Hình ảnh người liệt sĩ trong bài thơ “Viết trong ngày giỗ anh” của Phạm Quốc Ca

TAP CHÍ LANGBIAN|8/13/2021 10:20:22 AM

Hình ảnh người liệt sĩ trong bài thơ “Viết trong ngày giỗ anh” của Phạm Quốc Ca

                                                                                         LỆ HUYỀN

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những đau thương mất mát của cuộc chiến tranh ấy vẫn còn hiện hữu trong trái tim của những người dân Việt và đã có rất nhiều vần thơ khắc ghi nỗi mất mát của những gia đình có người thân ngã xuống.  Nhân dịp kỷ  niệm ngày 27-7, Ngày Thương binh Liệt sĩ, xin được bày tỏ lòng biết ơn thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc qua việc cảm nhận về bài thơ “Viết trong ngày giỗ anh” của nhà thơ Phạm Quốc Ca.

Trong lực lượng sáng tác thơ đông đảo, nhiều thế hệ của nền thơ ca đương đại Việt Nam, Phạm Quốc Ca là một trong những nhà thơ có nhiều thành tựu, được bạn đọc yêu mến. Thơ Phạm Quốc Ca đằm sâu vẻ đẹp tâm hồn người lính, người trí thức không chỉ trong chiến tranh mà còn trong cả cuộc sống thường ngày với bao trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm. Đọc thơ ông, ta bắt gặp hình ảnh của một người lính, người đồng đội với tấm lòng chan chứa tình người, tình đời khi viết về những mất mát của cuộc chiến tranh được thể hiện qua Bài thơ “Viết trong ngày giỗ anh”.

Năm 1969 anh trai của tác giả liệt, sĩ Phạm Văn Cừ đã hy sinh trên chiến trường Tây Ninh. Năm 1984 nhân ngày giỗ anh trai, Phạm Quốc Ca đã sáng tác bài thơ “Viết trong ngày giỗ anh”. Mở đầu bài thơ là những dòng thơ chan chứa nỗi đau ngày anh ngã xuống: Anh ngã xuống cánh rừng nào lặng lẽ/ Thư báo tin đau không sơ đồ mộ chí/ Rừng Tây Ninh đâu chỗ anh nằm?/ Chân trời xa đau đáu mắt em. Ngày nhận giấy báo tử chỉ đơn sơ một thông tin “hy sinh tại rừng Tây Ninh”. Anh ngã xuống lặng lẽ không một lời trăn trối, không một thông tin nơi yên nghỉ của anh giữa lòng đất núi rừng Tây Ninh để rồi trái tim người em trai tìm anh ở phương xa bằng nỗi đau đáu khôn nguôi. Sự khắc khoải mong ngóng tìm được mộ anh, đưa anh về với miền quê mẹ sông Bùng mãi mãi là khát vọng của người ở lại. Đó cũng là nỗi “đau đáu” chung của những gia đình có người thân hy sinh trong cuộc chiến tranh đã được nhà thơ Phạm Quốc Ca thể hiện trong khát vọng của mình.

Những ký ức ngày anh lên đường lại trở về trong những vần thơ của tác giả nghe thật nhói lòng: Chiều ấy quân đi xanh bến phà tháng giêng/ Em đâu nghĩ lần cuối cùng đưa tiễn! “Chiều ấy” dù không xác định rõ là buổi chiều cụ thể nào nhưng người đọc hiểu rõ đó là buổi chiều tháng giêng anh lên đường ra trận cùng với rất nhiều những chàng trai ở tuổi mười tám đôi mươi của mảnh đất anh hùng Diễn Châu đã vác ba lô, cầm cây súng trên tay hướng về miền Nam thân yêu với một ý chí “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” (Tây Tiến - Quang Dũng). Họ hiểu rằng đi là mất mát, là hy sinh nhưng không vì thế mất đi niềm hy vọng, những con người ấy luôn khát vọng ngày chiến thắng trở về với khúc ca khải hoàn. Vì thế câu thơ “Em đâu nghĩ lần cuối cùng đưa tiễn” như nỗi đau nhức nhối trong tim người đọc. Câu thơ nghe sao xót xa mất mát, như chia lìa vĩnh viễn. Đúng! Không ai biết được khi bước chân vào chiến trường sẽ có ngày trở về hay không? Vì thế “lần cuối cùng đưa tiễn” trở thành giây phút nhớ thương dành cho người ở lại, khắc khoải ngóng trông cho một cuộc hội ngộ không thể có ở mai sau.

Hình tượng nhân vật anh trong ký ức của tác giả không chỉ “Nhắc đến anh hàng xóm mãi xót thương” một người anh “Chưa thấy người đã nghe tiếng hát” lạc quan yêu đời, hiền lành mà đó còn là người anh trai sẵn sàng hy sinh ước mơ của bản thân mình để nhường cho em một cuộc sống tươi đẹp hơn:“Em đã lớn lên trên tấm lưng anh/ Ngày cha mất anh nhường em tới lớp”. Cả tuổi thơ em được anh cõng trên lưng, chăm bẵm thay cha mẹ. Anh đối với nhà thơ không đơn giản chỉ là một người anh, mà như một người cha thứ hai, khi cha mất, anh thay cha trong lòng tác giả, trở thành điểm tựa vững chãi, sẵn sàng đèn sách để em thực hiện ước mơ trở thành sinh viên đại học. Hai câu thơ giản đơn mà ấm áp, người đọc như hình dung ra cả một trời tuổi thơ và cả sự hy sinh cao cả của người anh cho đứa em trai của mình. Chính vì lẽ đó khi nghe tin anh mất nhà thơ đã không quản khó khăn tìm anh trên mọi nẻo đường của cánh rừng Tây Ninh: Em đã tìm anh suốt những cánh rừng/ Chi chít dòng tên khắc vào thớ gỗ.

Chiến tranh cướp đi thanh xuân, tuổi trẻ và cả sự sống không chỉ đối với anh trai của nhà thơ, người đọc bắt gặp ở câu thơ còn là hàng nghìn hàng vạn những chàng trai khác đã ngã xuống nơi chiến trường Tây Ninh này, những thớ gỗ cắt vội chi chít những dòng tên các anh, những người anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Nỗi đau, sự mất mát người thân yêu dường như khó lòng nào chấp nhận được, dù giấy báo tử đã ghi tên anh thì những người ở lại vẫn mơ về một phép màu cổ tích. Phạm Quốc Ca cũng không ngoại lệ khi: Em từng mơ ngày về quê hương/ Anh ngồi lợp lại nhà cho mẹ/ Anh kể chuyện chiến trường/Anh hát cười vui vẻ.

Ước mơ giản dị, như một bầu trời ấu thơ trở về, anh giản dị lợp mái nhà cho mẹ khỏi dột những đêm mưa, cho cơn bão khỏi tràn qua mỗi khi mùa lũ tới. Miền Trung nghèo mang theo cả những yêu thương dung dị ấm áp bên mái nhà tranh của mẹ. Vậy nhưng sự thật vẫn không thể nào thay đổi: Anh đã hy sinh! Nỗi đau không thể nào xóa nhòa trong trái tim mẹ, câu thơ chan chứa tình anh, tình mẹ: Giờ có đêm mẹ mơ thấy anh/ Ngồi choàng dậy bàng hoàng bật khóc/ Em cứ đợi điều không còn có được/ Một đêm kia tiếng gõ cửa anh về…

 Câu thơ khiến đọc giả như lặng đi. Đúng như tác giả nói đó là điều không còn có được, nhưng ước vọng, khát khao mãi mãi thẳm sâu trong lòng người thi sĩ, như một hoài vọng không cùng mãi mãi không bao giờ chạm tới.

Thơ mang đến cho người độcc sự lắng sâu, khắc khoải và cả những quặn lòng. Bài thơ “Viết trong ngày giỗ anh” của Phạm Quốc Ca là một bài thơ như thế. Bài thơ mang đến cho người đọc một cảm giác đầy ước vọng và thấm đẫm tình người.

Bài thơ khi ra đời đã đoạt Giải Nhất Cuộc thi Sáng tác thơ về đề tài Thương binh  - Liệt sĩ của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh năm 1984. Bài thơ được bạn đọc đón nhận bởi đó là trái tim của người trong cuộc, của tình cảm chân thành xuất phát từ con tim của em trai dành cho người anh liệt sĩ mãi mãi không trở về./.

Hình ảnh người liệt sĩ trong bài thơ “Viết trong ngày giỗ anh” của Phạm Quốc Ca