Tình yêu trong tiểu thuyết Một nụ cười nào đó của Francoise Sagan

TAP CHÍ LANGBIAN|6/24/2022 9:45:04 AM

Tình yêu trong tiểu thuyết Một nụ cười nào đó của Francoise Sagan

PHẠM KHÁNH DUY (Cần Thơ)

 

Francoise Sagan sinh năm 1935 - mất năm 2004, tên thật là Francoise Quoirez, một trong những nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng của văn học đương đại Pháp. Bà là người phụ nữ cá tính, nổi loạn, có lối sống tự do phóng khoáng mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì. Tuy không mặn mà với chuyện học hành nhưng Francoise Sagan có sở thích đọc sách, nhất là những tác phẩm văn học lớn của Shakespear, Proust, Rimbaud, Camus,… Đồng thời bà cũng sáng tác văn chương với tiểu thuyết đầu tay (năm 18 tuổi) làm mưa làm gió trên văn đàn - tác phẩm Buồn ơi chào mi (Bonjout tristesse). Sau ba năm kể từ ngày Buồn ơi chào mi ra đời, Francoise Sagan hoàn thành tiểu thuyết thứ hai bằng một phong cách vừa quen vừa lạ: Một nụ cười nào đó (Un certain sourire). Một lần nữa, Francoise Sagan đã làm chấn động giới văn chương với sự ngây ngô, hồn nhiên của tuổi trẻ trong tình yêu. Một nụ cười nào đó xoay quanh câu chuyện về một cô sinh viên Luật Đại học Sorbonne phải lòng một người đàn ông lớn tuổi đã có vợ, nhưng người đàn ông đó không ai khác chính là cậu ruột của bạn trai mình. Với giọng điệu dửng dưng, lạnh lùng, cách thể hiện tự nhiên nhưng gợi ra những khổ đau, dằng vặt trong tâm hồn nhân vật, Một nụ cười nào đó tựa như “khúc dante của Mozart”, một bản nhạc tình yêu buồn, lãng mạn, quyến rũ. 

Một nụ cười nào đó - bài ca tâm hồn người phụ nữ nổi loạn trong tình yêu

Francoise Sagan đã “ném” những trải nghiệm trong cuộc sống của một “cái tôi” cá tính vào văn chương. Nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết Một nụ cười nào đó (Dominique) ít nhiều là hình ảnh phóng chiếu cá tính của Francoise Sagan. Dominique thuộc kiểu nhân vật “nổi loạn” trong tình yêu. Thật bất ngờ khi sự nổi loạn ấy được Francoise Sagan biểu hiện một cách đằm thắm trong không gian lãng mạn của thành phố Saint - Jacques. Tiểu thuyết Một nụ cười nào đó được trần thuật theo ngôi thứ nhất (số ít), người kể chuyện xưng “tôi” - Dominique tự thuật lại câu chuyện tình yêu của mình, thậm chí tự thú những sai trái, lầm lạc của tuổi trẻ. Nhưng những sai lầm đó lại vô cùng cần thiết cho quá trình phát triển nhân cách của Dominique.

Nói Dominique là một phụ nữ nổi loạn trong tình yêu bởi ở cái tuổi mới lớn, còn hồn nhiên ngây thơ, Dominique lại đem lòng yêu một người đàn ông đáng tuổi bố mình. Thực tế thì tuổi tác không phải là chuyện đáng nói; tuy nhiên cả Dominique và người đàn ông (Luc) đều đã có hạnh phúc riêng: Người yêu Dominique là Berttrand, vợ của Luc là người phụ nữ bao dung, nhân hậu, tuyệt vời. Luc lại là cậu ruột của Berttrand. Tình yêu và tình dục trong cuộc tình ngang trái với Luc đan xen nhau, cùng thăng hoa trong tâm hồn của Dominique. Đến với Luc, cô gái ấy đã buông phóng bản thân, cháy hết mình trong những khoảnh khắc cận kề Luc, phá vỡ mọi giới hạn để tiếp cận Luc cả về xác thịt lẫn tình cảm. Cô nhận ra: “Đây có lẽ là người đầu tiên khiến tôi hoàn toàn thoải mái và không còn một chút chán chường nào” (tr.36). Francoise Sagan đặc biệt chú ý đến những phân cảnh ái ân giữa Luc và Dominique, tái hiện vừa vặn, không thô thiển, bằng lớp từ quyến rũ ấn tượng: “Đôi bàn tay ấy đang nâng khuôn mặt tôi và đôi môi ấm nóng, mềm mại ấy thực sự sinh ra dành cho đôi môi tôi. Ông đặt những ngón tay quanh mặt tôi và siết chặt khi chúng tôi hôn nhau. Tôi vòng tay qua cổ ông” (tr.59).

Những cuộc gặp gỡ lén lút giữa Luc và Dominique liên tục diễn ra. Dominique chấp nhận lao vào một tình yêu mà chính cô cũng biết rằng nó không hề có kết cục tốt đẹp. Những khi bên Luc, Dominique chẳng những quên đi một Berttrand điềm đạm mà còn có tham vọng chiếm đoạt lấy Luc làm “của riêng” từ tay vợ Luc, người đàn bà đối xử với cô rất tốt. Dominique đã “trả ơn” vợ Luc bằng hành động quyến rũ chồng bà, trở thành kẻ thứ ba phá hoại hạnh phúc gia đình Luc. Thoạt nhìn, lối sống phóng túng, sự nổi loạn của Dominique vượt quá rào cản của đạo đức, trở thành một hành vi sai lệch của tuổi trẻ khiến người đọc có cảm giác Sagan đang xây dựng hình tượng nhân vật phản diện (Domineque) và ngầm lên án. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có thể thấy Sagan không hoàn toàn phê phán Dominique, nói đúng hơn nữ văn sĩ đã đồng cảm với nhân vật nữ có cá tính tương đồng với Sagan. Điều mà Francoise Sagan xoáy sâu chính là những khát khao và hoài nghi của một bộ phận giới trẻ đánh mất phương hướng, bị cấm đoán, kìm hãm trong những rào cản đạo đức giả tạo của xã hội Pháp rệu rã, u buồn. Từ những “nổi loạn” của tuổi trẻ, Dominique và những người trẻ khác đã rơi vào trạng thái cô đơn, chán nản, bất lực trước cuộc sống.

Một nụ cười nào đó - bài ca về một mối tình buồn

Cái đẹp thường đi liền với cái buồn, đó chẳng những là quan niệm nghệ thuật xa xưa của phương Đông mà còn ở cả phương Tây. Tình yêu trong tiểu thuyết Một nụ cười nào đó của Francoise Sagan vừa đẹp lại vừa buồn, mối tình nào cũng không có kết thúc viên mãn, hoặc bị ảnh hưởng bởi “kẻ thứ ba”, trở thành vết hằn không thể nào bôi xóa.

Tình yêu của nhân vật nữ chính Dominique với Berttrand ban đầu là một tình yêu đẹp kiểu “Trai anh hùng, gái thuyền quyên” (Nguyễn Du). Cả hai có tuổi trẻ, có sự mơ mộng và sôi nổi nhất định trong tình yêu. Họ đã có những ký ức thật đẹp, qua những lá thư tay trong mùa hè rực rỡ, Dominique đã ôm ấp trong lòng hình ảnh đẹp đẽ của Berttrand: “Cả mùa hè đó tôi cứ âm thầm nhắc đi nhắc lại cái tên Berttrand, và sau này cũng thế. Dệt mối yêu đương qua thư từ, theo một cách nào đó, đúng là kiểu của tôi” (tr.19). Nhưng hạnh phúc ấy đã không trọn vẹn ngay khi người đàn ông lớn tuổi tên Luc xuất hiện trong cuộc đời Dominique. Sự hấp dẫn và vui vẻ của Luc khiến Dominique chán chường Berttrand: “Ham muốn khiến những nụ hôn lập tức trở nên vô nghĩa trong mắt anh, chúng chỉ là một bước đệm đưa tới khoái cảm chứ không phải là cái gì đó vô tận, đủ đầy như Luc đã cho tôi thấy” (tr.60). Không vượt qua được sự thách thức trong tình yêu bởi Luc, Dominique trở thành kẻ phản bội Berttrand. Mãi sau này, khi tình yêu giữa Dominique và Luc không thành, việc trở lại với Berttrand như trước cũng chỉ là một điều xa xôi. Tình yêu của họ mãi mãi ngủ yên ở thời tuổi trẻ.

Một điều hiển nhiên là câu chuyện tình yêu giữa Luc và Dominique không thể có kết thúc trọn vẹn. Bởi khi đến với Luc, cô gái này đã nghĩ mình bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hiện sinh cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của các nước phương Tây, nghĩa là chỉ sống hết mình cho hiện tại mà không nghĩ xa vời về tương lai. Nhưng điều đó không có nghĩa là Dominique không cảm thấy buồn. Nỗi buồn của tình yêu khiến tuổi trẻ cô trở nên u ám hơn. Dominique nhận ra “nỗi tuyệt vọng, chính là cái rét run lập cập này đây, là tiếng cười mỉa trong lòng này đây, là sự lãnh đạm đến ám ảnh này đây”, “tôi chưa bao giờ đau khổ đến thế” (tr.171). Cái buồn dai dẳng khi tình yêu vụng trộm không thành trở thành “một khúc andante của Mozart, luôn gợi đến bình minh, cái chết, một nụ cười nào đó” (tr.171). Tất cả mơ hồ không rõ nhưng đủ sức làm trĩu nặng lòng Dominique. Dẫu thế, với lối sống phóng túng và không bị gò bó bởi những quy phạm của đạo đức, Dominique vẫn thỏa mãn những gì mình đã làm, đã nghĩ, không hề hối tiếc (biểu hiện quan trọng của thuyết hiện sinh): “Tôi là một người đàn bà đem lòng yêu một người đàn ông. Đó là một câu chuyện giản đơn; chẳng việc gì phải khổ sở” (tr.172). Tương tự câu nói đầy khí khái, tự tin trước tòa của người đàn bà trong tác phẩm của Y Ban: “I am đàn bà”.

Một nụ cười nào đó của Francoise Sagan là một câu chuyện tình yêu buồn, lãng mạn nhưng sôi nổi của một người phụ nữ trẻ trung, phơi phới. Tình yêu ấy đôi khi vì quá sôi nổi mà biến con người trở nên ích kỷ, thậm chí trụy lạc. Nhưng đơn giản vì Dominique “là một người đàn bà”, cần có quyền được yêu, được cháy hết mình trong tình yêu, làm những điều mình thích mà không cảm thấy ân hận, nuối tiếc. Tiểu thuyết Một nụ cười nào đó nhuốm màu sắc của thuyết hiện sinh phương Tây cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đó là khúc ca buồn của tuổi trẻ Pháp khát khao được sống đúng với bản ngã của mình./.

Tình yêu trong tiểu thuyết Một nụ cười nào đó của Francoise Sagan