Hình tượng nữ Thanh niên xung phong trong thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
PHẠM KHÁNH DUY (Cần Thơ)
Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc cách đây gần nửa thế kỷ, những đau thương mất mát dần phôi pha nhưng hình ảnh của những người chiến sĩ cầm súng dựng nên “thành đồng Tổ quốc”, đặc biệt là Thanh niên xung phong vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Nhà thơ Bằng Việt đã gọi chung tất cả là “thế hệ dàn hàng gánh đất nước trên vai”. Văn học, bên cạnh việc phản ánh hiện thực cuộc đấu tranh máu lửa của Nhân dân, khích lệ lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của dân tộc, còn lưu lại những ký ức về một thời đại đau thương nhưng hào hùng đã qua, lưu giữ hình tượng những Thanh niên xung phong bằng ngôn từ mộc mạc, mang hơi thở của chiến trường và phảng phất nét tinh nghịch bông đùa của người lính thời chống Mỹ 1954 -1975.
Ngày 15/07/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Đảng Đoàn Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trương ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam huy động lực lượng thanh niên trẻ, khỏe để thành lập các đội Thanh niên xung phong, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, góp phần làm nên chiến thắng ở các chiến trường. Tinh thần xông pha, dũng cảm chiến đấu, nêu cao khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Pháp chính là tiền đề cho sự nối tiếp của những chiến sĩ trẻ ở chặng sau - thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Khảo sát thơ ca Việt Nam giai đoạn 1954-1975 (thơ ca thời chống Mỹ), có thể thấy sự xuất hiện độc đáo của hình tượng nữ Thanh niên xung phong, nhất là những Thanh niên xung phong hoạt động ở tuyến đường Trường Sơn giữa những ngày chiến tranh khói lửa. Những cô gái “Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi” (Nguyễn Khoa Điềm) hiện lên với vẻ đẹp ngoại hình, vẻ đẹp phẩm chất lẫn vẻ đẹp tâm hồn. Họ chính là những bông hoa nở ra trên tuyến đầu máu lửa, làm rạng danh truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta.
Những bông hoa nở ra trong lửa…
Cũng giống như bông hoa nở ra từ lửa, những nữ Thanh niên xung phong được sản sinh từ trong cuộc chiến tranh ác liệt của đất nước. Chiến tranh đã thúc giục sự hình thành của lớp lớp Thanh niên xung phong đứng lên đánh Mỹ, tôi luyện cho họ ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, tinh thần đấu tranh và một trái tim hướng cao cả, hướng về Tổ quốc. Dựng lên trong thơ ca hình tượng Thanh niên xung phong, các nhà thơ tập trung ngợi ca những phẩm chất cao quý của họ mà tất cả những phẩm chất đó được kết tinh từ tinh hoa, khí phách của cộng đồng, dân tộc. Bởi lẽ đó, hình tượng Thanh niên xung phong trong thơ ca Việt Nam nói chung, thơ ca thời chống Mỹ nói riêng ánh vẻ đẹp sử thi - một trong những đặc trưng của văn học Việt Nam 1945-1975.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân trân trọng gọi những cô Thanh niên xung phong là“những bông hoa nở giữa chiến trường”, “những bông hoa trên tuyến lửa”. Viết về hình tượng này, Đỗ Trung Quân đã ngợi ca phẩm chất anh hùng, gan dạ của những cô gái hoạt động năng nổ giữa chiến trường. Cuộc sống chiến đấu vô cùng khó khăn, vất vả, nguy hiểm cận kề, khoảng cách giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Tuy vậy, những cô Thanh niên xung phong đã vượt qua tất cả, luôn hướng về phía trước và giữ nụ cười tươi trên đôi môi: “Em là người Thanh niên xung phong/ Không có súng, chỉ có đôi vai cáng thương, tải đạn/ Giữa tầm đạn thù, tấm lòng dũng cảm/ Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công” (Những bông hoa trên tuyến lửa). Có khi người Thanh niên xung phong ấy được gọi là “em” (chỉ một cô gái cụ thể), cũng có khi trong thơ của nhiều thi sĩ thời chống Mỹ dựng lên tập thể những người Thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ, cống hiến cho Tổ quốc, phục vụ cuộc đấu tranh đánh Mỹ với khát vọng thắng lợi, thống nhất non sông. Tập thể đó được nhắc đến trong thơ Phạm Tiến Duật, trong không khí lao động hồ hởi, tràn đầy sinh khí: “Những đội làm đường hành quân trong đêm/ Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng/ Rực rỡ mặt đất bình minh/ Hấp hối chân trời pháo sáng/ Đường trong tim anh in những dấu chân” (Gửi em cô Thanh niên xung phong).
Chiến tranh gian khổ, khốc liệt trở thành phông nền cho sự xuất hiện của những cô Thanh niên xung phong nơi tuyến đầu máu lửa. Giữa cảnh bom rơi đạn lạc ấy, những cô gái tuổi mười tám đôi mươi khi ra trận vẫn còn nét ngây ngô bất chợt trở thành những người anh hùng - hình mẫu lý tưởng của thế hệ trẻ cầm súng. Hiện lên trong bài thơ (Nghe hò đêm bốc vác) của Phạm Tiến Duật là cô Thanh niên xung phong vác hòm đạn - một công việc vô cùng vất vả: “Khi chạm vào vai thấy nóng bừng như lửa/ Là tôi khi đặt lên đó hòm đạn bốn mươi cân/ Hình cánh hoa lan trên vai áo trắng ngần/ Là vết xước đinh hòm vừa mới xé/ Ôi vai em có phải vai bà Nữ Oa không nhỉ…”. Các cô gái trẻ vẫn nỗ lực vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó, gánh trên đôi vai bé nhỏ sứ mệnh hòa bình, thống nhất non sông.
Viết về hình tượng cô Thanh niên xung phong, nhiều nhà thơ đã không ngại nhắc đến khoảnh khắc hy sinh của bông hoa tươi trẻ ấy trên bước đường chiến đấu. Dẫu sự hy sinh đó là hy sinh vì Tổ quốc cũng không thể không gợi lên cảm giác đau thương. Đó là cô gái mở đường trong bài thơ (Khoảng trời - hố bom) của Lâm Thị Mỹ Dạ đã “nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất”. Hay cô gái - liệt sĩ mang tên Dương Thị Xuân Quý vĩnh viễn nằm lại “với đất lành Duy Xuyên” ở cái tuổi thanh xuân rực rỡ. Những cô gái ấy đã sống hết mình vì Tổ quốc và rồi ra đi thật nhẹ nhàng thanh thản, như một bông hoa rã cánh khi đã thắm sắc cho đời: “Em đã ra đi với mắt cười thanh thản/ Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai/ Bởi biết mình có mặt ở tương lai” (Bài thơ về hạnh phúc, Bùi Minh Quốc). Nhà thơ Yến Thanh (Nguyễn Thanh Bình) đã khiến triệu triệu độc giả xúc động với bài thơ (Cúc ơi), viết về sự ra đi của cô Thanh niên xung phong tên Cúc hy sinh trong trận bom của không lực quân Mỹ: “Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/ Cúc ơi! Em ở đâu?/ Đất nâu lạnh lắm/ Da em thì xanh/ Áo em thì mỏng”. Nếu có một điều tiếc nuối cho cuộc ra đi ấy, có lẽ những nữ Thanh niên xung phong sẽ tiếc nuối vì không thể tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc, không thể sống đến ngày miền Nam giải phóng, đất nước được thống nhất, quê hương không còn bóng dáng quân thù. Mặc dù viết về sự hy sinh, nhưng dường như các tác giả đã cố nén đau thương, làm vơi bớt nỗi đau của chiến tranh và làm tăng tính chất thanh thản của cuộc ra đi vì quê hương, dân tộc. Sự hy sinh đó đáng để người đời ngưỡng vọng, hy sinh về thể xác nhưng hình ảnh đẹp của họ vẫn sống mãi trong tâm hồn bao người…
Những tâm hồn chan chứa yêu thương
Bên cạnh lòng dũng cảm, sự gan góc, kiên cường thì tâm hồn nhạy cảm, chan chứa yêu thương cũng chính là nét đẹp đáng trân quý của những cô Thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tạm gác lại những điều riêng tư, những khoảng trời mơ mộng xung phong ra chiến trường khói lửa với muôn vàn thách thức gian lao, nhưng các cô gái ấy vẫn phơi phới tinh thần lạc quan, đối mặt với gian lao bằng sự hồn nhiên của tuổi trẻ. Đó là tiếng hò cất lên trong bài thơ (Nghe hò đêm bốc vác) của Phạm Tiến Duật với “Cái buồng lái là buồng con gái/ Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang”; cả tiếng ca ngân nga trong tâm hồn của người nữ Thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn: “Nhưng ở giữa chiến trường nhiều khi thay cho nhạc/ Là những tâm hồn có nhạc ở bên trong” (Nghe em hát trong rừng, Phạm Tiến Duật). Có thể nói: Phạm Tiến Duật là nhà thơ dành nhiều tâm huyết để đưa hình ảnh tuyến đường Trường Sơn và đoàn Thanh niên xung phong vào thơ ca như một cách để ghi lại chặng đường gian nan của lịch sử dân tộc.
Gan góc, dũng cảm và có trách nhiệm với Tổ quốc, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn các cô Thanh niên xung phong cũng có những rung động yêu đương, có tình yêu đẹp nảy nở trong những ngày lửa khói. Nỗi nhớ về “em” - cô Thanh niên xung phong ngày càng chất chồng trong tâm hồn chàng lính trẻ trong bài thơ (Viết cho em, dọc Trường Sơn của Bằng Việt). Tình yêu trong thời chiến chinh thật trong sáng biết bao: “Những chuyến phà đêm xé nước râm ran/ Những phao bắc dập dềnh ngang suối đổ/ Những cô gái làm đường hồn nhiên, bé nhỏ/ Nụ cười nào xui nhớ nụ cười em?”. “Em” - cô gái phá bom, làm đường, tiếp lương tải đạn… đã để thương để nhớ trong lòng anh lính trẻ để rồi em tinh nghịch lừa em ở “Thạch Nhọn” khiến anh lính loay hoay đi tìm: “Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều/ Những con đường như tình yêu mới mẻ/ Đất rất hồng và người rất trẻ/ Nhưng chẳng thấy em cô gái Thạch Nhọn, Thạch Kim” (Gửi em cô Thanh niên xung phong; Phạm Tiến Duật)… Tình yêu đơm hoa giữa những ngày đánh Mỹ là tình yêu đẹp nhất, nó đẹp bởi sự trong sáng và sự hài hòa cùng tình yêu Tổ quốc, quê hương. Ở đây, ta thấy được sự hòa quyện giữa con người cá nhân và con người cộng đồng, giữa tình yêu lứa đôi với tình yêu sâu đậm dành cho đất nước.
Những bài thơ viết về đề tài nữ Thanh niên xung phong đã có những đóng góp không nhỏ cho thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thông qua những bài thơ ấy, ta thấy được chiều sâu suy nghĩ và tầm cao của sự khái quát của các thi sĩ trẻ. Trần Đăng Suyền đã có nhận xét thật xác đáng: “Những nhà thơ trẻ đã thực sự khẳng định được tiếng nói riêng của thế hệ mình qua những vầng thơ giàu chi tiết chân thực, sinh động như còn vương bụi đất chiến trường và mùi khét lẹt của đạn bom, mang khí thế hừng hực của cuộc chiến đấu” (Văn học Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Nhiều tác giả). Năm tháng trôi qua, khi cuộc chiến tranh đã nguội lạnh và thương đau dần được xóa mờ, những hình tượng ấy, giọng điệu và tình cảm ấy vẫn đủ sức lay động lòng người. Và chắc rằng những vần thơ ấy sẽ còn tỏa sáng nhiều năm sau nữa…/.