Chất thơ trong truyện Giọt sương đêm của Trần Đức Tiến
TRỊNH BÍCH THÙY (Quảng Ngãi)
Giọt sương đêm (rút từ truyện đồng thoại Xóm Bờ Giậu) của nhà văn Trần Đức Tiến được đưa vào giảng dạy ở chương trình Ngữ văn 6 (bộ Chân trời sáng tạo), tập 1. Đây là tác phẩm hay về đề tài quê hương. Đặc biệt, Giọt sương đêm còn là câu chuyện đậm chất thơ. Tìm hiểu chất thơ trong Giọt sương đêm, có thể giúp người học và bạn đọc cảm nhận được nhiều vẻ đẹp của truyện đồng thoại này, đồng thời có thêm những ngữ liệu thú vị để rèn luyện kỹ năng viết văn cho học sinh.
Bên cạnh tính chất ly kỳ, hấp dẫn, phần lớn truyện đồng thoại đều gợi chất thơ bởi đối tượng tiếp nhận chủ yếu của thể loại này là thiếu nhi, lứa tuổi lãng mạn, nhiều mơ mộng. Truyện đồng thoại Trần Đức Tiến không đi ra ngoài đặc điểm chung của thể loại. Trong truyện đồng thoại của ông, bằng “tâm thế của một đứa trẻ” (Ngữ văn 6, tr.93), nhà văn nhập thân vào cách nhìn, cách cảm của trẻ thơ để kể lại những câu chuyện thật hồn nhiên, đáng yêu và đầy chất thơ. Xóm Bờ Giậu nói chung, Giọt sương đêm nói riêng rất tiêu biểu cho hồn thơ.
Chất thơ trong Giọt sương đêm thể hiện ở ngay nhan đề. Trong tác phẩm tự sự, nhan đề thường được đặt theo nhân vật (như Lão Hạc, Chí Phèo, Vợ chồng A Phủ), đồ vật (Chiếc lược ngà, Bức tranh của em gái tôi), địa danh (Sông Đông êm đềm, Lặng lẽ Sa Pa), hiện tượng tự nhiên (Những ngôi sao xa xôi)… Nhan đề Giọt sương đêm là một hiện tượng tự nhiên nhưng thú vị.
Trong truyện,giọt sương không phải là nhân vật, chỉ xuất hiện ở cuối truyện. Đây là một chi tiết rất nhỏ nhưng lại có vai trò quan trọng làm thay đổi tâm lý, nhận thức, hành động của nhân vật. Bọ Dừa vì giọt sương khuya mà bất chợt nhớ quê, trằn trọc cả đêm không ngủ, sáng sớm hôm sau quyết định dừng việc làm ăn để trở về quê nhà. Trong tổ chức tự sự, đây là chi tiết mấu chốt, bản lề. Nhưng trong không gian tác phẩm, là một hình ảnh đẹp, thơ mộng, dễ gợi nhiều liên tưởng. Giọt sương, nhất là sương đêm vốn tinh khôi, mát lành, lạnh, lặng lẽ. Một giọt sương nhỏ bé giữa đất trời lại có thể làm thay đổi những điều lớn lao, trở thành điểm tựa cho toàn bộ câu chuyện. Khởi đi từ hình ảnh ấy, sẽ có bao liên tưởng, suy niệm từ người đọc. Hình ảnh giọt sương đêm được chọn làm nhan đề, do đó cũng hàm chứa chất thơ, dự báo về một câu chuyện đầy chất thơ mà độc giả không nên bỏ lỡ…
Chất thơ trong Giọt sương đêm còn thể hiện qua chủ đề và cốt truyện. Chủ đề của truyện là tình quê hương. Nó được thể hiện qua hai đặc điểm chính của cốt truyện: Một, chủ đề này không lộ diện ngay từ đầu. Phải đến gần cuối tác phẩm, qua tác động vô tình của chi tiết giọt sương và nhất là sự “bừng tỉnh” trong diễn biến tâm lý, nhận thức của nhân vật, nỗi nhớ quê hương mới được bộ lộ. Hai, cốt truyện đưa đến sự thay đổi trong tâm trạng, cảm xúc của nhân vật để làm nổi bật chủ đề diễn ra rất nhẹ nhàng. Bọ Dừa đến xóm Bờ Giậu xin trọ, vì không có chỗ nên phải qua đêm ngoài bụi trúc. Nửa đêm sương rơi trúng cổ làm Bọ Dừa tỉnh giấc, bỗng tràn lên nỗi nhớ quê vì “cái xóm nhỏ heo hút này lại giống cái xóm của ông thời thơ ấu”. Sáng hôm sau, Bọ Dừa quyết định trở về quê sau bao năm “biền biệt đi xa, mải làm ăn” mà quên đi quê nhà. Rõ ràng câu chuyện khá đơn giản, tình tiết gay cấn nhất là giọt sương đêm rơi trúng cổ Bọ Dừa dù bất ngờ nhưng cũng hết sức nhẹ nhàng. Không hướng đến những đề tài xa lạ, lớn lao với những tình tiết hồi hộp, căng thẳng hay những cảnh bạo lực, đáng sợ…, Giọt sương đêm thủ thỉ cho chúng ta câu chuyện nhân văn về tình quê hương trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, thông qua câu chuyện nhẹ nhàng mà giàu sức ám gợi. Chất thơ từ đó đã tỏa ra một cách lặng lẽ mà thấm sâu, đọng lại mãi.
Chất thơ trong Giọt sương đêm còn thể hiện ở việc đưa thơ vào truyện như một cách xâm nhập thể loại. Đó là trường hợp hai câu thơ lục bát mà cụ giáo Cóc ngâm nga khi trò chuyện với Thằn Lằn: Bọ Dưa Bọ Dửa Bò Dừa/ Bọ ăn lá trúc, bọ chừa lá me.
Ngoài ra trong tác phẩm đoạn văn xuôi nói về họ hàng nhà cánh cứng của cụ giáo Cóc cũng mang hình thức của thơ 5 chữ: Anh sống trên cây/ Anh đào hang dưới đất/ Anh lặn xuống nước sâu/ Anh béo tốt nhẵn nhụi/ Anh gầy còm mảnh mai/ Anh trọc đầu không râu […] Anh hiền lành nhút nhát/ Anh ngổ ngáo mọc sừng. Đây rõ ràng là dụng ý “thơ hóa lời văn” bằng cách tạo nhịp điệu (chủ yếu theo nhịp 3/2 quen thuộc của thơ 5 chữ), hòa thanh bằng trắc (cây - đất - sâu - nhụi - mai), thậm chí gieo vần (nước sâu - không râu) của tác giả.
Việc đưa thơ trong truyện “được ví như bông hoa cài trên giá đỡ. Bản thân chúng góp phần đem lại sự đa dạng về sắc thái thẩm mĩ cho tác phẩm” (Lê Nhật Ký). Đưa trực tiếp thơ vào văn bản truyện và “thơ hóa” lời văn xuôi như một cách xâm nhập, giãn nở thể loại, tác giả Trần Đức Tiến đã thành công trong việc gia tăng chất thơ cho tác phẩm, mang đến cho câu chuyện những điều thú vị, bất ngờ.
Chất thơ trong Giọt sương đêm còn được thể hiện qua nhiều thủ pháp nghệ thuật mà tác giả sử dụng một cách tài tình nhằm gia tăng tính chất thi vị, gợi cảm cho lời văn. So sánh tu từ được sử dụng nhằm mở rộng trường liên tưởng, gây ấn tượng thị giác; chẳng hạn: Anh ria dài như hai sợi ăng-ten vắt vẻo.
Từ láy, nhất là từ láy tượng hình, được sử dụng thường xuyên nhằm gia tăng tính tạo hình, giúp lời văn trở nên trực quan, giàu hình ảnh; chẳng hạn: Ngọn măng khẽ rung rinh. Trời chạng vạng tối, nhưng từ bên trong miệng chiếc bình gốm vỡ lăn lóc dưới chân giậu, vẫn thấy nhấp nháy cặp mắt nhỏ sắc của ai đó. Từ láy tượng thanh cũng xuất hiện liên tục nhằm tạo nhạc điệu, gây hiệu hứng âm thanh sống động cho lời văn như: Lá cây xào xạc; Côn trùng trong lòng đất rỉ rả mãi một điệu buồn; tiếng rơi lộp bộp của sương; nghe xong cụ giáo ho khụ khụ…
Điệp từ, điệp ngữ được tăng cường sử dụng nhằm mang đến cho lời văn tính chất nhịp nhàng, đưa nhịp văn trở về gần với nhịp thơ; chẳng hạn: Anh sống trên cây. Anh đào hang dưới đất/ Anh lặn dưới nước sâu…; Nâu sồng có, đen tuyền có, hoa hoét sặc sỡ cũng có; Chuyện mây, chuyện gió, chuyện Ốc Sên, chuyện Tắc Kè.
Đặc biệt bên cạnh hướng đến lớp từ mới có nguồn gốc Âu (như Ok, ăng-ten) nhằm đưa ngôn ngữ truyện đến gần đời sống hiện đại, tác giả còn “hồi cố”, quay về sử dụng nhiều từ cũ, từ ngữ văn chương mang tính thẩm mĩ cao nhằm mang đến cho ngôn ngữ truyện không khí trang trọng, thi vị: Nhưng nếu không chê, xin mời quý vị vô nhà tôi; Nhưng xin ông làm ơn cho tôi biết quý danh để tôi báo với cụ trưởng thôn.
Bên cạnh tập trung vào xây dựng cốt truyện và nhân vật, tác giả còn dành thời lượng nhất định cho việc miêu tả thiên nhiên. Thiên nhiên được miêu tả một cách gợi cảm cũng góp phần làm nên chất thơ cho truyện. Chẳng hạn: Ngọn măng khẽ rung rinh; Nhưng đêm nay nhiều mây. Lá cây xào xạc; Lẫn trong tiếng thở dài của gió là tiếng rơi lộp bộp của sương.
Như vậy, sử dụng cùng lúc nhiều thủ pháp nghệ thuật một cách linh hoạt, hợp lý, hiệu quả, nhà văn đã thành công trong việc kiến tạo nên lời văn gợi cảm, giàu hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu; mang đến cho tác phẩm một không gian đẫm chất thơ. Có thể nói, chất thơ là một trong những phương diện đặc sắc, làm nên sự thành công của Giọt sương đêm. Chất thơ trong truyện thể hiện một cách tự nhiên, sinh động trên nhiều phương diện; góp phần thể hiện chủ đề tình quê hương thêm thi vị, lắng sâu.
Nhà văn Trần Đức Tiến sinh năm 1954, quê ở Hà Nam. Ông là một trong những tác giả nổi tiếng của nền văn học thiếu nhi đương đại. Truyện đồng thoại của ông tinh tế, hồn nhiên, lấp lánh tính nhân văn và giàu chất thơ. Giọt sương đêm trong Xóm Bờ Giậu là một điển hình cho điều này. Đây là một câu chuyện cảm động về tình quê hương, được thể hiện qua lời văn giàu chất thơ. Dạy, học Giọt sương đêm, giáo viên và học sinh có thể hướng đến nhiều phương diện thể hiện chất thơ trong tác phẩm để cảm nhận giá trị thẩm mĩ của chúng; đồng thời làm giàu thêm cho vốn văn chương và kỹ năng viết của mình./.