Về lại Bình Thuận - chuyện bây giờ mới kể
Bút ký: NGUYỄN CHÍ LONG
Sau gần 20 năm tôi mới có dịp trở lại Bình Thuận cùng với Đoàn Văn nghệ sĩ Lâm Đồng đi thực tế sáng tác. Bình Thuận bây giờ khác quá, đặc biệt là thành phố Phan Thiết. Gặp lại một số bạn bè làm báo và công tác trong ngành Lâm nghiệp ở Bình Thuận cách đây 20 năm, trong ly rượu ấm lồng, bao kỷ niệm một thời trai trẻ làm báo, viết văn ùa về. Đặc biệt là chuyến công tác kéo dài hơn 2 tháng cuối năm 2001ở Bình Thuận: Viết bài, đưa tin về Chiến dịch di chuyển đàn voi dữ từ rừng Tánh Linh lên rừng Yok Đôn, bảo vệ đàn voi rừng và cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Cuối những năm 90 đầu năm 2000-2001, bầy voi rừng Tánh Linh (Bình Thuận) liên tục quật chết người làm nương, rẫy ở bìa rừng. Đêm 23-10-2001, voi rừng xuất hiện phá chòi và giẫm chết anh Thổ Nghẹ 23 tuổi, dân tộc Châu Ro, đưa số người bị voi rừng ở đây làm chết lên con số 21. Trước tình hình ấy, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết tâm di chuyển đàn voi ở rừng Tánh Linh (Bình Thuận) đến một “ngôi nhà mới” vừa bảo tồn được đàn voi, vừa giữ được yên bình cho Nhân dân. Ngôi nhà mới của đàn voi dữ ấy là Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk).
Tôi được Báo Quân đội Nhân dân cử đi theo dõi, viết bài đưa tin về chiến dịch này. Chúng tôi tới Yok Đôn vào một ngày cuối tháng 10, khi ở đây công tác chuẩn bị di dời đàn voi đang rất sôi động và đã bước vào giai đoạn cuối. Tiếp chúng tôi tại “cửa rừng” là anh Ngô Tiến Dũng - Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn. Sau những lời chào hỏi thân tình, chúng tôi đi ngay vào vấn đề mà dư luận đang quan tâm: Làm thế nào để di dời được đàn voi dữ từ rừng Tánh Linh lên Yok Đôn, công tác chuẩn bị cho việc đón voi sao cho an toàn tuyệt đối, để voi về chỗ ở mới tiếp tục sinh sống, phát triển bình thường. Tránh tình trạng như đợt di dời voi năm 1993, sau một thời gian cả 6 con voi đều lần lượt bị chết.
Anh Dũng cho biết: Vườn Quốc gia Yok Đôn và cả vùng Buôn Đôn, Cư Jut, Ea suop (Đắk Lắk) là nơi ở lý tưởng của loài voi. Cả nước có 13 vườn quốc gia thì riêng ở Yok Đôn, theo điều tra của Viện Khoa học Lâm nghiệp mới đây, là nơi sinh sống của 80 đến 100 con voi rừng. Chúng sống thành nhiều bầy đàn chừng 8-13 con, có đàn tới 40 con, trong mỗi đàn đều có nhiều thế hệ bảo đảm sự sinh tồn giống nòi. Năm 1998, các nhân viên của Vườn trong khi đi kiểm tra, bảo vệ rừng đã bắt gặp một đàn voi 13 con. (Theo điều tra của tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới, năm 1999 Việt Nam chỉ còn khoảng 111 con voi rừng). Như vậy, nếu điều tra đó là chính xác thì voi rừng ở Việt Nam hiện nay chủ yếu còn tồn tại và sống ở Yok Đôn. Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích 58.200km2, là khu rừng nguyên sinh rất phù hợp với sự sinh tồn của loài voi. Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn kết hợp rất chặt chẽ với Ban lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Vườn tổ chức quản lý, bảo vệ Vườn; giáo dục, xây dựng ý thức cộng đồng dân cư xung quanh Vườn thấy rõ ý nghĩa, giá trị của việc xây dựng vườn quốc gia. Xung quanh Vườn có 591 hộ dân sinh sống (90% là đồng bào dân tộc thiểu số) nhưng mấy năm gần đây không có một vụ nào dân lấn chiếm đất rừng xâm canh, môi trường sinh sống của voi rừng được bảo vệ. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân để đàn voi rừng Yok Đôn khá hiền lành, không hung dữ như voi rừng ở Tánh Linh. Voi nhà ở đây cũng còn khá nhiều, chỉ tính riêng huyện Buôn Đôn, nơi Vườn đứng chân hiện có 24 con voi nhà thuộc sở hữu của 19 hộ đồng bào. Còn công tác chuẩn bị di chuyển đàn voi dữ Tánh Linh? Anh Dũng cho biết: Đây là một quá trình chuẩn bị hết sức công phu, tỉ mỉ, tính toán kỹ lưỡng để bắt sống được voi dữ, di chuyển an toàn, đưa voi về với môi trường thiên nhiên, để tiếp tục sinh sôi phát triển.
Trước hết là việc khảo sát địa điểm thả voi. Từ cuối tháng 5-2001, các tổ công tác của Cục Kiểm lâm đã vào Yok Đôn hai lần kiểm tra tình hình môi sinh, môi trường, tìm vị trí thả voi. Dự kiến sẽ đưa đàn voi về Tiểu khu 443. Theo yêu cầu của các chuyên gia Malaysia, Vườn đã mua hai con voi nhà to lớn, lực lưỡng do chính các chuyên gia lựa chọn, giá mỗi con hơn 30 triệu đồng (giá tiền năm 2001). Từ ngày 6-10 hai con voi này đã được dắt về Vườn giao cho hai quản tượng mới là anh Y Măt Koh và Y Siêng Niê quản lý, chăm sóc và tập luyện cho voi. Chúng tôi theo hai anh ra tận nơi thả voi ở cánh rừng phía Bắc, đường cách đại bản doanh của Vườn 2km. Sau khi giấu xe máy vào bụi cây ven rừng, chúng tôi luồn rừng, vạch lối tìm voi. Nghe thấy tiếng chuông kêu leng keng (mỗi chú voi nhà đều có chuông đeo ở cổ để chủ dễ tìm) Y Măt Koh cất tiếng gọi “Khun khun! Hau U!” (Đứng lại, tới với mình!). Một chú voi to cao lừng lững đạp cây tiến lại. Tôi hơi chột dạ, lùi lại. Y Măt Koh trấn an: “Không sao, có em rồi!”. Anh dùng chiếc gậy điều khiển voi, ra hiệu cho voi dừng lại để chúng tôi chụp ảnh. Anh nói: Con voi của em tên là Y Khun, 25 tuổi, trước là của ông Ma Măng ở Buôn Trí. Còn con voi của Y Siêng Niê có tên là Y Nuôn, 27 tuổi, trước là của ông Masina ở Buôn Đôn. Công việc của các anh là hàng ngày thay đổi chỗ cột xích cho voi 3 lần, buổi trưa cho voi ăn bổ sung thêm đường, mía, chuối… rồi cùng các chuyên gia Malaysia tập luyện cho voi. Anh Dũng cho biết, vài ngày tới sẽ mua thêm một con voi nữa, tiếp tục tập luyện cho cả ba con voi quen với tiếng còi xe ô tô, tập luyện leo lên leo xuống xe ô tô. Ngày 10-11, các chú “voi chiến” này sẽ lên đường “xung trận”.
Cũng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn chúng tôi gặp được ông Phạm Mộng Giao (chuyên viên Cục Kiểm lâm - thành viên Ban điều hành bắt voi quốc gia), ông đã từng tham gia chiến dịch bắt voi năm 1993. Ông cho biết, việc huấn luyện voi do các chuyên gia Malaysia làm và chính họ sẽ thực hiện việc săn, bắt voi. Yêu cầu lần này là “phải bắt sống để thả voi về với cuộc sống hoang dã”. Vì vậy, việc theo dõi đàn voi dữ Tánh Linh đã bắt đầu từ mấy năm trước, còn công tác hậu cần chuẩn bị cho chiến dịch này đã bắt đầu từ tháng 6-2001. Nhóm chuyên gia nước ngoài và tổ công tác của ta đã nghiên cứu rất kỹ hiện trường để lên sơ đồ khu vực bắt voi. Một việc rất quan trong là bắn thuốc gây mê. Sẽ có hai chuyên gia chuyên pha chế thuốc gây mê. Giờ “G” của chiến dịch còn phụ thuộc vào thời tiết. Nếu trời mưa sẽ không làm được, vì khi bắn thuốc mê, voi rừng sẽ chạy thêm một quãng dài sẽ bị ngạt chết. Nên nhất thiết phải tiến hành khi trời khô ráo. Tuy nhiên, dự kiến chiến dịch sẽ bắt đầu vào trung tuần tháng 11 và kết thúc trong vòng 4 tuần.
Khi tôi đang ở rừng Tánh Linh tìm hiểu tình hình thì ông Lục Minh Hiếu (Chi Cục phó Kiểm lâm Bình Thuận) gọi điện thoại cho chúng tôi báo tin, ngày 5-11 các chuyên gia Malaysia bắt đầu tổ chức lớp tập huấn về bắt voi và di chuyển voi cho các thành viên của đội công tác người Việt Nam. Trong đó có một số thành viên đã từng tham gia công tác bắt voi năm 1993. Còn anh Ngô Tiến Dũng (Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn) điện về cho biết, chiều tối ngày 6-11 hai chiếc xe Kamaz chuyên dụng được thiết kế theo yêu cầu của các chuyên gia đã tới Yok Đôn. Các ngày 7 và 8-11 sẽ luyện tập cho ba chú voi chiến làm quen với chiếc xe chuyên dụng.
Ông Lục Minh Hiếu cho biết, trong đợt khảo sát mới nhất ngày 1-11-2001 của Chi Cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, hiện vẫn có hơn 3.000 người ở lại đêm trong vùng hoạt động của voi dữ. Họ là lao động thời vụ từ miền Trung vào tạm trú ở xã Tân Minh (Hàm Tân) giáp xã Suối Kiết (Tánh Linh) để làm mía và thường ở lại đêm trong chòi, rẫy mía. Con số này có lúc tăng lên 5.000 người khi mía vào vụ thu hoạch. Thời gian của chiến dịch bắt voi sắp bắt đầu, yêu cầu công tác bảo đảm an toàn cho Nhân dân phải thật nghiêm ngặt. Hiện đàn voi vẫn đang ở khu vực núi Xả Zú, di chuyển trong vùng có chòi rẫy (mía và hoa màu) chỉ cách Tỉnh lộ 710 từ 1,5km đến 2km. Giờ “G” của chiến dịch di dời đàn voi dữ Tánh Linh sắp bắt đầu.
***
So với lần săn bắt voi trước đây, lần này phương án và kỹ thuật săn bắt, di dời đàn voi rừng được chuẩn bị khá công phu. Thật bất ngờ, ba chú voi nhà và đoàn chuyên gia săn bắt, di dời voi rừng Malaysia vừa tới Tánh Linh được mấy ngày đã bắt ngay được voi rừng hung dữ. Nghe tin bắt được voi rừng, chúng tôi đang ở Yok Đôn (Đăk Lắk) lập tức lên đường quay lại Tánh Linh (Bình Thuận). Vượt qua chặng đường hơn 300km, tới 10 giờ ngày 13-11-2001 chúng tôi tới ngã ba Căn cứ 6, thuộc địa phận huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Để dễ bề cơ động, chúng tôi thuê hai anh xe ôm người địa phương chở và dẫn đường với ý đồ “xông ngay” vào khu rừng có hai chú voi rừng đã bị bắt. Đường Tỉnh lộ 710 đi qua 2 xã Suối Kiết, Gia Huynh (Tánh Linh) hôm nay có vẻ đông người đi xe hơn đi bộ, chạy xe máy và cả dùng xe công nông. Hỏi ra mới biết, bà con rủ nhau đi xem “ông bồ” (người dân ở đây gọi voi là ông bồ). Đến ngã ba Xác Chết, anh xe ôm nhắc nhở “Chú phải chuẩn bị tinh thần đi, đường vào núi Xả Zú khó đi lắm, phải băng rừng đấy”.
Cách chân núi chừng 500m, chúng tôi đã thấy khá đông bà con đứng tụ tập thành từng tốp, nét mặt hớn hở hướng về phía núi. Lực lượng cảnh sát, kiểm lâm, dân quân đang giải thích, ngăn chặn không để bà con đến gần núi, đảm bảo an toàn cho dân và cho cả voi. Anh Nguyễn Đình Tin ở Thôn 4 xã Tân Minh (Hàm Tân) ngay sát xã Suối Kiết, người tham gia vác xích lên núi và trực tiếp cùng các chuyên gia xích chân voi, nói: “Ông voi to lắm, mập ú chứ không gầy như voi nhà. Ông nằm ngáy o… o… như người ngủ say. Buổi chiều và đêm 12 voi gầm dữ lắm”. Bắt được voi, bà con ở đây đều vui mừng, hả hê. Ngay đêm 11-11 đàn voi này cũng đã về vườn chuối cách sau nhà anh Tin 300m để ăn chuối, anh phải cho xe Honda nổ máy, bật đèn pha về phía voi để xua đuổi.
Biết không thể tiếp cận được các chú voi rừng (dù có thẻ nhà báo, đủ thứ giấy tờ hành nghề báo chí), chúng tôi liền phóng ngay lên đại bản doanh của Tổ công tác săn bắt voi đóng quân ở khu rừng Bàu Chồn cách chỗ voi rừng bị xích hơn 20km. Những lán bạt dựng tạm ngay bìa rừng, một không khí khá sôi nổi. Ông Shariff, Trưởng đoàn chuyên gia và các thành viên trong tổ công tác đang nghỉ ngơi. Chúng tôi hỏi: Con voi thứ 2 hiện ở đâu? Thì được trả lời: Sau khi trúng đạn gây mê, voi đã chạy lên núi, hiện nay chúng tôi đang đi tìm.
Chiều 14-11 chúng tôi tiếp tục có mặt ở khu lán trại Bàu Chồn để tìm kiếm thông tin về chiến dịch săn bắt voi. Khác với chiều hôm trước, một không khí nặng nề yên ắng, nỗi buồn bao trùm các lán trại. Không có tiếng cười nói vui vẻ, khung cảnh thật ảm đạm. Các thành viên tổ công tác không muốn tiếp xúc với cánh nhà báo. Mọi thông tin được giữ kín. Tuy nhiên qua các đồng nghiệp, chúng tôi cũng đã biết được chính xác tin cả hai con voi rừng đều đã chết.
Sáng 15-11 chúng tôi theo đoàn khám nghiệm tử thi lên chỗ hai con voi bị chết. Núi đất xen lẫn đá hộc, dốc cao tới 50-600, đường đi lên rất khó. Con voi thứ hai bị chết trong tư thế nằm phủ phục cách con voi đầu khoảng 40m (không hề có chuyện voi lăn xuống vực). Nhiều giả thuyết đưa ra về nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai con voi rừng. Tuy nhiên theo chúng tôi, cần xem lại liều lượng thuốc gây mê khi bắn con thứ hai; nếu tổ công tác cho người lùng sục thêm dăm chục mét từ chỗ xích con voi thứ nhất thì có thể sẽ biết được con voi thứ hai nằm đó để giải độc kịp thời. Và, việc chăm sóc con voi bị xích nếu chu đáo hơn thì… làm gì có “nỗi buồn Bàu Chồn”.
Ngay sau cuộc họp ngày 16-11-2001 tại Phan Thiết, ông Nguyễn Bá Thụ, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Trưởng ban điều hành săn bắt voi quốc gia cho biết: Chiến dịch săn bắt, di dời voi rừng vẫn tiếp tục và phải làm kiên quyết, triệt để. Ban điều hành quốc gia giao cho Tổ công tác săn bắt voi chuẩn bị lại phương án săn bắt voi rừng. Vào sáng chủ nhật (18-11) Ban điều hành sẽ gặp tổ công tác tại Bàu Chồn để thông qua phương án mới. Ông Hồ Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, tránh voi huyện Tánh Linh cho rằng: Tổ công tác săn bắt voi cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với địa phương. Dựa vào Nhân dân để nắm được quy luật của đàn voi, không nên vội vàng thấy voi là bắn thuốc gây mê ngay, cần chọn địa hình thích hợp để bắn gây mê. Tìm chỗ voi ở thì dễ thôi, dân họ biết cả, điều quan trọng là bắn thế nào để bắt sống được voi rừng, đưa về vị trí tập kết thuận lợi. Các anh Phạm Thanh Huy, Phạm Hùng Thanh, Lê Thọ Hinh… ở xã Suối Kiết cho rằng cần có biện pháp (như dùng voi nhà) lùa voi rừng xuống rừng bằng để bắn đạn gây mê. Nếu bắn trên núi cao, dốc đứng, voi có sống cũng khó đưa xuống được. Ông Phạm Mộng Giao cho rằng cần phải sớm đưa ba con voi nhà vào cuộc để phát hiện và khống chế voi rừng khi săn bắt (voi rừng thường rất sợ voi nhà). Ông Ngô Tiến Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn cho rằng: Viên đạn gây mê phải tương ứng với trọng lượng của voi, nếu liều lượng không đúng (quá nặng) dễ dẫn đến voi bị tử vong. Sau khi bắt được voi rừng phải có chế độ chăm sóc đặc biệt (thức ă n, nước uống đủ chất); không nên xích voi quá lâu trong rừng, nhất là ở núi đá, trời nắng nóng, voi dễ bị kiệt sức mà chết; cần sớm di dời voi về Yok Đôn, trả voi về với cuộc sống hoang dã, tránh xích lâu ngày sẽ hại đến sức khỏe của voi…
Mặc dù bị thất bại trong trận đầu ra quân, nhưng các chuyên gia và các thành viên trong tổ công tác săn bắt voi rừng hồi đó vẫn không nản chí. Toàn đoàn đã ráo riết rút kinh nghiệm, nghiên cứu mổ xẻ những khuyết điểm, sơ suất đã xảy ra để tìm cách làm, phương án tối ưu giảm thiểu tổn thất cho voi rừng… Và, cuối cùng đã đưa chiến dịch săn bắt, di dời đàn voi rừng Tánh Linh về đích thắng lợi.
Riêng tôi, trong hơn hai tháng dã ngoại cùng “chiến dịch” ấy đã cho ra đời hơn 60 tin, bài đăng trên Báo Quân đội Nhân dân và báo chí địa phương. Những tác phẩm báo chí mà tôi vô cùng yêu thích.