Hoa cúc trong thơ tình Lưu Quang Vũ

TAP CHÍ LANGBIAN|11/5/2021 10:56:12 AM

Hoa cúc trong thơ tình Lưu Quang Vũ

THIỀU TRANG

 

Cuối tháng 8-1988, vợ chồng nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cùng con trai út Lưu Quỳnh Thơ đã mãi mãi ra đi sau một tai nạn thảm khốc. Sự ra đi đột ngột của họ khiến bao người xót xa, bởi Xuân Quỳnh đang là nữ thi sĩ thành công và có nhiều triển vọng; còn Lưu Quang Vũ được mệnh danh là “cây bút vàng của sân khấu” lúc bấy giờ. Giống như người bạn đời Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ cũng “đã sống, đã yêu, đã làm việc hối hả như một bó đuốc rừng rực cháy”[1] trong suốt những năm tháng ngắn ngủi của đời mình. Trước khi thành công vang dội trên kịch trường với những vở kịch cho đến hôm nay vẫn là những đỉnh cao khó ai vươn tới, Lưu Quang Vũ đã từng gắn bó với thơ, mà đặc biệt là thơ tình. Thơ tình của ông là những lời bộc bạch đầy tha thiết của một tâm hồn từng đi qua nhiều trầm luân, trắc trở. Là một người nhạy cảm, từ thuở mười lăm, Lưu Quang Vũ đã có những rung cảm tình yêu đầu tiên và trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, nhà thơ đều có một dấu yêu gửi lại. Cho dù tình yêu ấy có thể đã cứa vào lòng Lưu Quang Vũ những vết thương, nhưng có lẽ chính những thương đau mất mát ấy lại trở thành nguồn cảm hứng lớn. Trong thơ Lưu Quang Vũ, hình ảnh hoa cúc xuất hiện như một ám ảnh về nỗi nhớ, về quá khứ, về tình yêu đầy những tiếc nuối, xót xa của một thời đã qua và đâu đó là hình bóng của những người chỉ đi ngang cuộc đời nhà thơ mà không dừng chân lại.

Trong “Em - tình yêu những năm đau xót và hy vọng” đề “tặng Nguyễn Thị Hiền”, Lưu Quang Vũ đã viết những câu thơ buồn cháy lòng, mà khi đọc ai cũng phải xót xa:

Một tình yêu không biết nói cùng ai
Đến điên dại đến nghẹn ngào đau đớn

Dường như với Lưu Quang Vũ, thơ là nơi ẩn náu cuối cùng của những lúc tâm hồn thương cảm là sự hàm ơn và trang trải riêng tư trước cuộc đời sóng gió. Có lẽ vì thế mà suốt cuộc đời Lưu Quang Vũ chỉ thấy những cảm xúc lẻ loi chơi vơi, canh cánh trong những bài thơ buồn thăm thẳm. Nỗi buồn ấy không dễ để thấu hiểu ngọn nguồn, nhưng ai đã đọc thơ Lưu Quang Vũ sẽ không thể ngừng thương, ngừng xót vì đó là một nỗi buồn rất thực, rất chân tình. Khi gửi vào hoa cúc, nỗi buồn ấy càng xót xa:

Mai em đi mùa hạ cũng qua rồi
Tôi ở lại một mình trên phố vắng
Hoa cúc rối chiều xuân nào tôi đến
Chẳng gặp em - chỉ màu hoa vàng rực
Đêm nay về đốt lửa giữa hồn tôi

(Lá thu)

Từng ví hoa cúc vàng là “nỗi nhớ của hoàng hôn”, Lưu Quang Vũ chắc hẳn phải yêu loài hoa mùa thu này nhiều như yêu những “người đàn bà không có tên” từng đi ngang cuộc đời mình. Màu hoa vàng rực ấy có lẽ đã khắc sâu trong tâm trí nhà thơ để rồi hết lần này đến lần khác xuất hiện trong những vần thơ tha thiết. Yêu đến nỗi Lưu Quang Vũ đã dành cho nó cả một bài thơ rất dài mang tên “Hoa vàng ở lại”. Ở đó, hoa cúc là người bạn đồng hành của tình yêu đôi lứa, là báo hiệu vào mùa thu nơi chiến trường khốc liệt, là tiếc thương gửi lại đồng đội đã hy sinh và còn là người bạn tâm giao tri kỷ của chính Lưu Quang Vũ:

Cái người trai đêm vắng lặng im ngồi

Cốc rượu đắng cùng hoa chuốc lửa
Tưới rượu xuống hoa vàng lả tả
Thấy chập chờn sao mọc, nắng dâng lên.

Chưa ở đâu hoa cúc lại nhiều sắc diện như trong “Hoa vàng ở lại”. Không chỉ là màu hoa vàng của hiện thực mà với Lưu Quang Vũ, đó là màu hoa của sự thương nhớ khôn nuôi

Cháy bên mình không một phút nguôi yên

Tình đã hẹn, đời không thể khác

Chỉ e nữa lòng em rồi cũng nhạt

Quên hoa vàng ở lại những đêm mưa…

Buồn là thế, suy tư là thế, nhưng thật may mắn vì Lưu Quang Vũ đến tận cùng đã không mất đi những tình cảm tích cực, những hy vọng về tình yêu và cuộc đời. Đâu đó trong những bản nhạc trầm, vẫn có những nốt vui. Đâu đó trong một bức tranh toàn gam màu trầm, vẫn có những nét chấm phá sáng. Giữa những đau xót về quá khứ, Lưu Quang Vũ vẫn có những vần thơ đầy lạc quan:

Tình anh như cỏ lau
Tìm nhau trên đất vắng
Nơi ấy em về mưa sẽ tạnh
Hoa cúc nở vàng trên cánh tay.

                                                                                                     (Không đề III)

Không còn là hoa cúc buồn thương, cay đắng; ở đây hoa cúc đã trở về đúng nghĩa trái tim, là hoa cúc của tình yêu đã tìm thấy bến bờ neo đậu, là hoa cúc của tương lai rực rỡ. Có lẽ đó là khúc ngoặt cuộc đời Lưu Quang Vũ, sau khi đi qua bao buồn thương, đổ vỡ của những mối tình ngắn ngủi, cuối cùng hạnh phúc mang Xuân Quỳnh đến cạnh nhà thơ như một món quà vô giá. Trong “mười lăm mùa hè chói lọi, mười lăm mùa đông dài”[2] chung lối, hai tâm hồn từ chai sạn đến bên nhau đã cùng sống, cùng yêu và cùng viết nên những tác phẩm đẹp đẽ cho đời. Từ khi có Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ được sống những ngày tươi đẹp nhất, nồng nhiệt nhất. Niềm yêu đời bắt đầu tràn ngập trong những câu thơ, thay thế dần những u buồn, mất mát.

Bằng tất cả yêu thương của người đàn ông “như con sông muốn chảy ngược dòng”[3], Lưu Quang Vũ gửi tình cảm của mình vào loài hoa mà Xuân Quỳnh cũng dành cả một đời yêu mến - hoa cúc:

Và giấc mơ sau cùng
Anh dâng em tất cả
Đây chùm hoa cúc nhỏ
Rụng cánh xuống vai trần

(Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên II)

Lúc này hoa cúc đã trở thành hình ảnh của một nửa cuộc đời Lưu Quang Vũ, là Xuân Quỳnh, là giấc mơ sau cùng mà nhà thơ mơ về. Có lẽ chúng ta sẽ chẳng tìm được ở đâu một tình yêu thiết tha đến thế, một tình yêu mà chỉ cần còn nhau thôi, cả cuộc đời này đều đáng sống. Lưu Quang Vũ đã đáp lại câu hỏi đầy yêu thương “Anh mơ anh có thấy em?/ Thấy bông cúc nhỏ nơi triền đất quê” của Xuân Quỳnh bằng hai câu thơ xúc động đến nao lòng:

Biết ơn em, em từ miền gió cát

Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng

(Và anh tồn tại)

Không một từ ngữ nào có thể chuyển tải trọn vẹn tình cảm mà Lưu Quang Vũ đã âu yếm dành cho Xuân Quỳnh - “bông cúc nhỏ hoa vàng” của cuộc đời nhà thơ. Hình ảnh ấy có lẽ được dệt nên từ tất cả những xúc động, biết ơn, yêu thương và trân trọng của Lưu Quang Vũ. Xứng đáng là “một đối thoại tình yêu đẹp nhất” trong thi ca như nhà thơ Nguyễn Duy từng nhận định, chỉ bằng bốn câu thơ, Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã đưa hoa cúc vượt ra khỏi biên giới của mùa thu, trở thành một biểu tượng đẹp đẽ của tình yêu đôi lứa.

Có thể nói với Lưu Quang Vũ, hoa cúc là tập hợp của rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, không chỉ là yêu thương mà còn là đau xót và hy vọng. Bằng con mắt tinh tế cùng với tâm hồn thi sĩ nhạy cảm và tài năng ngôn từ tuyệt vời, Lưu Quang Vũ đã cho hoa cúc một linh hồn, một dáng vóc, biến hoa cúc trở thành một hình tượng sinh động trong thơ mình. Những bông cúc của tình yêu, của niềm tin và hy vọng vẫn đua nhau khoe sắc trong vườn thơ dù đã hơn ba mươi năm trôi qua từ mùa thu định mệnh ấy - mùa thu đã mang theo hơi thở của hai con người tài hoa bạc mệnh ngay ở giai đoạn chín nhất của sự nghiệp, ở quãng thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời. Có lẽ đến tận phút cuối cùng, định mệnh cũng sắp đặt cho Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ được trọn vẹn yêu thương với loài hoa mà cả một đời họ đã dành tình cảm - hoa cúc - loài hoa của mùa thu. Đau xót, tiếc thương rồi cũng phải nguôi ngoai, nhường chỗ cho tương lai đang đến nhưng tình yêu và những bài thơ tuyệt vời của hai nhà thơ vẫn sẽ còn sống mãi cùng tháng năm./.

 

[1] Lưu Khánh Thơ (biên soạn), Đối thoại tình yêu Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, Nxb Hội Nhà văn, 2007, tr.302

 

[2] Trích “Thơ viết cho Quỳnh trên máy bay”, Lưu Quang Vũ

[3] Trích “Không đề II”, Lưu Quang Vũ

Hoa cúc trong thơ tình Lưu Quang Vũ