Tâm tưởng Đà Lạt
NGUYỄN THÁNH NGÃ
Ngày chưa xa Đà Lạt, không hiểu sao tôi có cảm giác nhớ Đà Lạt ngay khi đang ở chính nơi ấy. Có lẽ, đó là nỗi nhớ tiên tri cho một ngày mình sẽ xa Đà Lạt. Vì thế, tôi luôn tự biết rằng, Đà Lạt với tôi đã có mối tâm giao cảm ứng, mà chỉ có tâm hồn và đất trời nhạy cảm mới hiểu nổi mà thôi...
Đúng thế, tâm hồn tôi luôn gắn bó với mây ngàn gió núi, với khúc huyền âm của từng chùm lá thông kim; với tiếng chim khướu, chim mi gợi nỗi bâng khuâng, xa vắng...
Dưới chân núi Lang Bian, người Lạch K'Ho sống hiền hòa trong mái nhà sàn. Rải rác chân đèo, cuối dốc, người K'Ho vẫn hồn nhiên khắc vào dáng núi, mà ngày xưa tôi đã từng được ngắm qua những bức ảnh đẹp mê hồn của nhiếp ảnh gia Cao Đàm - Cao Lĩnh, đã chụp.
Và Đà Lạt, nơi đã mang tên một thành phố buồn. Thành phố buồn theo cách nghĩ thơ mộng, chứ không phải cái buồn bi lụy, thê thương. Buồn chính là nét đẹp nguyên chất của Đà Lạt, cho nên nếu Đà Lạt không buồn thì không phải Đà Lạt. Người mang nỗi buồn trong sáng nhất là người Đà Lạt, đôi mắt nàng sơn nữ K'Ho là nét buồn tuyệt đẹp, đôi mắt những cô gái Làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông... mang nét buồn duyên dáng, đôi mắt nữ sinh buồn trong sáng, thanh thoát; hay sang trọng như mắt buồn quý phái của hoàng hậu Nam Phương.
Tôi đã từng sống, từng đi qua những con phố, buôn làng, đèo dốc mênh mang, từng chứng kiến Đà Lạt giữa hai thời kỳ trước, sau năm 1975, nên tôi hiểu Đà Lạt êm đềm và bão tố, mộng mị và thực tế. Để yêu. Cho dù đi qua rất nhiều thành phố khác, trong và ngoài nước; kể cả thành phố quê hương, nơi tôi sinh ra, cũng không chất chứa nỗi niềm gì như Đà Lạt. Điều ấy nói lên rằng, tôi thuộc về Đà Lạt, dẫu tôi còn xa Đà Lạt trên 300 cây số. Cái gạch nối Sài Gòn - Đà Lạt dọc trục Quốc lộ 20, là đường bay cho cánh chim mang nỗi nhớ bay đi và bay về. Bởi tôi biết chắc một điều, nếu thiếu Đà Lạt tâm hồn tôi trống rỗng. Đà Lạt là chất liệu, là sinh khí nuôi lớn hồn thơ tôi từ ngày cầm bút. Đất đỏ bazan thẩm thấu trong hạt cà phê tôi trồng, hạt lúa rẫy, lúa nương cho tôi cảm giác mặt trời mạnh mẽ, giọt rượu cần gửi vào hồn tôi niềm hoan say tâm tưởng. Tất cả những thứ đó đã thành máu thịt, thành hồn tôi tràn đầy, viên mãn như vầng trăng sau núi.
Cảnh sắc Đà Lạt tâm hồn tôi biết rung động, xốn xang, biết quàng vai ôm ấp những ngọn đồi, biết lòng suối rêu xanh nên không trượt ngã, biết sống trong hang với một bếp lửa, biết tắm thác vào mùa đông rèn cho da rắn chắc. Và biết dấu chân con thú hay về, biết tiếng chim mùa xây tổ, biết hoa gì nở trên vách núi, hạt mưa ngọt sắc lúc nào, biết lão thiền sư tịnh tâm trên đá...
Biết, và biết nhiều lắm, cái biết đã chuyển thành ký ức hoang dã... Thăm thẳm không gian, chập chùng đồi núi, huyền thoại và bí ẩn, ấm áp và lạnh lùng, hoang sơ và lắng đọng, sương mù và núi xanh, trải dài trải rộng theo tiếng chiêng đâm trâu, tiếng khèn bỏ mả, tiếng tù-và rúc trong khuya khoắt làng buôn. Chừng đó màu sắc, đã làm nên tôi bây giờ.
Nếu núi làm nên linh hồn Đà Lạt, thì tôi đã mang linh hồn đó đi theo, để trong từng giác quan, hé lộ cảm xúc, và tự nhận diện chính mình. Dĩ nhiên tôi biết, không có gì nguyên vẹn trước cơn lốc thời gian, nhưng Đà Lạt đã được đóng dấu bằng móng ngựa Yersin; đã được điểm trang bằng biệt thự cổ, và các làng hoa làm nên tên gọi một vương quốc, thì Đà Lạt sẽ mãi dịu dàng như tên gọi của dòng nước người Lạch. Vì thế, đừng để tình yêu thiên nhiên của chúng ta trở thành phù phiếm, bởi chúng ta không thể đem ký ức, phục dựng một thành phố đã xa với lịch sử đẹp đẽ lâu đời của nó.
Tôi biết, Đà Lạt sẽ cùng tôi thức dậy, sẽ mở mắt nhìn những giấc mơ đẹp lan tỏa ra màu xanh núi đồi, dù có làn sương mỏng vây quanh, nhưng linh hồn các loài hoa thường rực rỡ. Tôi sẽ vén tấm màn cho ánh trời chiếu rọi, để sương mù có thể biến thành giọt sương long lanh lăn trên cánh hoa, ong bướm sẽ hoan ca trong bốn thời khắc của một ngày đầy hương mật, thong dong, thanh thản.../.