Tiếng thơ ngân từ Đức Trọng
Tản văn: LÊ HUỲNH TÚY TÂM
Mới chộn rộn Tết, thoáng chốc đã tàn xuân. Thời gian cứ nhẹ nhàng trôi qua cỏ cây hoa lá, trôi qua lòng người không thúc hối, vội vã và cũng không biếng lười chậm chạp ngơi nghỉ. Những đóa hoa mai, nụ cúc, bông hồng… hôm nào rộn ràng bung nở sắc hương, giờ lặng lẽ lụi tàn giấu hình hài trong đất như bao sinh linh trên cõi nhân gian hữu hạn quá tuổi, già nua, quay lại chốn cội nguồn hóa thân làm cát bụi, khói sương. Muôn thuở vạn vật vẫn tuần hoàn như dòng máu chuyển lưu trong cơ thể vũ trụ. Kết thúc để tồn sinh, sự đổi thay cũng để cho mặt đất tinh cầu ngày thêm mới đẹp xanh hơn. Có lẽ vì như thế, thơ như sắc hương hiện diện cuộc đời để trang điểm hồn người những khi bại thành, được mất, buồn vui. Thơ rút ruột rút gan mà làm nên câu chữ. Thơ chắt lọc tinh túy đất trời mà tồn tại. Và thơ nơi Đức Trọng ví như cô gái còn xuân, mơ mộng, khát vọng. Được Hội VHNT tỉnh quan tâm, chú ý, thành lập riêng một chi hội nhằm quy tụ những người có khả năng sáng tác và đam mê. Những vần thơ từ những nhà thơ huyện phố như: Thánh Ngã, Diệp Vy, Quy Quy, Hồng Chinh, Duy Hà và những hội viên chuyên thơ đã trở trăn, thai nghén và đã vượt thung đồi, ghềnh thác bay khắp mọi miền. Nếu hoa xuân tàn, từng mùa đẩy xô trôi về quá khứ thì có thể nói thơ từ huyện núi được khai sinh và hy vọng sống mãi giữa lòng người, dẫu nhiều, dẫu ít, dẫu biên độ xa gần. Khi Thánh Ngã lớn lên từ con nước sông Trà. Âm hưởng giai điệu từ dòng Đạ Dâng thác ghềnh đồi núi trôi ra biển lớn, hội nhập với dòng thi ca đại dương. Như con kình ngư vượt cả chính mình đam mê tung tẩy, bơi lội giữa trùng khơi, thì tiếng thơ của chàng thi sĩ hoang đã ngân vang khắp bến bờ trong giới văn chương, bầu bạn xa gần. Từ cô gái dân tộc thiểu số, quê kiểng nơi Cao Bằng, Lạng Sơn xa xôi Tổ quốc. Diệp Vy và Quy Quy như một cặp bài trùng, hai tác giả nữ này đã xuất bản nhiều tập thơ riêng. Góp mặt khá nhiều trên các tạp chí trung ương, địa phương. Và giành nhiều giải thưởng. Có thể nói đã có chỗ đứng trong giới văn nghệ xa gần, ấn tượng trong lòng bạn đọc yêu thích. Mỗi người mỗi vẻ, những vần thơ của hai cô gái Tày trong chi hội cũng mênh mang hương hồi cố xứ hòa cùng giọng thác Gougah, Pongour chảy triền miên năm tháng. Như tiếng ru hời của mẹ miền Trung nắng mưa gian khổ, như giọng nồm trưa thổi qua lũy tre, vườn cau, mái tôn vách ván, ru dỗ giấc say nồng cho mỗi cuộc đời lam lũ. Thơ Hồng Chinh cũng hiện diện trên những tờ báo sáng giá như: Tuần báo văn nghệ thành phố mang tên Người. Và những tạp chí: Kiến thức, Áo trắng, Sông Hương, Nha Trang... minh chứng một đam mê dẫu đến sau đàn anh, đàn chị. Không thể không nhắc một hội viên rất mới, thơ anh đã được đăng trên một số tạp chí văn nghệ. Ngày Hội VHNT Lâm Đồng xét đơn kết nạp, Nguyễn Duy Hà đã giành Giải Nhì Cuộc thi thơ: Lâm Đồng trên đường đổi mới và phát triển. Thơ Duy Hà vẫn sắc màu truyền thống, nhưng tứ thơ mới, lạ. Có lẽ nhà giáo trẻ đến từ xứ Nghệ ảnh hưởng cảm xúc tình yêu quê hương có Bác, quê hương của đại thi hào Nguyễn Du chăng?. Và còn nhiều nữa những giọng thơ Đức Trọng như Đinh Thời Nguyễn với dấu ấn tuyển tập thơ "Một khúc sông Trà" đã từng xôn xao dư luận một thời. Thơ Nguyễn ít đăng tải, tập thơ" Dấu xưa "xuất bản từ những năm trước, có rất nhiều bài thơ, câu thơ hay. Rồi đến nhà giáo Trường cấp ba Đức Trọng, nhà thơ, Chi hội phó Vũ Xuân Trình cũng đã ra mắt "Những dòng sông thức tỉnh" Thơ anh cô đọng ngôn từ mà ý tứ thẳm sâu, lan tỏa. Cũng một cô giáo viên tuổi đời còn rất trẻ dạy môn Văn cùng trường. Dù chưa kết nạp vào hội. Với nỗi đam mê, Lê Thúy cũng đã hiện diện những tác phẩm trên tạp chí Lang Bian, Kon Tum, văn nghệ Bông Tràm của Hội Liên hiệp đồng bằng sông Cửu Long.
Những cây bút nữ một thời của Đức Trọng như: Thy Minh, Kim Chi, Bắc Phi… Những tập thơ của ba tác giả này được xuất bản gửi lại mảnh đất huyện nhiều suối thác đầy ấn tượng. Dẫu đã định cư nước ngoài, thơ như vết trăng tì còn mãi lưu trên mái phố Tùng Nghĩa, trên suối thác Liên Khương vàng mơ róc rách chảy quanh mùa.
Ngoài những hội viên chuyên ngành thơ kể trên. Đức Trọng còn có hai Câu lạc bộ Thơ Liên Nghĩa và Sông Xanh ở xã Tân Hội vẫn thường xuyên hoạt động.
Hầu hết những thành viên trong hai Câu lạc bộ thơ trên là những thầy, cô về hưu. Nhiều nhất là những cán bộ Nhà nước, các sĩ quan, chiến sĩ phục viên, ra quân yêu thích đam mê sáng tác văn chương khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, lây lan. Vào những ngày lễ lớn cũng như Tết cổ truyền của dân tộc của những năm trước, Chi hội VHNT Đức Trọng đã phối kết hợp cùng với các trường trung học cơ sở trên địa bàn tổ chức những đêm thơ đầy ấn tượng. Những giọng thơ không chuyên, mộc mạc cất lên, những vần thơ rút ruột, rút lòng của từng "nghệ sĩ" đồng quê ngân nga; bay bổng cũng xuyến xao lòng "mặc khách, tao nhân".
Thơ Đức Trọng đa phong cách, đa sắc màu. Truyền thống và hiện đại đan xen, mọi chủ đề đều trải nghiệm. Nhưng tất cả đều hướng tới chân, thiện, mĩ. Ngợi ca Tổ quốc, yêu quê hương có cả tình yêu đôi lứa.
Mừng kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng. Là một trong năm chi hội cơ sở ở các huyện trong địa bàn tỉnh, có thể nói rằng: Những tác giả thơ Đức Trọng như những bông hoa bung nở sắc màu trong vườn hoa văn học nghệ thuật tỉnh nhà và cả nước. Có những tác phẩm ví như người kỹ sư địa chất mải mê khai thác những mỏ quặng, mải mê chưng cất, chắc lọc ngôn từ. Có tác phẩm như người nông dân Nam Tây Nguyên quanh năm cần mẫn cuốc bẫm, cày sâu trên những rẫy nương, đồi núi... Đôi bàn tay, khối óc mãi mong tìm những giọt mồ hôi đã đổ, để tưới tắm lên xanh thung đồi bao mùa hoa trái. Và có thơ như những chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo xa xôi, từng đêm thức thao dưới trời khuya giăng mắc gió sương, khắc lên vách đá, cột mốc chủ quyền một tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm giữ yên non sông, bờ cõi!/.