Còn mãi một tình yêu HOÀI AN
Cả khán phòng vỗ tay nhiệt liệt, hàng trăm ánh mắt ngưỡng mộ, đổ dồn về phía anh. Qua lời giới thiệu của ban tổ chức, người dẫn chương trình: - Trân trọng giới thiệu Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Quang lên khán đài nói chuyện về truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhân ngày 22 tháng 12. Xin kính mời đồng chí! Từ phía cánh gà bên trái khán phòng, ánh sáng ngoài ô cửa sổ hắt vào. Diệu Nhiên nhìn rõ dáng người đàn ông tầm thước, mái tóc đã điểm hoa râm. Ông bước lên sân khấu quay người lại chào. Diệu Nhiên nhìn vào ánh mắt, gương mặt ông. Cô có cảm giác hình như mình đã gặp người này ở đâu rồi. Nhất là giọng ấm áp, thân thiện, gần gũi làm sao. Diệu Nhiên cúi mặt xuống, cô mỉm cười và tự nhủ thầm; ngần tuổi này rồi mà vẫn còn ngớ ngẩn, còn mơ mộng, còn cứ cả nghĩ và nhớ về anh kia chứ. Cô trấn tĩnh rồi ngồi thẳng người, mắt hướng về phía sân khấu. Cố xua đuổi hình ảnh chú bộ đội năm xưa cùng với cô bé Diệu Nhiên ra khỏi đầu. Nhưng lạ thay hình ảnh ấy cứ quấn lấy cô, bám riết bên cô, như thước phim hiện ra trước mắt. … Năm ấy vào trung tuần tháng năm - năm 1972, đơn vị anh hành quân vào Nam, nghe đâu chuẩn bị mở cuộc tiến công thần tốc giải phóng miền Nam, Việt Nam. Đêm hôm đó trời mưa to lắm, mưa như trút nước. Thi thoảng trên trời lại sáng lóe lên rồi kéo theo những tia chớp, những tiếng nổ đùng đoàng. Diệu Nhiên kéo chiếc chăn trùm kín đầu cho hai chị em. Đang xoa lưng cho em Trung Anh ngủ. Diệu Nhiên nghe bố mẹ nói chuyện ở nhà ngoài. Rồi tiếng người lạ, tiếng kéo bàn ghế... Một lát sau hai chị em đã chìm vào giấc ngủ. Sáng dậy Diệu Nhiên chuẩn bị sách vở, trên vai đeo thêm một chiếc mũ bện bằng rơm khô để đi học. Bước ra ngoài sân, em thấy bóng người mặc quần áo màu xanh lá cây, trên vai quẩy đôi thùng ra phía bờ sông gánh nước. Nhìn khắp nhà một lượt, em phát hiện có tới năm chiếc ba lô xếp gọn vào một góc nhà. À thì ra đêm qua, các chú bộ đội đã nghỉ lại trong nhà mình. Không hiểu sao, em thấy vui vui, phấn khởi lạ kỳ, một thứ cảm giác bình yên. Từ nay em sẽ không sợ máy bay gào xé trên bầu trời, không sợ bom đạn, tên lửa nữa; vì làng em, nhà em đã có các chú bộ đội rồi. Tan học, Diệu Nhiên bước vội trên con đường làng về nhà, con đường này ngày ngày em vẫn đi, sao hôm nay như có sự khác lạ: Đất dưới chân như mịn màng hơn, hai bên đường lũy tre xanh rì rào, tiếng chim hót líu lo, tràn ngập trong cái nắng vàng hanh, rải khắp trên cánh đồng lúa xanh non. Diệu Nhiên se sẽ cất tiếng hát “Cháu yêu chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê, tàu bay Mỹ đến đây chú bắn cho tan tành…” …Bước qua bậc thềm, cô bé thấy nhà cửa vắng tanh, chiếc lồng bàn úp trên mâm, mùi thơm của cơm gạo mới xộc vào cánh mũi. Diệu Nhiên thấy đói cồn cào. Em tiến về phía bàn ăn tay đang chuẩn bị lật chiếc lồng bàn lên thì có tiếng người từ phía sau: - Bé đã đi học về rồi sao, cơm chú nấu phần em trên bàn ấy, ăn đi kẻo đói. Cả nhà đã ăn cơm, tranh thủ ra đồng làm cỏ. Diệu Nhiên nhìn ra, cúi đầu chào chú. Chưa kịp mời chú ăn cơm, em đã thấy chú cầm cuốc đi ra phía ngoài cổng. Đôi mắt chú thật hiền, nụ cười mới đôn hậu làm sao. Diệu Nhiên thích nhất là chiều chiều theo chân chú ra sông gánh nước. Chú tập bơi cho hai chị em. Hai đứa đi bắt chuồn chuồn cho cắn vào rốn để nhanh biết bơi. Chú cười rồi hai tay nâng người hai đứa nổi trên mặt nước nhẹ tênh, nước mát trong xanh tha hồ vùng vẫy. Bỗng tiếng máy bay ầm ì… từ xa vọng lại, chú cõng Trung Anh, tay dắt Diệu Nhiên chạy về phía hầm trú ẩn. Chiếc hầm làm bằng thân tre, dựng lên như mái nhà nhỏ, xung quanh được đắp bằng lớp bùn trộn rơm khô. Hai chị em ngồi nép vào nhau run rẩy. Chú đứng ngoài cửa hầm quan sát. Tiếng máy bay nghe to dần, tiếng gầm rít như xé bầu không khí, rồi tiếng nổ đinh tai. Lòng đất rung chuyển. … Một lát sau em nghe thấy tiếng các chú bộ đội tập hợp, phổ biến nhiệm vụ gì ấy. Tiếng máy bay địch đã im ắng, hai chị em lóp ngóp bò ra khỏi hầm. Vết xước, máu từ chân Diệu Nhiên rỉ ra từ lúc nào. Hai đứa đang luống cuống tìm giẻ để buộc thì chú bộ đội đã về kịp. Chú vội vàng lấy bông băng, cồn trong ba lô, miệng chú thổi thổi, tay cầm bông thấm cồn rửa vào vết thương rồi băng lại. Diệu Nhiên nhìn động tác thuần thục của chú thật thán phục. Em thầm nghĩ: Ước gì đừng có chiến tranh, ước gì chú bộ đội sẽ mãi ở lại nhà của mìnhnhỉ… Thời gian trôi đi thật nhanh, hình như vài ngày nữa các chú bộ đội phải hành quân vào Nam. Vậy là hai chị em sẽ phải xa các chú, sẽ không còn được chú tập bơi, không còn được chú chỉ cho học bài và không còn được chú chăm sóc thương yêu… Bé biết vì nhiệm vụ cao cả, các chú phải đi đánh giặc để đem lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng mà sao lòng bé buồn quá vậy, cứ nghĩ đến lúc chia tay chú là bé muốn khóc. Ngồi trước ngọn đèn dầu, mắt nhìn chằm chằm vào trang sách, lạ thay các con chữ cứ nhảy loạn cả lên. Bé không tài nào đọc được. Chú bộ đội lại gần bé hỏi: - Bé đang học bài gì đấy, có cần chú hướng dẫn gì không nào? Diệu Nhiên quay sang cười, đầu khẽ lắc lắc, gật gật. Rồi đột nhiên em oà khóc ; tại vì ngày mai bé sẽ phải xa chú. Hu… hu… hu… Chú xoa đầu bé rồi động viên an ủi: - Thôi nào, Diệu Nhiên ngoan, không khóc nữa, chú Quang đi đánh giặc, hết giặc chú sẽ về thăm nhà, thăm bé. Rồi chú móc trong túi ra chiếc bút máy hiệu Hồng Hà màu cánh gián, có nắp cài bằng mạ vàng bóng loáng, đặt vào tay bé, chú dặn dò: - Chú tặng bé này, chăm chỉ học giỏi, mai lớn làm cô giáo nhé em! Bé còn nhớ hôm tiễn chú lên đường. Mẹ dậy sớm lắm, mẹ nấu cơm gói vào chiếc mo cau cho các chú mang theo. Đưa chân các chú ra bến Sông Mã. Diệu Nhiên nhìn con đò chở các chú qua sông, xa dần, xa dần mà nước mắt chạy quanh, lòng buồn nặng trĩu …Thế rồi ngày ba mươi tháng tư năm 1975 cả nước treo cờ ăn mừng chiến thắng. Bé cũng vui mừng khôn xiết, lòng khấp khởi chuẩn bị đón chú, khoe với chú rằng bé đã đạt được những thành tích tốt như thế nào trong học tập. Bé chờ một tháng, hai tháng, một năm, hai năm và những năm sau nữa. Diệu Nhiên đã trở thành thiếu nữ từ lúc nào không hay. Mái tóc đen dài óng ả, gương mặt trái xoan nước da trắng hồng, đôi mắt đen huyền e lệ, nụ cười tỏa sáng khiến bao chàng trai trong khoá học sư phạm phải điêu đứng. Nhưng lòng bé trống rỗng, mắt bé buồn vu vơ như nhìn vào khoảng không nào đó. …Ra trường, Diệu Nhiên được điều động vào Nam công tác. Trường của cô đóng trên một vùng đất đỏ bazan, thuộc xã Lộc Thắng, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Vào những năm thập niên tám mươi, cuộc sống của nhà giáo thật vất vả. Với cái nắng, gió cao nguyên chia thành hai mùa rõ rệt. Mùa khô nắng đến cháy cả cây cỏ trên đồi, mùa mưa thì mưa đến nhũn đất. Thầy cô giáo phải đội mưa bấm từng bước chân lội qua suối, vượt qua đồi, đem cái chữ đến cho các em đồng bào K’Ho. Nhất là vào mùa thu hoạch lúa nương, cùng với đồng bào, thầy cô giáo và các chú bộ đội giữ chốt cũng đeo gùi đi suốt lúa giúp dân. Cuộc sống vất vả nhưng thật vui…! Một tràng pháo tay vang lên giòn giã, Diệu Nhiên như sực tỉnh. Cô ngước lên, nhìn cho rõ gương mặt người đàn ông này. Như linh cảm mách bảo. Cô khẳng định; đúng là chú rồi. Chú Quang ngày nào của cháu. Cảm ơn trời chú còn sống! *** Diệu Nhiên theo chân chú ra ngoài phòng khách. Không giữ được cảm xúc, cô gọi gấp gáp: - Chú Quang! Chú bộ đội! Nguyễn Quang nghe tiếng gọi, anh quay người lại mắt nhìn thẳng vào người phụ nữ đã trung tuổi đáp lời: - Vâng. Tôi Nguyễn Quang đây. Cô gọi tôi? - Em. À cháu. Cháu là Diệu Nhiên ở bến đò Sông Mã. Chú quên cháu rồi sao? - Ôi trời. Diệu Nhiên! Cô bé ngày nào được chú tập bơi nay đã thế này rồi sao? Diệu Nhiên dang tay, ôm ngang lưng chú, dụi dụi mái tóc vào ngực chú. Một thoáng lặng im…! …Cả hai người ngồi xuống ghế. Cô rầu rầu kể cho chú nghe, chuyện cô phấn đấu học sư phạm, rồi làm cô giáo. Chuyện cô lập gia đình, rồi chồng cô đào móng xây nhà bị trúng bom bi giặc Mỹ sót lại chết ra sao… không khóc nhưng từng giọt nước mắt chạy quanh mi. - Chú Quang thương Diệu Nhiên quá. - Chú vỗ về an ủi. Rồi chú kể cho Diệu Nhiên nghe về đời chinh chiến của chú, kể từ buổi chia tay em trên bến đò Sông Mã. Trên đường hành quân vào Nam, đến Đường 9 - Khe Sanh Nam Lào đơn vị chú bị địch phát hiện. Chúng ném bom như rải thảm. Độc ác hơn là chúng thả chất độc da cam Dioxin hủy hoại tất cả mầm sống. Chính vì lẽ đó mà các chú khi trở về, nhiều người đã không muốn lập gia đình. Diệu Nhiên không khóc nữa. Gương mặt cô đanh lại, đôi mắt như có lửa. … Chiến tranh! Tất cả là vì chiến tranh! Nó đã hủy diệt đi tất cả. Cháu căm thù nó! Em hận chiến tranh. Diệu Nhiên bước lại gần chú. Cô nắm bàn tay Nguyễn Quang. Kéo anh đứng dậy và nói: - Mình về thôi anh!/. |
: