Trở về miền ký ức 40 năm khoa Ngữ văn - Lịch sử

TAP CHÍ LANGBIAN|1/31/2023 10:52:02 AM

Trở về miền ký ức 40 năm khoa Ngữ văn - Lịch sử

THI PHONG

 

Vậy là đã 40 năm - một khoảng thời gian dài so với một đời người và lịch sử của khoa đào tạo ở một trường đại học. Bốn mươi năm phát triển của Khoa Ngữ văn và Lịch sử tại Trường Đại học Đà Lạt có biết bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu vui buồn, bao nhiêu trăn trở và hạnh phúc của cả thầy và trò.

Bốn mươi năm ấy, hàng chục nghìn sinh viên đã đến rồi đi, đã thành đạt và hạnh phúc; rất nhiều người đã và đang cống hiến cho đất nước trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… Nhiều nhà báo, nhà giáo, cán bộ, viên chức ngoài công việc chuyên môn, nghiệp vụ còn tiếp tục phát huy thế mạnh sáng tạo ngôn từ và công bố trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau… Có nhiều thầy cô giáo đã chuyển trường hay nghỉ hưu, một số thầy cô đã về cõi vĩnh hằng sau khi đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục, cho các thế hệ sinh viên…

Ngoài việc tổ chức xuất bản bộ sách nghiên cứu của các thế hệ giảng viên với tên gọi Những vấn đề ngữ văn - lịch sử, Ban Chủ nhiệm khoa và tập thể khoa đã quyết định tổ chức và biên tập một sản phẩm của cựu sinh viên với tựa đề Ký ức cựu sinh viên 40 năm Khoa Ngữ văn và Lịch sử (1982-2022), như những món quà tinh thần nhân dịp lễ trọng này, cũng là một sự tập hợp, một sự về nguồn của thầy và trò.

Đã có hơn 60 tác giả là cựu sinh viên các khóa gửi bài hồi ức bằng thơ và văn xuôi; ký ức văn xuôi mỗi người gửi một bài, có người hai bài; ký ức bằng thơ mỗi người gửi từ ba đến năm bài, có người gửi mười bài… Tất nhiên, do khuôn khổ có hạn, Ban Biên tập chỉ đưa vào tuyển tập này từ một đến hai tác phẩm đối với một tác giả.

Về văn xuôi, cơ bản chỉ là ký ức thuộc thể ký, đúng như chủ đề cuốn sách. Đó là những bài viết về thầy cô, không phải bằng những lời hay ý đẹp chung chung mà là những chia sẻ mang tính tri ân với những tình huống chân thực cụ thể, từ sự thu nhận tri thức, phương pháp học tập và nghiên cứu đến những tình cảm và thái độ ứng xử giữa thầy và trò… Qua đó thầy cô đã nhen nhóm, khơi gợi và thúc đẩy sinh viên đi tới, những tâm sự thật lòng, những kỷ niệm sâu sắc trong ký ức. Vẫn còn nhiều tấm gương nhà giáo, nhiều sự kiện đáng nhớ, nhiều kỷ niệm đậm đà tình thầy trò, tình cảm với khoa, với trường nhưng các cựu sinh viên còn chưa kịp gửi về hoặc do quá bận bịu nên chưa có thời gian chấp bút…

Tuy không phải là cuốn biên niên sử Khoa Ngữ văn và Lịch sử nhưng ít nhiều qua tuyển tập này, những thời kỳ phát triển nhất định, một số sự kiện quan trọng, những tên tuổi khả kính đã được nhắc đến đó đây. Gây ấn tượng mạnh mẽ là những kỷ niệm về chính quãng đời sinh viên hồn nhiên, tươi trẻ, đẹp đẽ và không kém gian khó đã được các tác giả tái hiện một phần.  Đó là những cảm xúc bỡ ngỡ của những thí sinh; là niềm vui trúng tuyển và nhập học của tân sinh viên; là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ mẹ; là sự học hành căng thẳng, niềm vui chen lẫn nỗi buồn; là cái đói rét cuối thời bao cấp trong cái giá lạnh của thời tiết đặc trưng; là những kỷ niệm khó nói khi thi trượt. Những cảm xúc đẹp đầu đời về tình bạn và tình yêu; là cái đẹp của khuôn viên Đại học Đà Lạt trong vẻ đẹp của thiên nhiên và sự nhân ái hiền hòa của con người Đà Lạt; những hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi; những chuyến thực tập và những buổi bảo vệ luận văn; được tốt nghiệp và đi làm ngay hoặc nỗi buồn thất nghiệp; sự vượt lên hoàn cảnh và vượt qua chính mình để trưởng thành, để cống hiến, để hạnh phúc; nỗi nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ lớp, nhớ trường, nhớ Đà Lạt; ngày trở về hoặc băn khoăn chưa kịp trở về… Tất cả những cảm xúc, những hoài niệm, những thao thức ấy đã làm thành nội dung chủ đạo của cả thơ và văn xuôi trong tập ký ức này.

Có lẽ khi viết những dòng thơ có vần nhịp hay khi viết tự do giãi bày cảm xúc và kỷ niệm, các anh chị không có ý định sáng tác nghệ thuật. Văn chương như thôi thức tự thân, tự nhiên, tự đến như là phương tiện bộc lộ, biểu hiện ký ức mà thôi. Sức mạnh của các tác phẩm này là sự thật của sự kiện, sự chân thật của tình thầy trò, tình bạn, tình yêu, là hình ảnh con người và thiên nhiên thơ mộng. Ban Biên tập hầu như chỉ chỉnh sửa kỹ thuật giúp hoàn thiện nhiều văn bản vốn dược viết tốc hành, viết theo phong cách “văn học mạng” pha “báo mạng”; về cơ bản là tôn trọng, trân trọng, bảo lưu tất cả những cấu tứ, cảm xúc, vần nhịp, hình ảnh, sự kiện, chi tiết…

Bổ sung cho từng bài hoặc cho cụm bài là một số hình ảnh đen trắng hoặc màu có liên quan nhiều đến các hoạt động: Lễ khai giảng; hội nghị học tốt, hội thảo khoa học; hoạt động thực tập, thực tế tại các địa phương; lễ bảo vệ luận văn, luận án tốt nghiệp; lễ nhận bằng cử nhân, thạc sĩ; ngày trở về họp mặt 10 năm, 20 năm, 30 năm của một số lớp. Đây không phải là tập sách ảnh, nên Ban Biên tập chỉ lựa chọn một số hình ảnh mang tính đại diện cho từng thời kỳ hoặc từng lĩnh vực hoạt động; những hoạt động có cùng kiểu ảnh sẽ chỉ chọn một hoặc hai hình đại diện; những hoạt động chung xuất hiện nhiều thầy cô, nhiều sinh viên được ưu tiên. Nhiều hình ảnh cá nhân thầy cô hoặc sinh viên đang phản biện hoặc đang bảo vệ, đang nhận bằng hoặc hình ảnh nhóm thầy trò, nhóm bạn thân tuy rất đẹp và rất ý nghĩa với từng thầy cô, từng sinh viên, từng nhóm bạn nhưng cũng không thể chọn vì khuôn khổ có hạn của sách. Cuốn sách được bố cục xen kẽ thơ, văn, hình ảnh nhưng dù cố gắng bám sát một cách tương đối theo dòng chảy thời gian lịch sử khoa, cuối cùng vẫn không thực sự triệt để; đúng là lực bất tòng tâm, hy vọng nhận được sự cộng cảm của cựu sinh viên, của sinh viên và bạn đọc xa gần.

Các tác phẩm đều có chú thích thông tin về khóa học kèm chức vụ của tác giả (nếu có), tuy tác giả không mong muốn điều đó nhưng chúng tôi vẫn xem đấy là một minh chứng cho sự thành đạt của các cựu sinh viên. Một số chức vụ mà quý thầy kiêm nhiệm, tên khoa trường là có khác nhau tùy từng bài cho phù hợp thực tế từng giai đoạn… Ngay cả khi đề cập đến một số nhà giáo quá cố, Ban Biên tập cũng không ghi là cố giáo sư, vì trong thời điểm lịch sử ấy, ngay trong khuôn hình cụ thể ấy, giáo sư đang hiện hữu, đang hành động,…

Trong quá trình hình thành bản thảo và xuất bản cuốn Ký ức cựu sinh viên…, Khoa Ngữ văn và Lịch sử đã nhận được sự chỉ đạo và quan tâm ủng hộ của Lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt, đặc biệt là của thầy Hiệu trưởng - TS Lê Minh Chiến; sự thống nhất cao của Ban Chủ nhiệm và tập thể khoa do PGS.TS. Dương Hữu Biên - Trưởng khoa kiêm Trưởng Ban biên tập; TS Lê Hồng Phong tham gia tổ chức bài và biên tập chính; TS Lê Xuân Hưng  và cô Lê Thị Hoài Phương tiếp nhận bài hoặc cung cấp hình ảnh lưu; ThS Lê Phong Lê chèn hình và chú thích, phác thảo bìa; nhiều thầy cô khác tham gia vào việc tổ chức in ấn, phát hành... Ban Biên tập chân thành ghi nhận và xin có lời cảm ơn chung về sự cộng đồng trách nhiệm trong thời gian ngắn nhất để kịp xuất bản ấn phẩm này nhằm chào mừng sự kiện 40 năm của khoa.

Đặc biệt, Ban Chủ nhiệm Khoa, Ban Biên tập trân trọng cảm ơn các tác giả - cựu sinh viên đã nhiệt tình gửi bài và một số hình ảnh quý cho sách; đồng thời chân thành cảm ơn các tập thể và cá nhân cựu sinh viên Ngữ văn - Lịch sử đã gửi quà ủng hộ khoa để góp phần chuẩn bị và tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 40 năm, trong đó bao gồm kinh phí xuất bản ba cuốn sách của thầy trò. Các ấn phẩm đặc biệt này nằm trong chuỗi hoạt động có ý nghĩa của Lễ kỷ niệm 40 năm Khoa Ngữ văn và Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt./.

Trở về miền ký ức 40 năm khoa Ngữ văn - Lịch sử