Nụ cười và cây xanh trong bệnh viện
ĐỖ BÀN
Bệnh viện I Lâm Đồng đẹp và có vị trí đắc địa ở thành phố Đà Lạt ai ai cũng biết, nó nằm gọn trên một quả đồi rộng lớn, được bao quanh bởi các tuyến đường. Hải Thượng, Phạm Ngọc Thạch và Mai Hắc Đế. Những con đường tĩnh lặng, nhiều cây xanh bên những biệt thự trầm tư và hoa lá tươi tốt quanh năm.
Tôi là một bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền như tiểu đường, mỡ máu, tim mạch cứ thuốc thang hoài nên cái bao tử cũng không chịu nổi và quãng đời còn lại luôn phải gắn với bệnh viện, bác sĩ và thuốc men. Gắn với bệnh tật và thuốc men thì ai mà không lo lắng, mệt mỏi và buồn bã. Chỉ trừ những thời gian có việc phải đi xa mua thuốc theo đơn, còn lại tôi lấy thuốc theo chế độ bảo hiểm của tỉnh ở bệnh viện mỗi tháng một lần, ba tháng thì xét nghiệm lại để bác sĩ kiểm tra ra đơn thuốc mới, tùy theo diễn biến của con bệnh. Tuy mệt mỏi phải chờ đợi vì những lúc đông người hay thuốc thiếu phải mua ngoài nhưng lúc nào tôi cũng vui, cũng đồng lòng với cung cách làm việc của casn bộ nhân viên trong bệnh viện, đặc biệt là các bác sĩ, điều dưỡng trong phòng khám. Họ luôn nhẹ nhàng nhỏ nhẹ, chu đáo và kiên định đối với từng bệnh nhân trong việc khám, chữa bệnh và cấp thuốc. Là những người đã từng làm việc trong các cơ quan Nhà nước ở mảng dịch vụ phục vụ, tôi thấu hiểu sự chờ đợi của khách hàng với những người phục vụ, lúc nào bệnh nhân chờ khám cũng đông nghịt, người bác sĩ khó thể dứt ra để đi vệ sinh hay giải quyết những việc riêng tư. Người bệnh kẻ nằm người ngồi, kẻ kêu người nên nôn ói nhăn nhó hay đòi hỏi này kia thì sự căng thẳng và mệt mỏi biết bao cho người thầy thuốc…
Thực lòng tôi luôn khâm phục các cán bộ làm trong ngành Y, họ là những người khổ nhất trong những người làm công tác khổ ải để phục vụ con người. Trong mùa dịch bệnh Covid-19 như thế này thì sự hy sinh của các cán bộ ngành Y còn khổ hơn những người cầm súng ra trận, người ra trận còn biết địch ở đâu, phía nào, nó đánh ta vào lúc nào… còn các vị thì đánh trong trận chiến vô hình, chuẩn đoán rồi cấp thuốc, xem xét rồi mổ xẻ, có khi đúng có khi sai là lẽ thường, nhưng vẫn phải vào trận; đôi khi còn bị đòi hỏi la mắng vô cớ của người bệnh. Tôi đã được chứng kiến một bệnh nhân đì từ huyện lên khám, ông ta cụt một tay, tay kia ôm chiếc cặp táp to đi ra đi vào, miệng luôn làu bàu về sự chờ đợi quá đông người, đến lượt khám. Vị bác sĩ mời ông ta ngồi, nhưng ông ta cứ lom khom mở mớ hồ sơ phải mất đến năm phút, rồi ông ta bày lên bàn, rồi trình bày và xin chuyển viện về Sài Gòn, người bác sĩ khám nói:
- Tháng trước ông đã lên khám rồi, bệnh của ông ở đây chữa được, không phải chuyển đi đâu cả, thuốc men chữa hệ thần kinh liên xườn phải có thời gian. Thế là ông bệnh nhân nổi nóng:
- Tôi đã uống thuốc ở đây rồi, chả đỡ tý nào cả… Đừng tưởng các anh là bác sĩ thì muốn làm gì cũng được, nếu không phải tham gia chiến đấu, thì chúng tôi cũng được học hành đầy đủ rồi ra làm bác sĩ như anh, anh đừng có cửa quyền. Anh không giải quyết thì tôi lên Viện trưởng.
- Vâng ông cứ lên, ai cũng đòi lên tuyến trên, các bệnh viện lớn đang quá tải, ông thông cảm tôi không thể giải quyết được.
Câu chuyện kéo dài hàng giờ mà bao người phải chịu đựng, cái “tôi” đã làm cho con người ta mệt mỏi, chất lượng khám chữa bệnh hẳn sẽ bi ảnh hưởng từ hai phía và rồi chúng ta lại làm khổ nhau thêm.
Tôi là người thích cây cảnh, mấy tháng trước mỗi lần ngồi chờ tới lượt khám tôi thường ngồi ngắm giàn cây cảnh của bác sĩ Nguyễn Thi Hương Giang, nó chỉ là mấy chậu cây nhỏ để trên lan can của sổ, nhưng thật mát mắt nhẹ lòng, nào là mấy cây sen đá, trầu bà, tần ô, ngọn dứa… và lần này đi lấy thuốc tôi thấy phòng nào cũng có những chậu cây nho nhỏ như thế, nhìn nhẹ nhàng bắt mắt và dễ thương lạ, tự dưng tôi thấy vui và thích viết một chút gì đó về Bệnh Viện I Lâm Đồng.
Ở đâu cũng vậy, có con người tốt bên cạnh sẽ làm cho mọi người tốt theo, sự nhã nhặn tỉ mỉ của thầy thuốc nhắc nhở ta biết chăm lo sức khỏe của mình. Bác sĩ Hương Giang là một người như thế, đã hàng chục năm nay mỗi khi vào phòng khám, phải ngồi chờ đến lượt mình tôi thường lắng nghe những lời hỏi bệnh, tư vấn của bác sĩ với từng bệnh nhân, giọng nói nhỏ nhẹ, ánh mắt nhìn đồng cảm, chia sẻ làm cho ai cũng thấy ấm lòng, yên tâm với thuốc men và bệnh tật của mình khi được cấp. Đúng thầy thuốc như mẹ hiền là đây, nụ cười có khi buồn khi vui nhưng tôi luôn thấy bác sĩ Hương Giang tế nhị, hết thuốc nói hết thuốc, “bác chịu khó ra mua ngoài cháu kê đơn, dịch bệnh đi lại khó bác lấy thuốc hai tháng luôn nhé, khi nào hết dịch xét nghiệm sau bác nghe”…
Nụ cười và bóng cây xanh trong Bệnh viện I Lâm Đồng làm cho con người thêm yêu cuộc sống, không còn mấy nỗi lo bệnh tật khi phải vướng vào. Những ngày này từ ngoài đi vào qua mỗi khu khám bệnh, cách ly của từng khu vực, ta lại thấy những chậu cây cảnh nho nhỏ xanh tươi trên lan can hay bàn làm việc, những nụ cười ấm áp của các Y, bác sĩ hay nhân viên phục vụ làm ta thấy ấm lòng và cùng nhau vượt qua dịch bệnh./.