Rừng biên
PHAN TĨNH XUYÊN
Mưa xối mắt, nắng rát mặt, gió xô rạp những thân cây mảnh mai… Chân bấm thân cây khô hay mò mẫm cạnh phiến đá trơn, tay bíu tảng đá nhọn hay đu chặt cành cây… Đó là những chuyến lội rừng biên Nam Tây Nguyên dọc dài…
Cây thiêng và báu vật
Tây Nguyên là “nóc nhà Đông Dương”, đầu nguồn lưu vực Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Vùng đất lưu giữ văn hóa đặc sắc của 17 sắc dân thiểu số, vùng đất đo nắng đếm mưa điều hòa khí hậu của gần 20 tỉnh, thành. Bọc trọn phía Nam vùng đất ấy là tỉnh Lâm Đồng. Nơi quần cư trên 22% dân số đồng bào K’Ho, Mạ, Chu Ru, S’Tiêng, Ra Glai, M’Nông. Xin hãy đừng nói họ là tác nhân chính phá rừng. Rừng với bà con luôn thiêng, có các vị thần cai quản, thần Rừng, thần Núi, thần Nước… Họ chọn đất trống định cư, rừng mọc lên lại đi nơi khác lập buôn mới. Qua những mùa rẫy lép hạt họ lại trở về, cúng Yàng xin hạ cây nhỏ dựng nhà và chỉ lấy đủ để dùng. Đời nối đời cây rừng chở che, đem mưa thuận gió hòa cho mùa màng no đủ…
Khoảng 30 năm trước, tôi vinh dự được người bạn thân vong niên - cố phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Đức cho chầu rìa buổi đàm đạo với các nhà khoa học khả kính, giáo sư Phạm Đức Dương, người đặt nền móng và xây dựng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và ngành Đông Nam Á học ở Việt Nam; giáo sư Đặng Nghiêm Vạn - một trong những người đặt nền móng xây dựng ngành Dân tộc học ở Việt Nam. Tôi nhớ mãi chất khẳng khái của giáo sư Vạn khi ông nói đại ý rằng, hãy đừng đổ lỗi phá rừng cho cư dân thiểu số, họ là những người có ý thức nhất việc giữ rừng… Nhiều người giữ trọng trách công việc bảo vệ rừng cũng thấm được điều này. Đứng bên cây thông hai lá dẹt một thiên niên kỷ, loài đặc hữu Bidoup - Núi Bà, ông Nguyễn Lương Minh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia này thu hút anh em Việt Nam và Nhật Bản bằng giải thích nhờ quan niệm của người dân về văn hóa tín ngưỡng đa thần mà cây này tồn tại. Nó là cây thiêng, biểu tượng đấng siêu nhiên quyền uy trong cuộc sống. Quả là báu vật thiên nhiên ban tặng cho loài người. Tôi từng được nghe các nhà khoa học cổ khí hậu hàng đầu thế giới đến từ Viện Đại học Columbia, Hoa Kỳ khai thị: Chính những vòng đời của cổ thụ, nhũ đá trong hang động, mùn đất dưới lòng hồ đã giúp họ hiểu được khí hậu của 3.000-5.000 năm trước. Những sử liệu khoa học đã cắt nghĩa về sự sụp đổ của nền văn minh AngKor là do hạn hán kéo dài suốt giữa thế kỷ thứ XIV và XV. Biến đổi khí hậu đã vùi sâu đền đài nguy nga xuống lòng đất… Tôi càng tri ân thành quả giữ rừng của các sắc dân bản địa khi được trò chuyện với họ. Một cộng đồng của ông K’Long ở Phú Hội, một tổ nhận khoán của ông Nưng Sang Thiên ở xã Lát hay một Cill Ha Duy bảo vệ quần thể 500 cây thông đỏ… là dẫn chứng sinh động. Để không áp lực lên tài nguyên rừng cần bắt đầu từ tạo an sinh ổn định cho đồng bào sinh sống trong rừng và cận rừng. Bài toán cần lời giải tối ưu bằng tâm và tầm của các nhà quản trị.
***
Thời điểm đầu thập niên 20 của kỷ nguyên này Lâm Đồng có gần 597 hécta rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 60% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đất có rừng trên 540 hecta với gần 456 hecta rừng tự nhiên và trên 84.000 hecta rừng trồng… Rừng đặc dụng 84.224 hecta, chiếm trên 14%; rừng phòng hộ gần 173.000 hecta, chiếm gần 29%; rừng sản xuất gần 340.00 hecta, chiếm gần 57%. Diện tích rừng và tỷ lệ độ che phủ rừng của Lâm Đồng lớn thứ 2 ở Tây Nguyên là niềm vui khôn xiết. Nhưng Lâm Đồng có rừng giáp ranh 7 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Tổng chiều dài rừng giáp ranh 440km. Khó lắm, rất khó để giữ rừng. Những chuyến lâm trình tôi được tham gia với lực lượng kiểm lâm, những người chủ rừng và các hộ dân nhận khoán mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số chưa bao giờ có ngày cuối…
Rừng mưa…
Rừng Hòn Giao giáp ranh tỉnh Khánh Hòa. So với mực nước biển độ cao từ 1.500 đến gần 2.000 mét. Chuyến đi Hòn Giao, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng Võ Thanh Sơn, Trưởng đoàn. Sắp đến cửa ngõ tỉnh Lâm Đồng, Trạm Kiểm lâm Hòn Giao, anh Sơn điện thoại gọi đồng nghiệp: “Anh cho test covid toàn bộ những người dân nhận khoán cùng đi ngay, tôi sắp đến nơi rồi!”. Ăn ngủ với nhau giữa rừng sâu mà có người dính dịch thì khốn cả đoàn, anh Sơn giải thích với tôi. Đến trạm, giữa mặt bàn, cả 9 kết quả test đều hiển thị một vạch. Có tiếng thở phào. Súng đạn, xoong nồi, gà, rau, tăng võng, đèn pin, dao phát, nước chai… lủng lẳng quanh mỗi người xuất quân. Hòn Giao quanh năm dư mưa thiếu nắng. Nhà trạm thậm chí xấu xí, tường và trần sùi lên, mốc xám, vằn vện và bong từng mảng vì luôn chịu độ ẩm lớn. Những ô kính cửa sổ nham nhở như làn da ngọc ngà của cô gái bị phổng rộp bởi những hạt nước bám vào, nó bị rạch những vạch đứng do sương tụ lại thành dòng chảy. Hơi lạnh trùm kín nhà. Quần áo anh em kiểm lâm vắt ngổn ngang bàn, ghế trong căn phòng đóng kín chả mấy khi khô dù có máy sấy.
Trưởng đoàn Sơn phát lệnh xuất quân. Xuyên rừng trong sương đục. Bám vào nhau qua tiếng cành cây khô mục lắc rắc gãy chắn đường. Dốc lên cao dần. Hà hít để nạp oxy cho buồng phổi, hơi phả ra làn khói như kẻ hút thuốc lào. Khoảng trống là nơi dừng nghỉ thu nạp lại sức. Chưa thành người già nhưng đã đi bằng ba chân. Chiếc gậy là điểm tựa quan trọng lên dốc xuống vực. Đá vỡ toang tuột rào rào. Vắt đất vắt lá dưới thảm lá mục ẩm ướt nó đeo khắp chân, từ lá nó nhảy bám tay và cổ. Tôi mang theo ngoài thuốc Carbomango phòng bệnh đường ruột còn có Remons Anti-Itch, Mentholatum Remos để xua đuổi và trị vết cắn của côn trùng. Những con vắt đu đeo khắp giày ủng rơi xuống khi tôi xịt cho mọi người lẩn nhanh vào lá… Xế trưa. Tấm nhựa trải ra, bánh mì, dưa leo, muối và giò chả đặt lên. Chiếc bánh ỉu xìu móp mép là món ngon giữa đại ngàn. Võ Thanh Sơn quyết định sau bữa ăn không đi theo lối mòn mà cắt rừng. “Phải đi tìm cho được quần thể pơmu nó nằm ở đâu, còn hay mất !”, anh lệnh. Cắt rừng ngược lên rồi băng ngang. Qua gốc pơmu to bị hạ chúng tôi gặp mấy hộp gỗ này. Anh Tiến - Kiểm lâm Lạc Dương cho tôi biết đó là tang vật vi phạm sót lại của nhóm lâm tặc do hai chủ đầu nậu người Kinh ở tỉnh Khánh Hòa phá hơn 10 năm trước. Địa hình hiểm trở kẻ “ăn rừng” không đem ra được, cũng có thể thần Rừng bắt để lại. Mười ba lâm tặc phải chịu “rưng rức nước mắt”, bị truy tố hình sự. Những hộp gỗ nhóm IIA họ Hoàng đàn phủ rêu chỉ lóc nhẹ lớp gỗ vẫn thoảng hương và vân thật đẹp. Kia rồi, những cây pơmu sừng sững. Chỗ này, đầu kia… Khi bàn chân cảm giác như nhún trên thảm lò xo và có tiếng lộp bộp là chỉ dấu có quần thể pơmu hàng trăm tuổi bởi thảm lá mục rất dày trải dài nhờ chằng chịt hệ thống rễ Pơmu giữ lại. Phút chốc mọi mệt nhọc chẳng còn, phải chăng năng lượng từ quần thể gỗ quý truyền sang…
Khoảng trời hẹp lại, nhá nhem hoàng hôn. Anh Sơn quyết định hành quân đến trạm canh rừng của các hộ nhận khoán để nghỉ đêm. Nhưng vì không đi theo lối cũ, hoa tiêu đưa đoàn lạc giữa rừng. Chia ra 3 nhóm, một ngồi lại chờ, hai nhóm vạch rừng tìm đường. Hơn một giờ cả đoàn tập kết được trạm. Mưa nặng hạt. Trạm canh xập xệ. Khẩn trương. Căng bạt nằm, kê đá nấu cơm. Củi khô sũng nước nhóm lửa rất khó khăn. Quạt, thổi, khói um tầng thấp tầng cao… Mấy giờ sau chúng tôi cũng có cơm ăn, xì xụp dưới làn mưa lộp bộp và chảy xối do tấm bạt trũng nặng nước. Bữa cơm chan mưa, hớp khói nhưng là sự thành công của kỹ năng sống. Đêm rừng thật sâu và u tịch. Khỉ tác, chim gọi bạn tình, chiều kích không gian càng huyền bí. Giấc ngủ trằn trọc. Ban mai hào sảng. Thanh âm rì rào từ suối và chim ca làm nên bản nhạc diệu vợi…
Chúng tôi theo hướng Bắc đến vùng “rừng lùn”. Những cây thân nhỏ và thấp dù tuổi trung niên lão niên. Khá nhiều loài lan, rêu phủ dày xanh mướt thân cây, lung linh qua tia nắng xéo. Nhà khoa học đã ghi nhận khoảng 100 loại rêu thuộc các nhóm rêu tản, rêu sừng, rêu thực. Ngắm rêu là liệu pháp thư giãn trí não… Ngã chiều, chúng tôi theo lối tắt xuống suối để men theo dòng chảy ra cửa rừng. Gậy bỏ lại, vận dụng cả tứ chi, chân bám đất mùn trơn hai tay đu cây từng bước xuống vực… Ai đó nói vọng động viên: “Sắp đến nơi rồi!”. Tiếng suối là tín hiệu. Bên vực đá lớn một vài thân gỗ pơmu mắc kẹt. Những thớ gỗ bị bào vẹt, bị xé nát tươm mảnh chốc lên trời cứa vào lòng người trắc ẩn…
Rừng khô, rừng chìm và rừng chảy máu
Gần 21 giờ, Trưởng đoàn Võ Thanh Sơn quyết định hạ sơn. Ôtô xuôi Khánh Vĩnh theo Quốc lộ 27C. Bên đường, người đội đèn pin ngồi xe máy độ vụt qua đầu ôtô. Người phá rừng do thám. Ngôi nhà bên trái, ôtô bật cốp sau chuẩn bị chất gỗ lên. Rừng về xuôi… Tôi còn theo các đoàn truy quét, kiểm tra vùng rừng giáp tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận. Trưởng đoàn anh Phạm Văn Áng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng; anh Võ Danh Tuyên, Chi cục phó Chi cục Kiểm Lâm Lâm Đồng, nay là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; anh Lê Đình Việt, Chi cục phó Kiểm Lâm và nhiều người khác nữa. Mỗi đợt là mỗi ám ảnh bất an.
Hành quân gần 150km với nguyên tắc bí mật tuyệt đối “năm không” (không được biết về địa điểm, thời gian, thành viên đoàn, kế hoạch và chỉ huy) để vòng về tỉnh Bình Thuận. Trong cabin ôtô trinh sát hóa trang, sau thùng xe 12 Kiểm Lâm tuyệt không thò đầu ra khỏi tấm bạt bít kín… Đến cửa rừng, ôtô ì ạch bò qua từng con sông và cánh rừng. Gặp lán thứ nhất của người “ăn rừng” xe đi chậm thăm dò. Vắng lặng, không bóng người. Không khí căng thẳng. Trưởng đoàn Tuyên quyết: Tiếp tục tiến sâu theo đường mòn. Cây chắn quất vào ôtô, anh em vừa mở đường vừa cảnh giới. Có tiếng chó sủa inh ỏi, mọi người nhanh chóng tập kích và khống chế ngay 4 lâm tặc đang trần trùng trục. Xét hỏi nhanh, đoàn tức tốc tiến sâu vào khu vực “sông 7” (cách gọi của lâm tặc, từ bìa rừng vào có 20 con sông, đây là con sông thứ 7). “Gần đây có mùi khói! ”, anh Mai Thanh phát hiện. Mọi người lò dò dìu nhau qua sông rồi tản nhanh thành các mũi bao vây. Không có người chỉ ngổn ngang những hộp gỗ Hương, gỗ Gõ cất giấu trong bụi cây, đống củi khô vẫn âm ỉ lửa…“Rút lui!”, anh Tuyên nói… Bữa ăn tối chóng vánh. Đêm buông nhanh. Lạnh giá hoang vu. Không có sóng điện thoại như ở Trường Sa nơi tôi từng đến... Không gian rừng sâu căng như sợi chỉ có nhiều nút thắt, hiểm nguy rình rập… Hai giờ mười bảy phút, anh Tuyên bật dậy khỏi võng và lệnh: “Anh em chuẩn bị lên đường!”. Súng, gậy, đèn pin cầm tay lặng lẽ nối nhau. Để giữ bí mật vài đèn pin chúi xuống đất. Đêm mộng mị. Có người chao đảo vì va vào những tảng đá to giữa đường tối om. Người trước truyền nhỏ người sau “Tắt đèn… Tắt đèn…”. Mấy anh em đạp vào đá trơn giữa dòng suối xiết chiếc gậy ngắn làm công cụ hỗ trợ văng ra khỏi tay trôi nhanh theo nước… Tiếp cận mép sông, đoàn tóa các hướng bao vây lán lâm tặc. Đèn pin đồng loạt bật loang loáng. “Tất cả nằm im, chỉ bỏ 2 tay ra ngoài võng!”. Mấy tiếng quát trấn áp. Đối tượng lâm tặc bị đánh úp khi còn ngái ngủ không kịp trở tay đã bị khống chế ngay trên võng. Bảo quản các phách gỗ cùng phương tiện, lại khẩn trương vào các lán tận “sông 12”. Vượt sông sâu một mét, lực lượng truy quét tiếp cận các lán nhưng do đối tượng có chó cảnh giới, tiếng sủa đã giúp chúng vùng chạy tán loạn và chống đối. Nhưng kinh nghiệm, sự quả cảm, lực lượng truy quét tiếp tục bắt giữ được những kẻ triệt hạ rừng cùng tang vật gỗ Bằng lăng, Căm xe. Sau gần 3 giờ, cả đoàn dong những kẻ phá rừng cùng tang vật về lán “sông 7”. Phờ phạc, nhưng án đánh thắng, hai phía không ai bị thương tích. Không như mấy năm trước, ở “điểm nóng” rừng YaHoa, cả đoàn truy quét chúng tôi bị rất đông người “ăn rừng” huyện Ninh Sơn bao vây giải cứu bò kéo gỗ khai thác trái phép. Đêm đó, giữa Ngã ba Ngo, nhiều người trong đoàn bị trận mưa đá vùn vụt. Nhiều tiếng súng chỉ thiên nhưng lâm tặc không chùn tay, lưỡi cưa vẫn nghiến vào nhiều thân gỗ. Rừng “chảy máu” trong đêm u tịch…
Những lần sau, chúng tôi vượt các con dông trên mỏm non cao rừng giáp tỉnh Bình Thuận. Đầu năm 2022, lại test Covid-19 trước khi vào rừng. Hành quân xuyên thấu tới xã Phan Tiến, huyện Bắc Bình theo đề nghị của anh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH lâm nghiệp Di Linh là đến tận xã này nhằm thị uy. Trước đó, khoảng 20 người dân trong xã đã tấn công lực lượng Công ty để giành lại phương tiện vi phạm. Vụ việc được tố giác đến cơ quan chức năng. Nỗi lo của chủ rừng luôn hiện hữu…
Rừng chìm… Năm ngày chúng tôi có mặt khám nghiệm hiện trường vụ án phá rừng nghiêm trọng ở xã Lộc Bắc giáp ranh tỉnh Đắk Nông. Khi công trình Thủy điện Đồng Nai 5 hoàn thành tích nước, rừng chìm sâu dưới hàng chục mét nước. Hàng chục khối gỗ lâm tặc đẩy xuống lòng sông để vận chuyển ra bãi tập kết. Vụ án nổi cộm này do Bộ Công an mai phục bắt quả tang. Mức độ thiệt hại rừng bị khai thác nhiều năm lên đến hàng ngàn mét khối gỗ. Riêng 5 ngày khám nghiệm ghi nhận hơn 300 mét khối gỗ nhóm III và IV bị cưa hạ. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phải bút phê xử lý nghiêm. Lần lượt 11 nghi can bị khởi tố, chủ mưu Lê Hồng Hà (biệt danh Hà đen) bị bắt sau 42 ngày phát lệnh truy nã toàn quốc. Rừng Lộc Bắc tang thương, rúng động cả nước…
Báo cáo của tỉnh Lâm Đồng đầu năm 2022 cho biết, từ 2017 đến 2021, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý và lập hồ sơ 3.840 vụ vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại 291 hecta; khối lượng lâm sản thiệt hại do phá rừng 15.774 mét khối. Những con số thật buồn không tả nổi. Năm 2022, ba tiêu chí về phá rừng giảm là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị. Nhưng với rừng giáp ranh các tỉnh vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Tỷ lệ độ che phủ rừng đã đạt 55%. Mục tiêu phấn đấu của Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 giảm từ 20%/ năm trở lên về số vụ vi phạm, diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị thiệt hại; giữ độ che phủ rừng 55% trở lên. Đến năm 2030, tỷ lệ này đạt từ 56% trở lên. Năm năm chỉ tăng một phần trăm thôi. Khó thế đấy!
Để giữ được Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang với trên 275.000 hecta và Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà luôn gian nan. Cầu nơi đây mãi giàu đa dạng sinh học nhất khu vực. Những quần thể pơmu của cụ pơmu 1.300 tuổi hay quần thể thông hai lá dẹt đặc hữu vẫn được chở che. Quần thể trà mi Krempf mãi vẫn đúng kỳ nở hoa để khẳng định sau 111 năm người Pháp phát hiện chưa tuyệt chủng… Mãi xanh tươi lan thanh thiên quỳ pubilabia, lan khúc thần sagittate… những thực vật dễ bị tổn thương, dễ bị tuyệt chủng do mất sinh cảnh và biến đổi khí hậu. Đại ngàn mãi là ngôi nhà yên ấm cho hàng trăm loài động vật, chim hoàng hạc, sẻ thông họng vàng, khướu đầu đen má xám… mãi vui hót với trời xanh; những cá thể vượn đen má vàng, nhím bạch tạng cầy vằn, gấu chó, mang lớn,… mải mê tìm trái ngọt mầm xanh. Dường như mỗi ngày đi qua, hàng trăm mắt lá thao thức. Rừng vùng biên vẫn thức…/.