Người đi qua thời lam lũ
VĂN TÒA
Họ là những con người đã một thời “nghèo rớt mồng tơi”, từng làm thuê cuốc mướn, nhưng họ không hề đổ do số phận. Họ đã làm, làm và làm với khát vọng về một tương lai trải thảm hoa hồng…
Vẫn tràn trề khát vọng
Nguyễn Văn Tuân theo cha rời quê hương Nam Định đi kinh tế mới ở huyện Di Linh từ năm 1983. Hồi đó, nơi anh đến còn là chốn “thâm sơn cùng cốc”, mênh mông đồi hoang, cỏ dại và những mảng rừng nghèo kiệt. Ngày mới vào đất lạ quê người, Tuân rất buồn. Cuộc sống trải qua 10 năm khốn khổ. Tuân vừa khai hoang vỡ đất, vừa làm thuê kiếm tiền để phụ cha trang trải cuộc sống gia đình. Có một thời, Tuân theo bè bạn vào khu khai thác vàng, tìm cơ may đổi đời. Gần 3 năm ngụp lặn ở nơi hẻo lánh, hiểm nguy; nhưng giấc mơ đổi đời vẫn cứ xa vời vợi. Tuân nhận ra rằng: Không thể đánh đổi cuộc sống bằng những hạt vàng bé xíu nhiều rủi ro. Tuân trở về cùng cha tiếp tục khai hoang vỡ hóa. Anh làm ngày, làm đêm; biến đồi hoang thành vườn trồng cây, đào ao lấy nước, thay trời làm mưa. Ban đầu Tuân trồng 140 cây cà phê, năm sau trồng thêm 110 cây, năm sau nữa trồng 300 cây rồi tiếp tục trồng lên 500 cây. Cứ thế hàng năm diện tích cà phê của anh tăng dần, đến nay anh có 9ha cây trồng, trong đó có 7ha cà phê, 1ha rừng sao và 1ha cây trồng khác.
Những năm gần đây, anh tiếp tục đưa sầu riêng và các giống bơ có giá trị kinh tế cao vào trồng xen trên một phần diện tích cà phê. Sau 27 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, năm 2010 anh xây dựng được ngôi nhà cả tỷ đồng. Năm 2012, anh “tậu” được chiếc xe hơi trị giá trên 500 triệu, anh còn sắm cả xe đào, máy xúc, xe ben vừa phục vụ sản xuất gia đình, vừa tiếp tục “làm thuê” cho bà con nông dân… Hàng năm, gia đình anh thu trên 26 tấn cà phê và sẽ còn tăng lên nhiều hơn, vì diện tích cà phê trồng mới sắp cho thu hoạch. Trong 4 năm tới, khi cây sầu riêng, cây bơ cho trái thì nguồn thu của gia đình anh nhiều hơn gấp bội lần. Đó là chưa kể 1ha rừng sao đang bước vào tuổi thứ 10, nguồn lợi lớn trong tương lai mà anh Tuân chưa thể định lượng… Nguyễn Văn Tuân đã đi qua thời lam lũ, trở thành người giàu có trong vùng.
Mời tôi ly trà đậm đặc, với nụ cười mãn nguyện trên gương mặt sạm đen, loáng thoáng nếp nhăn của tuổi ngũ tuần. Tuân tâm sự: “Cuộc sống bây giờ sướng hơn nhiều rồi anh ạ. Nhưng khát vọng thì không bao giờ dừng lại. Ngày trước tôi chỉ mơ có một chiếc xe đạp thôi, khi có xe đạp rồi tôi ước có chiếc xe máy… Mua được chiếc xe máy lại muốn thêm chiếc nữa và khi ước nguyện đã thành, tôi lại muốn có xe hơi; có xe hơi muốn thêm xe đào, máy xúc, xe ben… Bây giờ tôi đã có đầy đủ nhưng khát vọng thì vẫn cứ tràn trề…”.
Như một giấc mơ
Cũng như anh Tuân, Ông Lê Văn Cững ở “xóm Bến Tre”, thôn R Lơm, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà cũng là người đi qua 20 năm của thời lam lũ. Trước giải phóng ông Cững là lính đặc công, từng vào sinh ra tử lập được nhiều chiến tích. Sau giải phóng, ông là người đầu tiên rời quê hương “Đồng Khởi” đến Đạ Đờn lập nghiệp. Ông kể: Hơn hai mươi năm trước vùng đất này lọt thõm giữa đồi núi hoang vu, bốn bề rừng tạp và cỏ hoang. Từ chỗ chỉ năm, ba hộ dân “khởi nghiệp” dần dà xóm “Bến Tre” trở thành nơi “đất lành chim đậu”. Người đến, đất đai được khai hoang, rừng cây tạp, cỏ tranh được thay thế bằng những vườn cà phê mượt mà, trĩu quả.
Và sau hơn 20 năm, thung lũng hoang ngày nào trở thành “thung lũng xanh”, đem lại cuộc sống đủ đầy cho những người nghèo “rớt mồng tơi”. Ngày đó, tài sản mà ông Cững mang “lên rừng” để sinh cơ lập nghiệp chẳng có gì ngoài mấy bộ đồ đã cũ; vài cái nồi “quá hạn” và mấy tấm bạt che nắng, che mưa không còn nguyên vẹn. Với sức lực tuổi 40 lúc ấy, ông Cững đi làm thuê, cuốc mướn, bắt cá dưới sông, rau hái trong vườn; bữa bắp, bữa khoai, ông tích góp từng đồng đầu tư cho cây cà phê. Nhiều người cùng quê Bến Tre theo ông lên lập nghiệp đã không chịu nổi cảnh sống gian khổ và heo hút nên quay về chốn cũ. Ông Cững kiên trì ở lại với niềm tin vào tương lai. Niềm tin của ông giờ đã thành sự thật, ông xây dựng ngôi nhà khang trang trị giá khoảng một tỷ đồng. Các vật dụng sinh hoạt trong nhà đều được ông mua sắm đầy đủ. Dù ở tuổi 67 nhưng trông ông rắn chắc, nhanh nhẹn. Anh Lê Vũ Phong người con trai đã theo ông Cững lên cư ngụ ở đây lúc mới 16 tuổi, nay đã ở cái tuổi ngoài 40 tâm sự: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có được cuộc sống như ngày hôm nay. Nó thực sự giống như một giấc mơ. Vui lắm, hạnh phúc lắm”.
Chuyện Hải sầu riêng
Cũng rất hoàn cảnh như ông Cững - Bến Tre, anh Tuân - Nam Định; gia đình anh Lê Văn Hải rời quê hương Cần Giuộc, tỉnh Long An lên huyện Đạ Huoai lập nghiệp từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Ngày đó của cải, vốn liếng của gia đình anh chẳng có gì ngoài đôi bàn tay và sức lao động. Nghèo khổ và buồn trong không gian thưa thớt bóng người, có lúc vợ chồng ông đã nghĩ quay về miền Tây sông nước. Nhưng rồi anh nhận ra rằng: Ở đây vất vả đến mấy cũng không vất vả bằng ở Long An. Thiếu gạo thì có củ sắn, củ khoai; rau thì đủ loại, ra vườn vài phút đã có nồi canh mà không cần phải mua. Đất đai mênh mông, ông quyết ở lại, bỏ sức làm thuê, cuốc mướn, dành dụm tiền tích góp lần hồi gầy dựng cơ nghiệp.
Ổn định cuộc sống với mảnh vườn 1ha, anh Hải thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, trồng khoai mì để có lương thực; trồng điều để không phải tốn tiền, tốn sức đầu tư; trồng cà phê để tạo ra vốn; trồng sầu riêng để tích lũy. Cứ thế, cuộc sống dần ổn định và đến hôm nay gia đình anh trở thành gia đình giàu có ở xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai.
Giai thoại về con người đi qua thời lam lũ này là ở cái “tầm nhìn xa”. Năm 2011, thời điểm cây điều đang có giá, nhiều người cưa bỏ sầu riêng, trồng điều thì anh Hải lại phá điều, trồng sầu riêng giống mới Đô Na. Trồng đến đâu, anh “tự động hóa” đến đó; tưới nước, bón phân, chỉ cần mở van tự động, giải phóng được khá nhiều sức lao động, tự tạo cho mình điều kiện để mở mang diện tích. Anh Hải cũng là người sớm làm chủ được kỹ thuật trồng và chăm sóc, chủ động điều chỉnh sản lượng theo ý muốn, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, góp phần làm nên thương hiệu sầu riêng Đạ Huoai. Với diện tích 1,6ha sầu riêng Đô Na, năm 2018 gia đình anh thu hoạch 65-70 tấn, với giá bán bình quân 50.000đ/ kg, sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 2 tỷ đồng. Từ một người làm thuê, giờ đây anh Hải đã trở thành tỷ phú miệt vườn, xây được căn nhà mới khang trang, diện tích trên 300 mét vuông, trị giá gần 3 tỷ đồng và mua một căn nhà khác ở trung tâm thị trấn Madagui. Hiện tại anh Hải còn tiếp tục đầu tư phát triển cây sầu riêng với tổng diện tích trên 4ha, nguồn thu nhập theo dự kiến trong vài năm tới không dưới 3 tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều lắm những người đi qua thời lam lũ
Không thể kể hết những phận người đã đi qua thời lam lũ, có thể họ là những người ở tận nơi xa lắc về Lâm Đồng lập nghiệp; có thể là những người bổn xứ không đua chen chốn thị thành; và cũng có thể cách làm, hướng đi, thời gian xóa nghèo, thời điểm trở thành tỷ phú của những người đi qua thời lam lũ không giống nhau nhưng ở họ đều có chung một điểm xuất phát từ chữ nghèo. Họ giống nhau ở nghị lực vượt khó, chung niềm tin khát vọng. “Có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin là mất tất cả”, rồi nhận ra rằng khát vọng, niềm tin làm nên ý nghĩa cuộc đời như chuyện “khóc thầm” của chị Nguyễn Thị Thiện ở Bảo Lâm, người con gái tuổi mới đôi mươi từng ngậm ngùi xa miền gạo trắng nước trong Cần Thơ, lên non lập nghiệp cùng chồng. Để hôm nay, chị đã đi qua thời lam lũ, với cuộc sống giàu có mà 25 năm trước không hề có trong mơ.
Hay như câu chuyện của anh Phạm Văn Xã ở xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. Sau 12 năm “vật lộn” với đất, với trời, “chiến đấu” với đói nghèo, giờ anh đã là tỷ phú, sở hữu trang trại rộng trên 20ha, trong đó có 700 gốc sầu riêng, 500 gốc bưởi da xanh, 3ha cao su kinh doanh, 10ha cây điều và còn có cả rừng cây gỗ quý nhóm 1 trồng bao ven bờ. Người tỷ phú trung niên ở cái tuổi 48 này đã đi qua cái thời lam lũ, để trở thành tỷ phú với nguồn thu không dưới 4 tỷ đồng/ năm. Còn nhiều lắm những chuyện làm giàu của những người đi qua thời nghèo khó như chuyện tỷ phú cá lồng ở vùng đất Cát Tiên; tỷ phú dâu tằm ở Đạ Tồn; vua bưởi ở Đạ Tẻh; chúa Quýt Lạc Dương…
Có một câu nói rất hay: Mùa xuân cuộc đời không ở chốn lầu son, gác tía mà là ở niềm tin và khát vọng như lời mộc mạc của anh Nguyễn Văn Tuân: “Bây giờ, tôi đã có đủ đầy nhưng khát vọng thì vẫn cứ tràn trề”. Và cũng không quá lời khi nói rằng giá trị của hạnh phúc con người ta không chỉ là thành quả mà còn ở cái làm nên thành quả ấy, giống như cuộc đời của những tỷ phú miệt vườn đi qua thời lam lũ./.