Cây đa Bác trồng năm ấy

TAP CHÍ LANGBIAN|6/2/2021 9:12:18 AM

 

Cây đa Bác trồng năm ấy

NGUYỄN THƯỢNG THIÊM

Trưa tháng năm nắng như đổ lửa. Ông Đáng nằm trên chiếc võng đong đưa để xua đi cái nóng. Bỗng ông ngồi phắt dậy, hướng về chiếc rađio, nơi vọng ra một giọng chèo ngọt ngào, tha thiết: “Bác ơi/ Cây đa Bác trồng trên quê cháu/ Cho Ba Vì thêm đậm sắc xanh/ Rễ đã thẩm sâu trên mảnh đất lành/ Trông tán đa, cháu thấy hình bóng Bác…”

Lời hát soạn theo điệu “Tình thư hạ vị” mà những năm tháng hành quân băng rừng, ngủ hầm trong chiến trường, ông đã từng nghe vào lúc mười một giờ ba mươi, chương trình dân ca và chèo của Đài Tiếng nói Việt Nam bằng chiếc radio, chiến lợi phẩm hiệu Nationna trong một trận diệt đồn. Ông rời khỏi chiếc võng, rón rén, chầm chậm bước lại gần chiếc đài bán dẫn như sợ giọng hát bay đi mất.

- Ôi, Như Hoa - nghệ sĩ tài danh chuyên hát dân ca và nhạc cổ truyền trên Đài Tiếng nói Việt Nam những năm sáu mươi, tám mươi của thế kỷ hai mươi đây mà…

Bài hát “Cây đa Bác Hồ” làm sống lại trong ông ký ức hơn nửa thế kỷ qua…

                                                         ***

Cuối năm 1968, đang ở tuổi mười tám đôi mươi, Đáng học cấp III ở một huyện vùng Trung du. Quê anh ở xã Vật Lại huyện Ba Vì - xã anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Sáng sớm ngày mười sáu tháng hai năm 1969, đúng mùng một Tết, cả xã bỗng sôi động hẳn lên, tiếng người gọi nhau râm ran “Ra đồi Đồng Váng đi bà con ơi”…

Vừa mặc xong bộ quần áo mới diện Tết, Đáng lao ra ngoài, đường làng người đi như trẩy hội. Anh hỏi một cụ già:

- Có chuyện gì thế cụ?

Cụ nói trong hơi thở:

- À… có Cụ Hồ về thăm… đang ở ngoài đồi kia kìa.

Đáng chạy như bay. Đồi Đồng Váng thuộc thôn Yên Bồ, nằm ngay ven Quốc lộ 11A (từ Hà Nội qua Sơn Tây lên Trung Hà) đã chật cứng người. Tiếng mọi người hô vang “Hồ Chủ Tịch muôn năm” vọng vào chân núi xa.

Từ xa, Đáng vẫn nhìn rõ dáng Bác. Bác mở đầu cho Tết trồng cây năm Kỷ Dậu 1969 bằng việc trồng cây đa ngay trên quê hương anh. Anh thoáng nghĩ, mấy Tết rồi, kể từ khi phát động “Tết trồng cây” đầu tiên năm 1960, đến đâu Bác cũng trồng cây đa. Cây đa đầu tiên được trồng ở Công viên Lênin (Hà Nội). Có phải cây đa là biểu tượng của làng quê Việt Nam từ xa xưa cho đến hôm nay và mãi mãi về sau: “Cây đa, bến nước, sân đình” mà. Nó cũng là biểu tượng của sức sống lâu bền trường thọ, tỏa bóng mát sum suê. Trồng đa là trồng cây cho muôn đời con cháu mai sau…

Dòng suy nghĩ của anh bị chặn lại bởi có ai kéo tay anh chạy ngược lên đồi. Kìa, Bác đang tưới nước cho cây đa mới trồng. Đáng từng nghe kể chuyện về Bác, được nhìn ảnh Bác đã nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên trực tiếp thấy Bác. Đã bảy mươi chín tuổi rồi, sức Bác có yếu đi. Anh thấy cay cay nơi khóe mắt. Trong anh bỗng trào lên thứ cảm xúc rất lạ. Đáng chắp hai bàn tay hình búp sen trước ngực, miệng lẩm bẩm: “Cầu mong cho Bác khỏe, Bác sống lâu Bác nhé…”

Đang chìm trong suy tưởng, ông giật mình nghe tiếng gọi:

- Ông nó đâu, quá trưa rồi. Ăn cơm đi để tôi còn đưa cháu đi học.

Bà Oanh - vợ ông. Hai người cưới nhau khi ông ở chiến trường ra, ngay sau ngày nước nhà thống nhất. Bà là bạn cùng trường cấp III với ông, học sau ông hai lớp. Ông vào Nam chiến đấu, còn bà ở nhà tham gia công tác, làm bí thư đoàn xã. Thấm thoắt đã hơn bốn mươi năm, nhưng ông không thể nào quên ngày hai người yêu nhau. Những kỷ niệm khó phai mờ…

***

Những ngày đầu tháng chín năm 1969. Quê Đáng đang hứng chịu trận lụt lịch sử từ sông Hồng và sông Tích. Một buổi sáng từ loa phóng thanh, giọng phát thanh viên trầm buồn, chầm chậm báo tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần.

Bảy ngày sau, vào lúc chín  giờ sáng ngày chín, tháng chín, năm 1969, huyện Ba Vì cũng tổ chức trọng thể Lễ truy điệu Người tại “Đồi cây đón Bác”, nơi Bác trồng cây đa cuối cùng trong đời mình đúng vào sáng mùng một Tết năm ấy. Đáng và Oanh trong đội ngũ học sinh cùng đi viếng Bác. Có ai ngờ cây đa Bác trồng mới được bảy tháng, cây thì nảy chồi đơm lộc, còn Người đã mãi mãi đi xa… Cả rừng người hướng lên đồi chỗ trồng cây đa, nay làm Kỳ đài đặt chân dung viếng Bác. Những giọt nước mắt từ người già đến em nhỏ đều xót thương người cha, người ông kính yêu. Bỗng ai đó kêu lên:

- Kìa, con Oanh làm sao, nó ngất rồi.

Đáng lao vội đến bên cô, anh biết bạn mình quá xúc động. Anh bế xốc Oanh lên, chạy vội đến lán cứu thương đặt dưới chân đồi. Oanh tỉnh lại. Hai hàng nước mắt vẫn chảy dài trên đôi má trắng xanh của cô. Đáng lo lắng hỏi:

- Em có làm sao không?

- Em chỉ… thương Bác…

Đáng ôm chặt Oanh vào lòng. Và từ đấy như một định mệnh, hai người luôn quấn quýt bên nhau…

***

Tháng mười năm ấy, dù đang học lớp mười, Đáng xung phong nhập ngũ. Chiến trường sau Mậu Thân 1968 trở lên ác liệt. Tiền tuyến đang cần hậu phương chi viện. Trước ngày lên đường, Đáng rủ Oanh lên thăm cây đa Bác trồng trên đồi Đồng Váng. Ngồi bên gốc đa, Anh trải lòng:

- Em nhớ không, tại đây nơi truy điệu Bác cũng là nơi tình yêu chúng mình nảy nở. Anh đi chiến đấu, khi nào nhớ anh, em cứ lên đây sẽ như thấy anh bên em. Tình yêu chúng mình sẽ lớn lên dưới tán đa của Bác…

Oanh bỗng đứng lên lại gần tán đa, tay chắp lại vái ba lạy, miệng lẩm bẩm những lời thành kính. Cô kéo Đáng đứng lên:

- Anh nhắm mắt lại, chìa tay ra… em tặng anh cái này.

Ngoan như đứa trẻ được mẹ chia quà, Đáng nhắm mắt, chìa bàn tay về phía trước, chờ đợi.

- Rồi, anh xem đi…

Đáng xòe bàn tay, một chiếc lá xanh nho nhỏ, anh nói gấp:

- Ây chết, sao em lại ngắt lá?

- Em khấn, xin Bác rồi. Anh giữ làm kỷ niệm. Vào chiến trường, chiếc lá sẽ che chở cho anh, giúp anh cùng đồng đội chiến thắng quân thù.

Nói xong Oanh cười. Tiếng cười lan tỏa một vùng đồi. Cô chạy quanh cây đa, mặc cho Đáng đuổi theo, một vòng, hai vòng, ba vòng… cho đến khi cả hai mệt nhoài, Oanh tựa đầu vào vai Đáng, tin cậy. Thấp thoáng dưới tán đa, những ngôi sao đã bắt đầu gieo hạt lên bầu trời xanh thẳm.

***

Tháng mười năm 1972, Đáng được điều vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam. Lúc này, để ghi nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước ta quyết định xây lăng để gìn giữ lâu dài thi hài Bác. Khi còn sống, Bác thường nói “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Nay Bác đi xa, miền Nam muốn đền đáp công ơn Người. Do vậy, một kế hoạch bí mật là chọn những cây gỗ quý từ miền Nam chuyển ra Bắc để dựng lăng. Đơn vị của Đáng vinh dự được giao nhiệm vụ quan trọng này.

Cuối năm 1973 ở dưới chân dãy núi Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam, nơi làm căn cứ đầu não của Quân khu V. Đơn vị của Đáng phối hợp cùng quân và dân Nam Trà My làm nhiệm vụ đặc biệt: Khai thác gỗ quý chuyển ra Bắc. Một đợt thi đua được phát động, lấy tên “Công trường khai thác gỗ xây dựng lăng Bác”. Kế hoạch được giao cho lâm trường là khai thác bốn mươi hai mét khối trong thời gian hai tháng. Mặc dù có lúc gặp mưa gió, đường xói lở, máy bay địch đánh phá nhưng bộ đội và thợ rừng Trà My không ngại hy sinh, gian khổ, nhiều đêm thức trắng làm việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đáng và hai chiến sĩ khác được giao nhiệm vụ đặc biệt: Luồn rừng ngày đêm, đánh lạc hướng, thu hút địch về phía mình để cho ta khai thác an toàn. Kết quả, đơn vị khai thác được sáu mươi tư mét khối, đều là gỗ trắc cẩm lai, vượt hai mươi hai mét khối so với kế hoạch, hoàn thành trước thời gian một tháng. Đáng được đơn vị đề nghị trên xét tặng Huân chương chiến công Hạng Ba. Do nằm rừng, dụ địch trong thời gian dài, anh bị trúng mìn nát một bàn chân, nhưng lòng rất vui khi thầm nghĩ:

- Hay thật, yêu nhau rồi đi chiến đấu cũng từ nơi cây đa Bác trồng. Nay ở chiến trường lại cũng vì cây gỗ quý để xây lăng cho Người. - Đáng cười một mình…

***

Sau năm 1975, Đáng được điều về công tác ở Ban chỉ huy quân sự huyện với quân hàm Trung tá, đến năm 2009 thì nghỉ hưu. Trong thời gian ấy, Đáng và Oanh xây dựng gia đình và sinh được hai cháu: Một gái, một trai.

Đã hơn năm mươi năm qua rồ, kể từ ngày Bác Hồ trồng cây đa cuối đời trên quê Đáng. Sáng mùng một Tết vừa rồi, Đáng cùng vợ dành thời gian vào thăm cây đa Bác trồng, cũng như là nơi chứng nhân cho một cuộc tình tuyệt đẹp của hai người. Cây đa trên đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ xã Vật Lại do Bác Hồ trồng nay tán lá xanh biếc, phủ kín gần hết quả đồi. Đây là một kỷ vật thiêng liêng, niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, Nhân dân Vật Lại nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung. Người dân địa phương luôn coi cây đa là biểu tượng được "rợp mát trong tình thương của Người". Cán bộ, Nhân dân trong xã luôn trân trọng, bảo vệ, chăm sóc cây đa ngày càng xanh tốt. Cán bộ và Nhân dân địa phương, làm theo lời Bác: Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Người dân

đã trồng thêm hàng triệu cây xanh các loại. Từ năm 2004, khuôn viên nơi đây đã trở thành rừng cây rộng hơn mười tám hécta, được quy hoạch và công nhận là Khu Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Ngồi dưới tán đa mát lành, bà Oanh hỏi chồng:

- Ông có nhớ trước ngày vào Nam, tôi tặng ông vật gì không?

- Nhớ, nhớ… tôi luôn mang bên mình suốt những tháng năm chiến đấu. Có nó, tôi mới có bà, có các con, có non sông gấm vóc ngày nay. Đây, nó đây…

Bà Oanh nâng niu chiếc lá, giờ chỉ còn là những đường gân trắng. Chiếc lá từ cây đa Bác trồng, bắt nguồn từ cây đa Tân Trào - nơi họp Quốc dân đại hội, quyết định tổng khởi nghĩa Tháng Tám… đến cây đa Yên Bồ, đã mang lại hạnh phúc cho mỗi nhà, cho quê hương và đất nước hôm nay./.

 

 

 

 

 

Cây đa Bác trồng năm ấy