Anh em họ
NGUYỄN THANH HƯƠNG
Cụ Cửu tuổi tám mươi bảy tuổi, trưa nay cụ buồn rầu nói với con cháu:
- Bảy tuổi, tôi đi ăn giỗ tổ họ lần thứ nhất. Từ đó đến nay mỗi năm một lần, chưa có cái giỗ nào mà lại ẩu đả, cầm chén bát ném vào mặt nhau như cái giỗ lần thứ tám mươi này. Hỏng, hỏng quá.
Ông con cả cụ Cửu, bảy mươi lăm tuổi nói:
- Cũng tại bác Sình ấy, kiêu ngạo quá mà. Thôi bỏ qua đi cụ, cứ để đấy cho con và bác Nhu giải quyết…
… Họ Nguyễn có tên lót lá Quý của tôi to nhất làng Phúc Châu này, hiện tại có gần năm trăm đinh - là đàn ông. Mỗi năm, giỗ tổ họ một lần vào ngày hai tháng bảy âm lịch. Giỗ họ chỉ có đàn ông mới được đến ăn giỗ, nhiều suất ăn thì góp nhiều. Năm nào cũng vậy, trước đám giỗ mấy ngày, tôi - Nhu trưởng họ cũng là trưởng chi thứ nhất, họp với ba ông trưởng chi còn lại, lấy ý kiến nên làm cỗ to hay nhỏ. Năm nay các ông trưởng chi hai, ba, bốn đều có ý kiến:
- Xem trong gia phả, thì cụ tổ ta năm nay tròn ba trăm năm ngày mất, ta làm cho linh đình.
Gọi là năm trăm đinh nhưng có đến hơn hai trăm người công tác ở Nam Bộ, Tây Nguyên, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt, rồi những thanh niên đi học ở ngoài nước không về được, nên mấy năm gần đây đám giỗ chỉ có hơn hai trăm người đến dự. Năm nay còn hai trăm lẻ năm người. Dù không đến được, nhưng ai cũng gửi chút phong bì đến thắp nhang tổ tiên. Nhà thờ họ tôi là ngôi nhà ngói cổ, được trùng tu sửa chữa nhiều lần, nên gỗ, cột kèo, hoành phi, câu đối còn tốt, bởi toàn bằng gỗ lim. Trong nhà rộng đến hai trăm năm mươi mét vuông, sân rộng năm trăm mét vuông. Bên phải, bên trái nhà thờ là hai ngôi nhà rộng bằng nhau. Khoảng một trăm mét vuông để làm nơi con cháu có dịp đến thắp hương nghỉ chân.
Cũng theo gia phả, cụ tổ họ tôi gốc Thanh Hóa, có học hành, lúc cụ ra làm quan, được triều đình điều làm Tri phủ huyện Quảng Oai. Cụ đem theo vợ cả đã có một con trai ra Quảng Oai, cụ lấy thêm bà hai ở làng Phúc Châu bây giờ. Về hưu, cụ không về Thanh Hóa, cũng không ở phủ đường mà về Phúc Châu mua đất, dựng nhà. Khi cụ mất, con cháu xây nhà thờ to đẹp như bây giờ, các con cháu cụ cũng có đất ở quanh đó. Cụ bà cả được hai trai, hai gái, cụ bà hai cũng được hai trai hai gái. Tôi là dòng trưởng từ bà cả sinh ra cụ con trưởng, đến tôi là đời thứ mười hai. Tôi là cháu mười ba đời của cụ tổ làm Tri phủ Quảng Oai. Là dòng trưởng, nên con cháu trưởng có nhiệm vụ trông nom nhà thờ, tổ chức giỗ hàng năm tại nhà thờ tổ.
Ba giờ sáng đã nổi lửa mổ heo, gà, sắp xếp bàn ghế, ấm tách pha trà. Mỗi người một việc để rồi sau khi tuần nhang cúng cụ đã hết, đúng mười một giờ kém mười lăm phút, cỗ bàn được khai mở, mọi người cười nói, chúc tụng vui vẻ. Rất tiếc từ lúc bảy tuổi, tôi biết nhận thức đến nay là bốn mươi lăm tuổi mới chứng kiến một vụ ẩu đả giữa hai anh em trong cùng chi thứ nhất của tôi. Chuyện ẩu đả ở hai bàn cạnh nhau: Bàn của ông Sình và bàn của ông Tâm. Gọi ông là thay cho cháu tôi chứ ông Sình, dù sáu lăm tuổi nhưng là vai em tôi và em ông Tâm mới bốn ba tuổi. Chỉ có một câu nói của ông Sình mà thành ngòi nổ không đáng có:
- Giá trị đích thực để làm nên một người đàn ông là sự nghiệp, gia đình, bè bạn và môi trường. Sự nghiệp là địa vị xã hội, gia đình là vợ con, anh em gần cận, bạn bè là người cùng chí hướng, môi trường là tác động xung quanh đến bản thân mỗi một người.
Những người trong mâm gật gù, tròn mắt lắng nghe, nhưng ông Tâm đã đứng bật dậy, hướng về phía ông Sình nói to:
- Chú có học vị tiến sĩ mà ăn nói như một người ít học. Này nhé, chú nói là đàn ông phải có sự nghiệp, theo chú thì ai cũng làm tiến sĩ, giám đốc như chú à? Ai cũng phải là quan, là ông nọ, bà kia à? Gia đình và bạn bè thì đúng rồi, không cần đến môi trường nữa, vì sao? Vì môi trường trong đó có gia đình, rồi bạn bè và thiên nhiên chứ việc gì phải tách nó ra.
Ông Sình trố mắt, bởi ông đã từng giảng dạy đại học, gần cuối cuộc đời làm giám đốc đến lúc về hưu, ông nói ai cũng nghe, không ai dám bắt bẻ. Vậy mà cái người anh họ, học vấn bảy trên mười hai dám chê ta à. Ông Sình nói:
- Anh dám bảo tôi ít học, thử xem anh em nhà anh có những ai có sự nghiệp như tôi chứ?
Ông Tâm nói, trước khi trả lời chú câu hỏi trên tớ muốn nói thế này, đất nước ta có bao chính khách, tiến sĩ như chú. Đúng là nhiều, đúng là có sự nghiệp. Thế còn nông dân, công nhân, dịch vụ… lao động giỏi, làm ra bao nhiêu của cải vật chất… người ta không có sự nghiệp, không có giá trị à? Lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của nước Việt ta có sự đóng góp phần lớn của nông dân - trong đó có hàng triệu người lính từ nông dân mà ra. Vậy thì họ có giá trị không? Chú cố tình không biết hay thật sự không biết.
Bây giờ tớ trả lời câu hỏi của chú về anh em tớ nhé. Tớ và hai thằng em tớ đều hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về nhà lao động đủ ăn, các con tớ mới học lớp chín lớp mười, học giỏi tuy chưa nói trước điều gì. Nhưng tớ dạy con tớ nay mai, có là ông nọ bà kia thì đừng có khoe mẽ. Còn hai con gái chú dạy tiểu học, một thằng con trai làm gì, khi nó không học hết lớp mười hai, chỉ ham đá bóng, may mà chú xin cho nó làm bảo vệ ở chi cục thuế huyện. Dù có đá bóng giỏi, chưa bao giờ người ta gọi vào đội tuyển của quận hoặc huyện, ba mươi sáu tuổi vẫn chưa vợ. Thế thì khoe làm gì. Chú là tiến sĩ chuyên nghiên cứu về cơ khí, nhưng chú đã chế được cái máy nào chưa, trong khi một anh nông dân ở huyện Cát Tiên Lâm Đồng, học vấn chưa hết phổ thông trung học mà chế tạo ra máy cắt lúa. Vâậy thì anh nông dân ấy không có giá trị bằng chú à? Họ Nguyễn chúng ta đây, nếu tính từ sau năm 1975, thì chú có học vị tiến sĩ đầu tiên, cái đó gia phả dòng họ ghi rồi. Nhưng từ năm 1990 đến nay, họ ta có thêm hai lăm tiến sĩ. Ai cũng đều khiêm tốn. Giá trị của người đàn ông nói riêng, của con người nói chung là ở cái nhân cách chứ không chỉ có ở học vị, học hàm, địa vị, nhà lầu xe hơi.
Ông Tâm nói xong, mọi người vỗ tay và nói ông nói đúng quá làm cho ông Sình nổi nóng, quay mắt về phía ông Tâm mà hét to:
- Ông không bằng học trò của tôi. Thiếu văn hóa.
Vút, choang! Nhanh như chớp, một chén cơm đầy mới chan nước mắm đã bay từ tay ông Tâm đến mặt ông Sình. Tất cả nhốn nháo đứng dậy, ngăn không cho vụ ẩu đả điễn ra. Cụ Cửu ngồi ăn trong nhà lập cập bước ra nói to:
- Các bác có thôi đi không, để cho các họ trong làng người ta cười cho à. Nhà thì gần đường cái. Không biết xấu hổ à?
Ông Sình hầm hầm bỏ ra về, không quên nói một câu rõ to:
- Từ nay không anh em với nhà ấy nữa.
***
Tôi và mấy cụ cao tuổi vấn an mọi người và dặn rằng giữ kín chuyện này. Mọi người đều bắt tay xin hứa, vậy mà sáng hôm sau ngoài chợ đã đồn ầm ĩ chuyện anh em họ Nguyễn Quý đánh nhau trong ngày giỗ tổ. (Làng Phúc Châu có ba họ Nguyễn: Nguyễn Quý, Nguyễn Đình và Nguyễn Xuân để phân biệt sự khác nhau ở chỗ tên lót).
Những lời đồn nghe không lọt tai:
- Ông Tâm cầm gạch ném ông Sình, vỡ trán. Máu xối xả tuôn, phải đi cấp cứu ở bệnh viện thị xã.
- Hai anh em họ mà lại chửi nhau “... mẹ cái thằng tổ họ nhà mày”.
- Nghe nói mả cụ tổ họ ấy bị động nên con cháu lục đục, cứ đến đám giỗ tổ là đem nhau ra để bới móc, khoe tài khoe giỏi, không có tôn ti trật tự nào hết.
- Nghe người ta nói ông Sình làm lễ ăn thề không thèm anh em với ông Tâm, sẽ đề nghị xóa tên ông Tâm trong gia phả họ…
Nhưng có một chi tiết này, dân làng Phúc Châu có thể không biết, đó là hai người em trai ông Sình cùng ăn giỗ, họ tự thấy anh mình sai, họ lẳng lặng ăn cho xong rồi về. Nghĩ là ông Sình còn nán lại ở chỗ em gái mình, hai ông rủ nhau đến đó để cạo cho ông Sình một mẻ, nhưng người em gái nói:
- Bác ấy đến đây, lấy xe đi ngay về thành phố rồi, nói là có việc gấp. (Ông Sình sau khi tốt nghiệp đại học được giữ lại trường giảng dạy, sau đó lấy vợ và định cư ở thành phố).
- Bác ấy có nói chuyện gì với cô không?
- Bác ấy chỉ nói rằng từ nay không thèm anh em với nhà bác Tâm nữa. Em có hỏi vì sao thì bác ấy chỉ nói là bác Tâm không có văn hóa.
Hai người em trai của ông Sình không nói gì thêm, lặng lẽ ra về. Cả hai cùng cố nén một tiếng thở dài./.