Ấm áp Tết ở Trường Sa

TAP CHÍ LANGBIAN|2/14/2022 11:08:48 AM

Ấm áp Tết ở Trường Sa

                                                               KIỀU NINH

 

Khi những chuyến tàu bắt đầu chở hàng, quà xuân của quân dân cả nước gửi tặng ra quần đảo Trường Sa cũng là lúc không khí mùa xuân đã nhen nhóm nơi đầu sóng. Năm nay dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các tổ chức, cá nhân trong cả nước vẫn không quên chuẩn bị những kiện hàng hóa với đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm chuyển đến quân và dân Trường Sa.

Sắc xuân nơi đầu sóng

Nói đến Tết ở Trường Sa bao giờ cũng xúc động và thiêng liêng. Bởi ở giữa trùng khơi xa xôi ấy, những người lính hải quân cả năm xa nhà biền biệt, nỗi nhớ đất liền, gia đình luôn đau đáu trong tim họ. Song mỗi khi Tết đến xuân về, họ vẫn vui vẻ ở lại canh giữ đảo với tinh thần “đảo có vững chắc đất liền mới đón Tết yên bình”.

Dịp gần Tết Nguyên Đán 2020, tôi cùng đoàn phóng viên may mắn được tham gia những chuyến tàu thay quân và cung cấp lương thực cho các đảo ở Trường Sa dịp Tết. Đi tới những đảo nổi như Trường Sa lớn, An Bang, Trường Sa Đông, Đảo Đá Tây hay đảo chìm như Đá Lát, Đảo Thuyền Chài… đều thấy rộn ràng không khí chuẩn bị Tết. Đại tá Lê Đình Hải Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho hay những chuyến tàu ra Trường Sa dịp tết sẽ mang đầy đủ hơi ấm và hương vị Tết của đất liền ra với đảo như lương thực, bánh kẹo, mứt, giò chả, những cây quất, đào và các giỏ hoa phong lan đủ màu sắc để chiến sĩ, người dân ở các đảo chưng Tết.

Sau những trận mưa rào chợt đến, chợt đi ngày cuối năm, các đơn vị, bộ phận trên đảo tổ chức thi gói bánh chưng. Để tham gia, mọi người phân nhóm chuẩn bị gạo, đỗ, thịt, lá bàng vuông… Những năm gần đây, được sự quan tâm từ đất liền, rất nhiều lá dong, lá chuối từ đất liền đưa ra đảo để gói bánh chưng, nhưng Tết đến bộ đội vẫn ưu tiên dùng lá bàng vuông để gói bánh chưng. Theo Trung tá Phạm Văn Tâm đã nhiều năm đón Tết ở đảo Trường Sa, gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, bánh không chỉ mang vị chát ngọt của lá mà còn mang cả hương vị mặn mòi của biển. Ngày Tết, món bánh chưng gói bằng lá bàng vuông ăn kèm với thịt mỡ, dưa hành đã trở thành một đặc sản của lính đảo Trường Sa.

Những ngày cuối năm, vợ chồng anh Lê Xuân Việt và chị Nguyễn Thị Mỹ Hà cùng 2 con nhỏ sống ở đảo Trường Sa Lớn tất bật sửa soạn bàn thờ gia tiên thêm tươm tất. Anh Vinh tâm sự, dù cuộc sống ở đảo xa còn thiếu thốn nhưng người dân không ỷ lại, cái gì có thể làm được thì tự làm, tự chuẩn bị để Tết càng phong phú, càng vui thêm. Mùa xuân ở các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường sa cũng có thú vị riêng. Tuy đón giao thừa không có pháo hoa hay cảnh người chen chúc ra phố hái lộc nhưng ở đảo mọi người được ngắm biển trời bao la, xem các anh bộ đội diễu hành, hát quốc ca…

Để chuẩn bị cho ngày Tết thêm vui tươi, những người lính trẻ cùng nhau sơn sửa lại doanh trại, cổng ra vào, vọng gác, cắt tóc cho nhau hay ủi phẳng phiu những bộ quân phục. Phòng nghỉ của lính biển cũng được trang trí bằng những con ốc biển, vỏ sò, những quả bàng vuông. Đặc biệt, tại “góc nhỏ riêng tư” của các chiến sĩ ở cạnh đầu giường trưng bày những lá thư từ đất liền gửi ra, những vật kỷ niệm hoặc cuốn nhật ký để chia sẻ niềm vui cùng đồng đội.

Sáng 30 Tết, các đơn vị tiếp tục tổ chức cuộc thi nấu cỗ. Mỗi mâm cỗ phải đảm bảo ít nhất 5 loại thực phẩm như: Thịt mỡ dưa hành, chả giò, thịt gà, làm nộm, tráng miệng bằng salad. Ngũ quả phải đầy đủ, rồi phải có hoa mai, đèn lồng. Đơn vị nào có rau xanh thì điểm sẽ được chấm cao hơn. Chiều 30 Tết, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo sẽ cùng thắp hương, viếng các anh hùng liệt sĩ. Tối giao thừa, đảo tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, bình thơ, bình văn, nghe Chủ tịch nước chúc Tết trên truyền hình rồi cùng đi chúc Tết các đơn vị và người dân. Trung tá Phạm Văn Hưng, Chính trị viên Đảo Đá Tây A dù đã nhiều năm bám biển nhưng cứ đến thời khắc giao thừa khi gia đình gọi điện thoại hỏi thăm, anh vẫn không kìm nén được cảm xúc…

Thiêng liêng nghi lễ chào cờ mùng 1 Tết

Trang trọng và thiêng liêng nhất trong những ngày Tết ở Trường Sa là Lễ chào cờ sáng ngày mùng 1 Tết, ngày đầu tiên của năm mới. Tất cả cán bộ chiến sĩ với quân phục chỉnh tề và cả những người dân, em bé, đứng nghiêm dưới là cờ đỏ sao vàng tung bay trong ánh nắng chan hòa của buổi sáng đầu năm. Người được chọn vào vị trí để làm lễ thượng cờ là những chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong công việc và rèn luyện. Đây là một trong những cách ghi nhận thành tích cũng như ý chí vươn lên của mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Giữa bốn bề sóng vỗ, lời bài hát “Tiến quân ca” được quân dân thị trấn Trường Sa cất lên như hòa cùng tiếng sóng, tiếng gió… vang vọng khắp Biển Đông, thay lời của hàng chục triệu người dân ở đất liền, nguyện một lòng giữ sự bình yên cho biển đảo Việt Nam. Thượng tá Đinh Văn Cường, Chính trị viên đảo Trường Sa, kiêm Chủ tịch HĐND thị trấn Trường Sa chia sẻ: “Chào cờ năm mới là nghi lễ rất ý nghĩa đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt ý nghĩa hơn khi diễn ra ở quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Lễ Chào cờ đầu năm bao giờ cũng để lại trong tôi cảm xúc rất mạnh mẽ, vừa linh thiêng nhưng cũng rất tự hào khi mình vinh dự được đứng Chào cờ trong ngày đầu năm mới với cán bộ, chiến sỹ trên đảo Trường Sa”.

Sau phần diễu hành qua cột mốc chủ quyền và cột cờ Tổ quốc, bộ đội và người dân tới thắp hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nghĩa trang các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh… Tiếp đó, mọi người đến chùa Trường Sa Lớn thắp hương cầu cho năm mới bình an, hạnh phúc.

Ngày Tết trên đảo, vui nhất vẫn là trẻ em háo hức chạy khắp nơi, vui mừng khoe áo mới. Xa xa, những cánh sóng vỗ dạt dào đập vào kè đá. Những búp non tím biếc của hoa muống biển, hoa đậu biển nở tung trên nền xanh cây lá ven đảo. Những vườn rau xanh tốt, đơm hoa kết trái. Một khung cảnh thanh bình và thơ mộng.

Ở các đảo Trường Sa Đông, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Thuyền Chài… nơi chúng tôi đến cũng đang cùng đất trời vào xuân bừng lên sức sống. Cán bộ, chiến sĩ đều tất bật với phần việc của mình để chuẩn bị đón Tết. Hoa, cây cảnh của đảo cùng hoa, cây cảnh từ đất liền mang ra, cùng đua nhau khoe sắc. Binh nhất Ngô Văn Trường (quê Thanh Hóa) tâm sự: “Năm đầu đón Tết ngoài đảo xa, em nhớ gia đình lắm. Nhưng ở đây có đồng đội, có đầy đủ hương vị ngày Tết cũng vơi đi phần nào. Khi thời khắc giao thừa, giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, chúng em cùng động viên nhau phải đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc lên hàng đầu. Mỗi người lính đảo chúng em luôn coi “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, ăn Tết ở đảo là niềm hạnh phúc thiêng liêng vì được góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đại tá Lê Đình Hải chia sẻ: “Trong những ngày xuân, tại 21 đảo, 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa đều tổ chức nhiều hoạt động để bộ đội, nhất là các chiến sĩ trẻ vơi đi nỗi nhớ nhà. Tết ở Trường Sa bây giờ đầy đủ hơn xưa, ở các điểm đảo đã có sóng điện thoại, tivi giúp cho không khí đón Tết thêm tưng bừng, phấn khởi. Tuy nhiên, vui xuân mới không quên nhiệm vụ. Thời điểm trước, trong và sau Tết, cùng với việc tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đón Tết, chỉ huy các đảo đã yêu cầu cán bộ, chiến sĩ bám sát kế hoạch phòng thủ, tác chiến, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân bị nạn. Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc, đó là mệnh lệnh, cũng là trách nhiệm trái tim mà mỗi người lính đảo hiểu và đặt lên trên hết”.

Một mùa xuân đang về trên mọi miền Tổ quốc, ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, cán bộ chiến sĩ Trường Sa đang “căng mình” đương đầu với nhiều khó khăn, gian khổ. Nhưng niềm vui của họ thực sự trọn vẹn khi biển, đảo yên bình, Nhân dân cả nước đón Tết bình an trong điều kiện bình thường mới./.

Ấm áp Tết ở Trường Sa