Tấm lòng nhân ái

TAP CHÍ LANGBIAN|1/30/2023 4:27:54 PM

Tấm lòng nhân ái

 DUY LƯU

 

Buổi chiều cuối cùng của tháng năm, khi lệnh giãn cách xã hội, phong tỏa thành phố bởi dịch covid có hiệu lực, sân bay Liên Khương đìu hiu vắng khách chợt xuất hiện một người thanh niên trong bộ đồ xanh công nhân bạc màu, đầu đội chiếc mũ tai bèo cũ kỹ, đôi dép tông Lào mòn vẹt đế đến gót chân, khuôn mặt đen đúa khắc khổ, đặc biệt hai bàn tay của anh không có ngón, chỉ còn cùi tay với hình thù kỳ dị. Ngoài chiếc túi vải màu chàm đeo trên vai, anh ta không có bất cứ hành lý gì khác.

Vào tới quầy bán vé với khuôn mặt đầy lo âu, giọng anh rụt rè:

- Chị ơi bán cho em một chiếc vé đi Hà Nội.

- Anh đưa chứng minh nhân dân để tôi làm thủ tục.

- Dạ, em không có đôi tay bình thường như mọi người nên không thể làm chứng minh nhân dân được!

Cô nhân viên quầy vé nhìn rất lâu người khách với ánh mắt thương cảm, giọng cô ái ngại:

- Anh không có giấy tờ tùy thân, thật khó quá! Tôi không thể bán vé cho anh được, anh thông cảm!

- Chị ơi, chị thương em, gắng giúp em! Em chỉ còn bố, bố em rất yếu không lao động được, em đi xe đò vào Đà Lạt đã ba năm, bán vé số dạo kiếm tiền gửi về nuôi bố, nay bố em trở bệnh nặng chắc không qua khỏi, em cần về gấp, chị giúp em với!

Nhìn vị khách đứng trước quầy vé lọt thỏm giữa không gian rộng lớn của sân bay khiến anh càng trở nên bé nhỏ. Suy nghĩ hồi lâu, cô nhân viên bán vé nói với vị khách đặc biệt của mình:

- Thôi được, tôi sẽ giúp anh mặc dù rất khó. Mà anh có giấy tờ chứng nhận người khuyết tật không?

- Dạ có! Nói rồi người thanh niên lấy trong chiếc túi vải tờ giấy chứng nhận khuyết tật do Ủy ban Nhân dân xã nơi anh cư trú cấp, đưa cô nhân viên quầy vé. Cầm tờ giấy, cô nhân viên bán vé nói với người thanh niên: 

- Anh đứng đây chờ, tôi đi trình bày với bên an ninh sân bay thử coi, còn một chút cơ hội tôi sẽ cố giúp anh…

***

 Vừa tròn mười tuổi cũng là lúc người mẹ ruột Duy thương yêu hết mực bỏ hai cha con Duy đi theo người đàn ông khác. Ngày mẹ lạnh lùng xách đồ ra khỏi nhà, bố ngồi trước cửa, đầu gục xuống lòng bàn tay, người rung lên từng chập.

Là cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, tiếp đến chống bọn giặc cướp trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, bố của Duy là thương binh hạng hai lại bị nhiễm chất độc màu da cam, bước qua tuổi bốn mươi, sức khỏe của ông suy giảm nhanh trông thấy. Những lúc trái gió trở trời, cơn đau từ vết thương tái phát khiến ông vô cùng đau đớn. Khi cơn đau hành hạ, ông ngồi thu mình trong góc nhà, nghiến răng chịu đựng, chưa khi nào Duy thấy bố khóc. Với Duy, bố là người có sức chịu đựng phi thường. Bố kể rằng, trong đời bố chỉ rơi nước mắt khi ông bà nội mất và khi chứng kiến những đồng đội tuổi mới mười tám, đôi mươi hy sinh trước mắt trong những trận đánh dữ dội với quân xâm lược, vậy mà hôm nay Duy thấy bố khóc, những giọt nước mắt cứ chảy tràn xuống khuôn mặt đau khổ. Duy hiểu, bố cố nuốt những cay đắng vào trong để khỏi bật ra thành tiếng trước mặt Duy.

Về phục viên năm tám lăm khi đã ngoài ba mươi tuổi, bố gặp mẹ, một cô gái làng xinh đẹp hiền thục rồi nên nghĩa vợ chồng. Những tưởng cuộc sống của bố và mẹ sẽ hạnh phúc khi phải chờ đợi tới mười năm mẹ mới sinh được Duy. Duy chào đời không có đôi bàn tay bình thường như bao đứa trẻ khác, sức khỏe lại rất yếu, đau ốm thường xuyên, trở thành gánh nặng của gia đình. Những năm đầu đời, thời gian Duy ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà khiến kinh tế gia đình ngày một kiệt quệ, mặc dù cha luôn cố gắng làm bằng tất cả khả năng có thể của mình, song cuộc sống vẫn nghèo khó.

Sống trong cảnh túng quẫn, đầu tắt mặt tối quanh năm cũng chẳng khá lên được trong khi bố và Duy thường xuyên đổ bệnh khiến mẹ không thể chịu đựng, bà đã quyết dứt áo ra đi.

Ngày mẹ bỏ bố con Duy, bà xách vali bước nhanh qua bố, ánh mắt lạnh lùng không nỡ ngoái nhìn. Mẹ đi như chạy. Có lẽ mẹ muốn rời khỏi căn nhà của bố con Duy càng nhanh càng tốt như một sự giải thoát cho kiếp nghèo mà bà không hề nuối tiếc. Mẹ chỉ đứng sững chừng một giây khi Duy thét gọi bà rồi lại quy quả bước tiếp. Kể từ ngày mẹ bỏ bố con Duy đến nay đã hơn mười năm, chưa một lần bà về thăm hai cha con. Nhớ năm đầu tiên mẹ bỏ đi, chiều ba mươi Tết vì quá nhớ mẹ, Duy trốn bố một mình băng qua cánh đồng rộng mênh mông dưới màn mưa phùn giăng mù trời, gió bấc hun hút tấp khắp người, cảm giác như có ai cầm roi quất vào da thịt tê buốt. Tới nhà người đàn ông mẹ sống cùng, đứng ngoài đường nhìn vào, thấy mẹ và người đàn ông nọ đang cười đùa vui vẻ bên bé gái chừng một tuổi, trong lòng Duy nỗi buồn, nỗi hận dâng trào khiến cổ họng tắc nghẹn, hai mắt cay xè. Thay vì vào gặp mẹ cho thỏa nỗi nhớ, Duy lặng lẽ quay gót, lầm lũi trở về mặc cho nước mắt cứ chảy tràn xuống khuôn mặt cùng nỗi đau trong lòng đến vô tận. Về đến nhà, không hỏi nhưng bố cũng biết Duy đi đâu. Ôm chặt Duy vào lòng, người bố cứ rung lên từng chập như đang bị sốt rét của rừng Trường Sơn hành hạ, còn Duy thì bật khóc nức nở.

Lớn lên không còn vòng tay yêu thương và hơi ấm của mẹ, bố là tất cả với Duy. Với bố, Duy là niềm vui, nguồn an ủi động viên duy nhất để ông vượt qua bệnh tật. Ông lăn lộn sớm tối, làm đủ mọi công việc từ phụ hồ, đào ao, bổ củi thuê để kiếm tiền. Bố luôn cố gắng với mong ước cho Duy có cuộc sống tốt nhất.

Kể từ ngày mẹ bỏ đi, bố cũng trầm hẳn, rất ít khi thấy ông nói, chẳng khi nào thấy bố cười. Nhiều khi Duy thấy ông ngồi bên chai rượu đế, thi thoảng lại ngửa cổ, nhấp từng ngụm cái thứ nước cất tinh khiết nhưng cay đắng ấy như nuốt hết thy nỗi đau buồn cùng cực của cuộc đời.

Không biết làm gì giúp bố khi đôi bàn tay chỉ có cùi mà không có ngón, Duy thương bố vô cùng. Nhiều đêm tỉnh dậy giữa khuya, thấy cánh cửa vẫn hé, nhẹ nhàng rời khỏi giường, ghé mắt nhìn qua khe cửa, bố ngồi lặng ngay bậc thềm, dưới ánh trăng suông cuối tháng vàng vọt mặc cho sương lạnh buông dày ướt loang hết bậc thềm, phủ tràn lên thân hình gầy gò tiều tụy. Lặng lẽ bước tới, ôm cha từ phía sau, nước mắt vô thức lại trào ra không sao kìm giữ được. Duy nói với cha bằng những lời hờn trách: “Sao cha cứ làm khổ mình thế! Mẹ không hề thương xót hai cha con mình, sao cha mãi nặng tình, tự hành hạ mình vậy. Những lúc như thế, bố lặng lẽ đứng dậy, kéo Duy vô nhà, ông không hề hờn trách mẹ. Bố còn nói rằng, mẹ bỏ đi là lỗi của ông. Rằng mẹ là người xinh đẹp hiền thục, xứng đáng được hưởng hạnh phúc, bố không thể mang lại cho mẹ cuộc sống đầy đủ, hạng phúc, mẹ bỏ đi là lỗi tại bố.

Đã hơn mười năm qua đi, bố vẫn sống đơn chiếc. Đã có vài người đàn bà từng đến với bố nhưng ông chỉ dành tình yêu duy nhất cho người phụ nữ đã phụ bạc mình. Không như bố, Duy không còn nhớ mẹ. Duy ghét mẹ bởi bà đã bỏ bố và Duy suốt những năm qua không một lần về thăm.

Từ ngày mẹ bỏ đi, bố quần quật với mấy sào lúa, hết mùa vụ lập tức đi làm thuê, ai mướn làm gì cũng nhận. Bố làm tối ngày, không mấy khi thấy ông nghỉ ngơi. Ông làm như để quên đi nỗi buồn, đau trong lòng và cũng để có thêm thu nhập nuôi Duy khôn lớn. Mặc dù bố cố gắng vậy nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, không chịu buông tha hai cha con. Năm mười bảy tuổi, Duy quyết định ra ngoài kiếm tiền phụ cùng bố lo cuộc sống. Rong ruổi khắp nơi, Duy theo xe đò vô tới Đà Lạt.

Thấm thoát cũng đã hơn bốn năm, Duy ngày ngày bán vé số dạo trên những con đường trong thành phố mù sương. Ở ngoài Bắc, bố ngày một yếu nhiều, bước chân đã run, liên tục đổ bệnh, không ra đồng hay đi làm thuê, nên hàng tháng Duy gắng đi nhiều thêm hòng bán được nhiều vé số hơn nhằm tích góp gửi tiền về cho bố. Song, đã nửa năm nay cuộc sống của những người bán vé số dạo như Duy gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh covid hoành hành, đường phố vắng tanh, các khu vui chơi giải trí đóng cửa. Đã hai tháng chưa có tiền gửi cho bố, lòng Duy lo lắng không yên.  

Sáng nay dậy thật sớm, lấy trăm tờ vé với hy vọng bán được. Vừa đi ra khỏi đại lý vé số thì chiếc điện thoại cục gạch” kêu tít tít… Móc chiếc điện thoại ra coi, Duy hốt hoảng khi dòng tin nhắn hiện lên: Duy, cháu thu xếp về ngay, bố trở bệnh rất nặng chắc khó qua khỏi, bố mong được gặp cháu”.

Đọc xong dòng tin nhắn của bác hàng xóm, Duy ôm mặt bật khóc giữa đường phố. Không về kịp để thấy bố lần cuối, cả đời Duy sẽ phải ân hận. Vội vả kêu xe ôm chạy thẳng ra sân bay với hy vọng kịp về bên bố, được nói chuyện với bố những phút cuối cùng trước khi ông về với thế giới bên kia...

***

 Đứng chờ cô nhân viên quầy vé chừng hơn mười phút đồng hồ mà Duy thấy dài vô tận, trong lòng như có lửa đốt, cứ thấp thỏm không yên. Liệu cô nhân viên quầy vé có giúp Duy mua được vé máy bay? Nếu không đưc, Duy sẽ phải đi xe đò. Nghĩ tới thời gian đằng đẵng hai ngày hai đêm ngồi xe đò Duy càng lo sợ, bởi trong thời gian ấy, liệu bố có thể chờ được Duy.

 Đang miên man với bao âu lo thì cô nhân viên quầy vé đi cùng một người đàn ông quay lại. Mừng quá, Duy vội hỏi: Chị ơi, có giúp được cho em không? 

- Được anh! - Cô nhân viên quầy vé trả lời Duy với khuôn mặt tươi cười: - An  ninh sân bay đã đồng ý cho anh bay, vé của anh là chín trăm ngàn. 

Mở chiếc túi vải, lôi ra mớ tiền lẻ đếm đi đếm lại những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình cả mấy tháng qua cũng chỉ còn hơn ba trăm ngàn. Đưa tất cả cho cô nhân viên quầy vé, giọng Duy ái ngại: 

- Chị cầm giúp, em đi xe ôm về phòng trọ vay thêm bạn bè sẽ trở lại ngay! Người đàn ông đi cùng cô nhân viên quầy vé chặn Duy lại, giọng cương quyết:

- Chuyến bay sắp cất cánh, em đi sẽ không kịp, để tụi tôi tính cho: - Người đàn ông bỏ số tiền hơn ba trăm ngàn vào lại chiếc túi vải của Duy, anh đến gặp những đồng nghiệp của mình... Vài phút sau anh trở lại, giọng vui vẻ: - Những đồng nghiệp của tôi đã ủng hộ tiền mua vé cho em và còn dư một chút, xin tặng em làm lộ phí từ sân bay Nội Bài về quê. -  Người đàn ông thanh toán tiền vé máy bay xong, anh bỏ số tiền dư vào chiếc túi vải của Duy, trực tiếp đưa Duy qua quầy làm thủ tục gọi điện báo cáo cho trưởng đại diện hãng bay. Nghe điện thoại một hồi, anh quay lại nói với Duy: - Sếp của tôi nói, chị ấy sẽ gặp em đ tặng em thêm chút lộ phí nữa...

Cầm tấm vé trong tay, Duy được người đàn ông cẩn thận hướng dẫn lên phòng chờ. Trong lòng Duy, sự xúc động dâng lên khiến đôi mắt mọng nước, cay xè. Ngượng nghịu nói lời cảm ơn, xin được biết tên những người giúp mình nhưng người đàn ông và cô bán vé chỉ cười. Không biết tên những người đã giúp mình, Duy bịn rịn chia tay họ, lặng lẽ bước vào phòng chờ...

Sân bay Liên Khương chiều cuối cùng của tháng năm, chuyến bay QH đã chở trong nó một vị khách vô cùng đặc biệt.

 Đứng trong phòng vé nhìn qua ô cửa kính khi chuyến bay cất cánh, cô nhân viên quầy vé và những người đồng nghiệp của mình giơ tay chào vị khách đặc biệt. Những nỗ lực làm việc cùng tấm lòng nhân ái của họ đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc không riêng cho Duy mà cho hàng triệu con người trong mỗi chuyến bay.

Thành phố lên đèn, họ nắm tay nhau, những nụ cười mãn nguyện dâng đầy nơi khóe mắt sau một ngày làm vic mệt nhọc./.

 

Tấm lòng nhân ái