GIAI ĐIỆU XUÂN ĐẤT NƯỚC NGÂN MÃI

TAP CHÍ LANGBIAN|4/1/2021 10:13:36 PM

Giai điệu xuân đất nước ngân mãi

HÀ NGÂN (Bình Thuận)

 

Mùa xuân, mùa của sự thăng hoa, sáng tạo nghệ thuật, mùa của tình yêu bất tận. Mùa xuân cũng gắn liền với biết bao sự đổi thay đất nước. Trước đất trời thay đổi khi sang xuân mới, cùng đất nước sang chặng đường mới, người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật luôn hiện hữu những rung động thiên phú, để làm nên những tuyệt phẩm, trong đó có âm nhạc. Rất nhiều tuyệt phẩm âm nhạc viết về mùa xuân, đất nước đã ra đời cách đây gần 45 năm, nhưng đến nay vẫn còn ngân mãi. Trong số tuyệt phẩm âm nhạc đó có thể kể đến: Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Mùa xuân bên cửa sổ (Xuân Hồng), Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao), Mùa xuân nho nhỏ (Trần Hoàn), Mùa xuân làng lúa, làng hoa (Ngọc Khuê)…  

Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh được nhạc sĩ Xuân Hồng bắt đầu sáng tác tháng 3-1975, hoàn thành vào những ngày cuối cùng của tháng 4-1975 lịch sử. Theo con gái của nhạc sĩ Xuân Hồng được ông kể lại, giữa đất trời, thiên nhiên rực rỡ mùa xuân của miền Đông Nam Bộ, khi cảm xúc ập đến, nhạc sĩ ký âm trên cánh tay của mình. Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi ra lá trổ hoa/ Chào mùa xuân về với mọi nhà…”. Từ mùa xuân thiên nhiên đất trời, đến mùa xuân đất nước, mùa xuân hoan ca; đó là khúc khải hoàn, tiếng reo vang lên tự hào, tràn đầy nội lực và niềm vui dâng trào nước mắt trong ngày non sông liền một dải. Tên gọi “thành phố Hồ Chí Minh” được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần như một dự cảm để sau đó, thành phố Sài Gòn - Gia Định được mang tên Bác. Năm 2000, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là một trong 6 tác phẩm được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho nhạc sĩ Xuân Hồng.

Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác bài hát Mùa xuân đầu tiên vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thìn 1976. “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một tia nắng vui cho bao tâm hồn…”. Đó là mùa xuân đất nước sum họp một nhà, mùa xuân yên bình được tác giả gửi gắm với thông điệp giàu tính nhân văn, đầy sự chiêm nghiệm, suy tư và sâu lắng. “Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao, trong xuân vui đầu tiên…”. Từng câu hát, giai điệu nhẹ nhàng dâng trào trong lòng người bao mênh mang, lâng lâng. Số phận ca khúc Mùa xuân đầu tiên từ khi ra đời đến khi tỏa sáng đã phải chịu nhiều long đong vô hình như quãng đường đời của tác giả. Bài hát được in trên Báo Sài Gòn Giải Phóng nhưng nhanh chóng chìm vào im lặng giữa dòng nhạc ồn ào, vội vã. Tuy vậy đến cuối năm 1976, bài hát lại được in và dàn dựng, biểu diễn lần đầu tiên tại Liên Xô. Sau đó cũng được dàn dựng, biểu diễn ở trong nước nhưng vẫn chưa được chú ý đến. Mãi năm 1996, khi nhạc sĩ Văn Cao mất được một năm, Mùa xuân đầu tiên mới được người yêu nhạc biết đến rộng rãi và yêu thích, khẳng định được giá trị đích thực.

Mùa xuân nho nhỏ được nhà thơ Thanh Hải sáng tác năm 1980, khoảng thời gian cuối đời trên giường bệnh tại Huế.“Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện/ Hót cho mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng…”. Cảnh xuân xứ Huế cứ thế lần lượt, tự nhiên hiện lên qua từng câu, từng chữ thiết tha, ngập tràn lạc quan, không chút buồn phiền nào của một người biết mình sắp kết thúc chặng đường đời. Đây là tác phẩm thơ cuối cùng trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật của nhà thơ. Khi vào thăm bạn, nhạc sĩ Trần Hoàn đã đọc được bài thơ và mang về phổ nhạc, hứa sẽ quay lại để hát cho bạn nghe. Sau một tuần hoàn thành phổ nhạc bài hát “Mùa xuân nho nhỏ”, nhạc sĩ Trần Hoàn quay lại bệnh viện, ngỡ rằng sẽ hát cho nhà thơ Thanh Hải nghe, nhưng lại tiễn người bạn đi vào cõi xuân riêng vĩnh hằng sau khi lặng lẽ dâng cuộc đời này những câu thơ đẹp. “Mùa xuân, mùa xuân/ Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Mùa xuân, mùa xuân/ Mùa xuân tôi xin hát…”.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê viết bài hát Mùa xuân làng lúa, làng hoa vào cuối năm 1981. Tết Nguyên đán Nhâm Tuất 1982, bài hát được dàn dựng, phát lần đầu tiên trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong chương trình giới thiệu các tác phẩm mới viết về mùa xuân. Từng giai điệu rất nhẹ nhàng, khoan thai nhưng rộn ràng, náo nức, đưa người nghe về với cảnh mùa xuân, những chiều cuối năm của làng lúa, làng hoa Hà Nội. Theo nhạc sĩ, bài hát được sáng tác để tặng cô bạn, khi hai người đi dạo nơi trồng hoa, trồng lúa ở Hồ Tây. Vào một chiều cuối đông 1981, đi giữa Hồ Tây với lúa và hoa, sự ấp ủ ca khúc từ lâu đã bật lên trong đầu nhạc sĩ một vài ca từ: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/ Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng”. Đây là đoạn giữa của bài hát. Mang đầy cảm xúc giữa buổi chiều cuối năm về nhà, nhạc sĩ viết tiếp phần đầu và phần cuối, hoàn thành bài hát. Cũng theo nhạc sĩ, phần đầu bài hát gây khó khăn, mất nhiều thời gian của ông nhất, khi phải đắn đo, suy nghĩ lựa chọn nhịp điệu dẫn nhập vào bài cho phù hợp. “Bên lúa, anh bên lúa, cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều/ Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa/ Hồ Tây đôi bên, trong tình yêu hoa lúa rộn ràng”. Bài hát lúc đầu mang tên Làng lúa, làng hoa, khi mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Thế Song đã khuyên nhạc sĩ Ngọc Khuê thêm hai từ “Mùa xuân” vào bài hát vốn dĩ đã ra đời trong không khí xuân êm đềm. Cuộc đời làm nghệ thuật của người nghệ sĩ sáng tạo, sáng tác nhiều đi chăng, nhưng chỉ cần người đời nhớ đến một trong nhiều sáng tác của mình, cũng mãn nguyện. Nhạc sĩ Ngọc Khuê với ca khúc Mùa xuân làng lúa, làng hoa nằm trong số đó.      

 Nếu như Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân hào sảng, mùa xuân hoan ca thì Mùa xuân bên cửa sổ là một mùa xuân tình yêu, mùa xuân yêu thương bất tận. Bài hát được nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác năm 1985, phỏng theo lời bài thơ “Bên cửa sổ” của nhà thơ Song Hảo: “Cao cao bên cửa sổ/ Có hai người hôn nhau/ Hai người rất trẻ/ Hãy im nghe/ Rì rầm đường phố/ Bên cửa sổ có hai người hôn nhau ”. Khi đưa vào thành lời bài hát Mùa xuân bên cửa sổ, ca từ cùng điệu nhạc đã xoáy vào người nghe sự dạt dào, sâu lắng giữa mùa xuân: “Cao cao bên cửa sổ/ Có hai người hôn nhau/ Đường phố ơi hãy yên lặng/ Để hai người hôn nhau/ Chim ơi đừng bay nhé/ Hoa ơi hãy tỏa hương/ Và cây ơi lay thật khẽ/ Cho đôi bạn trẻ đón xuân về….  Nhạc sĩ Xuân Hồng là người đầu tiên đưa “nụ hôn” vào ca khúc, hay Mùa xuân bên cửa sổ là ca khúc đầu tiên nói đến tình yêu nam nữ một cách cụ thể qua “nụ hôn”. Đó cũng là điều thú vị, độc đáo nhưng cũng mang lại chút phiền toái cho nhạc sĩ, nhà thơ ở thời điểm đất nước trước đổi mới. Cho đến nay, Mùa xuân bên cửa sổ vẫn là một bản tình ca mùa xuân đong đầy yêu thương, được nhiều người yêu thích.

Ngày xuân, khi người liêng biêng sau bao cuộc vui, chợt có phút tĩnh tâm với từng điệu nhạc sâu lắng về xuân đất nước, để càng thêm “yêu quê hương làm sao”, càng thấy “thương người”, “yêu người”. Và sức sống của các tuyệt phẩm âm nhạc nói chung, tuyệt phẩm âm nhạc viết về mùa xuân đất nước nói riêng sẽ ngân mãi qua bao thời gian, cùng bao thế hệ.

GIAI ĐIỆU XUÂN ĐẤT NƯỚC NGÂN MÃI