Câu chuyện tấm lòng…
THÀNH NAM
Với tình yêu hoa nồng nàn để rồi từ một cô giáo dạy mầm non, chị đã trở thành chủ một cơ sở chuyên làm hoa đất sét nổi tiếng cả nước. Điều khác thường đằng sau những cành hoa được làm bằng đất sét ấy là cả một câu chuyện đẹp đến nao lòng ít ai ngờ đến. Đó chính là câu chuyện cảm động về tình người, tình đời, câu chuyện được dệt nên bởi một tấm lòng đầy nhân ái và bao dung.
Nghỉ dạy học để... làm hoa đất
Quen biết chị đã lâu nhưng đến khi thăm và tìm hiểu showroom hoa đất sét tại đường Ngô Quyền, Phường 6, thành phố Đà Lạt; bản thân tôi mới thấy cảm phục về tình yêu hoa, tấm lòng đầy trắc ẩn với những phận đời kém may mắn của người phụ nữ đi qua gần 50 mùa trăng trên phố núi ngàn hoa - Huỳnh Thị Hoàng Vân.
Đà Lạt những ngày tháng tám, cơn mưa rào không hẹn trước đến rồi đi bất chợt. Dẫn chúng tôi đi một vòng tìm hiểu về những chậu hoa đất sét, chị Vân dừng lại tại một sản phẩm đặc biệt - chậu hoa đất sét đầu tay khi chị mới vào nghề. Mối lương duyên của chị Hoàng Vân với hoa đất sét đã được người phụ nữ này nhớ lại bằng những ký ức lắp ghép: Cách đây hơn 10 năm về trước, mình là giáo viên của một trường mầm non tại thành phố hoa Đà Lạt. Từ những ký ức vụn vỡ của những ngày theo ba, mẹ đi trồng hoa thời niên thiếu, vì tình yêu hoa mà chị “rẽ” đời mình theo một hướng đi khác. “Đà Lạt là thành phố hoa nhưng những loài hoa yêu thích của từng người thì không phải mùa nào cũng có, hơn nữa du khách mua hoa tươi từ Đà Lạt mang về nhà cắm thì cũng chỉ được 3 đến 5 ngày là tàn, tại sao mình không làm hoa từ đất để trưng được lâu hơn?. Với những trăn trở ấy, mình quyết định học làm hoa đất sét”. Nói đi đôi với làm, chị Hoàng Vân đã xuống thành phố Hồ Chí Minh học nghề làm hoa đất. Chỉ 20 ngày, chị đã học được tất cả các kỹ thuật về làm hoa từ đất sét. Trở về Đà Lạt, với kiến thức học được, chị tự làm hoa đất để thỏa mãn đam mê của mình. Với ý chí, niềm đam mê sẵn có nên dù việc làm hoa đất sét phải trải qua nhiều công đoạn như: Nhồi đất, phối màu, làm cành, tạo tán... nhưng chị Vân đã làm một cách thuần thục và nhuần nhuyễn. “Làm hoa đất thì việc phối màu quyết định 70% độ nét và tính thẩm mĩ của sản phẩm, nếu pha màu không chính xác coi như sản phẩm đó phải bỏ vì không đạt yêu cầu”. Lúc đầu mới triển khai, chị Vân chỉ làm được những cành hoa đơn, tiếp đến là những chậu hoa nhỏ và vừa. Cứ như thế, sản phẩm hoa đất sét được định hình và hoàn thiện về màu sắc, thẩm mĩ. Những cành hoa đất đầu tay của chị Hoàng Vân chỉ là những đơn đặt hàng nhỏ lẻ, tiếp đến là những sản phẩm chào hàng trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Cơ sở Hoa đất sét Đà Lạt cung cấp cho thị trường khoảng 300 đến 400 cành và chậu hoa đất.
Tình người… nở hoa.
Du khách đến với Cơ sở Hoa đất Đà Lạt của chị Huỳnh Hoàng Vân sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những loài hoa được làm từ đất sét. Tuy nhiên, đằng sau những sản phẩm cầu kỳ, ấn tượng ấy là những phận đời, phận người làm ta cảm động. Trong số những phận người ấy, có lẽ thương tâm nhất vẫn là đứa trẻ 15 tuổi với cái tên Ngô Minh Khuyên đến từ cố đô Huế. Ngày đó, Khuyên là cô gái khiếm thính, mồ côi cha và chẳng có một con chữ lận lưng. Với tuổi thơ “méo mó” và tật nguyền về thể xác lẫn tâm hồn, Khuyên được người quen giới thiệu đến học nghề làm hoa đất sét tại Cơ sở Hoa đất Đà Lạt. Trong lúc đang rất cần công việc để nuôi sống bản thân thì chị Hoàng Vân đã đồng ý nhận Khuyên để đào tạo và truyền nghề. Đối với chị Vân, đây là một “quyết định để đời”: “Vẫn biết là rất khó khăn khi nhận một học trò bị khiếm thính và mù chữ để dạy nghề nhưng nếu mình không nhận thì cuộc đời Khuyên không biết đi về đâu. Mình muốn mang đến cho Khuyên một cơ hội để khẳng định mình.Tạo cho Khuyên có một công việc để nuôi sống bản thân”. Vậy là chị Vân đã tạo một cơ hội việc làm cho cô bé khuyết tật Minh Khuyên. Sau hơn 3 tháng học nghề, Khuyên đã trở thành một công nhân làm hoa đất sét khéo tay của Cơ sở Hoa đất Đà Lạt. Đặc biệt hơn, trong những ngày học làm hoa đất, Khuyên đã được các bạn đồng lứa tại cơ sở hoa đất dạy học chữ. Đến nay, con chữ không còn là trở ngại đối với Khuyên nữa mà em đã biết đọc, biết viết một cách thành thạo.
Đồng hành với chị Vân để tạo ra những sản phẩm hoa đất sét ấy là 7 người phụ nữ khuyết tật đến từ các tỉnh, thành khác nhau. Mỗi người mỗi số phận, có người bị liệt chân, có người khiếm thính, người thì mồ côi cha mẹ… Chính những khiếm khuyết về cơ thể đã làm cho những người khuyết tật tự ti, mặc cảm, khó hòa nhập với cộng đồng. Chị Trần Thị Hòa đến từ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là một điển hình. Bị liệt đôi chân, đi lại nhờ đôi nạng gỗ; trước đây, việc tìm được một nghề nuôi sống bản thân đối với chị Hòa là rất khó khăn. Tuy nhiên, khi được nhận vào học nghề ở Cơ sở Hoa đất Đà Lạt, chị Hòa đã tìm được niềm tin trong cuộc sống qua công việc của mình: “Ngày trước, em đã đi đan, móc len nhưng công việc không phù hợp. Khi vào đây học nghề, em được chị Vân dạy miễn phí, giờ em đã có một công việc ổn định có thể nuôi sống bản thân". Chị Hòa trải lòng mình với một cảm xúc rất thật.
Trong số 7 người khuyết tật đang làm hoa đất sét tại cơ sở của chị Hoàng Vân thì đã có gần một nửa là người khiếm thính. Việc dạy nghề cho họ gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là những em chưa biết chữ. “Dạy nghề cho người khiếm thính, mù chữ thì buộc mình phải chú ý đến động tác, cử chỉ và sắc thái của họ để biết họ muốn nói điều gì qua cử chỉ đó. Lúc đầu thì khó lắm nhưng với mục đích là giúp đỡ người khuyết tật nên phải cố gắng. Bây giờ thì mình đã thành công trong việc đào tạo nghề cho họ”. Chị Vân nói về việc truyền nghề làm hoa đất cho những “học trò đặc biệt” của mình như thế. Hiện nay với mức lương bình quân là 4,5 triệu đồng/ tháng/ người, những cô gái khuyết tật ở Cơ sở Hoa đất Đà Lạt đã có một công việc phù hợp và tự nuôi sống được bản thân mình. Hiện sản phẩm hoa đất của Cơ sở Hoa đất Đà Lạt đã có mặt không chỉ ở thị trường nội địa như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… mà còn vươn ra thị trường quốc tế như Thái Lan, Hồng Kông, Mỹ…
Mãi nghe chị Vân kể chuyện, tôi không biết ngoài kia hoàng hôn xuống từ khi nào. Câu chuyện về những người phụ nữ khuyết tật gắn đời mình với nghề làm hoa đất cứ thế làm cho tôi miên man cảm xúc. Ngôi nhà của chị Hoàng Vân đang ở, nơi được làm showroom cũng là nơi ăn ở, sinh sống miễn phí cho những đứa trẻ, những con người khiếm khuyết về thể chất, ngoại hình. Điều mà chị Hoàng Vân hướng đến là đẩy lùi những tự ti, mặc cảm ở người khuyết tật, ươm mầm những niềm tin, khát vọng sống trong tâm hồn họ, giúp cho họ hòa nhập với cộng đồng.
Hoa đất nở giữa… trời Tây
Không chỉ truyền nghề cho những người khuyết tật, bằng tình yêu và sự đam mê, chị Huỳnh Thị Hoàng Vân đã chuyển giao kỹ thuật làm hoa đất sét cho nhiều phụ nữ trong và ngoài nước, trong đó có những Việt kiều định cư ở nước ngoài. Một trong những học trò tiêu biểu của chị Hoàng Vân là cô gái Khả Nhi Kiana hiện đang sống và làm việc tại Mỹ - người có một niềm đam mê rất lớn từ những cành hoa được làm bằng đất sét.
Xin bắt đầu câu chuyện này bằng một ngày đẹp trời tại thành phố Dallas thuộc bang Texas - Hoa Kỳ. Ngày đó bằng sự nỗ lực của bản thân, sự đồng hành của người thân và gia đình, cô gái người Mỹ gốc Việt với cái tên Khả Nhi Kiana đã khai trương showroom hoa đất sét với tên gọi rất Tây Magnolia Clay Art ( Hoa đất sét Mộc Lan). Trong không gian không mấy rộng nhưng bằng cách sắp xếp khoa học, một showroom hoa đất sét được bố trí bài bản và bắt mắt. Để có được một showroom như ngày hôm nay, cô gái 27 tuổi Khả Nhi đã về Việt Nam, đi đến rất nhiều tỉnh thành để tìm hiểu về nghề làm hoa đất. Năm 2016, Khả Nhi chọn Cơ sở Hoa đất sét Đà Lạt của chị Huỳnh Thị Hoàng Vân để học nghề. “Học làm hoa đất sét tại cơ sở của chị Vân là em muốn tiếp thu những kỹ năng, kỹ thuật, sự tinh tế trong việc tạo cành, phối màu, sự đồng bộ trong việc tạo nên một sản phẩm. Đặc biệt, em học cách sống vì người khác vì thông qua nghề hoa đất, chị Vân đã giúp đỡ cho nhiều người khuyết tật có việc làm ổn định, khẳng định được bản thân mình”.
Với năng khiếu vốn có, chỉ trong 3 tháng chuyên cần, từ cách phối màu, nhồi đất đến việc tạo cành, hoa, lá… đã được Khả Nhi lĩnh hội đầy đủ từ người thầy của mình - chị Hoàng Vân. Còn đối với Cơ sở Hoa đất Đà Lạt, Khả Nhi là trường hợp đặc biệt đến xin học nghề làm hoa. “Từ một đất nước xa xôi, đang là một giám đốc điều hành của một khách sạn tại Mỹ nhưng Khả Nhi đã nghỉ việc để học làm hoa đất. Tiếp nhận một học viên như vậy thì mình cũng phải truyền nghề tận tình, dạy những nét đặc sắc để giúp Nhi tiếp thu một cách đầy đủ về nghề này”. Chị Hoàng Vân trải lòng.
Từ những kiến thức học được, trở lại Mỹ, Khả Nhi đã tự tin với nghề làm hoa đất sét. Sản phẩm ban đầu là những cành hoa hồng, hoa ly, những cành hoa sen rồi tiếp đến là những đóa hoa mẫu đơn, những chậu hoa mai cầu kỳ… Cứ như thế, sản phẩm hoa đất của Magnolia Clay Art ngày càng được hoàn thiện. Tùy vào độ khó và cầu kỳ của sản phẩm mà mỗi chậu hoa đất sét có giá khác nhau, loại thấp nhất là 4 đô la, cao nhất lên tới gần 1.000 đô la. Hiện nay sản phẩm từ đất sét của Magnolia Clay Art không chỉ dừng lại ở mặt hàng hoa mà còn là những con vật ngộ nghĩnh gắn vào móc khóa. Với sản phẩm làm từ đất sét, Khả Nhi đã phần nào khẳng định được sự khéo léo của người phụ nữ Việt Nam đến với nước Mỹ: “Người phụ nữ Việt Nam dù ở bất cứ nơi nào, nếu đã có sự đam mê và khát vọng thì sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Mở showroom làm hoa là em muốn khẳng định, quảng bá nét văn hóa, tài năng của người phụ nữ Việt Nam trên đất Mỹ”.
Dù mới đi vào hoạt động nhưng showroom hoa đất sét Magnolia Clay Art đã được khách hàng đón nhận. Thị trường hoa đất của Khả Nhi không chỉ dừng lại tại Mỹ mà còn đến với những khách hàng khó tính từ Canada. Đặc biệt, Mỹ là một thị trường phẳng, nhiều người dân mua bán hàng hóa online do đó khi thấy một sản phẩm hoa được làm bằng tay thì khách hàng đã thực sự thích thú. Ông Christopher ngạc nhiên khi đến với Magnolia Clay Art: “Tôi không thể tin nổi tất cả các loại hoa này đều làm từ đất sét. Hoa nhìn như thật vậy. Phụ nữ Việt Nam thật khéo tay và tinh tế, sự cần cù, chịu khó được thể hiện một cách đầy đủ từ sản phẩm hoa đất này”.
Như vậy bằng tình yêu hoa, yêu Đà Lạt, những người phụ nữ như chị Hoàng Vân và Khả Nhi đã đưa nghề hoa đất sét Đà Lạt vượt ra ngoài không gian nhỏ hẹp, đến với vùng đất mới. Thông qua bàn tay khéo léo của họ, hoa đất Đà Lạt đã “bén duyên” trên đất Mỹ qua đó góp phần giới thiệu nét nghệ thuật, tinh tế của người Đà Lạt nói riêng và Việt Nam đến với bè bạn quốc tế.
Ngày chưa trôi về phía cũ, chút nắng hoang hoải như dỗi hờn đang còn len lỏi về phía chân đồi. Trong ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa triền dốc hun hút, những mảnh đời, phận người kém may mắn đang miệt mài với công việc làm hoa đất với sự chỉ dẫn nhiệt tình của chị Hoàng Vân. Trong ngôi nhà ấy, thứ tình cảm chưa bao giờ nguội lạnh có lẽ là tình thương của chị dành cho những người khuyết tật. Nơi đây, dù cuộc sống còn những khốn khó, những tiện nghi chưa mấy đủ đầy nhưng tình cảm mà họ dành cho nhau đã vượt qua sự tử tế bình thường. Thứ kết nối duy nhất giữa họ chính là tình người. Câu chuyện của chị Vân và những người khuyết tật đã làm cho người đọc, người nghe chạm vào miền cảm xúc với bao dư âm và hoài niệm vì đó là câu chuyện cảm động - câu chuyện về một tấm lòng./.