“Hoa rừng” Đưng K’Nớ
Bút ký: MA NHUNG
Vào những ngày cuối thu, hoa dã quỳ đua nhau khoe sắc vàng. Rời trung tâm thành phố Đà Lạt đi theo Tỉnh lộ 722, chúng tôi đặt chân đến xã Đưng K’Nớ của huyện Lạc Dương. Là một xã vùng sâu, vùng xa, nơi đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 90%. Dọc hai bên đường vào trung tâm xã là những cánh rừng ngút ngàn ẩn hiện trong lớp sương mù huyền ảo với những cánh rừng già bạt ngàn. Do địa hình đất sản xuất nông nghiệp đồi núi, độ dốc cao, trình độ canh tác còn thấp, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao, đời sống bà con chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp từ các loại cây cà phê, lúa, ngô… Chính vì vậy, đời sống của người dân phần lớn phụ thuộc vào mùa vụ, hầu hết mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ chính vào vụ thu hoạch cà phê.
Đến Thôn 1 của xã, chúng tôi không mấy khó khăn khi tìm đến nhà bà Cil Mup K’Sray, bởi mọi người trong làng từ trẻ đến già ai ai cũng biết người phụ nữ góa phụ có đức tính cần cù, hiền lành, chịu khó, luôn cố gắng vượt lên nghịch cảnh. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ cấp bốn đơn sơ là người phụ nữ tóc đã điểm hoa râm, dáng người gầy với khuôn mặt da ngâm đen và phúc hậu. Có lẽ vì cuộc sống vất vả, gắn bó với nương rẫy nên trông bà đã già hơn so với tuổi 60 của mình. Bản thân tôi thấy cảm phục về tình yêu mà bà dành cho các con. Đằng sau những thành công của các con là cả 1 câu chuyện đầy cảm động của phận đời góa phụ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để nuôi dạy 5 người con ăn học thành tài và bà còn là người tiên phong trong việc hiến đất làm đường.
Bà Cil Mup K’Sray sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh chị em; tuổi thơ bà thường xuyên trong cảnh bụng không đủ no, áo không đủ mặc, cái chữ cũng không được học đến nơi đến chốn. Từ nhỏ bà đã sớm quen với cuộc sống khổ cực. Lớn lên bà lập gia đình với người đàn ông cùng làng. Chồng bà là một người chịu khó, biết chăm lo, san sẻ gánh vác việc gia đình. Vợ chồng ra ở riêng với mảnh đất cà phê tự khai hoang. Dù cố gắng làm lụng nhưng cuộc sống vợ chồng trẻ quanh năm vẫn còn khó khăn. Khó khăn lại chồng chất hơn khi các con lần lượt ra đời, mỗi đứa chỉ cách nhau từ 2 đến 3 tuổi. Vậy nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ kéo dài chưa được bao lâu thì chồng bà Cil Mup K’Sray mắc bệnh hiểm nghèo qua đời Mới 31 tuổi đời, bà vừa làm mẹ, vừa làm cha của 5 đứa con (đứa lớn nhất 15 tuổi, đứa nhỏ nhất 2 tuổi). Mất đi người trụ cột gia đình khiến bà hụt hẫng, buồn đau nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nghĩ đến các con, dù có đau buồn không thể ôm mãi được, bởi giờ đây bà là chỗ dựa duy nhất cho các con.
Mỗi khi nhắc lại chặng đường gian khổ đã qua bà Cil Mup K’Sray không khỏi bùi ngùi và rưng rưng nước mắt: Bố tụi nhỏ mất sớm, nhà nghèo cuộc sống thiếu thốn đủ điều. Thấy mẹ vất vả, nhiều lần các con định nghỉ học phụ mẹ đi làm nhưng tôi nhất quyết không cho. Đời mình khổ cực nhiều rồi, làm mẹ đã không thể cho con cuộc sống đầy đủ, sung túc thì quyết không để các con phải nghỉ học. Tôi nghĩ và luôn động viên các con rằng: Chỉ có phấn đấu học tập, tích cực lao động sản xuất mới trở thành người có ích cho xã hội.
Thương mẹ vất vả cả ngày “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” các con của bà chăm ngoan, luôn tự giác không để mẹ phải lo lắng và mọi người xung quanh phiền lòng. Ngoài thời gian đến lớp, các em phụ giúp việc nhà, việc nương rẫy để mẹ đỡ vất vả hơn. Không có hạnh phúc, niềm vui nào hơn khi các con lần lượt thi đỗ vào các trường đại học. Song có lẽ nỗi vất vả của bà cũng nhân gấp bội khi phải xoay xở các khoản tiền học cho các con. Trong khi thu nhập kinh tế chính là từ nông nghiệp gia đình không có người lao động, mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của bà. Phận góa phụ khốn khổ trăm bề chăm lo cho tụi nhỏ trong cảnh “thiếu trước hụt sau”. Khoảng thời gian khó khăn nhất khi cả ba người con đang học ở các trường đại học, con trai thứ tư đi nghĩa vụ quân sự và đứa con gái út đang học Trung học cơ sở. Không lo kịp tiền gửi hàng tháng cho các con, tài sản có giá trị trong nhà bà đem ra bán dần đến khi không còn gì để bán. Bà vay tiền ngân hàng và anh em hàng xóm xoay xở lo chỗ này đắp chỗ kia gửi tiền cho các con ăn học. Rồi đến mùa lại đem bán từ ngô, cà phê đến con heo, con gà... cứ thế xoay vòng trả nợ từ năm này qua năm khác. Gia đình có bữa đói, bữa no, chỉ đôi lần các con về thăm nhà thì bữa cơm gọi “tạm no” để con thấy mẹ ở nhà vẫn đủ ăn mà yên tâm học hành cho tốt. Cực khổ là vậy nhưng mỗi khi nghĩ đến các con thì bà như quên hết những nhọc nhằn trong cuộc sống mà có thêm sức lực, lòng tin tiếp tục vươn lên. Nói về hoàn cảnh của gia đình bà, mọi người trong làng ai cũng thương và cảm phục về nghị lực vượt qua khó khăn của bà. “Chị K’Sray khổ lắm, nhà nghèo, chồng mất sớm nhưng mình chị ấy vẫn nuôi năm đứa con ăn học nên người. Chị là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo” - một người hàng xóm chia sẻ.
Đáp lại tình thương yêu, dạy dỗ và hiểu được sự khó khăn vất vả của mẹ, các con của bà luôn cố gắng nỗ lực trong học tập, từ học phổ thông cho đến giảng đường đại học. Sau bao năm vất vả dạy dỗ, động viên khuyến khích các con học hành đã được đền đáp. Con trai đầu tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. HCM); con gái thứ hai tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt; con gái thứ ba tốt nghiệp Trường Đại học Y Tây Nguyên; con trai thứ tư tốt nghiệp THPT; con gái út tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Niềm vui càng nhân đôi khi tất cả các con ra trường đều có việc làm ổn định. Hiện cuộc sống gia đình bà đã ổn định và hạnh phúc nhất là khi nhìn các con trưởng thành, lập gia đình và bà sống cùng con cháu. Bà luôn luôn động viên các con: “Các con đang công tác tại cơ quan, nhà trường thì cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và con trai Ha Ty ở nhà với mẹ thì cố gắng lao động, làm giàu cho bản thân mình, khi đó mới có cơ hội đóng góp công sức nhỏ bé cho bản làng”. Ngoài thời gian làm vườn, lên nương… thời gian rãnh rỗi vào buổi trưa hoặc chiều tối bà lại mang khung dệt ra dệt thổ cẩm, từng cách xe sợi đan xen vào nhau qua sợi chàm hay sợi trắng để có chiếc “ui” đẹp nhất, đúng với kiểu truyền thống của dân tộc mình. Tôi rất hạnh phúc và may mắn được bà tặng chiếc “ui” truyền thống chính từ tay bà dệt ra mà tôi đã thích từ lâu.
Không chỉ nuôi con giỏi, dạy con ngoan mà bà Cil Mup K’Sray còn hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ sự vận động của chính quyền địa phương, bà tiên phong hiến đất để mở đường cấp phối vào khu sản xuất. Đến nay căn bản bà con ở Thôn 1 không còn cảnh phải dùng sức người để “thồ” phân bón hay “gùi” cõng bao cà phê mà thay vào đó là xe cộ cơ giới hóa bước đầu trong sản xuất nông nghiệp. Không những thế Cil Mup K’Sray còn có nghĩa cử cao đẹp, bà rất xem trọng “nghĩa tử là nghĩa tận”. Vì từ lâu, con đường đi vào Nghĩa trang tại Tiểu khu 63 là đường mòn rất khó khăn trong việc di chuyển nên bà đã tự nguyện hiến đất để làm đường. Diện tích đất trên hai nhánh đường là 1.500m2 đất và trên đất có hơn 700 gốc cà phê đang cho thu trái ngọt. Bà chia sẻ: “Tôi biết “tấc đất, tấc vàng” đất đai có giá đấy chứ nhưng giá cao đến mấy cũng không cao bằng cái giá của sự giúp đỡ bà con, bản làng, núi rừng của mình”.
Tinh thần vượt khó và những đóng góp của bà Cil Mup K’Sray đã được người dân và chính quyền địa phương ghi nhận. Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ, ông Liêng Hót Ha Mal nhấn mạnh: “Bà Cil Mup K’Sray là phụ nữ tiêu biểu vượt khó nuôi con ăn học thành tài, bà là tấm gương sáng để mọi người trong xã học hỏi và được bà con tín nhiệm làm người tiêu biểu của địa phương. Hằng năm gia đình bà đều được công nhận là Gia đình văn hóa. Trong phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới bà đã hiến một phần đất để làm con đường lên khu Nghĩa trang Thôn 1, 2 và đường vào khu sản xuất Tiểu khu 63. Ghi nhận những đóng góp tích cực bà đã nhận được Giấy khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Bằng khen UBND huyện và Bằng khen của UBND tỉnh.
Người đời vẫn thường ví tuổi trẻ con người chính là mùa xuân, dẫu chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tài năng, bản lĩnh và sự tự tin của tuổi trẻ, chúng tôi tin rằng các con của bà trong tương lai sẽ thành công hơn, tiếp tục góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp./.