Hợp âm trầm của những phím đàn thơ tháng bảy

TAP CHÍ LANGBIAN|8/24/2022 9:54:03 AM

 

 Hợp âm trầm  của những phím đàn thơ tháng bảy

NGUYỄN NGỌC PHÚ (Hà Tĩnh)

 

Tôi gọi: Mỗi ngôi mộ liệt sĩ là mộ phím đàn thơ tạo ra một hợp âm trầm tháng 7, đó là những phím đàn piano mà từ đó ngân vọng lên những âm thanh chưa bao giờ tắt của những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ. Đọc lại thơ viết về đề tài thương binh - liệt sĩ từ trước tới nay, tôi thấy nhiều nhà thơ viết về ngôi mộ khi những lần đến viếng thăm thắp hương tri ân các nghĩa trang liệt sĩ bằng tất cả tấm lòng của mình. Và qua lăng kính tâm hồn thi sĩ họ đã viết những bài thơ hay như những “tượng đài thơ” trong lòng bạn đọc sống mãi với thời gian, với những rung cảm mãnh liệt ...

Có lẽ bài thơ “Viếng bạn” của nhà thơ Hoàng Lộc - một người lính Vệ quốc đoàn phóng viên một tờ báo của quân đội được viết sớm nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bài thơ viết theo thể thơ 5 chữ như những tâm tình ký thác rắn rỏi mà sâu nặng cảm động: “Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ”. “Hôm qua” và “hôm nay” cái khoảng cách của 24 tiếng đồng hồ giữa cõi sống và cõi chết thật ngắn như nỗi tiếc thương đến quá bất ngờ. Và tiếng nấc tiếc thương cùng với những câu độc thoại: “Đứa nào bắn anh đó/ Súng nào nhằm trúng anh/ Khôn thiêng xin chỉ mặt/ Gọi tên nó ra anh!”. Ai đã từng nếm đau khổ đã thấy một điều: Đau khổ đến nức không kêu than, cặp mắt cứ ráo hoảnh không giọt lệ lúc ấy đau khổ mới đến tột cùng. Nhịp điệu bài thơ dồn nén: “Khóc anh không nước mắt/  Mà lòng đau như thắt/ Gọi anh chửa thành lời/ Mà hàm răng dính chặt”. Chính cái âm kép “ắt” là âm trắc để gieo vần cho ta cái cảm giác nuốt hận vào trong tạo ra những dư âm của tình cảm không nói nên lời. Người lính đồng đội của người đã khuất chặt một cành tươi như tấm áo thiêng liêng đắp cho nấm mộ và tấm chăn của đồng bào Cửa Ngăn bó người chiến sĩ chôn vào lòng đất. Cả hai tấm áo ấy chứa chan bao nghĩa tình trong hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc kháng chiến. Chắc chắn hơi ấm của tình người, bóng mát cành cây xanh che linh hồn của người đã mất và tiếng súng nổ tiêu diệt kẻ thù như một lời nhắn hành động, một âm vang làm cho tứ thơ được lan tỏa đến hôm nay.

Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ nhà thơ Thanh Hải - Một đứa con miền Nam đã viết bài thơ “Mồ anh hoa nở” cũng theo thể thơ  5 chữ với lời tự sự trữ tình. Nếu như ngôi mộ trong thơ Hoàng Lộc đắp bằng cành lá tươi xanh thì nấm mộ trong thơ Thanh Hải được nâng lên cấp độ cao hơn là được cắm được trồng những cánh hoa tươi với ý nghĩa cao cả. Vẫn là mạch thơ kể chuyện: “Hôm qua chúng giết anh/ Xác phơi đầu ngõ xóm”, với lời đe dọa: “Thằng này là cộng sản/ Không được đứa nào chôn” nhưng khi kẻ thù quay đi thì bà con làng xóm bất chấp lời đe dọa: “Lũ chúng vừa quay lưng/ Chiếc quan tài sơn son/ Đã đưa anh về mộ”. Ngôi mộ của người chiến sĩ cộng sản được đặt trên đồi cao và luôn được đắp lên những bó hoa hồng tươi: “Hoa hồng nở và nở/ Hương thơm bay và bay”. Hoa hồng biểu tượng cho tình yêu hạnh phúc, hoa hồng cũng là dòng máu đỏ tươi của người chiến sĩ. Hình ảnh ngôi mộ tươi thắm hoa hồng trên đồi cao như một biểu tượng đấu tranh cho sự sống bất diệt. Không chỉ có vòng hoa chị đơm, cây bông hồng em ươm mà còn hình ảnh: “Đi theo sau hồn anh/ Cả làng quê đường phố/ Cả lớn nhỏ, gái trai/ Đám càng đi càng dài/ Càng dài càng đông mãi”có sức khái quát sức mạnh nghĩa tình đã gắn kết mọi người trước sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ Cộng sản. 

Cùng mạch thơ nghĩa tình đó, nhà thơ Trần Ninh Hồ đã sáng tạo một tứ thơ “ Viếng  chồng” cảm động bắt đầu từ tình huống: Người vợ đi viếng mộ chồng với một kết thúc bất ngờ thấm đẫm tình nghĩa nhân hậu, một nốt trầm sâu thẳm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.  Thật bất ngờ khi người lính dẫn đường phát hiện ra chị đã nhầm khi đặt hoa lên ngôi mộ người đồng đội của chồng chị: “Chị đặt hoa nhầm rồi/ Mộ anh ấy ở bên tay trái”. Câu thơ bỗng nhiên nghẹn thắt trước tình huống khó xử. Đây là  trường đoạn của cuốn phim quay chậm làm cho người trong cuộc và người đọc hồi hộp.  Cao trào tình cảm chính là câu trả lời của  vợ người lính đã hy sinh: “Chị hiểu ý em rồi/ Xin cho chị đặt hoa bên mộ đó/ Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ/ Viếng mộ anh có chị đến đây rồi”. Bài thơ kết thúc bất ngờ nhưng có sức lan tỏa   bởi chính bản thân chị là bó hoa đẹp đậm sắc hương quê trước nấm mộ của chồng và chị mang cả nghĩa tình của quê hương đất nước gửi gắm vào bó hoa sẻ chia với đồng đội chồng chị. Đến thăm viếng mộ liệt sĩ luôn có hoa và hương.  . “Thăm mộ chiều cuối năm” của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn cũng từng là một người lính là một tứ thơ vô cùng xúc động. Bài thơ  tứ tuyệt bốn câu ngắn gọn cô đọng mà tỏa ra bao vòng sóng âm thanh như một khúc ca bất diệt từ một tình huống: “Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội/ Nhang trầm một thẻ, biết làm sao”.  Và bắt đầu có sự đối lập: Giữa số ít “một thẻ nhang” với số nhiều “các ngôi mộ”.  Bỗng xuất hiện một động thái: “Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió” thắp cũng là thắp sáng niềm tri ân. Gió thổi. Trầm ngát hương bay ngọt thơm của tình người, tình đồng đội chia đến từng ngôi mộ: “Hương khói đừng quên nấm mộ nào” như một lời nhắn, một lời tâm nguyện, tự nguyện. Cũng viết về hương trầm thơm nhà thơ Nguyễn Đức Mậu có bài thơ dài: “Nấm mộ và cây trầm” khá cảm động khi viết về sự hy sinh của đồng đội: “Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn/ Cây trầm cháy dở thay nén nhang”. Người đồng đội đó đã có tư thế hy sinh thật anh dũng: “Nhận cái chết cho đồng đội sống/ Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng/ Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi”. Ở đây nhà thơ sáng tạo hình ảnh biểu tượng cho sự sống  bất tử: “Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ/ Sống tươi tốt bao niềm tin bình  dị/ Thân hy sinh thơm đất, thơm trời”. Cây trầm hay người lính, cả hai đều tỏa ngát hương thơm từ lòng đất mẹ những âm thanh im lặng, những vang vọng không lời sống mãi với thời gian...

Trong thơ viết về thương binh - liệt sĩ có hai ngôi mộ thật lạ mà chỉ có trong cuộc chiến tranh ác liệt của đất nước Việt Nam thân yêu chúng ta mới có và đi vào thi ca như những điểm nhấn mà lay thức cho đến bây giờ. Đó là “Ngôi mộ sông” trong thơ Lê Bá Dương và “Ngôi mộ gió” trong thơ Trịnh Công Lộc. Chiến tranh đã đi qua nhưng khi trở lại dòng sông Thạch Hãn người cựu chiến binh Lê Bá Dương đã núc nở thổn thức: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Ôi câu thơ đã chạm đến cõi tâm linh sâu thẳm nhất của con người, chạm đến sợi dây đàn nhạy cảm nhất của cõi người. Phải chăng phím đàn đây là dạt dào tiếng sóng vỗ mãi với thời gian như viền lại những ám ảnh thường trực trong ký ức người cựu chiến binh thi sĩ với một động tác  khẩn khoản: “Xin chèo nhẹ”. Chạm vào sóng nước là chạm vào máu thịt của của đồng đội mình. Trong cuộc chiến với kẻ thù trên biển để bảo vệ lãnh hải Tổ quốc, nhà thơ Trịnh Công Lộc đã rất thành công với một khúc ca thơ xúc động: “Mộ gió”. Theo tục lệ từ xưa, người dân Lý Sơn làm những ngôi mộ gió và tổ chức lễ chiêu hồn cầu an cho những linh hồn mãi ở lại nơi biển cả giữ gìn lãnh hãi Tổ quốc. Bài thơ bộc lộ một cảm xúc mãnh liệt dâng trào dồn nén như những lớp sóng vô cùng, vô hạn. Là “mộ gió” nên chỉ có “cát vun thành da thịt” và khi ta:  “Chạm vào gió/ Như chạm vào da thịt/ Chạm vào nhói buốt/ Hoàng Sa”. Câu thơ thổn thức nghẹn ngào và tứ thơ xúc động đó cứ trào dâng: “Mộ gió đây/ Giăng từng hàng từng lớp/ Vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi”. Lớp lớp người ngã xuống đã hòa vào ngọn gió vào cát vào đất đai sóng biển của Tổ quốc để thổi bùng lên chạm khắc một tượng đài người lính thật hiên ngang bất khuất như một tấm lá chắn vô hình bảo vệ non sông đất nước: “Là mộ gió/ Gió thổi hoài, thổi mãi/ Thổi bùng lên/ Những ngọn sóng ngang trời”. Và có hàng ngàn ngôi mộ vô danh trên dãy Trường Sơn trong bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý với lối cấu trúc điệp chữ và điệp ý như những điểm nhấn là cả một dư ba vang vọng với những phím đàn rung lên: “Mười ngàn đồng đội nằm rải Trường Sơn/ Mười ngàn hài cốt chưa về khói hương/ Mười ngàn khát vọng cùng về bên nhau”./.

Hợp âm trầm của những phím đàn thơ tháng bảy