Mảnh đất ấm tình người
ĐÀO THU HÀ
Những ngày cuối năm, thời tiết hanh hao trong cái nắng khô khốc. Gió từ phía những cánh rừng ào về, luồn qua kẽ hở những tấm ván cũ nghe lạnh buốt. Có hôm gió to, đêm nằm trong nhà nghe tiếng gió có cảm giác như mái tôn sắp bị thốc tung. Chị chống tay xuống giường, khó nhọc ngồi dậy, tựa hẳn cả người vào thành giường. Cơn đau đầu váng vất chưa dứt hẳn. Mấy ngày liền cũng chẳng ăn uống được gì, cổ họng chị luôn có cảm giác đắng nghét. Từ sau lần phẫu thuật, do không được nghỉ ngơi và tẩm bổ, sức khỏe chị yếu đi nhiều. Chị nhìn ra phía cửa sổ, mắt lóa đi vì vấp phải làn nắng chói. Mùa đông cao nguyên vừa có nắng vừa có gió lạnh chứ không phân biệt thành bốn mùa rõ rệt, riêng biệt như miền Bắc. Nhớ quê, chị thấy tủi thân, nước mắt đã mấp mé ở bờ mi. Ở quê, ít nhất cũng còn có họ hàng, làng xóm, dẫu có gì cũng thấy bớt cô độc. Còn nơi đây, đất khách quê người xa lạ, có muốn than thở cho vơi bớt nỗi niềm cay đắng cũng chẳng biết than thở với ai.
***
Con bé lớn bế thằng em về, mồ hôi nhễ nhại. Nó học Lớp 5 rồi mà còi nhom, chẳng nhỉnh hơn học sinh Lớp 3 bao nhiêu, bế thằng em ít hơn hai tuổi mà như vẹo đi cả một bên hông. Nó thả em xuống đất, chạy lại hỏi mẹ:
- Mẹ ơi! Con thấy nhà mọi người ở xung quanh đây đi chợ sắm Tết, mua quần áo mới hết rồi mà sao mẹ chưa đi hả mẹ?
Nó tần ngần vê vê vạt áo đã ngả sang màu cháo lòng:
- Bố mấy đứa ở lớp con đi làm ở thành phố cũng về đón Tết rồi. Bố sắp về chưa hả mẹ? Bố hứa đến Tết sẽ mua cho con cái áo khoác mới. Áo khoác của con vừa cũ vừa chật rồi mà chờ mãi cũng chẳng thấy bố về.
Chị nghe con bé hỏi, nước mắt chảy ra, nghẹn ngào mãi không thể cất lời. Mà có nói thì cũng chẳng biết phải trả lời nó như thế nào. Không thể nói với nó rằng mẹ không có tiền để đi chợ Tết. Trẻ con đứa nào cũng thích Tết, ngóng Tết, trẻ con nhà nghèo thì lại càng mong đến Tết. Dập tắt sự háo hức của con bé thật chị không nỡ. Cũng chẳng thể kể cho nó nghe sự thật về bố. Con bé vẫn nghĩ bố nó đi làm xa, đến Tết sẽ về. Nó luôn yêu và thần tượng bố. Chị không muốn khiến nó trở nên tự ti, mặc cảm khi biết được sự thật. Chị lau nước mắt, hít một hơi thật sâu cho giọng nói trở lại bình tĩnh, quay ra bảo con:
- Chờ mấy hôm nữa mẹ đỡ mệt, mẹ ra chợ mua gạo nếp đồ xôi, mua cá về kho cho hai chị em ăn Tết nhé!
Con bé ngước cặp mắt đen láy hỏi chị:
- Thế không có bánh chưng, không có mứt Tết hả mẹ?
Không chờ chị trả lời, khuôn mặt nó chợt trở nên tươi tỉnh:
- Chắc mứt Tết bố mang về còn bánh chưng bố về gói phải không mẹ? Mẹ mua thêm thịt mẹ nhé. Nếu không mẹ mua mỡ về rán lấy tóp mỡ sốt cà chua cũng được. Lâu rồi không được ăn thịt, con thèm lắm.
Thằng em đang nghịch dưới đất tự nhiên khóc ré lên. Con bé vội vàng chạy lại bế em lên. Nó nựng em thật ngọt nào:
- À! Em ngoan nào, nín đi nào, chị thương. Sắp Tết rồi, bố sắp về rồi. Bố mang mứt Tết về. Bố gói bánh chưng cho chị em mình. Bố còn mua quần áo mới nữa. Mẹ đi chợ mua cá, mua mỡ cho chị em mình ăn. Em đừng khóc để mẹ nghỉ một tí cho nhanh khỏi còn đi chợ sắm Tết. Em nín đi, chị em mình đi nấu cơm...
Con bé bế em ra đằng sau. Cơn đau đầu lại kéo đến khiến chị choáng váng. Chị cảm thấy cả cơ thể ớn lạnh. Chị nằm vật xuống giường, kéo chăn trùm kín người. Mím chặt môi mà nước mắt chị cứ trào ra, nức nở.
Anh chị là người miền Bắc, sống cùng một làng. Chị mồ côi từ nhỏ, anh cũng mồ côi. Chị ở với vợ chồng người bác ruột còn anh sống cùng người chú. Lớn lên cùng nhau, hiểu rõ hoàn cảnh của nhau rồi thương nhau, anh chị quyết định về chung một nhà. Chú anh không có vợ con, khi mất đi để lại cho anh một căn nhà và mảnh vườn nhỏ. Anh chăm chỉ, thật thà, chị cũng là người biết vun vén nên cuộc sống của anh chị dù không giàu sang nhưng cũng đủ ăn đủ mặc. Hạnh phúc càng được nhân thêm gấp bội khi chị sinh cho anh hai đứa con đủ nếp đủ tẻ kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Nhưng hạnh phúc chẳng được kéo dài. Nỗi bất hạnh của phận mồ côi như chẳng chấm dứt khi chị bất ngờ bị bệnh tim. Để cứu chị, anh quyết định bán hết nhà cửa, vườn tược. Khi chị qua cơn bạo bệnh cũng là lúc gia đình lâm vào cảnh gần trắng tay. Từ khi phẫu thuật xong, sức khỏe của chị lại yếu hơn chẳng thể làm được việc nặng nhọc. Cuộc sống ở quê quá khó khăn, anh quyết định đưa cả nhà vào Tây Nguyên làm thuê. Anh bảo chị, nếu trời thương cho anh sức khỏe, anh chịu khó làm thuê mấy năm, dành dụm mua miếng rẫy rẻ rồi cải tạo dần, học hỏi trồng trọt, chăn nuôi thì cũng có cơ may khấm khá. Dù sao, ở mặn trong cũng dễ làm ăn hơn ở mặn ngoài.
Số tiền còn lại vừa đủ để mua một căn nhà gỗ nho nhỏ ở tít trong một bon vùng sâu vùng xa. Anh lại lao vào làm thuê để kiểm tiền, còn chị ở nhà lo cơm nước, con cái, trồng rau, nuôi gà. Được cái anh chịu thương chịu khó, lại khỏe mạnh, thật thà nên cũng được nhiều người thuê. Hôm ấy, anh hồ hởi về thu dọn quần áo rồi nói với chị:
- Có người thuê tôi hái tiêu, hái cà phê và trông coi mình ạ. Khi thu hoạch, bán xong họ sẽ trả một khoản tiền công kha khá. Có điều phải ở lại luôn nhà trong rẫy để trông. Mình chịu khó một thời gian chăm con, có gì thì nhờ hàng xóm láng giềng giúp đỡ nhé. Chắc chỉ độ hơn tháng thôi. Xong đợt này cũng có một khoản để trang trải.
Anh còn hôn con, hứa lúc nào về sẽ mua cho chúng bộ quần áo mới. Vậy mà... Một buổi chiều, có người thông báo cho chị anh bị bắt. Người ta kể lại cho chị rằng buổi đêm ấy có hai người vào trộm cà phê bị anh phát hiện nên xông vào đánh anh. Anh vốn có chút võ phòng thân lại thêm sức vóc khỏe mạnh, trong khi người trộm tiêu là con nghiện. Sự nóng giận cộng thêm lo lắng nếu tiêu bị mất không biết lấy tiền đâu ra đền khiến anh lỡ tay làm một người bị thương nặng. Dù đã tính đến các tình tiết làm giảm nhẹ nhưng anh vẫn bị phạt tù. Số tiền công chủ nợ cũng giúp anh bồi thường cho người bị thương mà còn chưa đủ. Chị nghe tin mà ngất lịm. Dù sức khỏe yếu, chị cũng phải gắng gượng dậy tìm việc làm thuê để nuôi con. Nhưng chị làm ngày được ngày không nên tiền công cũng chẳng đáng là bao. Cũng may còn đủ bữa rau bữa cháo cho con. Từ ngày anh bị bắt, chị cũng chưa lên thăm anh được lần nào. Chắc anh cũng hiểu cho hoàn cảnh của chị mà thông cảm. Nhớ anh, chị lại nghĩ đến những ngày mờ mịt sắp tới, không biết còn có thể cho con bé lớn đến trường được nữa hay không.
Cơn đau đầu dịu xuống, chị gắng gượng ngồi dậy, bước về phía tủ. Lục tung mớ quần áo, chị tìm được số tiền ít ỏi, ra chợ nếu may có thể mua được mớ cá suối. Ngày Tết, người ta ít mua thứ cá ấy nên người bán, bán rẻ. Về thêm gia vị, kho mặn cũng coi như có thức ăn ngày Tết cho con. Giá có thể vay mượn, chị cũng sẽ chịu đựng sự xấu hổ mà đi vay mượn cho con một cái Tết tươm tất hơn một chút. Nhưng gia đình chị mới chuyển vào đây, hàng xóm láng giềng cũng chưa thân quen ai. Đây lại là bon vùng sâu vùng xa, dân cư thưa thớt, đời sống cũng còn nhiều khó khăn nên chị chẳng biết bấu víu vào đâu. Vả lại, liệu rằng dù có thân quen đi chăng nữa, cũng có ai dám cho vợ con của một kẻ tù tội vay mượn hay không?.
Có tiếng lao xao ngoài ngõ. Một đoàn gần chục người kéo vào nhà chị. Con bé vừa bế em vừa nhặt rau ở phía sau nghe tiếng người tưởng bố về cũng bế em chạy lên. Mấy mẹ con còn đang ngơ ngác thì đoàn người đã đặt những phần quà lên bàn, cười với chị:
- Sắp đến Tết, đoàn công tác của tỉnh, huyện và xã có phần quà nhỏ chúc gia đình ta có một cái tết ý nghĩa, tươm tất hơn.
Cùng đi với đoàn công tác còn có một số người trong bon mà chị biết. Chị lúng túng mời khách ngồi rồi đi rót nước. Một cô gái trẻ trong đoàn công tác lấy ra hai chiếc áo khoác đưa cho hai đứa con chị mặc thử. Con bé thấy có áo khoác mới thì khuôn mặt như bừng sáng lên, rạng rỡ. Nó xúng xính trong chiếc áo mới rồi khoác áo cho em. Cô gái trẻ tế nhị rủ hai đứa trẻ ra ngoài chơi, hỏi chuyện để mọi người nói chuyện tự nhiên.
Phần quà chị được nhận ngoài gạo, bánh chưng còn có mứt Tết, những bộ quần áo trẻ con cũ được giặt sạch sẽ và một số tiền giúp chị sắm Tết. Vui hơn nữa là con bé lớn sẽ được miễn học phí trong những năm học tiếp theo. Một người hàng xóm nhận giữ trẻ đã nhận trông thằng em giúp chị cho đến khi đủ tuổi đi mẫu giáo. Còn chị qua Tết sẽ được nhận vào Hợp tác xã rau sạch gần nhà với công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe và có lương ổn định để lo cho con. Nhưng vui nhất là tin xã đã nhận được thông báo chồng chị sắp được về trước thời hạn do chấp hành cải tạo tốt. Một người trong đoàn cũng là hàng xóm nắm tay chị, thân tình:
- Chúng tôi biết chị mặc cảm vì anh ấy tù tội. Nhưng dù chưa tiếp xúc nhiều, chúng tôi cũng biết anh ấy là người hiền lành, chăm chỉ, thương vợ con. Chẳng qua cũng do lúc nóng giận và hoàn cảnh đưa đẩy. Hàng xóm láng giềng với nhau, có khó khăn gì chị cứ nói với chúng tôi, giúp được gì chúng tôi sẽ giúp. Chị đừng ngại…
Đoàn khách đã đi đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác trong bon để chúc Tết mà chị vẫn còn ngồi lặng. Mọi thứ đến quá bất ngờ và đột ngột. Con bé bế em chạy vào, ríu rít:
- Mẹ thấy con với em mặc áo mới có đẹp không? Những người cho quà nhà mình là ai mà tốt thế mẹ nhỉ? Cứ như thể họ nghe thấy điều ước của con ấy.
Chị nhìn con, trong lòng dâng lên những ấm áp khó nói thành lời. Mùa xuân đang đến rất gần. Chị biết trên mảnh đất này, những mùa Xuân cũng sẽ ấm áp như ở quê chị. Những ấm áp đượm tình người./.