Tiếp nhận Truyện Kiều trên báo chí nửa đầu thế kỷ XX

TAP CHÍ LANGBIAN|4/22/2021 3:48:32 PM

Tiếp nhận Truyện Kiều trên báo chí nửa đầu thế kỷ XX

KIỀU THANH UYÊN

1. Đặt vấn đề

Cùng với chữ quốc ngữ, văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã gặt hái những thành tựu quan trọng ở nhiều phương diện. Sự xuất hiện của nhà in, nhà xuất bản, tòa soạn đã góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa văn học nửa đầu thế kỷ XX. Vai trò của báo chí không chỉ mang tính một chiều là xuất bản, ấn hành, phát hành những tác phẩm đến với người đọc, mà còn có tác động lớn đến nền văn học nửa đầu thế kỷ XX. Đến những năm 1930-1945, văn học Việt Nam đã hình thành thị trường với sự chuyên môn hóa cao từ tác giả - nhà văn chuyên nghiệp đến nhà xuất bản, tòa soạn, báo chí - chuyên trang văn chương học thuật cho đến thị hiếu người đọc. Theo đó, những cuộc tranh luận về quan niệm văn học cũng diễn ra sôi nổi trên các tạp chí, chuyên san, thời báo văn học. Những làn sóng tranh luận trên báo chí nửa đầu thế kỷ XX cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều, có khi đẩy mâu thuẫn học thuật lên đỉnh điểm qua các vấn đề Thơ mới hay thơ cũ, Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh... với nhiều tên tuổi làng văn chương như Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Tản Đà, Phan Văn Hùm, Lê Ta, Đông Hồ, Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều,… Cũng từ những tranh luận này, quan niệm về văn học lúc bấy giờ có sự đổi mới và hoàn thiện diện mạo văn học Việt Nam trong bối cảnh hiện đại hóa. Bởi vì, theo Phong Lê, “Một nền quốc văn, trong nghĩa đầy đủ của nó là bao gồm cả hai bộ phận: Văn chương và học thuật. Văn chương là đời sống sáng tác trên cả hai thể loại chính là thơ và văn. Học thuật là đời sống khảo cứu, nghị luận, phê bình, dịch thuật. Cả hai, trong tác động qua lại, làm nên diện mạo hoàn chỉnh cho một nền quốc văn mới của dân tộc trong tiến trình hiện đại hóa” [1, tr. 45].  

Làn sóng tranh luận nghệ thuật trên báo chí vào nửa đầu thế kỷ XX góp phần hình thành thị trường văn học và xây dựng nền lý luận từ những tranh luận trên tinh thần khoa học với sự tiếp thu mạnh mẽ những tư tưởng của phương Tây. Trong bối cảnh hiện đại hóa và văn học quốc ngữ đang phát triển mạnh mẽ thay cho chữ Hán, Truyện Kiều vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận đương thời. Bên cạnh những cuộc tranh luận về những vấn đề thời sự văn học lúc bấy giờ, cuộc tranh luận về Truyện Kiều cũng là cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi và xuyên suốt nửa đầu thế kỷ XX. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện, cuộc tranh luận về Truyện Kiều diễn ra trong một thời gian khá dài (từ năm 1924 đến 1945) và xoay quanh ba chủ đề chính. Thứ nhất là những tranh luận giữa Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng và Phạm Quỳnh, Phan Khôi. Ngô Đức Kế lên tiếng phản đối quan điểm đề cao Truyện Kiều của Phạm Quỳnh và Phan Khôi, tuy nhiên không hạ thấp giá trị Truyện Kiều và tài năng của Nguyễn Du. Thứ hai là Truyện Kiều được tiếp nhận theo hai quan điểm Nghệ thuật vị nghệ thuậtNghệ thuật vị nhân sinh. Thứ ba, Truyện Kiều được tiếp nhận trên những cơ sở lý luận mới du nhập từ phương Tây như lý thuyết Phân tâm học, Xã hội học.

2. Khuynh hướng tranh luận thứ nhất

Xoay quanh Bài diễn thuyết bằng quốc văn mà Phạm Quỳnh đọc tại lễ kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Du do Hội Khai Trí (Ban Văn học) tổ chức ngày 8-9-1924. Từ năm 1924 đến 1945, trên các tạp chí, chuyên san và thời báo văn học, thống kê khoảng 46 bài viết ([1]) tham gia các cuộc tranh luận Vũ Đình Long (Văn chương Truyện Kiều), Ngô Đức Kế (Luận về chính học cùng tà thuyết Quốc văn - Kim Vân Kiều - Nguyễn Du), Nguyễn Trường Tam (Mấy lời bình luận về văn chương), Huỳnh Thúc Kháng (Lại vấn đề chánh học cùng tà thuyết), Hoài Thanh (Nội dung và hình thức), Lưu Trọng Lư (Một nền văn chương Việt Nam), Nguyễn Bách Khoa (Văn chương Truyện Kiều), Đào Duy Anh (Khảo luận về Kim Vân Kiều), Đinh Gia Trinh (Nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều),... Tuy nhiên, do dung lượng có hạn, bài viết chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát và luận giải một số vấn đề về chủ thể tiếp nhận và cơ sở tư tưởng tiếp nhận Truyện Kiều trên báo chí nửa đầu thế kỷ XX. 

Phạm Quỳnh với Bài diễn thuyết bằng quốc văn trên Tạp chí Nam Phong số 86 (8-1924) khẳng định và đề cao giá trị, vai trò của Truyện Kiều trong tiến trình văn học Việt Nam, “Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của nước ta; một nước không thể không có quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái “văn tự” của Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này” [2, tr. 386]. Vũ Đình Long với bài Văn chương Truyện Kiều trên Tạp chí Nam Phong, số 81, 83 và 87 (1924) đã phân tích toàn thể Truyện Kiều từ bút pháp văn vấn đáp, văn tả người, văn tả tình, văn tả cảnh cho đến triết lý và luân lý Truyện Kiều. Vũ Đình Long cũng cho rằng “Truyện Kiều đáng là một nền văn chương bất hủ, một là vì cái giá trị văn chương, hai là vì cái giá trị luân lý vậy” [3, tr. 455]. Cũng xuất thân Nho học nhưng Ngô Đức Kế lại không đồng ý quá đề cao Truyện Kiều của Phạm Quỳnh. Ngô Đức Kế cho rằng, “Xem thế thì biết truyện ấy chỉ là một thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời, để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển chứ không phải là một thứ văn chương chính đại theo đường chính học mà đem ra dạy đời được đâu” [5, tr. 460]. Trong bài Mê người trong tiểu thuyết cùng mê người trong tuồng hát, Huỳnh Thúc Kháng đã giải thích rõ vấn đề này, “Văn ông Nguyễn Du tả Truyện Kiều trau lời rèn điển, thêu gấm chạm hoa, rõ là một nhà mỹ thuật biệt tài, nên lắm người mê” [5, tr.611]. Có thể thấy, mặc dù, cùng xuất thân Nho học nhưng đã bắt đầu có những mâu thuẫn trong quan điểm đánh giá về Truyện Kiều. Một phần do Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng đứng trên lập trường dân tộc tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản. Tuy nhiên, hai nhà chí sĩ không hạ thấp giá trị của Truyện Kiều và tài năng Nguyễn Du mà chỉ phản đối sự sùng bái quá đà của Phạm Quỳnh.

Sau khi cuộc tranh luận Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế lắng xuống, thì Báo Phụ nữ tân văn khởi xướng một cuộc trưng cầu ý kiến Kiều nên khen hay nên chê?. Cuộc trưng cầu ý kiến này thu hút khá nhiều ý kiến tranh luận của các trí thức đương thời như Thạch Lan, Duyệt Vân Hiên cư sĩ, Nguyễn Thị Xuân Sơn, Bùi Xuân Hòe, Nguyễn Mạnh Bổng, Melle Bích Thủy, Melle Trần Linh Vân, Nguyễn Thị Hồng Vân, NG. H.TH, Triệu Văn Thạng, Ngọc Khôi, Trần Trọng Kim, Hoàng Ngọc Phách, Lương Thị Đại, Trần Mạnh Sinh, Đ.V.T,… Trong số nhiều bài viết, Hoàng Ngọc Phách khẳng định phẩm cách của Thúy Kiều trong bài Cô Kiều đáng khen hay chê:

“Nói tóm lại, Kiều đáng khen, mà không đáng trách, khen về tư sắc, trí tuệ, tính tình, góp lại thành một con người đặc biệt; cách hành động xử sự có thể ích nước lợi nhà. Nhưng ta cũng nên biết rằng bực lỗi lạc vẫn là ít, mà hạng tầm thường bình dị vẫn là gốc của thế gian. Vả ở đời, cuộc thường vẫn nhiều hơn cuộc biến. Thế thì: Ai thích an nhàn, bình tĩnh, nên theo “đạo” cô Vân, mà ai không đủ tư cách như Kiều, chớ học làm Kiều mà dở, vì vẽ hổ không thành, tất thành một thú bốn chân, mà không phải là hổ”. [5, tr. 574]

Những ý kiến chê nhân vật Thúy Kiều chiếm khoảng hơn 50% tổng số bài viết tham gia cuộc tranh luận trên Báo Phụ nữ tân văn. Có khá nhiều ý kiến chê quá mức và có phần nghiêm khắc với nhân vật Thúy Kiều. Chẳng hạn như ý kiến của Đ.V. T đã chỉ ra đến 12 điều đáng chê trách đối với nhân vật Thúy Kiều, “Nói tóm lại thì nàng Kiều là một người con gái có tình mà không chánh. Có hiếu mà hiếu không toàn, lại thêm một lỗi bất nhân, bất nghĩa và bất tín nữa. Đối với mình, đối với cha mẹ, đối với chồng và đối với xã hội đều có lỗi cả” [5, tr.580].

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến mang tính trung lập như Trần Trọng Kim trong bài Một cái nghĩa mới về Truyện Kiều: “Truyện nàng Kiều là truyện “đoạn trường”. Ai đọc truyện ấy mà không đau lòng là người không có tâm. Hai chữ “đoạn trường”, nghĩa đã ảo não và đủ ý nghĩa lắm rồi, còn phải hỏi rằng nên khen hay nên chê làm gì. Người chê nàng Kiều vị tất lâm sự đã có cái tâm địa được như nàng Kiều, mà người khen nàng Kiều cũng vị tất đã hiểu nỗi niềm tâm sự của nàng Kiều, chi bằng ta giữ tâm lòng thương, thương cái số kiếp con người ta, nhiều nỗi khắt khe”. [5, tr.568]

Mặc dù là một tác phẩm thuộc giai đoạn trước nhưng Truyện Kiều vẫn thu hút được sự chú ý của dư luận trên báo chí nửa đầu thế kỷ XX. Chủ thể tiếp nhận và đánh giá Truyện Kiều trên báo chí nửa đầu thế kỷ XX chủ yếu xuất thân từ Nho học và tri thức Tây học. Vì vậy, xét về hệ tư tưởng, những ý kiến đánh giá về Truyện Kiều cũng như nhân vật Thúy Kiều chủ yếu chịu sự chi phối của hệ tư tưởng phong kiến và tư tưởng tư sản. Nhìn tổng thể, những ý tranh luận đánh giá về Truyện Kiều khá sôi nổi, sâu sắc và đa diện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến có phần thiên kiến và khá tiêu cực, chưa đánh giá xác đáng về giá trị Truyện Kiều.

3. Khuynh hướng thứ hai

 Truyện Kiều được tranh luận theo hai phái chủ trương Nghệ thuật vị nghệ thuậtNghệ thuật vị nhân sinh trong những năm 1935-1939. Cuộc tranh luận này do Lê Tràng Kiều khởi xướng cũng với Phan Văn Hùm, Hải Thanh, Sơn Trà, Hồ Xanh, Cao Văn Chánh, Khương Hữu Tài, Hải Triều,… với bài Nghệ thuật… đăng trên Hà Nội báo, số 2, ra ngày 8-1-1936. Lê Tràng Kiều cho rằng Truyện Kiều lối văn cũng như triết lý cũng là “một chuyện phổ thông”.

Phái Nghệ thuật vị nghệ thuật gồm Lưu Trọng Lư, Thiếu Sơn, Hoài Thanh đề cao giá trị của Truyện Kiều ở phương diện nghệ thuật. Hoài Thanh trong bài viết Nội dung và hình thức có ý kiến ủng hộ về mặt hình thức của Truyện Kiều, “cái điều mà người ta cho là nội dung Truyện Kiều, theo tôi, chỉ là hình thức mà thôi. Và trái lại. Nội dung theo tôi, là những tình, những cảnh, những  cho rằng, “Cái đẹp của Đoạn trường tân thanh, cái chất thơ bàng bạc trong cả quyển truyện cũng cần phải được cảm thấy một cách hồn nhiên” [5, tr. 810]. Còn Lưu Trọng Lư trong bài Một nền văn chương Việt Nam, Lưu Trọng Lư đã phân tích và chỉ rõ nhiều phương diện nổi bật về mặt hình thức của Truyện Kiều, “Và những câu thơ hay đẹp nhất ở trong Truyện Kiều lại là những câu thơ thuần túy Việt Nam” [5, tr. 636]. Còn phái Nghệ thuật vị nhân sinh chú trọng phương diện nội dung hiện thực và nội dung tư tưởng của Truyện Kiều. Nguyễn Tường Tam trong bài Mấy lời bình luận về văn chương Truyện Kiều trên Tạp chí Nam Phong năm 1924 cho rằng: “Truyện Kiều thật là một tấm gương luân lý thiên cổ, một cái thú giải buồn cho người thích ngâm thơ, một cái thú gợi buồn cho người buồn, một bức tranh vẽ cuộc đời cho người biết nhân tình thế thái, một quyển bói cho người hay tin, một tập văn mẫu rất bổ ích cho người làm văn” [4, tr. 484].

Nằm trong dòng chảy hiện đại hóa văn học nửa đầu thế kỷ XX, Truyện Kiều được xem là một trong những đối tượng nghiên cứu, tranh luận chính của hai phái Nghệ thuật vị nghệ thuậtNghệ thuật vị nhân sinh. Hai luồng ý kiến này đặt ra nhiều vấn đề cũng như có những đánh giá lại về nội dung và như hình thức của Truyện Kiều sau làn sóng tranh luận thứ nhất. Tuy nhiên, khuynh hướng tranh luận này có phần còn phiến diện, chỉ đề cao hình thức hoặc nội dung.

4. Khuynh hướng thứ ba

Truyện Kiều được tiếp nhận trên cơ sở những lý thuyết mới du nhập từ phương Tây như Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu), Đinh Gia Trinh. Bách Khoa với công trình nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều bằng phương pháp luận Phân tâm của của Sigmund Freud. Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam khởi động từ những năm 1900-1930 là kết quả tất yếu của cuộc hội nhập văn hóa lần thứ hai - tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Đến những năm 1930-1945 là giai đoạn gặt hái thành quả của công cuộc hiện đại hóa văn học dân tộc. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, văn học Việt Nam đã chịu ảnh hưởng và tiếp nhận nhiều trào lưu, trường phái, khuynh hướng sáng tác của văn học phương Tây. Vì vậy, Truyện Kiều được nghiên cứu bằng nhiều phương pháp luận, lý thuyết từ phương Tây. Điều này cũng góp phần mở ra những hướng nghiên cứu mới, góc nhìn mới về Truyện Kiều.

5. Truyện Kiều được quan tâm nghiên cứu ở nhiều phương diện cả về nội dung và hình thức.

Tuy nhiên, văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX bước đầu hình thành cơ sở lý luận nên Truyện Kiều trở thành đối tượng của nhiều nhà nghiên cứu. Có thể thấy, Truyện Kiều được phân tích và phê bình theo bước tiến của hiện đại hóa. Nếu ở giai đoạn đầu chủ yếu đánh giá bằng cảm quan thì đến giai đoạn sau Truyện Kiều được phân tích và nghiên cứu trên cơ sở những lý thuyết lý luận văn học.

Trên cơ sở những khảo sát về sự tiếp nhận Truyện Kiều trên báo chí nửa đầu thế kỷ XX, có thể thấy Truyện Kiều vẫn giữ nguyên giá trị trên văn đàn hiện đại. Ở chừng mực nhất định, Truyện Kiều được xem như là khuôn mẫu đạt đến mức độ cổ điển của văn chương Việt Nam. Trong bối cảnh thơ Mới, văn xuôi lãng mạn, văn xuôi hiện thực đang thịnh hành nhưng Truyện Kiều vẫn có sức hút lớn đối với các nhà phê bình, nghiên cứu văn học đương thời. Cho đến hôm nay, Truyện Kiều vẫn giữ vững vị thế trên văn đàn văn học Việt Nam./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phong Lê (2013), Phác thảo văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ XX, Nxb Tri thức, Hà Nội.

2. Vũ Đình Long (2001), Văn chương Truyện Kiều, Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX (Nguyễn Ngọc Thiện biên soạn và sưu tầm), Nxb Lao động, Hà Nội.

3. Phạm Quỳnh (2001), Bài diễn thuyết bằng quốc văn, Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX (Nguyễn Ngọc Thiện biên soạn và sưu tầm), Nxb Lao động, Hà Nội.

4. Nguyễn Tường Tam (2001), Mấy lời bình luận về văn chương Truyện Kiều, Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX (Nguyễn Ngọc Thiện biên soạn và sưu tầm), Nxb Lao động, Hà Nội.

5. Nguyễn Ngọc Thiện (biên soạn và sưu tầm) (2001), Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, Nxb Lao động, Hà Nội.

 

 

 

Tiếp nhận Truyện Kiều trên báo chí nửa đầu thế kỷ XX