“Bộ đội Cụ Hồ” bộ đội của dân
Bút ký: NGUYỄN CHÍ LONG
Hình ảnh và tên gọi anh “Bộ đội Cụ Hồ” là một nét rất độc đáo trong văn hóa Việt Nam và trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc ta. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh đầu tiên của các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam đã nói “Hiếm có nước nào trên thế giới mà Nhân dân lấy tên của lãnh tụ đặt cho quân đội nước mình như ở Việt Nam. Đây là một tình cảm lớn, thiết tha, một sự yêu thương, tin tưởng của Nhân dân ta dành cho quân đội của mình, mà cách thể hiện cũng rất Việt Nam”. Anh Bộ đội Cụ Hồ là tên gọi, là danh hiệu mà Nhân dân ta đặt cho quân đội, dành cho các chiến sĩ quân đội Nhân dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại rằng: Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc trong chiến khu Việt Bắc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang cách mạng là “Bộ đội Ông Ké” hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình mà nhiều người lúc đó chưa biết tên Bác. Sau đó khi biết tên Người là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam mới, mọi người đã gọi “Bộ đội Ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ”. Tên gọi yêu quý ấy xuất hiện từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và cho đến ngày nay.
Cùng với lực lượng vũ trang cách mạng cả nước, lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng cũng được hình thành từ rất sớm. Và hơn ba phần tư thế kỷ qua đã liên tục lập được những chiến công vang dội trong xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; thực sự là lực lượng nòng cốt của Nhân dân các dân tộc Lâm Đồng đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ giải phóng quê hương Lâm Đồng, xây dựng và bảo vệ thành quả của cách mạng. Đúng vào dịp kỷ niệm 59 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22-12-2003), quân và dân Lâm Đồng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Lực lượng vũ trang Lâm Đồng thật xứng đáng với truyền thống anh hùng, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
Thiếu tướng Phạm Văn Kha, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên Tư lệnh phó Bộ Tư lệnh Quân khu 6, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng cho chúng tôi biết: Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng đã khẩn trương xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng. Mặt trận Việt Minh hai tỉnh đã kêu gọi các tầng lớp Nhân dân vận động nam nữ thanh niên và công nhân gia nhập bộ đội, du kích và tự vệ chiến đấu. Chỉ trong một thời gian ngắn ta đã thành lập được 3 Đại đội Vệ quốc quân, 15 trung đội du kích và tự vệ. Đến năm 1950 nhiều đội vũ trang tuyên truyền, đội cảm tử được thành lập, lực lượng du kích, tự vệ được tổ chức rộng khắp ở các huyện và thị xã Đà Lạt.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, được Nhân dân đùm bọc giúp đỡ, các lực lượng vũ trang Lâm Đồng đã lập nhiều chiến công. Tiêu biểu như trận phục kích cuộc hành quân của gần 300 lính Nhật ở đèo Bảo Lộc ngày 9 và 10 tháng 11-1945, diệt và làm bị thương gần 30 tên, phá hủy 1 xe quân sự. Trận tập kích diệt đồn Lút Xe (Bảo Lộc), diệt gọn 1 trung đội địch. Các hoạt động diệt ác trừ gian của đội cảm tử Phan Như Thạch đã làm cho giặc Pháp thất vía kinh hoàng, tiêu biểu là trận đột nhập biệt thự Hoa Hồng diệt tên mật thám Phó thanh tra Pháp ở Nam Đông Dương đầu năm 1951. Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, lực lượng vũ trang Lâm Đồng đã phối hợp với bộ đội chủ lực Nam Trung Bộ tiêu diệt hàng loạt đồn bốt địch, giải phóng hơn 2 vạn dân, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (1959), các lực lượng vũ trang ở Lâm Đồng đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Từ một số đơn vị vũ trang ban đầu đến 1968-1969 đã có 2 tiểu đoàn, 6 đại đội gồm cả bộ binh, đặc công, công binh và pháo binh. Các huyện đều có từ 1 đến 3 đại đội, Đà Lạt có 4 đội biệt động, toàn tỉnh có hàng nghìn du kích chiến đấu.
Cuối năm 1962, địch tiến hành chiến dịch “An Lạc” hành quân càn quét và lập cứ điểm Đầm Ròn với hơn 1 trung đoàn địch. Đêm 5-12-1962, lực lượng vũ trang của tỉnh cùng bộ đội chủ lực Quân khu 6 tập kích cứ điểm Đầm Ròn diệt hơn 300 tên địch, phá hủy 2 khẩu pháo, thu nhiều súng đạn. Đây là trận đánh lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang Khu 6, đánh bại chiến dịch hành quân càn quét lớn của địch. Mùa hè năm 1965, lực lượng vũ trang Lâm Đồng gồm 1 tiểu đoàn, 3 đại đội, 4 trung đội được tăng cường Tiểu đoàn 186 của Quân khu 6 đã tiến hành chiến dịch tổng hợp “Mở mảng, mở vùng, giành dân”. Từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 7 ta đã chiến đấu liên tục, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 800 tên địch, thu trên 600 súng các loại, giải phóng gần 3 vạn dân, mở ra vùng giải phóng rộng lớn từ Tây bắc Di Linh đến Tây Bắc Bảo Lộc, từ Nam Bảo Lộc đến Phương Lâm (Đồng Nai), uy hiếp mạnh giao thông và nhiều mục tiêu quan trọng của địch từ Mađagui đến Di Linh.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Lâm Đồng đã huy động toàn bộ lực lượng mở 2 đợt tiến công vào Đà Lạt. Đặc biệt trong đợt 1 từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 ta đã tiến công hầu hết các mục tiêu của địch, làm chủ và trụ lại trong thành phố 12 ngày đêm, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch. Đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị và tấn công binh vận làm giã ngũ hàng ngàn tên địch. Cuối tháng 5-1970 quân dân Lâm Đồng đã phối hợp với Tiểu đoàn 200C đặc công, Quân khu 6 tiến hành tổng công kích vào Đà Lạt (gọi là TK70). Hơn 2 ngày đêm chiến đấu vô cùng quyết liệt ta đã tiến công vào 23 mục tiêu, loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.000 tên địch, phá hủy 17 xe quân sự và 7 khẩu pháo 105 ly. Đây là cuộc tiến công có quy mô lớn vào thành phố gây được tiếng vang trên chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Cuộc tổng công kích TK70 vào Đà Lạt đã được Báo Tin tức Chủ nhật của Mỹ viết: “Cuộc tấn công của du kích Việt Cộng vào Đà Lạt là hoạt động quân sự to lớn nhất của họ kể từ sau cuộc tấn công của Cộng sản đầu năm 1968…”. Cũng dịp này, ngày 7-7-1970, đồng chí K’Vét, du kích buôn B’Tạch, Xã 1 (nay là xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm) đã bắn rơi chiếc máy bay lên thẳng HU1A, tiêu diệt tên Trung tướng KiSi, Tư lệnh Sư đoàn kỵ binh số 1 của Mỹ và 6 tên sĩ quan Mỹ đi trên chiếc máy bay này.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vũ trang Lâm Đồng liên lục tiến công tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, thực sự là chỗ dựa cho các tầng lớp Nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chính trị, giành quyền làm chủ, nhất là vùng rừng núi và nông thôn. Vừa đánh địch vừa tiến hành tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng tham gia kháng chiến, xây dựng phát triển thực lực cách mạng. Quá trình chiến đấu và công tác, dù đứng chân ở đâu, vùng đồng bằng cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng vũ trang tỉnh luôn chấp hành tốt chính sách dân vận, dân tộc của Đảng, được Nhân dân tin yêu đùm bọc tạo thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ chiến đấu và chiến thắng quân thù.
Mùa xuân 1975, được sự chi viện của cấp trên, quân dân Lâm Đồng đã chớp thời cơ nổi dậy tấn công giải phóng thị xã B’Lao ngày 28-3 và giải phóng thành phố Đà Lạt ngày 3-4-1975, góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Biết bao tấm gương chiến đấu hy sinh của cán bộ, chiến sĩ các Tiểu đoàn 840, 186, 200C, Đại đội pháo binh Lê Thị Pha và nhiều đơn vị vũ trang khác của tỉnh đã xây đắp nên truyền thống anh hùng của quân và dân Lâm Đồng. Tiêu biểu là các Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Tấn Định, Trần Văn Côi, Lê Thị Pha, Lại Hùng Cường, K’Đen, Nguyễn Trọng Nghĩa, Đoàn Đức Ngọc, Nguyễn Văn Trúc, Nguyễn Đình Quân… Và những người anh hùng chỉ huy bộ đội đặc công lập lên những chiến công lừng danh trên đất Lâm Đồng như Đại tá Nguyễn Văn Sơn (ông đã từ trần), Trung tá Ngô Xuân Đệ hiện đang sinh sống tại huyện Đức Trọng… làm ngời sáng thêm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” Bộ đội của dân của các chiến sĩ Lực lượng vũ trang Nhân dân Lâm Đồng.
Trong ngày vui gặp mặt truyền thống của Quân đội và của Lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Lâm Đồng (22 tháng 12), chúng tôi đã tới dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt, tưởng nhớ gần bốn ngàn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh đang yên nghỉ nơi đây. Tổ quốc và Nhân dân mãi mãi nhớ thương và ghi công các liệt sĩ. Tuổi thanh xuân của các anh, các chị sẽ trẻ mãi với Nhân dân và Tổ quốc!/.