Tản mạn mùa dịch

TAP CHÍ LANGBIAN|11/8/2021 3:55:54 PM

 

                                       Tản mạn mùa dịch

                                                               NGUYỄN VĂN UÔNG

Buổi sáng bừng mắt chập chờn. Ngoài khung cửa, màn sương xám giăng giăng. Sương mờ trên những đọt thông lẻ loi chạy dọc theo con đường phố. Một hiện thực đầy ảo ảnh lãng mạn. Sương mờ nhạt tháp chuông Trường Cao Đẳng như bức tranh thủy mặc ai vẽ đêm qua giữa tầng không. Cảnh quen thường ngày ấy, hôm nay tôi thấy lạ như chưa từng thấy. Vẫn dán lưng xuống nệm ấm phóng mắt nhìn, thói quen này tôi đã có từ lâu khi chuyển về ngôi nhà có căn phòng ở tầng 2, mỗi sáng nhìn nắng lên ngoài khung cửa. Mùa này dịch bệnh, tật nằm nán của người già thắng thế nên tôi không vội vàng. Ngoài kia nắng chưa lên, chiếc điện thoại thông minh cho tôi biết thông tin bạn bè, người thân nơi xa, ai bình yên, ai còn, ai mất. Tôi đã nhận được tin nhiều gia đình thầy cũ và bạn bè ra đi trong đợt dịch này. Người trước, kẻ sau chồng vợ ra đi không người thân chăm sóc.... Tôi ngậm ngùi ghi mấy chữ "Thành kính phân ưu" tiễn người thân yêu đi vào nơi xa vắng.

Nắng xuyên ngang khung cửa một vệt sáng gọi ngày. Tôi lần ra cửa nhìn xuống con đường phố trước nhà. Hai dãy nhà im ỉm cửa đóng then cài. Con đường nhựa nhẵn thín vắng bóng người, xe. Nắng lên nhưng thành phố vẫn chưa thức giấc. Đường không có người đi lộ vẻ u tịch của một thành phố buồn. Hàng quán mùa dịch chỉ còn cái bảng treo trước nhà trơ trọi. Mọi sinh hoạt dân phố đều khuất kín sau những khung cửa nhôm. Hơn tháng nay, cuộc sống một con phố nhộn nhịp đâu rồi? Nhìn cảnh này, tôi có thoáng liên tưởng đến những con đường của thành phố Hồ Chí Minh. Một thành phố sầm uất, năng động với những con đường nườm nượp người xe trở nên hoang vắng, không bóng người trong hơn 60 ngày giãn cách. Dịch bệnh, làm ngưng trệ sản xuất, lưu thông phân phối, thay đổi mọi sinh hoạt xã hội. Dịch tấn công loài người chẳng khác gì một trận giặc càn.

Dịch cúm Sars-Cov-2 (Covid-19) bùng phát cuối năm 2019 ở Vũ Hán (Trung Quốc), lan tràn khắp thế giới. Việt Nam cũng đã 3 lần bùng phát dịch và đã được dập tắt gọn gàng. Trong khi các quốc gia giàu có đang điên đảo vì dịch Covid-19 thì Việt Nam chiến thắng một cách ngoạn mục, được cả thế giới đề cao. Nhưng đợt dịch thứ 4 phức tạp, tác hại vượt dự đoán của chúng ta. Ngày 27-4-2021 lần đầu phát hiện 5 ca mắc Covid-19 từ những người mới nhập cảnh ở vài tỉnh, dịch lan ra các nơi, bùng phát mạnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang rồi chuyển nhanh vào các tỉnh phía Nam. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh chung quanh trở thành tâm dịch. Những ngày cuối tháng 4 ấy, Ấn Độ và các nước vùng Đông Nam Á quanh ta, dịch bùng phát với biến thể mới.

Tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt, phát dịch chậm hơn các khu công nghiệp khác. Từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên ở xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh ngày 2-7, tiếp đó là một số điểm rải rác ở các nơi khác, nhất là khi dịch ở Nhà máy sợi Phát Chi, xã Trạm Hành bùng phát ngày 5-8 với số ca nhiễm nhiều người, chính quyền đã ra quyết định giãn cách kịp thời, truy vết điều trị, ngăn dịch lây lan. 2 xã Trạm Hành, Xuân Trường của thành phố Đà Lạt giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 6-8; đến ngày 6-9 nới lỏng, chuyển sang giãn cách theo Chỉ thị 15; ngày 21-9 thì ngưng giãn cách. Dịch bệnh ở đây đã được khống chế, sinh hoạt người dân trở lại bình thường. Đối với ổ dịch ở Nhà máy sợi Phát Chi, con số bệnh nhân liên quan từ ổ dịch này vọt lên gần 150 ở một địa bàn dân cư không nhiều, đã trở thành mối lo của người dân thành phố khi những thông tin từ ổ dịch thành phố Hồ Chí Minh hằng ngày thông báo số người mắc, số người mất không ngừng tăng cao. Tiếp theo những nơi dịch có dịch tể từ những tài xế đường xa, những người từ vùng dịch trở về làm con số F0, F1, F2 nhiều thêm. Danh sách những điểm truy vết càng dài từng ngày tạo tâm lý lo lắng cho người dân. Thành phố Đà Lạt chưa thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ nhưng người dân có ý thức phòng dịch tự cách ly, góp phần hạn chế sự lây lan. Thông điệp 5K trong 3 đợt dịch trước, bây giờ thêm thành 5K +VACCINE trở thành phương châm cho người dân thích ứng với chủ trương sống chung với dịch. Đến nay đã hơn 10 đợt tiêm chủng vaccine tạo kháng thể là biện pháp chống dịch phù hợp nhất bảo vệ người dân qua cơn đại dịch này. 

Sau hơn 2 tháng thực hiện khẩu hiệu của người già "Yêu nước là không ra khỏi nhà", tôi thực hiện nghiêm túc. Mỗi sáng thức dậy, mở mạng xem tin tức người thân, bạn bè, xã hội. Chờ đến khi có bản tin của Sở Y tế Lâm Đồng thông báo tình hình dịch bệnh trong ngày mới yên tâm làm tiếp những công việc của mình. Tối trước khi lên giường ngủ phải đọc đi đọc lại bản tin trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh covid để biết tình hình dịch trong ngày trên cả nước. Những con số nhảy múa liên tục từ 3 đến 4, vượt 5 con số liệt kê người mắc bệnh, người chết, người khỏi bệnh, người được tiêm chủng ngừa. Cả nước dồn sức chi viện dập dịch, cung cấp lương thực thực phẩm bảo đảm an sinh, cuộc sống bình yên dần dần trở lại cho thành phố Hồ Chí Minh. Sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ áo trắng trong trận chiến cam go chống dịch làm cảm kích lòng người với sự ngưỡng mộ, biết ơn.

Dệnh bệnh là tai họa thường xảy ra với loài người. Lịch sử nhân loại đã từng ghi lại những trận dịch kinh hoàng cướp đi sinh mạng hàng triệu triệu người trên trái đất này, khi xã hội loài người chưa đông đúc như ngày nay. Có những dịch bệnh đã chuyển tên thành một căn bệnh sống chung với loài người như bệnh dịch tả, bệnh dịch hạch,... Có những phát hiện của các nhà khảo cổ về dấu vết của những nhóm cộng đồng dân cư ngày nay không còn tồn tại trong xã hội loài người. Đó là thảm họa do dịch bệnh đã tiêu diệt cả một vùng cư trú sơ khai khi hình thức giao lưu xã hội chưa hình thành rộng rãi. Loài người đã đấu tranh chống lại dịch bệnh từ khi xuất hiện những hiện tượng chết người hàng loạt bằng nhiều biện pháp khác nhau. Tìm thuốc từ lá cây, đất đá sản phẩm của thiên nhiên đến những cầu đảo thánh thần trừ tà, giải hạn. Dịch bệnh do một tác nhân vô hình loài người sơ khai chưa biết rõ ràng, họ đành quy nguyên nhân về cho thần linh, ma quỷ giáng xuống trần gian giết hại loài người. Thời cổ đại, bệnh dịch hạch và thương hàn đã giết chết 1/4 dân số thành phố Athens (Hy Lạp). Cái Chết Đen (tên gọi bệnh hạch) lan tràn khắp thế giới giết chết hàng trăm triệu dân mỗi kỳ bùng phát. Thời cận đại, các đợt dịch tả, dịch đậu mùa, dịch cúm... vẫn liên tục xuất hiện. Khi các đoàn quân viễn chinh Pháp xâm chiếm Nam Kỳ (1859), họ mang theo dịch tả từ Ấn Độ sang, đã giết chết không ít lính Pháp và người dân Nam kỳ thời đó. Đợt dịch tả hoành hành ở nước ta vào năm 1819-1820, có nhiều người chết trong đó có nhà thơ lỗi lạc Nguyễn Du, mất ở tuổi 55, lúc đó ông đang làm quan, sống tại kinh đô Huế. Hoàng tử Cảnh cũng qua đời vì dịch đậu mùa ở Sài Gòn trong những ngày vua cha Nguyễn Ánh đang tranh hùng với quân Tây Sơn. Hoàng tử Hồng Nhậm con vua Thiệu Trị, sau này là vua Tự Đức, bị đậu mùa nguy kịch cứu sống được nhưng để lại thể trạng yếu ớt, tuyệt đường sinh sản. Sau Thế chiến thứ Nhất 1914-1918, dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát ở các nước Tây Âu giết chết hàng trăm triệu nhân mạng. Đợt dịch cúm năm 1956, người dân Huế quê tôi bàng hoàng hỏi nhau mỗi sáng còn gặp lại. Có nhiều người chết nhưng thời ấy không có các phương tiện truyền thông rầm rộ như bây giờ nên chỉ rỉ tai nhau. Một buổi chiều đi học về tôi thấy rét run người. Cố gắng về đến nhà, tôi trùm kín mấy lớp chăn vẫn còn run cầm cập. Trong nhà đã chuẩn bị sẵn một ít thuốc ban, lá xông và những thức ăn chống cảm cúm, tôi là người được sử dụng đầu tiên. Sau khi ăn một tô cháo tiêu, hành hương, trứng gà nóng hổi, hăng hắc khó nuốt với những lá rau tần xắt nhỏ trộn đều vào cháo, tôi ngồi trùm phủ chăn với nồi lá xông. Tôi thấy người đỡ rét, mồ hôi rỉ ra. Đêm đó, tôi ngủ chập chờn khi rét run, khi lên sốt mê man nhưng thấy dễ chịu dần. Tôi nằm hơn một tuần với nhiều viên thuốc uống vào người và tiếp tục ăn món cháo rau tần khó nuốt đó, đến nỗi thấy nó là đã muốn nôn. Khi lành bệnh, trong xóm tôi có một cụ già chết đã đưa tang cũng do căn bệnh cúm quái ác này.

 Khoa học ngày càng phát triển. Từ khi loài người biết tác nhân gây nên những đợt đại dịch là những con vi trùng, virus nhỏ bé thì loài người cũng biết tìm cách khống chế và phòng ngừa. Vi trùng, virus là những thực thể sống, luôn tồn tại đồng hành, gắn bó với cuộc sống muôn loài trên hành tinh này. Các loại thuốc kháng sinh đẩy lùi dịch bệnh nhưng những thực thể sống li ti đó không bao giờ mất đi. Các loại thuốc chủng ngăn ngừa vi trùng, virus tấn công con người, thuốc chủng trang bị cho loài người vũ khí kháng thể để sống chung với nó. Chiến dịch tiêm chủng vaccine toàn dân được triển khai và người dân tham gia hưởng ứng là một dấu hiệu tích cực đẩy lùi dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường.

Tháng 9 trời Đà Lạt cuối thu mưa nắng đan xen. Nắng đã ngập ngừng len lỏi chen giữa những ngày mưa. Cái nắng đỏng đảnh làm thành phố sáng tươi trở lại sau những ngày mưa dai dẳng. Dịch bệnh đã tạm lắng. Vẻ nhộn nhịp đường phố đã dần trở lại. Dịch vẫn còn đang rình rập đâu đó chờ người sơ hở, chủ quan để tấn công. Tôi chỉ ra đường với chiếc khẩu trang khi cần thiết. Sáng chiều, tôi làm vài động tác thể dục thư giãn gân cốt, cơ bắp, lướt mạng, đọc sách. Đêm nằm nghĩ thương những lao động nghèo mất việc không có thu nhập, con cái nheo nhóc; nghĩ lo các cấp chính quyền thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế.

Thế đó! Sống chung với dịch.

Hẹn bạn bè gặp lại nhau khi mỗi người đã chích đủ 2 mũi vaccine./.

                                                                                      

 

 

Tản mạn mùa dịch