Người con đất Tổ vua Hùng

TAP CHÍ LANGBIAN|2/14/2022 11:13:13 AM

Người con đất Tổ vua Hùng

Bút ký:  PHƯƠNG LIÊN

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phú Thọ, khu di tích lịch sử đền Hùng. Cậu bé có tên Hà Thái Bình được nuôi dưỡng bởi dòng sữa mẹ quê hương năm tấn. Nơi cái nôi của làn điệu chèo mượt mà sâu lắng đậm nét văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Hòa quyện cùng điệu hát xoang, loại hình dân ca lễ nghi phong tục “Hát cửa đình” giữa văn hóa của đồng bằng và trung du Bắc Bộ, đã thổi những tinh hoa chắt lọc vào tuổi thơ Hà Thái Bình như phù sa bồi đắp cho cánh đồng ngào ngạt hương lúa thẳng cánh cò bay.

Năm 1982 cậu thanh niên Hà Thái Bình vừa tròn mười chín tuổi, cái tuổi thần tiên, giữa lúc mặt trận biên giới phía Bắc đang nóng lên từng giờ. Cuộc chiến khốc liệt giữa quân và dân ta với quân bành trướng Trung Quốc, ngày 17-2-1979 mãi in sâu trong trái tim cậu thanh niên Hà Thái Bình.

Tình nguyện nhập ngũ đầu năm 1982, đơn vị Hà Thái Bình thuộc Trung đoàn  Quân khu II. Nhiệm vụ nặng nề, tuyệt đối “bí mật quân sự”, đó là “đào hầm độc đạo xuyên lòng núi” đề phòng địch pháo kích tấn công. Với kỹ thuật được huấn luyện đào tạo kỹ lưỡng, Bình dồn hết tinh thần cho công việc, để hầm có thể tránh được hỏa lực tấn công của đối phương, sức công phá của sắt thép, đạn pháo, với trọng lượng 5 tấn thuốc nổ  hầm vẫn được an toàn. Để hoàn thành những cung đường hầm đạt tiêu chuẩn, đòi hỏi người đào hầm phải nghiên cứu tính toán kỹ thuật chuẩn xác, tính tọa độ phòng khi gặp đá xanh, đá bàn.

Mặt trận Hoàng Liên Sơn ngày đêm ì ầm tiếng đạn pháo của quân bành trướng Bắc Kinh. Hà Thái Bình cùng đồng đội quyết bám trụ kiên cường trong trận chiến cam go để gìn giữ từng tấc đất Tổ quốc. Anh mong muốn được thấy vùng trời bình yên, nụ cười rạng rỡ trên môi người chiến sĩ Hà Thái Bình mỗi khi cung hầm được thông. Mồ hôi ướt đầm trên lưng, trên ngực anh và đồng đội, mồ hôi giọt giọt lăn trên má, lặn vào mắt, vào môi mặn chát, lòng căm thù giặc ý trí quyết tâm. Bình cùng đồng đội vượt qua khó khăn ác liệt để hoàn thành  tốt nhiệm vụ.

Trăng tròn rồi trăng khuyết. Đêm qua rồi bình minh trở lại, nỗi nhớ gia đình quê hương thêm chồng chất trong anh. Nhưng nỗi nhớ nào bằng nỗi nhớ người thương mỗi khi cái lạnh buông rơi nơi chiều biên giới… làm lòng anh nhớ khói lam chiều quê mẹ. Nỗi nhớ nao lòng, Bình tự nhắc bản thân “hãy cố vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ”.

Anh trai lớn của Bình sau giải phóng 30-4-1975 nhận nhiệm vụ huấn luyện sĩ quan lục quân II Trinh sát đặc công. Do điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn, Hà Thái Bình được đơn vị giải quyết cho chuyển ngành, anh tiếp tục làm quen với cuộc sống trên quê hương kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.

 

Năm năm quân ngũ chuyển ngành, rời bộ quân phục màu cỏ úa Bình trở thành cán bộ Lâm nghiệp của Lâm Trường (vùng kinh tế mới) với nhiệm vụ bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, khó khăn chồng chất khó khăn. Mùa mưa đồi dốc đường trơn, vắt muỗi nhiều như rắc trấu. Anh em công nhân đội mưa trồng cây gây rừng. Mùa khô những đám cháy thường xảy ra, có những đêm báo động dập lửa cứu rừng, đôi lần đối đầu với bọn lâm tặc để bảo vệ tài nguyên rừng, Bình gặp không ít nguy hiểm. Với tinh thần làm chủ tập thể, ý chí tiến công của người chiến sĩ sẵn có trong anh quyết không để rừng bị triệt phá do động lực xấu của một số người tiếp tay cho kẻ phá hoại…

Lập nghiệp trên quê mới, với tình yêu đôi lứa thủy chung đầy hứa hẹn, chàng trai Hà Thái Bình cùng vợ con coi đây là quê hương thứ hai của mình. Miền đất hứa như hun đúc tinh thần anh thêm yêu đất nước, yêu cuộc sống và con người trên mảnh đất này.

Cuộc đời luôn thử thách anh. Năm 1994 sau khi nghỉ chế độ một lần, anh tham gia nhiều lĩnh vực công tác: Mặt trận Tổ quốc, bí thư chi bộ thôn. Anh được quần chúng tín nhiệm, yêu mến bởi đức tính giản dị khiêm tốn “nói đi đôi với làm”. Mọi trở ngại vướng mắc của bà con thôn xóm anh đều giải thích thuyết phục. Đặc điểm của xã anh có trên 80% là hộ dân sản xuất nông nghiệp, với tinh thần dám nghĩ dám làm, anh hướng dẫn bào con nông dân về khoa học kĩ thuật. Tính quyết tâm, ham học hỏi, Hà Thái Bình mong muốn đưa khoa học kỹ thuật vào đời sống người nông dân. Năm 2011 vừa công tác xã, hội Bình vừa đi học. Kết quả học tập mỉm cười với anh, năm 2015 anh tốt nghiệp đại học Nông nghiệp và trở thành kỹ sư…

***

Cựu chiến binh Hà Thái Bình cứ nơi nào cần là anh có mặt, giống như con thoi dệt những thảm lụa đẹp dâng đời. Giữa nhiệm kỳ anh được điều động từ Mặt trận Tổ quốc sang đoàn thể Cựu chiến binh, gặp không ít khó khăn. Từ những kinh nghiệm đã có, Hà Thái Bình không nản chí. Anh lặn lội xuống từng chi hội, quan tâm hỏi han sức khỏe và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Anh đã thành lập được tổ hợp tác trồng bơ, sầu riêng do cựu chiến binh làm chủ. Hướng dẫn quy trình, nguyên tác chăm sóc giống “cây trồng vật nuôi”. Kế hoạch thành công được gọi đó là “mô hình điểm”. Hà Thái Bình luôn đặt công tác dân vận lên hàng đầu, ngoài những việc quan tâm tới đời sống hội viên, anh luôn phổ biến những thông tư, Chỉ thị, Nghị quyết, đường lối chủ trương của Đảng và Chính phủ ban hành. Lấy quần chúng Nhân dân làm điểm tựa cho mọi hoạt động phong trào, mỗi khi có hội viên cựu chiến binh qua đời anh cùng Ban Chấp hành Hội tổ chức nghi thức lễ tang đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương Hội “trọn nghĩa nước non - vẹn tình đồng đội”

***

Năm 2021 là năm đại dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, mọi hoạt động của xã hội bị đảo lộn. Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, tinh thần “chống dịch như chống giặc”, biểu ngữ “5k” chốt phòng chống dịch mọc lên các đường ngang ngõ tắt. Đặc điểm địa bàn xã anh có chợ dân sinh, đợt dịch thứ tư bùng phát làm người dân hết sức lo ngại. Thời sự nóng bỏng hàng ngày, tin đại dịch từ thành phố Hồ Chi Minh, Bình Dương, các tỉnh miền Tây dội về. Lập tức các ngả đường chợ được lập chốt (kiểm dịch, khai báo y tế, đo thân nhiệt…),  quần chúng Nhân dân nhiều lứa tuổi khác nhau, nhận thức cũng không giống nhau. Xe chở hàng từ các địa phương vào chợ, công nhân bốc xếp không rõ nguồn gốc lai lịch. Có những cụ già chỉ mua bó rau, củ hành cũng vào chợ. Có số ít ý thức kém đôi khi gây gổ với người thi hành nhiệm vụ. Không kể thời gian, Hà Thái Bình đều có mặt ở chốt kiểm dịch. Thuyết phục, giải thích những điều nguy hại của dịch bệnh Covid-19, để giảm thiểu nguy cơ lây lan bùng phát dịch trong cộng đồng. Từ đức tính giản dị khiêm tốn của anh, người dân ai cũng yêu mến. Tôi đùa với anh:

- Sao chú làm sếp mà tôi thấy không giống sếp chút nào! Chỉ thấy xuống cơ …

Anh tươi cười hiền hậu:

- Chị ơi! Phải xuống cơ sở lắng nghe nguyện vọng hội viên, hiểu thêm đời sống của họ. Giờ cựu chiến binh đa phần tuổi cao, quan tâm tới anh em là trách nhiệm chị ạ. Hơn nữa tranh thủ trao đổi kinh nghiệm về “vật nuôi cây trồng” mong hội viên một số gia đình thoát nghèo bền vững.

***

Mùa thu lại về trên mảnh đất cao nguyên Lâm Viên, những đóa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ. Nắng gió như hòa vào trái tim tâm hồn người xa xứ, để bật những mầm chồi xanh đầy hứa hẹn mùa màng. Nơi có người con của miền Trung du Bắc Bộ, người con của đất Tổ - vua Hùng, một cựu chiến binh gương mẫu. Phải chăng truyền thống dân tộc ngấm vào anh  qua dòng lịch sử, qua lời ru của mẹ nhẹ nhàng làn điệu chèo quê lúa, quện với tiếng hát xoang quê cha. Điều làm cho trái tim cựu chiến binh Hà Thái Bình rung động nhất đó là  câu nói bất hủ của Bác Hồ trong cuộc gặp các cán bộ Đại đoàn 308 (quân tiên phong) tại Đền Giếng (thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ): “ … các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”./.

Người con đất Tổ vua Hùng