Tuỳ bút đương đại về phong tục Tết cổ truyền

TAP CHÍ LANGBIAN|2/17/2025 9:55:57 AM

Tuỳ bút đương đại về phong tục Tết cổ truyền

PHẠM KHÁNH DUY (Cần Thơ)

 

Tùy bút là một “mảnh ghép” quan trọng trong bức tranh văn học Việt Nam, và mảng tùy bút phong tục luôn để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Những tác phẩm này không chỉ lưu giữ mà còn lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp đã trở thành “căn tính” dân tộc, niềm tự hào của người Việt Nam.

Tùy bút về phong tục Tết cổ truyền không phải là hiếm trong đời sống văn chương Việt Nam. Tuy nhiên, những tùy bút có giá trị lâu dài, bắt rễ sâu vào nguồn cội văn hóa và âm thầm sống trong dòng chảy văn hóa truyền thống của đất nước thì thực sự không nhiều. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, khi nhắc đến tùy bút phong tục, độc giả thường nghĩ ngay đến những trang viết của các cây bút “gạo cội,” những người đã đặt nền móng vững chắc cho văn học đương đại như Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đỗ Phấn... Đặc biệt, trong mảng tùy bút về Tết cổ truyền, những nét sinh hoạt Tết, trò chơi dân gian, thú vui tao nhã hay những món ăn đậm phong vị vùng miền đã được khắc họa rõ nét trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, Hà Nội ba mươi sáu phố phường của Thạch Lam viết về mùa xuân Bắc Bộ, Hành lang của người và gió... của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về mùa xuân trầm mặc của xứ Huế, hay Bánh trái mùa xưa của Nguyễn Ngọc Tư, đưa người đọc đến mùa xuân phương Nam yên bình ở vùng đồng bằng châu thổ Nam Bộ.

Những trang viết về Tết của các tác giả này mặc nhiên đã trở thành chuẩn mực, khiến độc giả say mê suốt bao năm qua. Tuy vậy, không nhiều người nhận ra rằng tùy bút đương đại cũng có những đóng góp không hề kém cạnh. Tiếp nối dòng chảy tùy bút phong tục của thời kỳ trước, các cây bút đương đại đã thổi vào trang viết những cảm xúc mới, những góc nhìn mới. Nhờ đó, bức tranh ngày Tết dân tộc trở nên đa sắc màu, vừa giữ được nét truyền thống vừa phảng phất hơi thở hiện đại, phản ánh sự tiếp biến văn hóa không ngừng nghỉ trong đời sống hôm nay.

Tết cổ truyền không chỉ đơn thuần là dịp để mọi người nghỉ ngơi, gia đình sum vầy, hay tổ chức tiệc tùng sau một năm bận rộn. Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy: “Tết cổ truyền của mỗi dân tộc là một di sản văn hóa phi vật thể, nó là một truyền thống rất riêng của mỗi dân tộc. Những cái Tết đó nên giữ... Nếu cứ bỏ dần thì bản sắc, văn hóa sẽ mất dần.” Thật vậy, văn chương cũng là một cách đặc biệt để lưu giữ bản sắc Tết. Trong tùy bút đương đại, các tác giả với sự am hiểu sâu sắc và tình yêu nồng nàn dành cho Tết cổ truyền đã phác họa một bức tranh sống động về mùa xuân trên dải đất hình chữ S.

Nếu ngày Tết trong trang viết của Vũ Bằng, Thạch Lam hay Hoàng Phủ Ngọc Tường thấm đượm không khí xưa cũ, đậm đà vị truyền thống, thì Tết trong tùy bút đương đại lại mang sự giao thoa hài hòa giữa xưa và nay, giữa nét cổ kính và hơi thở hiện đại trong bối cảnh mới. Dẫu vậy, cái gốc văn hóa truyền thống vẫn được giữ vững, trở thành mạch nguồn chi phối ngòi bút của các tác giả, tạo nên những bức tranh xuân tuyệt đẹp ở ba miền Bắc - Trung - Nam, mỗi miền mang một sắc thái riêng biệt và độc đáo.

Ta về xứ Bắc giữa trời xuân non nước hữu tình, cùng trang viết của nhà báo Vi Phong, lắng mình trong không khí hội hè tưng bừng của vùng Kinh Bắc xưa, nơi hai dòng sông Cầu và sông Đuống chảy qua. Trong tùy bút Về Kinh Bắc đón xuân cùng người quan họ, tác giả tái hiện sinh động không khí “tháng ăn chơi” đặc trưng: “Người quan họ hát quan họ trên thuyền, trên đồi, trong chùa, trong đình và trong các tư gia... Khi ấy, trai gái các làng quan họ lại thường tụ tập thành từng bọn (một nhóm người) để cùng nhau hát...” Giữa muôn sắc thái mùa xuân Kinh Bắc, tác giả khéo léo chọn hát quan họ, hát đối đáp giao duyên làm điểm nhấn, để lại ấn tượng sâu sắc về vùng đất đã sản sinh ra làn điệu dân ca độc đáo này.

Nhà văn Uông Triều, một người luôn trân quý những giá trị văn hóa dân tộc, đã khắc họa một bức tranh sống động về những xóm chợ nông thôn Bắc Bộ khi xuân đến. Trong tùy bút Chợ Tết, ông làm mới không khí chợ Tết từng được thi sĩ Đoàn Văn Cừ lưu lại trong thơ, bằng những hình ảnh cụ thể và hiện đại hơn: “Những ngày giáp Tết, tôi nằng nặc đòi mẹ cho đi chợ, vì mẹ bao giờ cũng có vài món hàng của nhà đem bán để sắm Tết. Mà chợ đông, mẹ nhờ tôi trông hộ một chút thì cũng đỡ nhưng cái chính là tôi thích đi chợ để ngắm, để nhìn, để xem, thứ gì cũng nhiều màu sắc, rộn rã vui tươi.” Đọc đến đây, ký ức chợ Tết xưa lại ùa về, cùng với những câu thơ thân quen của Đoàn Văn Cừ:

"Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/ Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ/ Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu...”

Cái hay trong tùy bút của Uông Triều nằm ở chỗ ông đã khơi gợi ký ức của bao thế hệ, khiến độc giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc: Từ vui vẻ đến bồi hồi, từ bật cười đến nghẹn ngào trong nước mắt.

Trong tùy bút Cỗ Tết Hà Nội một thời xa, Vũ Thị Tuyết Nhung đã dựng lên trước mắt người đọc một mâm cỗ Tết truyền thống, đậm phong vị Hà Nội xưa. Những món ăn tinh tế và cầu kỳ gắn liền với sự tỉ mỉ của người Hà Thành được khắc họa sống động: “Một đĩa giò hoa sắc trắng sắc nâu đan xen như hoa gấm”, “một đĩa giò lụa trắng hồng nõn”, “một đĩa chả quế rực vàng màu hoa hiên”, “một đĩa xôi gấc thắm đỏ”, “một đĩa bánh chưng xanh óng màu ngọc thạch”, “một đĩa thịt gà vàng rôm lắc rắc mấy sợi lá chanh non”, “một bát bóng thập cẩm nổi rõ con tôm he cong cong, miếng hoa lơ trắng ngà bên nụ nấm hương nâu sẫm, miếng hoa cà rốt đỏ tươi, trái đậu Hà Lan xanh ngắt và miếng thịt thăn nõn trắng ngần”... Những hình ảnh này không chỉ mô tả món ăn mà còn tái hiện cả một không gian văn hóa đầy ắp ký ức.

Với những người tóc đã hoa râm hay bạc phơ, từng bước qua những con đường phố cổ Hà Nội từ thế kỷ trước đến nay, từ khi còn nhảy chân sáo đến lúc bờ lưng cong như dấu hỏi, những điều Tuyết Nhung khơi gợi chính là cả một bầu trời hoài niệm. Tác giả cho thấy rằng với người Hà Nội, mâm cỗ Tết không chỉ cần ngon mà còn phải đẹp, phải sung túc, phản ánh sự trân trọng truyền thống và niềm tự hào gia đình.

Chất Hà Nội trong văn chương của Tuyết Nhung không nằm ở những từ ngữ bóng bẩy, trau chuốt hay hoa mỹ, mà tỏa sáng từ những điều bình dị, thường ngày. Đó là những giá trị mà người viết đã góp nhặt, nâng niu, và truyền tải một cách tinh tế, làm rung động trái tim độc giả.

Tùy bút về xứ Huế ngày xuân luôn mang một sức hút đặc biệt, lay động lòng người bằng vẻ đẹp cổ kính và trầm mặc. Minh Tự, nhà văn và nhà báo yêu tha thiết mảnh đất cố đô, đã dành nhiều trang viết để khắc họa nét độc đáo của Huế. Với tác giả, Tết “kiểu Huế” là một nét riêng không thể trộn lẫn, một đặc sắc mà không nơi nào có được.

Trong tùy bút Ăn Tết kiểu Huế, Minh Tự đứng dưới bóng son vàng của Kinh Thành, kể cho độc giả nghe về phong tục Tết đặc trưng của người Huế. Từ “cúng suốt tháng Chạp” đến “cúng đến hết tháng Giêng,” những bàn thờ nghi ngút khói hương đặt bên hè phố tạo nên một không gian lễ nghi trang trọng, đậm chất cố đô. Qua trang viết, Minh Tự đã làm rõ “tính nghi lễ” trong phong tục Tết cổ truyền của người Huế, và chính nét đặc sắc này góp phần tạo nên “tính phong lưu” vốn là dấu ấn riêng của con người nơi đây.

Bằng ngôn từ giàu cảm xúc và sự am hiểu sâu sắc, Minh Tự đã khắc họa nên bức tranh ngày xuân xứ Huế vừa trang nghiêm, vừa đầy phong vị, khiến người đọc cảm nhận rõ vẻ đẹp độc đáo của mảnh đất và con người nơi này.

Nhắc đến Tây Nguyên, không thể không nhắc đến nhà văn Văn Công Hùng, cây bút chuyên viết ký nổi tiếng và am hiểu sâu sắc văn hóa của đồng bào nơi đây. Với tình yêu tha thiết dành cho vùng đất Tây Nguyên nắng gió, ông đã dành nhiều trang viết trong kho tàng tùy bút, bút ký của mình để tái hiện hình ảnh con người, đất đai và những phong tục đặc trưng nơi đây.

Tùy bút của Văn Công Hùng mang đậm chất trữ tình và giàu sức gợi. Trong Ăn Tết với người Tây Nguyên, ông thủ thỉ kể cho độc giả về cái Tết đặc trưng của miền núi cao: Từ những nghi lễ đậm chất đồng bào cho đến những món ăn độc đáo như cốm, muối kiến vàng, cà xóc... Văn phong của ông mang nét hoang dại như núi rừng Tây Nguyên, phóng khoáng như chính con người miền núi, hiện rõ qua cách ông miêu tả những cô gái Tây Nguyên quyến rũ trong không khí mùa xuân: “Những cô gái mắt sắc như dao, áo ló vai trần, ngực căng tràn trề, váy quấn bắp chân ẩn hiện dưới trăng, đắm đuối mơ màng, bí ẩn và phì nhiêu, nửa mời gọi nửa thách thức, nửa ru ngủ nửa tinh nghịch...”.

Tết Tây Nguyên dưới ngòi bút Văn Công Hùng hiện ra sống động trước mắt người đọc, với những sắc màu rực rỡ, những điệu múa mềm mại bên nhà rông và tiếng cồng chiêng vang vọng khắp đại ngàn hùng vĩ. Chất tạo hình mạnh mẽ cùng tính trữ tình mượt mà chính là điểm nhấn đặc sắc, làm nên sức hấp dẫn độc đáo trong những trang tùy bút của Văn Công Hùng, để lại dấu ấn khó quên trong lòng độc giả.

Những trang tùy bút về miền quê phương Nam yên bình trong những ngày xuân luôn để lại những nỗi nhớ da diết trong lòng người đọc. Làm sao có thể không bồi hồi khi hình dung lại khung trời quê xưa, với một vùng nông thôn yên bình, một căn nhà mang dáng dấp cổ xưa Nam Bộ, một vuông sân rực rỡ sắc hoa sao nhái... qua những dòng viết đầy chất trữ tình và chân chất của Nguyễn Ngọc Tư:

"Tụi nhỏ không biết, thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Khi tụi nhỏ mặc bộ đồ mới đi khoe dài dài xóm, khi ba và anh tắm táp xong ra hàng ba ngơ ngẩn ngắm hoa sao nhái đốt lửa vàng run rẫy trước sân, khi má đốt than trong những bếp lửa tàn, khi chị đứng chải tóc trước gương, thì Tết đã chớm hết, mùng một, mùng hai là Tết phai, mùng ba mùng bốn Tết tàn..."

Nguyễn Ngọc Tư đã nói lên một điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại thấm thía, điều mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra giữa guồng quay hối hả của thời gian.

Trong tùy bút Tết quê, Hoàng Khánh Duy nhẹ nhàng thủ thỉ, kể lại những câu chuyện về Tết miền Tây dung dị, mộc mạc mà ấm áp, tràn ngập yêu thương: “Ai đi xa có dịp về miền Tây ngày Tết để nghe người miền Tây kể chuyện trên đồng, chuyện mấy mưa năm vẫn nỗ lực giữ cho mùa xuân dư vị của cổ truyền, của dân tộc. Tết miền Tây đơn sơ, trong nhà thịt mỡ, dưa cải, dưa kiệu, nồi thịt kho tàu, chục bánh tét nhân chuối ngọt lịm nhân mỡ thơm lừng. Đêm giao thừa miền Tây, người quê khẽ chúc nhau vài câu tình nghĩa, rằng sang năm sức khoẻ dồi dào, vụ mùa bội thu lúa trổ bông nặng hạt.”

Bằng những hình ảnh đẹp nhất, giản dị nhất, hai tác giả đã khắc họa nên một miền Tây sông nước hữu tình, nơi mùa xuân về không chỉ mang theo sắc xuân mà còn đong đầy hơi ấm tình người. Qua từng câu chữ, độc giả như thấy mình lạc vào không gian Tết quê phương Nam, nơi những giá trị văn hóa cổ truyền được giữ gìn và hòa quyện với tình yêu đất, tình yêu người, khiến mỗi ngày xuân thêm phần ý nghĩa.

Tùy bút đương đại vẫn âm thầm vươn lên trong đời sống văn học Việt Nam. Dù chưa xuất hiện nhiều cây bút nổi bật như những “ngôi sao” sáng rực trên bầu trời văn học thế kỷ trước, nhưng không thể phủ nhận nỗ lực của các tác giả trong việc tạo dựng một diện mạo mới cho thể loại tùy bút nói riêng và thể ký nói chung. Đọc những tùy bút viết về phong tục Tết cổ truyền của các tác giả đương đại, ta như cảm nhận được vẻ đẹp và nét độc đáo của văn hóa Việt Nam trong những ngày xuân rộn ràng. Những trang tùy bút này không chỉ là nơi các tác giả bộc bạch cảm xúc, chia sẻ tâm tình mà còn là cách để họ lưu giữ và truyền tải những giá trị tinh thần, những nét đẹp của mùa xuân quê hương. Phong vị Tết xưa dẫu đã qua đi vẫn sống mãi trong trái tim người Việt, được bảo tồn và tỏa sáng qua từng câu chữ./.

 

 

 

Tuỳ bút đương đại về phong tục Tết cổ truyền