Hình ảnh người mẹ trong tiểu thuyết “Khúc hát những dòng sông” của Nguyễn Thế Quang

TAP CHÍ LANGBIAN|6/2/2021 9:33:51 AM

Hình ảnh người mẹ trong tiểu thuyết “Khúc hát những dòng sông” của Nguyễn Thế Quang

                                                                      NGUYỄN THỊ THẨM MỸ

 

1. Mở đầu

Nhà văn Nguyễn Thế Quang là người con xứ Nghệ, vốn xuất thân là một nhà giáo dạy văn. Bằng những kiến thức, sự hiểu biết và niềm đam mê với văn chương, sau khi nghỉ hưu ông bắt tay vào việc viết tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm đầu tay của ông là cuốn tiểu thuyết “Nguyễn Du” (2010), được đông đảo bạn đọc đón nhận và gặt hái được nhiều thành công vang dội với nhiều giải thưởng có giá trị. Trên đà ấy, ông tiếp tục cho ra mắt nhiều cuốn tiểu thuyết khác như: Thông reo ngàn hống, Khúc hát những dòng sông, và mới đây nhất là Đường về Thăng Long. Chủ đề chính trong các cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thế Quang chính là các nhân vật có thật, tiêu biểu cho từng giai đoạn trong lịch sử dân tộc. Thông qua việc tái hiện, xây dựng các nhân vật lịch sử thành nhân vật văn học, nhà văn muốn gửi gắm, khẳng định những giá trị nhân sinh tốt đẹp.

Cuốn tiểu thuyết “Khúc hát những dòng sông” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2012, tám năm sau - năm 2020 được tái bản. Mạch chủ đề chính được nhà văn tập trung xây dựng trong cuốn tiểu thuyết này là hình tượng người mẹ - nguồn sống, nguồn yêu thương bất tận của nhân loại và của mọi thời đại. Nhân vật chính, nhân vật trung tâm của tác phẩm được nhà văn Nguyễn Thế Quang lấy nguyên mẫu từ nhân vật có thật trong lịch sử dân tộc với đầy lòng ái mộ, thành kính của nhiều thế hệ người Việt. Đó chính là bà Hoàng Thị Loan, người con cả của cụ Hoàng Xuân Đường, người làng Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên). Lớn lên, bà được gả cho ông cử Nguyễn Sinh Sắc, người cùng quê nhưng khác làng (làng Sen), bà chính là thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn tiểu thuyết “Khúc hát những dòng sông” được nhà văn Nguyễn Thế Quang tập trung xây dựng trong khoảng thời gian gia đình nhân vật cử Sắc ở quê nhà, trên đường vào kinh đô Huế và cuộc sống trên đất đế kinh, với kết cấu bốn phần riêng biệt: Quê nhà, Đường vô xứ Huế, Giữa chốn kinh thànhVĩ thanh. Dù thời gian trong cuốn tiểu thuyết chỉ vỏn vẹn sáu năm song tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh bà Hoàng Thị Loan - một người mẹ thông minh, sắc sảo, hy sinh hết mình vì chồng vì con. Cũng chính bà Loan là người đã dìu dắt, dạy dỗ để người con Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) có được từ bài học vỡ lòng bổ ích đến chân trời mới với những hiểu biết mới, góp phần không nhỏ trong việc nhận đường và chọn đường sau này của Người. Bên cạnh bà Loan, chúng ta còn bắt gặp hình ảnh những người mẹ vô cùng vĩ đại khác như: Bà Tú Đường (mẹ bà Loan), bà Thảo (vợ ông Vương Đình Quang), thân mẫu Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Đoàn mẫu, thân mẫu Hoàng Thông… Họ đều là những người vợ, người mẹ thông thái, hiểu biết sâu rộng, giàu đức hy sinh, luôn hết lòng vì chồng vì con, luôn cố gắng vẹn toàn với công việc nhà chồng cũng như việc quốc gia đại sự. Nhờ đó, cuốn tiểu thuyết đã làm toát lên được tư tưởng chung, xuyên suốt tác phẩm - khúc hát về những dòng sông, khúc hát về những người mẹ kính yêu.

2. Một người mẹ mạnh mẽ, hết lòng yêu thương chồng con

Bà Hoàng Thị Loan được sinh ra và lớn lên nơi vùng quê Nam Đàn yên bình, có dòng sông Lam thơ mộng, phù sa bên lở bên bồi với những bãi mía, nương dâu xanh tốt, ngút ngàn dọc hai bên bờ tả hữu. Ngay từ nhỏ, bà Loan đã được nuôi nấng, dạy dỗ từ người cha giỏi giang, thông minh, đức độ và hết mực nhân từ - cụ Hoàng Xuân Đường. Thêm vào đó là tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ suốt đời tảo tần, hy sinh vì con - bà Nguyễn Thị Kép. Ngày xưa, người nữ được liệt vào hàng “liễu yếu đào tơ”, chân yếu tay mềm, tính cách cũng vì thế mà nhu mì, yếu đuối. Nhưng với Hoàng Thị Loan lại hoàn toàn khác, từ lúc còn trẻ bà đã thể hiện mình là một người có tính cách mạnh mẽ, cương nghị và quyết đoán. Vốn là con một ông đồ Nho nổi tiếng khắp vùng, thêm vào đó là  nhan sắc đẹp đẽ và phẩm hạnh cao quý đã khiến cho bao chàng trai si mê, bao bà mai ông mối đến đánh tiếng dạm hỏi. Thế nhưng, bà Loan đã dám bỏ qua mọi lời đàm tiếu của làng xóm, sự can ngăn của mẹ, bỏ qua mọi sự mối mai với những cậu ấm con nhà danh gia, quyền quý để thành đôi với Nguyễn Sinh Sắc - một Nho sinh mồ côi nghèo, được cha đưa về làm học trò và nhận làm con nuôi. Khi quyết định chọn anh Sắc làm chồng, bà Loan đã xác định rõ những khó khăn ở phía trước nhưng trong lòng bà vẫn kiên định với lựa chọn của mình, bởi bà thấy được những phẩm chất tốt đẹp nơi chồng mà không phải ai cũng có được: “…Mẹ ơi! Tiền của cũng cần nhưng quý nhất là đức độ và tài năng, điều này thì anh Sắc hơn hẳn bọn họ” [Khúc hát những dòng sông, tr.55].

Mười lăm tuổi, cái tuổi bắt đầu bước vào thời kỳ đẹp nhất, mộng mơ nhất của đời con gái, thế mà bà đã gạt bỏ những khát vọng, đam mê của bản thân để bước vào cuộc sống hôn nhân. Mới hai mươi bảy tuổi nhưng đã là mẹ của ba con, hai trai một gái, phải gồng mình lên kiếm kế sinh nhai lo cho các con khôn lớn và nuôi chồng ăn học. Bà Loan phải làm đủ mọi nghề như: Hái dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trồng lúa, trồng khoai,… miễn sao có đủ cái ăn cho cả gia đình, giúp chồng yên tâm học hành thi cử. Theo lẽ tự nhiên, nam thanh nữ tú khi đến tuổi trưởng thành sẽ được bố mẹ dựng vợ, gả chồng trước là để yên bề gia thất chí thú làm ăn, sau là để cùng nhau đỡ đần công việc và chia sẻ khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Bà Loan cũng vậy. Song, vì chí làm trai chưa thỏa nên chồng bà vẫn ngày đêm miệt mài với đèn sách, chưa thể cùng bà san sẻ, gánh vác công việc chăm sóc con cái. Dẫu vậy, người vợ trẻ vẫn không quản ngại mọi khó khăn, ngày đêm tần tảo để chồng yên tâm vững chí với sự nghiệp học hành. Chính tấm lòng yêu thương bao la, đức hy sinh của người vợ, người mẹ đã giúp cho là có đủ dũng khí, mạnh mẽ để vượt qua.

Cuộc sống của gia đình bà Loan tưởng chừng cứ thế bình lặng trôi qua nơi quê nhà, chờ chồng công thành danh toại, được mở mày mở mặt với gia đình, họ tộc, quê hương. Thế nhưng: “… đã mười hai năm, anh ấy đã qua bốn kỳ thi. Kỳ thi Hương khoa Tân Mão (1891) hỏng, rồi năm Qúy Tỵ (1893)…” [Khúc hát những dòng sông, tr. 24], rồi sau đó thi Hội cũng trượt đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình và làm phiền lòng anh nho Sắc. Khi được triều đình cho vào Trường Quốc Tử Giám ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, đây vừa là một điều may mắn cho nho Sắc, cho gia đình nhưng đồng thời thêm một gánh nặng buộc người vợ hiền lành, phải lựa chọn giữa việc mang hai con trai theo chồng vào kinh đô tiếp tục sự nghiệp nuôi chồng con ăn học, thỏa nguyện ước khoa bảng của chồng và người cha đã khuất; hay ở lại quê nhà phụng dưỡng mẹ già, chăm lo cho phần mộ của phụ thân. Trước đó, bao gian khổ, thiếu thốn người vợ hiền đều đã trải qua và vượt qua nó không phải dễ dàng gì nhưng dù sao còn được ở quê nhà, có gia đình, làng xóm nương tựa, sẻ chia. Còn giờ đây, vào kinh đô xa xôi, lạ lẫm với mọi thứ, không một người thân quen, tiền bạc không có nhiều lại còn “tiền châu củi quế”, lỡ một mai nắng gió trở trời ai đỡ đần chăm sóc, những lúc buồn vui biết lấy ai bầu bạn sớm hôm, quả là một sự lựa chọn nghiệt ngã. Song với tình yêu cháy bỏng, sự hy sinh cao cả, thầm lặng của người vợ, người mẹ đã thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh để bà dứt khoát với quyết định ra đi của mình. Với ngòi bút tài hoa, kết hợp với nguồn tư liệu lịch sử sẵn có, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã khắc họa thành công hình ảnh bà Hoàng Thị Loan với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai, một bên là sách vở của chồng, tư trang của gia đình và đầu gánh bên kia là cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng chồng và con trai cả Nguyễn Sinh Khiêm dắt díu nhau từ vùng quê xứ Nghệ yên bình, vượt qua muôn dặm trường, có lúc là đèo Ngang hiểm trở và đầy thú dữ, khi lại là từng đồi cát trắng bỏng rát, có lúc lại phải chịu cái lạnh giá của gió mưa… khiến người đọc không khỏi xót xa, xúc động, kính nể trước lòng quả cảm, sự mạnh mẽ của một người phụ nữ mảnh dẻ, nhỏ nhắn này. Đến chị Cả San (vợ Phan Bội Châu) cũng phải thốt lên: “O em này ghê thật” [Khúc hát những dòng sông, tr.43] cũng đủ làm toát lên lòng ngưỡng mộ của mình với bà Loan. Và sự mạnh mẽ ấy càng được khẳng định hơn nữa giữa chốn kinh thành trăm bề vất vả, thiếu thốn. Để cho chồng không phải lo lắng về cơm áo gạo tiền, chuyên tâm vào việc học hành, bà đã vất vả ngược xuôi, đêm thì thức khuya dệt vải để sáng ngày mang ra chợ bán kiếm cái ăn, manh áo cho chồng, cho con. Dường như cả cuốn tiểu thuyết người đọc không bắt gặp dù chỉ một lần bà Loan nghĩ đến lợi ích bản thân mà trên hết bà luôn dành tất cả tình yêu thương và vật chất cho chồng cùng các con, bản thân bà chịu gian nan thiếu thốn. Ngay cả khi gia cảnh ngày càng túng thiếu, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc hay những lúc chồng đi dạy học xa bà phải một mình vò võ suốt năm canh, không ít lần tiếng gọi bản năng của người đàn bà thổn thức. Bà đã gạt bỏ qua tất cả để giữ được sự thanh cao, trong sạch, không siêu lòng trước sự cám dỗ của tiền bạc và thể xác. Hơn thế nữa, chính sự mạnh mẽ, tình yêu, sự thủy chung của bà Loan còn là một “phương thuốc”, giúp hóa giải cơn u mê, đánh thức bản tính thiện lương trong con người nhân vật Quản Cơ Tấn, càng làm tăng thêm hình ảnh đẹp đẽ của người vợ, người mẹ Hoàng Thị Loan.

3. Một người mẹ thông thái và giàu đức hy sinh

Ngay từ khi còn nhỏ, thông qua các câu chuyện được nghe kể, các bài học vỡ lòng từ người cha kính yêu, bà Loan đã thấy được vai trò của người mẹ vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành của các con. Chẳng hạn, để có một Nguyễn Du tài năng đức độ thì trước đó phải có một người mẹ đẹp người đẹp nết, trung hậu, cần kiệm, chăm lo việc nhà và biết nuôi dạy con cái. Hay Đoàn mẫu, thân mẫu Hoàng Thông… Họ đều là những người vợ, người mẹ tiêu biểu cho đức hy sinh, lòng vị tha và nuôi dạy các con nên người. Hơn ai hết các bà hiểu được giá trị của con người, giá trị của sự học nên đã không ngừng nhen nhóm, tạo thói quen và niềm đam mê sách vở cho các con, các cháu:“Từ ngày mẹ về làm dâu ở gia đình này, mẹ chưa từng thấy phụ thân con bỏ đọc sách ngày nào, tiếc là người có chí mà chưa toại. Con cần phải học và thi đậu, thỏa lòng phụ thân và làm tấm gương cho con cháu nối đời noi theo” [Khúc hát những dòng sông, tr. 81]. Chính từ những lời dạy ấy mà ông Đoàn Tử Quang dù đã ngoài bảy mươi tuổi vẫn lều chõng đi thi nhằm đền đáp công ơn sinh thành, dạy bảo và làm vui lòng mẹ già. Ngay như cụ Tú Đường (mẹ bà Loan) cũng là một tấm gương mẫu mực về sự hy sinh suốt đời vì chồng, vì con. Bà không chỉ thương chồng, yêu thương những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra mà ngay cả với con rể bà cũng yêu thương, sẵn sàng bán ruộng để chu cấp cho Nguyễn Sinh Sắc có tiền ăn học, theo đuổi giấc mơ khoa bảng. Từ những tấm gương sáng của những người mẹ, người vợ ấy, trong tâm khảm bà Loan đã nhận thức rõ ràng trách nhiệm của tất cả người mẹ không chỉ cho các con hình hài, chăm bẵm, bú mớm khi còn nhỏ, nuôi ăn học cho đến tuổi trưởng thành mà điều quan trọng hơn chính là việc nuôi dạy các con thành người tử tế, có ích cho gia đình, cống hiến cho quốc gia dân tộc. Bà luôn mang trong mình một tâm niệm: “Làm mẹ, đẻ con ra phải lo làm nuôi con đã đành nhưng dạy con nên người là điều hệ trọng hơn hết. Không lo dạy con, không biết dạy con, con hư hỏng đau lòng mình, nhục gia tộc, mà làm hại cả làng xã. Cha ông đã nói “Đức hiền tại mẫu”, đẻ con hư, người mẹ thật có tội với mọi người và có lỗi với ngay cả đứa con của mình” [Khúc hát những dòng sông, tr.157]. Xuất phát từ quan niệm ấy, bà Loan luôn tìm mọi cách, mọi phương pháp, vận dụng mọi kiến thức có được để nuôi dạy con. Đó có thể là những lời ru vào những đêm trăng thanh gió mát, những buổi đi nghe hát phường vải hay những điệu hò trên đất Huế cũng được bà sử dụng để truyền dạy cho các con đạo lý làm người, tình yêu quê hương đất nước, hiểu biết về nghĩa đồng bào ruột thịt. Không dừng lại ở đó, thông qua các câu chuyện bà được nghe từ cha về mẹ Âu Cơ, mẫu Liễu Hạnh, những câu chuyện về truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha để khơi dậy niềm tự tôn dân tộc, học hỏi những tấm gương về phẩm hạnh cao quý, nghị lực vượt khó của người Việt Nam. Bà còn tìm mọi cách cho các con, nhất là cậu út Cung được tận mắt chứng kiến cảnh lầm than, cơ cực của đất nước lúc bấy giờ để từ đó giúp con hiểu nỗi đau của dân tộc trong cảnh lầm than nô lệ. Có như vậy các con mới cảm nhận nỗi đau của mọi người như nỗi đau của chính mình, từ đó biết yêu thương, quý trọng đồng bào và tìm cách làm cho đồng bào ngày càng bớt khổ hơn. Chính vì lẽ đó, để giúp Cung trả lời được câu hỏi vì sao lại có nhiều xác người chôn cùng một nơi ở bờ sông Hương, bà đã dẫn con tới gặp người hát xẩm, mắt không tường nhưng tai vẫn tỏ, là người hiểu được những việc xảy ra trong vùng để lắng nghe vè Thất thủ kinh đô. Và, một điều buồn thay: “Bài học lớn đầu tiên mà mẹ đưa con đi học là nỗi đau buồn mất nước” [Khúc hát những dòng sông, tr.135]. Một sự thật xót xa đến đau lòng nhưng người mẹ vẫn phải cắn răng chấp nhận lấy đó làm bài học để dạy con nên người. Không chỉ dừng lại ở đó, từ những câu chuyện nơi cửa Phật về phong tục cúng cháo lá đa, lễ xá tội vong nhân và đạo hiếu với cha mẹ cũng được bà Loan vận dụng một cách khéo léo để dạy con. Qua những câu chuyện ấy giúp con biết yêu thương tới muôn loài, muôn người, có lòng từ bi, vị tha và lương thiện. Đặc biệt, khi bắt gặp hình ảnh những chú chim con trong lồng được mọi người mua về phóng sinh với mong muốn mang lại tự do cho chúng, lần đầu tiên cậu bé Cung được nghe tiếng “tự do”, tuy giản dị nhưng lại vô cùng thiêng liêng, trở thành khát vọng, lý tưởng sống không chỉ của riêng mình mà còn cả cho cả dân tộc Việt Nam đang phải chịu cảnh lầm than, nô lệ.

Như vậy, trong cuộc đời của các con và nhất là với cậu con út - Nguyễn Sinh Cung, chính bà Hoàng Thị Loan giữ vai trò vừa là một người mẹ hiền từ, đồng thời còn sắm vai người thầy mẫu mực, sẵn sàng hy sinh, chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Chính Nguyễn Sinh Sắc cũng phải thốt lên: “Nhà mình thật có phúc khi có người con dâu công, dung, ngôn, hạnh đủ đầy, biết chăm chồng, nuôi con và hơn hết biết dạy con nên người. Mình phải hỗ trợ vào cho lòng con luôn nhớ điều này” [Khúc hát những dòng sông; tr.135].

4. Một người vợ không chỉ hết lòng vì gia đình chồng mà còn quan tâm đến vận mệnh của quốc gia dân tộc.

Trong Khúc hát những dòng sông, bên cạnh hình ảnh người mẹ mạnh mẽ, giàu đức hi sinh, hết lòng vì chồng vì con thì người đọc còn thấy nổi bật một đức tính cao quý khác là luôn hết lòng vì gia đình nhà chồng. Từ việc lo toan chu toàn cho nhà chồng ấy, những người vợ người mẹ lại tiếp tục hướng sự quan tâm đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc và coi đó như một nhiệm vụ cần phải chung tay gánh vác. Đó là hình ảnh cụ bà Tú Đường mẫu mực, tiêu biểu. Bà không chỉ vì chồng vì con mà còn luôn trăn trở với công việc nhà chồng. Biết chồng là người trưởng họ, gánh trên vai trách nhiệm nặng nề của họ tộc nhưng lại không sinh được con trai để nối dõi tông đường, một trong những điều đại bất hiếu của một đấng nam nhi lúc bấy giờ. Bà đã gạt bỏ niềm tự tôn bản thân, sự ích kỷ vốn có của một người đàn bà để nung nấu ý định cưới vợ lẽ cho chồng, nhằm giúp chồng có được người con nối dõi, hoàn thành nhiệm vụ cao cả. Có như vậy ông mới an tâm dạy dỗ cho các thế hệ học trò thành những người có ích cho dân, cho nước. Đây là một điều không hề dễ dàng, không phải người phụ nữ nào cũng có thể làm được đã khiến cho mọi người càng yêu thương, khâm phục bà nhiều hơn. Và bà Nguyễn Thị Thuần, mẹ thầy Hoàng Thông, mới mười bảy tuổi đã về nhà chồng, đến hai mươi lăm tuổi thì phải chịu cảnh góa bụa. Dù tuổi đời còn trẻ lại có nhan sắc nên không ít người theo đuổi, muốn cưới về làm lẽ nhưng bà vẫn quyết ở vậy thờ chồng và nuôi hai người con khôn lớn, trưởng thành. Bà luôn nói với các con: “Đời mẹ chỉ có ngôi nhà này, cha con và các con. Dù chết mẹ cũng không về nhà ai cả” [Khúc hát những dòng sông. Tr. 221]. Và càng đáng khâm phục hơn khi chứng kiến cảnh người con trưởng tử nạn trong chuyến hộ giá vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Bình, bà vẫn luôn mạnh mẽ: “Anh con bỏ mình vì nước, đó là điều cần làm của nam nhi thời loạn, con phải nhớ điều đó, không được theo bọn Tây mà làm nhục anh con, làm nhục cha mẹ và tổ tiên” [Khúc hát những dòng sông, tr.223]. Lời dạy ấy càng khiến cho người đọc yêu mến và cảm phục, bà xứng đáng với danh hiệu “tiết phụ” mà vua Tự Đức đã ban tặng. Và bà Loan luôn lấy đó làm tấm gương sáng để học hỏi và noi theo. Suốt cuộc đời bà, từ khi lấy chồng sinh con cho đến khi lìa xa trần thế bà vẫn luôn luôn một lòng vì chồng, chăm sóc và lo lắng cho chồng như cho chính các con vậy. Bà cố gắng đảm trách tất cả các công việc gia đình, con cái để chồng an tâm thi cử không đơn thuần để được hưởng cuộc sống vinh hoa, phú quý. Trên hết, bà hiểu được cuộc sống cơ cực, đói khổ lầm than của Nhân dân lao động nên bà hy vọng chồng đỗ đạt để trở thành một ông quan thanh liêm, ra tay trừng trị những bọn tham quan ô lại hòng đem lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân. Qua cách nuôi dạy các con, bà Loan không chỉ mong con trở thành người có ích cho gia đình, trên hết bà luôn mong các con trung thực, có lòng yêu thương mọi người, đam mê học hỏi, có chí tiến thủ tìm ra đường đi đúng đắn giúp Nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than, đói khổ, cơ cực này. Quả là những người mẹ vĩ đại vượt tầm thời đại.

5. Lời kết

Như vậy, với lối sử dụng hình ảnh, ngôn từ mộc mạc và giản dị, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã xây dựng thành công bức tượng đài ngôn ngữ về hình ảnh những người vợ, người mẹ Việt Nam, tiêu biểu là bà Hoàng Thị Loan với rất nhiều đức tính và phẩm chất tốt đẹp như: Mạnh mẽ, vị tha, giàu lòng nhân ái, luôn hết lòng vì chồng vì con; đó còn là người phụ nữ thông minh, hiểu biết và luôn quan tâm đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc càng làm tăng thêm lòng tự hào, sự yêu thương đối với những người mẹ, người vợ ấy. Qua tác phẩm này, nhà văn một lần nữa đưa người đọc về với cội nguồn của văn hóa dân gian, nơi chất chứa những câu hát ru, những bài ca dao, những câu chuyện kể để mẹ đưa con vào giấc ngủ trưa hè nóng bỏng, qua ngày đông lạnh giá; là nơi nuôi dưỡng và gột rửa tâm hồn mỗi con người. Tác phẩm đã tạo nên những “khúc hát” bền bỉ, thiết tha để những người con như chúng ta thêm phần tự hào và tri ân những người mẹ đã sinh thành và dưỡng dục các con nên người./.

 

Hình ảnh người mẹ trong tiểu thuyết “Khúc hát những dòng sông” của Nguyễn Thế Quang