Quà quê
TRẦN PHẠM LỢI
Covid - 19, giờ thì cả thế giới không còn ai xa lạ với cụm từ này. Cơn đại dịch đã lan ra toàn cầu, trừ Nam Cực. Nó kéo theo cả nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam của chúng ta vốn đang trên đà phát triển, giờ bỗng trở nên khó khăn và nhiều thách thức phải giải quyết.
Mỗi quốc gia có cách khống chế khác nhau, nhưng đều chung một mục đích: Sớm tắt đại dịch để mọi sự trở lại bình thường. Các nhà máy, khu công nghiệp đang giậm chân tại chỗ sớm hoạt động trở lại. Học sinh, sinh viên yên tâm tới trường. Khu công viên lại nhộn nhịp với không khí trong lành bổ trợ cho các sinh hoạt thiết thực về giải trí và sức khỏe.
Sau một thời gian Việt Nam tưởng chừng khống chế được đại dịch, nào ngờ nó tái lại và bùng phát phức tạp hơn. Nguyên nhân là do sự vô trách nhiệm với cộng đồng của một số ít cá nhân. Nào là trở về nước từ nơi có dịch bệnh mà không khai báo trung thực. Nào là lén lút đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Nào là trốn trại cách ly khiến dư luận vô cùng bất an...
Nhưng chính trong lúc này chúng ta đã đứng vững bằng sức mạnh Việt Nam. Đó là sự kiên quyết của Chính phủ và sự đồng tình của toàn dân nhằm góp phần giảm thiểu tối đa đại dịch. Hơn lúc nào hết sự đoàn kết tương thân tương ái của đồng bào ta được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Đó chính là ý tôi muốn nói lên những cảm xúc của mình trong bài viết này. Chỉ là những việc làm nhỏ thôi, thậm chí rất nhỏ. Nhưng sao nó lại ấm áp tình người.
Hôm đó, người chủ nhà một người thân nghe được cuộc điện thoại từ quê gọi tới chủ nhà: “Bác ơi, bác hỏi giùm xem muốn gửi chút thực phẩm vào thành phố Hồ Chí Minh có được không ạ?”, “Có thể được vì cho phép gửi đồ ăn, hoặc vật dụng thiết yếu trong giai đoạn này. Nhưng cháu tính gửi gì?”. Đầu máy bên kia là giọng nói gần như nghẹn ngào: “Chưa bác, cháu nghe nói Sài Gòn đang phải giãn cách xã hội. Chắc chắn thiếu thốn đủ bề. Cháu tính gửi vài chục quả trứng và chút rau sạch cây nhà lá vườn gọi là chút thơm thảo quà quê”. Trời ơi! Người được nhận là một chủ doanh nghiệp, tiền bạc đâu thiếu. Người gửi là đứa cháu nhà quê cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Việc đồng áng cũng chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống đạm bạc. “Đại gia” cũng khó mua nổi những thứ đó. Có được bó rau, vài quả trứng là cả một vấn đề. Ấn tượng mãi có lần tivi đưa tin một người đàn ông nhận được mớ rau của tổ công tác xã hội mà rưng rưng nước mắt. Đó là bó rau được gửi tặng từ những vùng quê vốn quanh năm giáp hạt, đặc sản chỉ là gió và cát. Nhưng sẵn tấm lòng chia sẻ với đồng bào của mình, họ sẵn lòng hào phóng. Có lẽ chỉ ở nước ta mới có siêu thị 0 đồng để giúp đỡ lương thực, thực phẩm cho phần lớn công nhân ở trọ, dân lao động tự do... tạm sống qua mùa dịch.
Có kể ra cũng không bao giờ hết những tấm lòng vàng trong thời đại dịch. Câu ngạn ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” hơn lúc nào hết được phát huy hiệu quả./.