Hoa trên biển đảo
VĂN TÒA
Tháng 3-2019
Tôi vinh dự được tham gia đoàn công tác của tỉnh Lâm Ðồng ra thăm đảo Trường Sa. Chuyến đi đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc đặc biệt, ghi dấu vào ký ức chẳng thể phai mờ. Những câu chuyện đời thường trên đảo mãi mãi vẫn còn in trong trí nhớ của tôi, ngay cả khi tôi đang thả bước giữa không gian Ðà Lạt mùa xuân tươi thắm.
Sau hơn một ngày đêm lênh đênh trên biển, sáng hôm sau chúng tôi đặt chân lên điểm đảo chìm đầu tiên - đảo Đá C. Những chiến sĩ trẻ xếp hàng nghiêm, đón chúng tôi với nụ cười thân thiện của người lính, đưa đoàn chúng tôi vào tham quan nơi mà các chiến sĩ gọi là trung tâm văn hóa đảo. Tôi đưa mắt nhìn quanh, và thật ngạc nhiên khi thấy những chậu lan rừng được treo cẩn thận trên lan can cầu thang dẫn lên tầng hai. Những cánh hoa màu đỏ sẫm còn tươi nguyên nở bung chừng vài tháng. Thấy tôi săm soi ghi lại hình ảnh những chậu hoa, một chiến sĩ trẻ đến gần, tươi cười nói:
- Hoa Đà Lạt đó chú.
Ở đây mà cũng trồng được lan Đà Lạt à cháu? - Tôi hỏi.
Dạ không chú ạ, mấy chậu hoa này là do các cô chú ở Đà Lạt tặng chúng cháu. Hoa đẹp lại lâu tàn. Chúng cháu trưng bày hoa từ hôm trước Tết đến giờ hơn hai tháng rồi. – Anh chiến sĩ trẻ vui cười trả lời.
Tôi gật đầu mỉm cười cùng chiến sĩ. Như thường lệ, cứ mỗi dịp chuẩn bị đón xuân về, mừng Tết đến; năm nào Đà Lạt cũng có đoàn công tác ra thăm, tặng quà, chúc Tết Nhân dân, chiến sĩ đảo Trường Sa. Trong các món quà mà đoàn Đà Lạt mang theo không thể thiếu hoa, “sứ giả” của tấm lòng người dân phố hoa gửi về nơi biển đảo. Đảo - nơi chỉ có sóng, gió và nắng như đổ lửa, nên hoa ra đảo phải là những loài hoa không chỉ đẹp mà còn phải có sức chịu đựng với thời tiết khắc nghiệt và phải bền bỉ với thời gian. Chính vì vậy mà hoa lan thường được tuyển chọn hàng đầu.
- Sao mình lại treo các chậu hoa ở lan can cầu thang trong nhà mà không treo ở ngoài? - Tôi hỏi.
- Không treo ở ngoài được đâu chú, gió mạnh lắm, gió mang theo muối mặn làm hỏng hoa hết. Hơn nữa, chúng cháu có mấy chậu này thôi, để trong này mỗi lần sinh hoạt chung, tất cả anh em chúng cháu đều được ngắm và đều được ngửi cả mùi thơm của hoa nữa chú ạ.
Hành trình ra thăm đảo xa xôi, nên đoàn ra thăm đảo không mang theo được nhiều nên mỗi điểm đảo đoàn đến cũng chỉ được tặng dăm ba chậu hoa. Có điểm đảo vì sóng to, gió lớn, xuồng không thể vào bờ đành phải chấp nhận thiếu hoa Đà Lạt. Những lúc như thế, người không nhận được hoa thì kém vui, còn người không tặng được hoa cũng rất buồn. Ở những đảo nổi thì thuận lợi hơn, vì vậy hoa Đà Lạt hầu như đều đến được đảo. Hôm đoàn chúng tôi đến đảo nổi Sinh Tồn Đông, hoa Đà Lạt vẫn còn khoe sắc dưới cái nắng chói chang. Những cánh lan hồ điệp, một loài hoa được nuôi trồng nhiều ở Di Linh, Đức Trọng… đã góp phần tô điểm thêm sắc xuân nơi đảo vắng. Những người lính đảo Sinh Tồn Đông khoe rằng: “Chúng em quý lắm anh ạ. Hoa này “cực đẹp”, thỉnh thoảng chúng em đưa hoa ra ngoài tắm nắng, còn chủ yếu là “cất” ở trong nhà”.
Ở Sinh Tồn Đông cũng có một số loài hoa nở đúng dịp xuân về. Mỗi loài, có nét duyên riêng, trong đó tôi ấn tượng nhất là hoa phong ba. Tôi đã từng nghe về cây phong ba nhưng lần đầu tiên mới được tận mắt nhìn thấy. Cứ ngỡ, đã là “phong ba” thì thân phải to, cứng, sừng sững. Nhưng thực tế không phải vậy, phong ba không cao, dáng không thẳng, cành lá sum suê, xanh biếc vươn dài ra biển, trông mềm mại và uyển chuyển như những vũ công giữa biển trời. Có lẽ, chính vì thế mà dù cho bão giông cấp mấy cũng khó mà quật ngã phong ba. May mắn, tôi đến đảo Sinh Tồn Đông đúng vào mùa cây phong ba trổ hoa nên được chiêm ngưỡng những bông hoa tuy không sắc màu như hoa Đà Lạt nhưng rất lạ; hoa không kiêu sa nhưng “độc đáo”. Từng bông hoa nhỏ li ti, dày đặt trên cành hoa cong và sần sùi như râu bạch tuộc. Tiết trời tháng ba nắng cháy da người nhưng cây vẫn xanh và hoa vẫn tươi. Thế nên, mới có chuyện “phong ba” không cao, nhưng nắng thiêu, bão giật cũng “phải ngước nhìn”.
Không chỉ ở đảo chìm Đá C; không chỉ hiện diện trên đảo Thuyền Chài, đảo Len Đao, hoa Đà Lạt cũng khoe sắc màu trên mặt biển quanh năm sóng vỗ. Ở nhà giàn DK1, chỉ vỏn vẹn có được một chậu hoa lan hồ điệp, nên hoa không là sở hữu của riêng ai. Hoa được treo cẩn thận ngoài lan can đối diện với phòng ăn tập thể.
Một người lính kể rằng: “Chậu lan này của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng mang ra đảo tặng. Những năm trước, chúng cháu cũng được tặng hoa Đà Lạt, thường là hoa hồ điệp, vũ nữ thân gầy. Hết Tết, chúng cháu thay phiên nhau chăm sóc, nhưng trên nhà giàn thời tiết, khí hậu khắc nghiệt lắm, hồ điệp, vũ nữ không thể sống được chú ạ. Cháu nghe nói ở một số đảo nổi như Niêm Yết, Trường Sa Đông, Sinh Tồn thì trồng được, nếu chăm sóc kỹ thì hồ điệp, vũ nữ cũng cho hoa nhưng cánh hoa nhỏ lắm và cũng chỉ được một mùa sau đó thôi”.
Tôi không khỏi ngạc nhiên vì ở đất liền trồng hoa lan rất khó, thực tế tôi đã nhiều lần thất bại khi trồng một vài loại lan, vậy mà nơi đảo xa muối mặn này sao có thể trồng được. Hỏi ra mới biết, hoa lan được treo dưới tán cây phong ba, cây bàng vuông và các loài cây lớn trên đảo nổi. Mỗi khi có gió mùa hay bão, anh em đều mang các giò lan cất trong phòng để tránh gió... Nhờ chăm sóc cẩn thận nên dù điều kiện khắc nghiệt, hồ điệp, vũ nữ vẫn vươn mình trổ hoa khoe sắc cùng “nữ hoàng bàng vuông” và các loài hoa trên biển như sứ hồng, sứ trắng, bông giấy, mào gà, bông trang, hoa mười giờ, cúc nhám, chiều tím (nhất xinh), muống biển, xương rồng...
Trung tá Nguyễn Cao Võ, Phó đảo Trường Sa Đông tâm sự: “Ở đất liền, nhất là vào dịp Tết, người người thưởng lãm hoa trong rạo rực đón xuân về; còn chúng tôi ở đây dù chỉ vài chậu hoa mang ra từ đất liền, lòng cũng hân hoan chẳng kém”. Một người lính đảo khác ngồi cạnh bên nói chen vào: “Buồn nhất là không có hoa chú ạ. Những năm không có hoa dịp Tết thì chúng cháu tự làm hoa giấy, hoa ốc, lấy san hô điểm tô màu thành hoa và lá. Vậy là Tết!”.
Mấy năm qua, cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, nhiều đoàn từ đất liền ra thăm đảo; tiếng cười nói, hỏi thăm, chúc mừng, ca hát át cả tiếng sóng biển rì rào, đảo vui như hội. Nhưng thời gian của những buổi sum vầy giữa đất liền với biển đảo sớm qua đi, để lại những khoảng không mênh mông bất tận. Ngay hôm chia tay những người lính trên đảo Trường Sa Lớn, tôi đã thấy những dòng nước mắt lưu luyến, những bước chân bịn rịn không muốn rời xa đảo. Thế mới biết, dẫu cách xa muôn trùng hải lý nhưng tấm lòng của “bờ với biển”; của “biển với bờ” quyện chung vào “thiêng liêng hồn nước Việt!”.
Đêm nay Đà Lạt se lạnh, những giọt sương đêm ngoài hiên rơi rơi.
Đêm nay nơi trùng dương xa xôi có người lính hiên ngang đang canh giữ đất trời, biển đảo…
Bỗng nhiên, tôi nhận ra rằng: “Người là hoa của đất”!./.