân tộc ta. Bác không chỉ “Nằm trong lăng giấc ngủ bình yên” mà Bác đã, đang và mãi mãi đồng hành cùng dân tộc. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, có lẽ trong tâm tưởng của rất nhiều người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài luôn nhớ về Bác. Lời thơ Bác vẫn đang đồng hành cùng mùa xuân đất nước./.