Tinh thần “Cư trần lạc đạo” trong thơ thiền thời Lý - Trần
NGŨ HÀNH SƠN
Không phải ngẫu nhiên mà Phật giáo ở Việt Nam được tôn vinh, bởi vì trong lịch sử dân tộc, với phương châm hồi hướng con người đến chân - thiện - mĩ, tạo cuộc sống tốt đời đẹp đạo trong xã hội. Khơi gợi nguồn tâm thức lương thiện của con người, hướng con người vượt qua những cám dỗ của đời thường mà an vui lạc hạnh ở nội tâm, mở ra một thế giới cực lạc nơi mình đang sống và tinh thần tứ ân, cũng là nền tảng vững chắc để mỗi cá nhân có nhiệm vụ đối với gia đình và đất nước. Tư tưởng chính lý, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nền tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và văn học nói riêng. Triết lý Phật học đối với đời sống con người rất mênh mông. Sau đây là những sưu tầm về tư tưởng Phật giáo với đời sống văn học thời Lý - Trần của nước nhà.
“Văn học là nhân học”, văn học phục vụ đời sống con người, là nguồn cảm tác nhằm khơi dậy ở lòng người những tư tưởng cao đẹp. Triết lý Phật giáo là nguồn cảm hứng để nhiều bậc chân tu và các thiện tri thức gửi gắm những tâm tư, hoài bão và ý nguyện của mình vào đó. Trong thời đại Lý - Trần, nền văn học Việt Nam phát triển một cách rực rỡ, ngoài việc lấy Nho học làm nền tảng thế đạo, thì Phật học là phương châm cứu cánh cho sự giải thoát, an nhiên tự tại giữa những biến cố vô thường, ý thức cá nhân đối với người thân và dân tộc.
Ngày đó vua quan, đến dân chúng đều hướng Phật, thiền định nên đã tạo được sự đồng lòng của một khối tinh thần thuần chân vô ngã. Vì vậy mà con người không lo sợ trước những biến thiên vô thường của cuộc sống. Thơ thiền thời Lý - Trần là bản tổng thể của “thiên nhân hợp nhất”. Con người và vũ trụ hòa chung làm một, tự tánh thuận với tự nhiên, đề cao cái tâm thuận nhiên “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Tâm là gốc, là bản thể của vũ trụ, là căn nguyên của con người. Vì vậy tâm không ở đâu xa, Phật tánh tự trong ta mà có:
“Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý/ Bạch vân xuất tụ bản vô tâm”
(Trần Thái Tông - Ngữ lục vấn đáp môn hạ)
(Nước chảy xuống đồi không cố ý/ Mây ra khỏi núi vốn vô tâm)
Quy luật của tự nhiên là sự vận hành thường xuyên thay đổi, khi hiểu được quy luật đó con người chẳng có gì phải băn khoăn lo ngại mà tự tại an nhiên:
“Hành diệc thiền, tọa diệc thiền/ Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên”
(Phật tâm ca - Tuệ Trung thượng sĩ)
(Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền/ Trong lửa lò hồng một đóa sen)
Tứ đại oai nghi là khởi điểm của người giác ngộ. Cũng chính vì vậy mà Thiền sư Vạn Hạnh đã khẳng định con người cũng là một pháp, cái có không của quy luật đời người là bản thể: Vô ngã, duyên sinh,…:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Thị đệ tử - Thiền sư Vạn Hạnh)
(Thân như bóng chớp có rồi không/ Cây cối mùa xuân tươi tốt/ Mùa thu lại khô héo/ Nghiệm lẽ thịnh suy không sợ hãi/ Mất còn tựa như giọt sương đầu ngọn cỏ).
Cái lý vô thường là vậy, quán để thấu ngộ mà an lạc, tự tại. Cũng chính vì thế mà Thiền sư Mãn Giác đã chuyển hóa cái vô thường vượt khỏi cái nhìn trói buộc của phàm tâm qua bài thơ:
Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tùng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Cáo tật thị chúng - thiền sư Mãn Giác)
(Xuân qua trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa nở/ Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi/ Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai.)
Luật sinh - tử là sự chuyển biến của kiếp hiện sinh, nhưng với những vị chân sư thì “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” vượt qua bi kịch, đau khổ của kiếp người để giác ngộ, thành đạo, vui trong cảnh giới tâm an chính là Niết bàn tại thế. Cùng với cái nhìn vượt qua sinh tử, Bản Tịnh thiền sư cũng đã khẳng định:
Huyễn thân bản tự không tịch sinh/ Do như kính trung xuất hình tượng/ Hình tượng giác liễu nhất thiết không/ Huyễn thân chu du chứng thực tướng.
(Kính trung xuất hình tượng - Bản Tịnh Thiền sư)
(Tấm thân này vốn từ hư không huyễn hoặc tĩnh mịch mà sinh ra/ Giống như cái bóng trong gương/ Khi không soi nữa thì chẳng còn gì/ Cái bóng chu du lại trở về hư không như lúc ban đầu.
Con người thiện - mĩ là thế. Cái đẹp của hình thể là cái đẹp chớp nhoáng bên ngoài rồi cũng tàn phai, nhạt nhòa theo năm tháng của quy luật “hữu vật hữu hoại”. Chỉ có tâm hồn, cái khối vô hình bên trong là tồn tại. Nó sống còn mãi mãi cùng đất trời, nhân sinh. Cũng chính vì thế mà vua Trần Nhân Tông xem nhẹ ngai vàng, coi đạo pháp mới là chân lý sống:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(Kệ vân - Trần Nhân Tông)
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu tìm đâu nữa/ Trước cảnh vô tâm chớ hỏi thiền).
“Cư trần bất nhiễm trần” là chân lý sống như sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, nói thì nghe dễ nhưng con người khi còn câu nệ thị phi, tham tài luyến sắc, ràng buộc bởi lợi danh thì làm sao vén màn mây đen để thấy trời xanh lồng lộng. Vì vậy phải lấy tứ diệu đế làm đầu, bát chánh đạo làm phương châm hành trì, rộng mở lòng từ bi, thương người như nhà vua thật là tấm gương của của đấng quân vương mà muôn đời kính ngưỡng.
Đọc những bài thơ của các vị thiền sư, nếu ai không hiểu về lẽ đạo tất sẽ không tránh khỏi hoang mang và ngậm ngùi bởi kiếp người. Nhưng đối với những bậc thượng thừa, coi quy luật đó là lẽ thường, có rồi không, trong cái mênh mông tưởng như không mà có, như vầng trăng giữa đêm trường soi tỏ, tịch nhiên an vị thiền mà hằng nhiên tự tại. Đó mới chính là tinh thần lạc quan, hoan hỷ.
“Tâm bình thế giới bình” là vậy. Mọi chướng ngại của đời người đều do tâm khởi. Khi tâm hướng ngoại thì chồng chất những buồn vui, khi tâm hướng nội hay còn gọi là tâm tĩnh thì con người mới giác ngộ và minh tuệ. Mọi trí tuệ đều trưởng thành trong tĩnh lặng. Thiền là “trực chỉ nhân tâm”, chỉ có thiền định con người mới thấy được bản chất của các pháp và lẽ nhiệm mầu của đạo.
Trong Thị chư thiền lão tham vấn thiền chỉ, vua Lý Thái Tông viết:
Bát nhã chân vô tông/ Nhân không, ngã diệc không/ Quá hiện vị lai Phật/ Pháp tính bản tương đồng.
(Trí tuệ bát nhã không thuộc tông phái nào/ Không phải người, cũng không phải ta/ Các vị Phật của quá khứ, hiện tại và tương lai/ Vốn cùng chung một Pháp tính.)
Để thấu đáo tìm về chân ngã, trong vô lượng an lạc Thiền sư Quảng Nghiêm đã chỉ dụ:
Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ/ Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh/ Nam nhi tự hữu xung thiên chí/ Hưu hương Như Lai hành xứ hành.
(Hưu hướng Như Lai - thiền sư Quảng Nghiêm)
(Lìa được sự ham muốn đi vào Niết bàn thì mới có thể bàn chuyện đi vào Niết bàn/ Sinh vào cõi vô sinh rồi mới có thể bàn chuyện vô sinh/ Làm trai phải tự có chí xung trời thẳm/ Đừng nhọc mình giẫm theo vết chân của Như Lai.)
Con người sinh ra đã có Phật tánh “Phật tại tâm”, muốn tìm về cái nguyên căn tự tánh con người phải lìa bỏ các mê vọng từ lục dục thất tình khởi sinh, khi lìa mê vọng mới mong bước vào cõi tịch diệt “bất sinh bất diệt”, muốn vậy con người phải luôn kiên trì trên bước hành trình tìm chân lý của mình. Mỗi một con người sinh ra trên cõi đời này, tùy theo duyên quả từ nguyên thủy mà có căn duyên riêng, vì vậy mỗi người có cuộc sống riêng. “Vạn pháp tùy duyên khởi”, do đó, thiền sư Bảo Giám đã chỉ dạy:
Đắc thành chánh giác hãn bằng tu/ Chỉ vị lao lung, trí tuệ ưu/ Nhận đắc ma ni huyền diệu lý/ Chỉ như thiên thượng hiển kim ô.
(Cảm hoài kỳ 1 - thiền sư Bảo Giám)
(Thành được chính giác, ít khi dựa vào tu hành/ Vì tu hành chỉ là giam cầm cái ưu việt của trí tuệ/ Chỉ cần nhìn thấy đạo lý huyền diệu của hòn ngọc ma ni/ Thì đúng như mặt trời rực rỡ trên không).
Phật pháp không ở đâu xa mà ở ngay trong lòng ta, ở giữa cõi ta bà, cho nên sự tu hành không thể lìa bỏ thế gian, từ thế gian mà khởi tâm Bồ đề, giác ngộ như lời Đức Lục tổ Huệ Năng đã giáo hóa:
Phật tại thế gian, bất ly thế gian giá/ Ly thế mích Bồ đề, cáp như cầu thố giác.
(Pháp Bảo đàn kinh - Lục tổ Huệ Năng)
(Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian mà giác ngộ/ Nếu lìa thế gian mà tìm Bồ đề, cũng như tìm lông rùa sừng thỏ).
Trên cõi đời này, con người ai cũng đến lúc buông tay, nhắm mắt. Đó là định luật của sinh tử vô thường. Tuy nhiên không thể cho là vô thường mà coi thường tâm hồn và mạng sống. Sinh ra làm người phải đi hết con đường hữu ích của kiếp sống. Thân nhưng không có tâm thì thân chẳng khác gì một khúc gỗ. Điều quan trọng là phục dưỡng chân tâm như thế nào cho tâm đơm hoa kết trái. Vì vậy Phập pháp cũng không thể xa rời thế gian mà thành được, để tâm được trưởng dưỡng vững bền thì phải lấy ý tưởng, suy nghĩ hành động của chân - thiện - mĩ mà dưỡng nuôi thì mới tồn tại.“Tâm như thủy lạc tại kỳ trung” nhàn tâm, an tâm mới là lẽ sống. Một khi tâm không còn vọng động bởi sự ganh ghét, được hơn, thù hận, tham si thì còn gì quý hơn hai chữ an lạc.
Hơn 2000 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, Phật giáo đã hội nhập và song hành cùng tâm thức của hàng triệu người con đất Việt, đặc biệt thơ thiền thời Lý - Trần là diệu dược để chữa lành những căn bệnh đau khổ của phàm tâm, giúp con người truy tầm về chánh đạo, cùng chung tâm thắp lên hoài bão xây dựng đất nước quang vinh, an bình, phúc hạnh.
Từ những chính lý đó, chúng ta có thể khẳng định rằng Phật giáo Việt Nam và Văn học Phật giáo luôn đồng hành cùng lịch sử dân tộc:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
(Nhớ chùa - Huyền Không)/.