PUSHKIN - NHÂN VẬT ĐẠI DIỆN CHO CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN, NGƯỜI SÁNG TẠO NGÔN NGỮ VĂN HỌC NGA

TAP CHÍ LANGBIAN|4/1/2021 10:10:35 PM

PUSHKIN - nhân vật đại diện cho chủ nghĩa lãng mạn, người sáng tạo ngôn ngữ văn hóa Nga

 

Aleksandr Sergeyevich Pushkin (1799-1837) là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Nga. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại; đồng thời tác phẩm của ông còn là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga thế kỷ XIX, góp phần đa dạng hóa ngôn ngữ văn chương.

Pushkin được sinh ra trong giới quý tộc Nga ở Moscow. Ông đã xuất bản bài thơ đầu tiên của mình vào năm 15 tuổi, và được công nhận rộng rãi bởi cơ sở văn học vào thời điểm ông tốt nghiệp Tsarskoye Selo Lyceum.

Chủ nghĩa lãng mạn

Năm 18 tuổi, tốt nghiệp Litxê năm 1817, chàng trai Pushkin hăm hở bước vào đời với những cuộc kiếm tìm mới. Anh được bổ nhiệm về cơ quan Ngoại giao tại Pêtécbua. Thời kỳ này Chính phủ Nga hoàng thi hành một chính sách đối nội, đối ngoại theo kiểu: Đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa nông dân, cấu kết với các thế lực phản động nước ngoài đàn áp các cuộc cách mạng vào trong biển máu. Cho nên các sáng tác thời kỳ này của Pushkin đề cập đến những vấn đề xã hội lớn lao, thức tỉnh tinh thần chống chế độ nông nô chuyên chế như: Tự do (1817), Gửi các đồng chí (1818), Gửi Trađaisep (1818), Nô-en (1818), Làng (1819)… Tác giả đứng về phía Nhân dân cần lao, nguyện làm người bạn của nhân quần, cất tiếng căm hờn tố cáo chế độ nông nô chuyên chế, đòi quyền tự do cho con người thống khổ…

Pushkin được xem là nhân vật đại diện chính của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Nga. Các nhà phê bình Nga từ lâu cho rằng tác phẩm của ông đại diện cho một con đường từ trường phái Tân cổ điển, đi qua trường phái Lãng mạn để tới trường phái Hiện thực. Một đánh giá khác cho rằng: "Ông có khả năng tán thành những điều trái ngược mà về nguồn gốc có vẻ như thuộc về trường phái Lãng mạn, nhưng cuối cùng lại phá vỡ tất cả những quan điểm cố định, tất cả những cách nhìn riêng, bao gồm cả trường phái Lãng mạn" và rằng "ông vừa là người theo trường phái Lãng mạn, lại vừa không phải".

Alêcxanđrơ Xecgâyevich Pushkin là một hiện tượng kỳ diệu vô song của văn học Nga và văn học thế giới. Ông được coi là "khởi đầu của mọi khởi đầu" (Gorki), là "nhà cải cách vĩ đại của văn học Nga" (Bielinxki), là "con người của tinh thần Nga" (Gôgôn), người đưa văn học Nga lên một tầm cao mới trong lịch sử phát triển của văn học nhân loại.

Nhà sáng tạo, cải cách văn học nga

Pushkin là người có công rất lớn trong sự phát triển của văn học Nga. Ông đã xây dựng mức độ sắc thái ngôn ngữ cao độ mà về sau trở thành đặc trưng của văn học Nga. Ông cũng là người nâng tầm kho từ vựng tiếng Nga lên đáng kể. Bất cứ khi nào Pushkin nhận thấy lỗ hổng trong từ vựng tiếng Nga, ông liền áp dụng cách dịch sao phỏng. Kho từ vựng dồi dào cùng phong cách vô cùng nhạy cảm của Pushkin đã trở thành nền tảng của văn học Nga hiện đại. Thành tự của ông đặt một cột mốc mới cho sự phát triển của ngôn ngữ và văn hóa Nga. Ông chính là cha đẻ của văn học Nga thế kỷ XIX, ghi dấu đỉnh cao sự nghiệp vào thế kỷ XVIII và khởi xướng sự tiến triển của văn học thế kỷ XIX. Ông giúp nước Nga làm quen với các thể loại văn học phương Tây cũng như với những nhà văn Tây Âu. Ông dùng cách biểu đạt tự nhiên và ảnh hưởng ngoại quốc để tạo nên nền thơ ca Nga hiện đại. Dù cuộc đời ngắn ngủi, ông vẫn kịp để lại những tác phẩm tiêu biểu với nhiều thể loại: Thơ trữ tình, thơ tự sự, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, nghị luận phê bình và còn cả thư cá nhân…

Theo Vladimir Nabokov, phong cách viết của Pushkin tổng hòa tất cả yếu tố tiếng Nga thời bấy giờ, kết hợp với những điều ông học từ Derzhavin, Zhukovsky, Batyushkov, Karamzin and Krylov.

- Giọng thơ và siêu hình vẫn còn tồn tại ở dạng ngôn ngữ Xla-vơ Nhà thờ và thành ngữ.

- Từ mượn từ tiếng Pháp rất phong phú và tự nhiên

- Thành ngữ thông tục sử dụng trong cuộc sống thường ngày theo phong cách riêng của ông.

Cách nói bình dân được cách điệu hóa, bằng cách tạo nên một hỗn hợp của ba phong cách nổi tiếng (thấp, trung bình và cao) thân thuộc với từ cổ kinh điển giả hiệu và bổ sung thêm một nhúm thơ nhại cho trường phái lãng mạn Nga.

 

Với tư cách là nhà phê bình và nhà báo, tác phẩm của ông đánh dấu sự ra đời của nền báo chí Nga, trong đó phải nhắc tới công sức sáng lập và dày công đóng góp cho một trong số những tạp chí văn học có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thế kỷ XIX, tờ Sovremennik (Современник, Người đương thời). Pushkin truyền nguồn cảm hứng cho truyện dân gian và thể loại của nhiều tác giả khác như Leskov, Yesenin và Gorky. Cách ông sử dụng tiếng Nga hình thành nên phong cách nền tảng của nhiều tiểu thuyết gia lớn như Ivan Turgenev, Ivan Goncharov và Leo Tolstoy, cũng như của các thi sĩ trữ tình đời sau như Mikhail Lermontov. Tác phẩm của Pushkin được học trò và người kế tục sự nghiệp của ông, Nikolai Gogol, cùng nhà phê bình vĩ đại người Nga Vissarion Belinsky, chú tâm phân tích. Belinsky cũng hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc nhất, toàn diện nhất, nhưng vẫn vô cùng xác đáng về các trước tác của Pushkin.

Pushkin không chỉ là nhà thơ Nga vĩ đại, nhà viết kịch có tiếng mà còn là nhà cải cách văn học lớn. Là người “khởi đầu của mọi khởi đầu” (M. Gorki), Puskin bước vào lĩnh vực văn xuôi với tư cách là một người cách tân trong văn học Nga những năm đầu thế kỷ. Những tác phẩm văn xuôi của ông đã đặt cơ sở vững chắc cho văn xuôi hiện thực và sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga, góp phần khẳng định những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc.

Nhận xét về văn xuôi Pushkin, nhà văn M. Gorki viết, ông “Đã đặt nền móng cho văn xuôi Nga hiện đại, mạnh dạn đưa vào văn học những đề tài mới và trong khi giải thoát ngôn ngữ Nga ra khỏi ảnh hưởng của tiếng Pháp, tiếng Đức, đồng thời cũng giải thoát nền văn học ra khỏi chủ nghĩa duy cảm nhạt nhẽo mà những tác giả trước Pushkin đều mắc phải. Ngoài ra, Pushkin cũng là người đặt nền tảng cho sự hòa hợp giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, sự hòa hợp mà cho đến nay vẫn là đặc trưng tiêu biểu của nền văn học Nga, làm cho nó có một âm hưởng riêng, một diện mạo riêng”.

Nói đến đặc trưng của văn xuôi, Pushkin cho rằng: Chính xác và ngắn gọn là phẩm chất đầu tiên của văn xuôi. Nó đòi hỏi tư tưởng và tư tưởng. Không có tư tưởng thì những cách biểu hiện hào nhoáng nhất cũng chẳng lợi ích gì.

Những đóng góp của Pushkin trong lĩnh vực văn xuôi vào những thập niên đầu của thế kỷ XIX là những cách tân quan trọng của nhà văn. Các nhà văn đương thời và các thế hệ sau tiếp tục khẳng định vị trí to lớn của văn xuôi trong tiến trình văn học Nga thế kỷ XIX với tên tuổi của Gôgôn, Turghênhiép, Đốtxtôiépxki, L. Tônxtôi, Chêkhốp...

Nhà văn Gôgôn cho rằng trong văn xuôi Pushkin “Thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, ngôn ngữ Nga, tính cách Nga được phản ánh qua sự trong sáng, qua vẻ đẹp tinh khiết như một bức tranh sơn thủy được phản chiếu trên bề mặt lồi của ống kính quang học”. Pushkin là một hiện tượng “vĩnh viễn sống”.

Trong tháng ngày tràn ngập những nốt nhạc yêu đời, Pushkin hoàn thành bản trường ca đầu tiên của mình - trường ca Ruxlan và Luitmila (1820), là sự kiện "tạo nên một giai đoạn mới trong lịch sử văn học Nga" (Bielinxki), là một thách thức mới đối với chủ nghĩa cổ điển già nua, đánh dấu thắng lợi của chủ nghĩa lãng mạn Nga, làm xôn xao dư luận Nga bởi tính chất dân tộc thuần túy và độc đáo. Tác phẩm là ca khúc ngọt ngào đượm màu sắc dân gian thơ mộng và trong sáng, thể hiện niềm say mê cuộc sống trần gian, lòng tin vào chiến thắng của cái thiện, sự công bằng. Hoảng sợ trước những vần thơ nổi loạn và những hoạ7t động xã hội của Pushkin đang có tác dụng rõ rệt trong tầng lớp thanh niên quý tộc tiến bộ, Nga hoàng Aleksanđr I đã ra lệnh đày nhà thơ đi Xibiri. Nhờ sự lo lắng và can thiệp của bạn bè cùng những người thầy có thế lực, bản án được giảm nhẹ hơn: Đày về phương Nam. Thế là giữa lúc hạt giống tự do vừa được gieo xuống mảnh đất băng giá ngạt thở thì cũng là lúc người gieo hạt giống tự do trở thành người tù biệt xứ.

Trong thời đại ấy ông đã nguyện suốt đời là "ca sĩ của tự do". Tiếng hát tự do của con người một đời bị cầm tù vang lên mới khát khao, mãnh liệt làm sao, như một tượng đài tư tưởng bất diệt! Chính quyền Nga hoàng, bọn quý tộc chủ nô căm ghét và sợ hãi tiếng hát ấy, tìm trăm phương nghìn kế buộc nó tắt ngang lời. Họ khiêu khích nhà thơ, gửi những lá thư nặc danh bỉ ổi dọn đường cho cuộc quyết đấu của Pushkin với tên Pháp lưu vong Đăngtex. Lecmôntốp - người tiếp bước Pushkin trên thi đàn Nga, lớn tiếng buộc tội chính quyền Nga hoàng đầu độc và hãm hại Pushkin, cho rằng không phải viên đạn của Đăngtex mà chính bầu không khí nghẹt thở của chế độ Alecxanđrơ và Nicolai giết chết nhà thơ. A. X. Pushkin. Ông ra đi lúc 14 giờ 45 phút ngày 10-2-1837, khi chưa tròn 38 tuổi, giữa lúc bản thân ông đang "tràn đầy sức lực, còn chưa hát hết những bài ca, còn chưa nói hết những điều có thể nói" (Ghecxen). 

Mặt trời thi ca Nga vụt tắt. Cái chết của nhà thơ là sự mất mát lớn của văn học Nga. Với hơn hai mươi năm sáng tạo nghệ thuật, Pushkin đã kịp dựng cho văn học Nga những cột mốc chính, lát nên một đại lộ thênh thang để văn học Nga bước vào kỷ nguyên hoàng kim rực rỡ nhất. Cuộc đời ngắn ngủi của ông từ nay trở thành bất tử. Gorki nói: "Đối với các nhà nghiên cứu lịch sử văn học thì không có đề tài nào nhiều ý nghĩa và huyền diệu hơn là thân thế và sự nghiệp của Pushkin" - một sự nghiệp có những cột mốc trọng đại của lịch sử nước Nga và rực rỡ diện mạo văn học Nga.

KIM CHUNG (tổng hợp)

PUSHKIN - NHÂN VẬT ĐẠI DIỆN CHO CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN, NGƯỜI SÁNG TẠO NGÔN NGỮ VĂN HỌC NGA