Giấc mơ trên chuyến xe cuối năm

TAP CHÍ LANGBIAN|4/7/2021 4:03:56 PM

Giấc mơ trên chuyến xe cuối năm

                                                                HOÀNG NGUYÊN

 

Đậu tú tài toàn phần xong, tôi giã từ đồng quê và giã từ những con phố quen thuộc, thân thiết của thị xã Tuy Hòa nhỏ bé lên đường vào đại học.

Quê tôi có cánh đồng rộng mênh mông với những mùa lúa chín vàng chạy tít tắp đến tận chân trời. Lúc học trò nghỉ hè cũng là lúc lúa đã được gặt xong, cánh đồng như rộng hơn, xa hơn; bầu trời như xanh hơn, cao hơn và nắng hạ như ươm vàng trên những đám ruộng trơ gốc rạ. Cao vút giữa không trung đôi cánh chim chiền chiện chấp chới  trong nắng lửa trưa hè, tiếng hót véo von, réo rắt như từ đỉnh trời vọng xuống lẫn vào hoa nắng xa xa. Đám trẻ chúng tôi thường thả bò tự do trên đồng rồi rủ nhau đi bắt cá, bắn chim hay chia phe nhau đánh trận giả và bày ra bao nhiêu trò chơi suốt những ngày hè đùa vui thỏa thích; với đầu trần chân đất, đứa nào cũng đen nhẻm nhưng đứa nào cũng khỏe khoắn, chắc nịch. Những kỷ niệm đồng quê đã theo tôi đi vào giấc mơ trong những năm tháng xa nhà, trong đó luôn có hình bóng mẹ tôi, người phụ nữ đẹp, nhân hậu cả đời lăn lội trong nắng hạ, mưa đông, trên ruộng cạn dưới đồng sâu làm lụng quên mình nuôi dạy con khôn lớn thay chồng đang chinh chiến miền xa.

 Sau những ngày hè, đám học sinh từ những vùng quê lần lượt kéo về thị xã tựu trường. Hồi đó, Tuy Hòa là một thị xã nhỏ mà duyên dáng đáng yêu với hai hàng phượng vĩ lâu năm dọc đường Trần Hưng Đạo. Những cây phương vĩ gốc to, đen sù sì gân guốc mạnh mẽ, nhiều thân cây hình dáng đẹp tỏa tán nghiêng ra đường như những cây bon-sai cao lớn rợp bóng, che mát cả một đoạn đường dài. Cứ mỗi độ hè về hoa phượng nở đỏ rực bầu trời làm xao xuyến những trái tim tuổi học trò, họ thường khe khẽ hát “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn...” và những trang lưu bút viết cho nhau thường ép vào đó một cánh hoa phượng đỏ. Những hàng dương trên đường Nguyễn Huệ, những con đường dọc bãi biển và những đám dương liễu gió thổi vi vút nơi sân trường nhiều kỷ niệm. Đẹp và thích nhất là rừng dương bên bờ biển phía Đông Bắc Tuy Hòa, bạt ngàn mênh mông. Người lớn thì nói đó là rừng chống bão, chống cát bay và chống biển xâm thực, còn bọn học trò chúng tôi thì xem đó là nơi để đi cắm trại trong những ngày lễ, ngày nghỉ, nơi tổ chức những hoạt động vui chơi như truy tìm mật thư, kho báu, hay đánh trận giả… rất thú vị.

Từng con đường, góc phố, các quán giải khát của thị xã thân quen với nhiều kỷ niệm buồn vui suốt những năm trung học đã trở thành ký ức cùng tôi đi mãi theo những bước chân bôn ba trên khắp nẻo đường. Và ẩn dấu đâu đó hình bóng người con gái đã làm trái tim tôi lỗi nhịp, xôn xao đầu đời. Em đẹp mảnh mai, duyên dáng, thùy mị chân chất của con gái miền quê. Em hoạt bát, vui tính mang dáng dấp của con người phố thị. Ngày tôi đi có mẹ và em tiễn chân ra đến bến xe. Hai người phụ nữ tôi yêu thương nhất đời cùng với những kỷ niệm đồng quê, kỷ niệm thời học trò phổ thông trên phố nhỏ đã ôm trọn trái tim tôi lần đầu xa xứ. Tôi bước lên xe, mẹ tôi rớm rớm nước mắt vì sắp phải a con, em vòng tay ôm ngang lưng mẹ cho bà một chút ấm lòng những ngày tôi xa vắng. Mắt em buồn xa xăm. Lòng tôi chùng xuống, chân tôi như đang bị níu lại.

Trước năm 1975 ở miền Nam chỉ có 4 tỉnh có trường đại học đó là Sài Gòn, Huế, Cần thơ và Đà Lạt. Tôi chọn Đà Lạt nơi có cảnh quan  nổi tiếng đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành và con người hiền hòa, mến khách. Ngày đó không có xe khách Từ Tuy Hòa đi Đà Lạt, xe dừng bến ở Nha Trang, tôi mua vé rồi ngủ lại quán trọ ở bến xe, sáng hôm sau lên chiếc xe 8 chỗ của hang Minh Tâm chạy đường Nha Trang - Đà Lạt. Mất gần cả  ngày chiếc xe lạng lách, bò qua trùng trùng ổ gà ổ voi của con đường Phan Rang thời chiến tranh. Chiếc xe leo đèo Sông Pha, con đường hẹp, cheo leo với hàng trăm khúc cua nguy hiểm, rải rác đây đó những chiếc xe dân sự, xe nhà binh rớt xuống vực tự khi nào nằm trơ khung trong mưa nắng vùng cao. Xe ngày ấy không có máy lạnh, khách trên xe ướt đẫm mồ hôi. Bỗng không khí mát lạnh tràn vào cửa sổ, bác tài vui tính bảo “chúng ta đã đến xứ bồng lai tiên cảnh rồi, ở đó có nhiều cảnh đẹp, có khí trời mát mẻ và có những nàng tiên luôn ửng hồng đôi má”.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, đường sá bị phá hỏng, cày xới và bị cắt đứt nhiều nơi. Lớp trẻ chúng tôi không đứng ngoài cuộc chiến nên mỗi độ xuân về Tết đến, lòng nhớ nhà quay quắt, nhớ đồng quê, nhớ những con phố thân quen, nhớ mẹ thắt lòng và nhớ em xao xuyến; nhiều đêm thao thức, nhưng không về thăm được. Cứ thế thời gian trôi đi nhiều năm, có những đêm trong giấc mơ tôi gặp mẹ tôi già nua héo hắt, mẹ khóc vì nhớ con. Tôi gặp lại em, em không nói lời nào, mắt em buồn vời vợi.

Tiếng phanh rít dài, chiếc xe đò chồm lên rồi dừng lại hẳn, anh lơ xe thông báo xe đã đến bến mời hành khách xuống xe. Tôi choàng tỉnh, nước mắt chảy dài hai bên má. Bên ngoài màn đêm đã xuống tự bao giờ. Bến xe bên cạnh chợ, đêm cuối năm vắng vẻ  lạ thường, có lẽ giờ này mọi người đang tận hưởng không khí đầm ấm bên gia đình, canh nồi bánh chưng, bánh tét, chăm chút cành mai vàng, trang trí phòng khách hoặc sắp xếp bàn thờ gia tiên chuẩn bị đón giao thừa... Năm ấy có một cái Tết hưu chiến giữa mùa chiến tranh, đội công tác sinh viên học sinh nội thành Đà Lạt sắp xếp chia nhau về quê thăm nhà.  Chuyến xe cuối năm đã chở giấc mơ của tôi trở về với những kỷ niệm ngày xưa chắp nối nhưng trọn vẹn và đầy ắp yêu thương. 

Tôi xách va li bước xuống xe, đêm phố nhỏ Tuy Hòa mát dịu, lòng tôi khấp khởi, nôn nao…/.  

 

 

 

 

Giấc mơ trên chuyến xe cuối năm