Dư vị Tết quê
Tản văn: ĐINH NGỌC HÙNG
Tết Nguyên đán, hay còn gọi Tết ta, Tết âm Lịch, Tết cổ truyền là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là dịp những người đi xa trở về quê đoàn tụ, gặp gỡ anh em, họ hàng, làng xóm. Tết còn là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên, gửi gắm những khởi đầu tốt đẹp, trút bỏ xui xẻo, vận hạn của năm qua. Thiêng liêng là thế, bởi vậy ba ngày Tết dù nhà giàu hay nghèo đều cố gắng cho bàn thờ và mâm cỗ đủ đầy, tươm tất.
Với mỗi người, ký ức Tết đậm nhạt khác nhau song chắc hẳn nó là khoảng thời gian sum vầy hiếm hoi mà trong cõi nhân sinh mỗi người có được. Chẳng thế mà người xa quê, mỗi độ cánh đào chớm nở, trái quất ửng vàng, cái rét ngọt se sắt cùng những giọt mưa lay phay rắc trên đường, cho dù đang bước giữa chốn thị thành hay xứ người hoa lệ cũng sững lại, muốn trút bỏ mọi ham muốn để được trở về xum họp trong cái Tết quê.
Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, những kỷ niệm về Tết gắn liền với miền quê nghèo lam lũ. Có ấm áp, có cả tủi buồn nhưng yêu, nhớ thì vô cùng tận. Đó là thúng thóc nếp mẩy căng được chắt chiu cho nồi bánh chưng, bánh tét cuối năm. Đó là cặp gà giò đỏ au chạy lăng xăng trong vườn đẹp như tranh vẽ, nhìn không chán mắt, mẹ dành dụm cho mâm cỗ Tết. Đó là những buổi tụ tập cùng lũ trẻ trong xóm đánh bi, đánh đáo không bàn chuyện gì khác ngoài chuyện Tết đến gần, hay cảm giác háo hức chờ mong bóc từng tờ lịch. Đó là phiên chợ quê với gạo nếp, đỗ, lạc, lá dong, măng, miến, bòng, cam, táo, quýt… ở chỗ này la liệt lợn, gà, cá nước, chim trời… ở chỗ kia sặc sỡ đồ chơi xuân, quần áo mới, tranh Tết, câu đối cùng mứt, kẹo… mà ngày thường không có. Đứa trẻ ta sau một ngày thỏa thích giữa chốn dân gian, xuống đò về cùng tấm áo mới, con tò he, cây pháo bông cứ tủm tỉm cười, tiếng quang gánh kĩu kịt của bà, của mẹ nghe vui tai không gì sánh được. Nếu sinh ra ở chốn thôn quê hẳn nhớ lắm cái lúc cùng ông dựng cây nêu trước cổng, quét dọn bàn thờ, trang hoàng nhà cửa, bày mâm ngũ quả. Cũng nhớ lắm bữa cơm tất niên ấm cúng, đêm giao thừa cả nhà quây quần ôn chuyện bên bếp lửa luộc bánh đỏ hồng, dấu yêu từng gương mặt người thân. Trên lá non mưa xuân phơi phới, hương bưởi thơm vấn vít ngõ sâu, khắp xóm làng, tiếng lợn, tiếng gà, tiếng trẻ nô đùa như mời gọi xuân mới bước vào nhà.
Còn nhiều lắm ký ức ăn sâu vào máu thịt. Với người này là niềm vui ngày xum họp, hạnh phúc được gặp lại người thân. Với người kia là chuyến trở về trả ân, trả đức, tự tay thắp nén tâm nhang cho ông bà tiên tổ. Với tôi, Tết là hương vị nồi nước lá mùi thơm bà nấu cho cả nhà rửa mặt sáng mùng một với ước mong năm mới thơm tho, an lành, may mắn. Nó ngoài là niềm tin tâm linh còn là sự đùm bọc, yêu thương, chăm chút, chở che của người ruột thịt. Hương vị đó có gì đặc biệt mà luôn đeo đẳng, nâng đỡ cuộc đời đứa cháu mỗi khi vấp váp, đơn côi? Thời gian trôi, người xưa đã khuất, mẹ tôi giờ đã lên bà, lại thay người nấu nồi nước lá thơm cho bầy con cháu. Nhìn luống mùi già, lòng bồi hồi, ước ao những ngày cũ xưa. Nhưng thời gian một đi có khi nào trở lại. Biết là vậy mà vẫn muốn hoài niệm, nhớ nhung. Tiếng trống ngũ liên từ đình làng vọng lại như tiếng của đất trời, của người xưa. Ở góc vườn gà mẹ dẫn bầy con lục cục bới ăn dưới gốc đào có mấy cành hoa vừa khoe sắc. Xuân đã về./.