Tre làng trong ký ức

TAP CHÍ LANGBIAN|11/5/2021 10:43:53 AM

          

Tre làng trong ký ức

                 THÙY HƯƠNG (TP.HCM)

 

Những ngày đầu tháng bảy, phố thị nắng như nung như nấu, nhiều khi ngột ngạt quá lòng lại ước được trở về ngồi dưới lũy tre xanh của làng. Tôi sinh ra từ xóm làng bình dị hiền lành như củ khoai củ sắn, coi con trâu là đầu cơ nghiệp, coi bùn đất ruộng đồng là hơi thở; bóng tre già, khúc đồng dao là tâm hồn. Lũy tre xanh tỏa bóng mát cho làng vẫn hiện diện như một phần của nỗi nhớ quê. Nỗi nhớ như có một sức hút lạ kỳ là nhớ thật đằm, thật sâu, tựa men rượu chưng cất bằng tình cố hương cay nồng ngấm vào ký ức.

Chẳng ai biết tre có tự khi nào, chỉ biết khi lớn lên hình ảnh cây tre đã khắc sâu vào tâm khảm qua những câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ. Một cây nêu huyền bí biết xua đuổi loài quỷ dữ, một chàng Gióng dùng roi tre giữ gìn từng tấc đất quê hương. Hình ảnh lũy tre xanh đầu làng in đậm trong ký ức. Và những tiếng gió reo trong từng bụi tre gai làm xao động cả trời chiều, khiến không ít người chợt thèm được nghe tiếng kẽo kẹt của những thân tre cọ vào nhau giữa trưa hè oi ả.

Tuổi thơ của tôi gắn liền với quang gánh trĩu nặng đôi vai của mẹ. Từ nhỏ, tôi đã được mẹ dạy phải biết quý trọng, hàm ơn cây tre như thể quê hương mình. Nhớ chiếc đòn gánh cong hai đầu sương gió. Ngày tôi còn bé thơ, mẹ vất vả sớm khuya gánh mạ non ra ruộng cấy, gánh lúa chín về sân phơi, mẹ gánh từng gánh rau, buồng cau, nải chuối để rao bán dọc đường. Tôi biết yêu hơn cuộc sống này, và tự hào khi lớn lên bằng những tiếng rao thân thương của mẹ.

Tre mọc rất nhiều nơi nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn luôn thấy lũy tre làng ở đồng quê mình là đẹp nhất. Quê tôi được bảo vệ, bao bọc bởi những lũy tre cong, mềm nhưng vô cùng bền bỉ và mạnh mẽ. Bởi thế dù đi qua bao miền, dù ra Bắc hay vào Nam cứ chạm mắt vào cái dáng hình cong cong của một lũy tre xanh, tôi lại nhớ làng mình tha thiết. Ngày ấy cha làm cán cuốc, cán xẻng bằng tre để làm đất trồng cây, vun xới hoa màu. Ông ngoại còn làm chiếc gàu sòng tát nước bằng tre cho cây lúa lên xanh. Rồi làm luôn cái bồ đựng thóc cất giữ mùa màng, cất giữ niềm vui của bà trong căn nhà ấm cúng. Tre là cột, là vách, là đòn tay, rui mè để làm nên ngôi nhà che mưa, che nắng cho bao tổ ấm nơi làng tôi… Và in hằn luôn cả những kỷ niệm của tôi và những người bạn chăn trâu ngày bé chân đất đầu trần với biết bao trò vui đùa dưới bóng hàng tre, trên con đường đất êm như lụa. Chúng tôi lặng lẽ lớn lên trong bóng mát của lũy tre làng.

Ôi! Kể bao giờ cho hết những ân nghĩa mà tre đã mang lại cho con người, kể bao giờ cho hết những kỷ niệm dưới bóng tre làng! Tôi chỉ biết đem lòng yêu những bóng tre, như yêu những người thân thuộc, như để tìm lại bình yên trong cuộc sống bộn bề.

Ngày nay, những thân tre đã vượt qua khuôn khổ của quê nhà vươn ra thành thị. Tre hóa thân thành bộ ghế kiêu sa của quán ăn, nằm sang trọng trong văn phòng. Những thân tre quặn mình ra từng chiếc chiếu tre ngày càng bắt mắt và tiện nghi hơn. Nhưng dù được tô điểm đẹp hơn, sang trọng hơn thì với tôi tre vẫn mang một cốt cách trong sáng và hiền hậu của một loại cây vốn dĩ chỉ yêu mến mùi sình, bám chặt đất quê.

Dù bây giờ đã trưởng thành, chín chắn nhưng mỗi khi nghĩ về tre làng tôi mới thấm thía từng lời, từng chữ ấy của nhà thơ Nguyễn Duy. Bao nhiêu năm rồi, giờ nghe lại vẫn thấy nao nao trong lòng, như thể hình ảnh của tre, cũng như những vần nhịp của bài thơ, đã quyện lại tựa thành lũy trong ký ức và tâm hồn người. Nói về cây tre mà thầm thì, da diết như nói về một con người hết sức thân thuộc...

“Tre xanh

Xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa

đã có bờ tre xanh...”./.

Tre làng trong ký ức