Cái chậu cảnh
PHƯƠNG LIÊN
Bé Lan nhổ mấy cây cỏ mềm vừa nhú lên ở chậu hoa thạch thảo. Bỗng em nghe tiếng động lớn phía sau, quay lại nhìn thì ra anh hai của bé ném chiếc chậu cảnh vào phía hàng rào. Mấy cây cúc đang tươi giờ nát bươm, tơi tả. Nhìn chiếc chậu cảnh nằm nghiêng trên đám đất, bé Lan chạy đến bên chiếc chậu, miệng nói to như hét:
- Sao anh hai làm vậy? Anh có thấy những cây hoa dập nát, cả chậu cảnh nằm chỏng chơ tội nghiệp không?
Thành đang bước lên thềm nhà, hai tay cậu phủi vạt áo cười nhạo cô em:
- Ối dào ơi! Chỉ được cái tưởng tượng. Cứ như hoa với lá biết nói cười như bé hả? Hết Tết rồi thì ném đi, để làm gì.
Cậu ta không thèm để ý tới cảm xúc của bé Lan. Thành bật tivi nằm tréo chân xem phim, hai thanh niên đang đua xe trên màn hình, miệng bật ra tiếng: Chéo... chéo…
Bé Lan hì hục một mình nâng cái chậu cảnh đang nằm nghiêng như thách thức. Mồ hôi trên mặt, trên trán bé túa ra giọt xuống đất. Mùi thơm của bông cúc phả và mũi, khi có làn gió nhẹ thoảng qua. Bé Lan nhớ tới lời cô giáo và ông thôn trưởng hôm trước ngồi uống nước với bố bàn về "Đề tài Nông thôn mới" làng xóm sạch đẹp. Thời gian tới đây mọi nhà đều phải trồng hoa ngoài cổng cho đẹp đường làng, ngõ xóm. Bé Lan sẽ nhờ bố mang chiếc chậu cảnh này để ở cổng nhà, hàng ngày em sẽ tự tay chăm sóc những cây hoa cúc này. Bé muốn quang cảnh nhà lúc nào cũng là mùa xuân, có hoa tươi đua nở... Mải suy nghĩ, cái chậu cảnh đã ngay ngắn từ lúc nào. Bé Lan chạy lại vòi nước, em dùng chiếc gáo nhựa hứng từng gáo tưới cho cây. Lòng ngập tràn niềm vui.
- Hai anh em đâu rồi, mở cổng cho bố mẹ.
Bé lan vừa nghe tiếng bố đã chạy ra mở cổng.
- Con chào bố mẹ!
- Ôi! Sao mặt mũi mồ hôi mồ kê, toàn đất thế kia?
Mẹ bé Lan vừa nói vừa đưa tay gỡ mấy chiếc lá vương trên tóc em. Bố cô bé không nói câu nào, dắt chiếc xe máy dựng phía góc sân. Cô bé tuy còn nhỏ nhưng rất thông minh, em hiểu sau đó thế nào bố mình cũng sẽ gọi anh hai để hỏi chuyện... Đúng vậy! Bố hắng giọng:
- Thành đâu rồi! Ra đây bố bảo? Tivi mở gì mà ầm ĩ vậy hả? Giờ là mấy giờ rồi?
Đang nằm nghêu ngao trên salon, bỗng nghe bố hỏi, cậu bật dậy như lò so phóng ra sân.
- Con chào bố! Mẹ đâu bố?
Vẻ mặt nghiêm nghị, ông vừa nhìn vào cậu con trai. Một tay chỉ về phía vòi nước phía góc sân, nơi mẹ cậu đang rửa chân tay cho bé Lan.
- Ở nhà xảy ra chuyện gì mà mặt mày em lấm lem, tay chân mẩn đỏ vậy?
- Dạ... con... con đâu biết.
- Con không biết hả? Vậy bố hỏi con trách nhiệm làm anh ở chỗ nào. Cha mẹ vắng nhà, con phải quan tâm tới em chứ…
Thành thấy có lỗi không dám trả lời bố. Cậu ta thầm nghĩ "Mới qua Tết thôi, chắc bố cũng bỏ qua chuyện. Chỉ vì em bé này hay nghịch ngợm nên mình bị mắng...". Lúc này bé Lan mới có dịp tíu tít khoe bố:
- Bố ơi! Con đã tưới cho chậu cúc rồi. Mai bố khiêng đặt ra cổng nhà ta cho đẹp nha bố.
- Chậu cúc nào hả con?
Ông bố vừa hỏi, vừa đưa tay giương cặp kính cận nhìn phía phòng khách, thấy trống trơn mới lên tiếng:
- Thế chậu cúc ở phòng khách đâu rồi?
Thành nhanh nhảu nói như sợ bé Lan tố giác:
- Bố ơi...con thấy muỗi cứ đốt con khi coi tivi. Con... con bỏ chậu hoa ra ngoài... vì… tại vì...!
Bé Lan tròn xoe mắt. Cô bé nghĩ thế nào anh hai cũng bị bố la, ngược lại bố nói với Thành rất nhẹ nhàng:
- Thôi được rồi! Con bỏ ra ngoài cũng phải. Chơi hoa trong mấy ngày Tết xong thì phải dọn dẹp cho nhà cửa sạch sẽ. Nhưng để hai bố con ta cùng làm, chậu cảnh nặng vậy mà…
Cô bé thấy bất bình. Tại sao bố lại có thể nói như vậy mà không trách anh hai chứ. Chính vì anh hai đã làm không đúng để mình phải vất vả. Anh hai đã ném chậu cảnh, làm nát những bông cúc. Bé Lan đến cạnh bố, bàn tay nhỏ nhắn của em vỗ khẽ vào vai bố. Bố kéo bé vào lòng cùng ngồi salon và âu yếm hỏi:
- Con có gì muốn hỏi bố? Mùng mấy, à thứ mấy tuần này con đi học? Cố gắng nhé, con sắp lên lớp bốn rồi đó!
Bé Lan phụng phịu. Mắt bé ngân ngấn:
- Bố ơi! Anh hai ném cái chậu cảnh làm những bông cúc dập nát đó. Anh hai phá hoại, con phải cho chậu ngồi dậy, con thương những bông hoa cúc còn đẹp mà bị vứt đi…
Lúc này bố bé Lan mới vỡ lẽ. Thì ra mặt mũi con bé, mồ hôi lấm lem là vậy. Cứ nghĩ bé nghịch ngợm...
***
Sau khi sinh được đứa con trai đầu. Cả gia đình mừng rỡ đặt tên cậu bé là Thành. Bố mẹ của cậu muộn màng về chuyện con cái. Lấy nhau sau năm năm mới sinh được cu cậu. Khi sinh nở lại khó khăn, đúng là "Sinh ngang đẻ ngược". Đến khi Thành học lớp ba, bố mẹ cậu mới sinh bé Lan. Cả nhà từ ông bà, bố mẹ, các cô bác, chú dì ai cũng cưng bé Lan như món đồ quý. Riêng Thành cũng rất yêu mến bé Lan nhưng hình như trong lòng cu cậu có chút trống trải hơn. Cái tên "Thành" của cậu không được "thiêng" như trước...
Sau cái xoa đầu cô con gái cưng là lời giải thích. Giọng bố bé Lan trầm ấm:
- Con à! Vậy mà bố đã hiểu lầm là chiều nay con nghịch bẩn. Dù gì thì sức con còn nhỏ, con không thể tự xoay cái chậu cảnh lớn đó. Con phải nhờ người lớn nghe chưa?
- Dạ. Nhưng bố à! Tại sao anh hai lại ném cái chậu cảnh và bông cúc đi như vậy. Anh hai đúng hay sai hả bố?
Cô bé vẫn ấm ức khi chưa thấy thỏa đáng với suy nghĩ. Cậu anh trai vừa liếc xéo sang đứa em, miệng mỉm cười, đầu gật gật theo chiếc tai nghe nhạc. Bỗng từ phòng ăn tiếng mẹ gọi:
- Bữa tối dọn ra rồi, mấy cha con có định ăn không đấy? Bé yêu của mẹ vẫn vòi vĩnh tranh luận gì với bố. Đi tắm nhanh còn ăn cơm.
Bé Lan khẽ "Dạ", lủi thủi rời lòng bố đứng lên. Ông bố nói với theo:
- Con yên tâm đi! Bố sẽ nói chuyện với con sau nhé...
***
Hôm nay là sáng chủ nhật. Bé Lan dậy muộn hơn thường ngày. Cô bé chưa kịp đánh răng, rửa mặt đã chạy ngay ra sau vườn. Bé Lan định bụng tưới vài gáo nước cho mấy cây hoa cúc còn sót lại trong chiếc chậu cảnh. Bé Lan nhìn thấy chiếc chậu không còn cây hoa cúc nào và nó được đặt ngay ngắn ở góc sân gần vôii nước. Cô bé chạy ra cổng nhìn thấy bố và anh hai đang nói chuyện về chậu cảnh. Cô lại vỗ vỗ vào lưng bố và chỉ về phía sân. Bố bé Lan hiểu ý. Ông cười tươi nói với cô con gái cưng:
- Thế này nhé con gái. Tới đây theo nhu cầu của cuộc sống. Bố sẽ là một cơ sở quay chậu cảnh cung cấp cho người dân. Đã có mấy cơ sở như trường học, ủy ban, mấy ngôi đình chùa đặt làm hợp đồng với bố. Trong đó có Hội sinh vật cảnh là đặt rất nhiều loại chậu cảnh to nhỏ, mẫu mã khác nhau. Anh của con sắp ra trường môn điêu khắc, mỹ thuật; cứ gọi là... tuyệt! Ôi!... Bố nói dài quá rồi, hì... hì…! Làm sao con gái hiểu được đây!
Bé Lan nheo mắt cười. Ông mặt trời như hiểu lòng của cô bé, nên hắt chút ánh nắng sớm mai vào khuôn mặt ngây thơ làm đôi má bé ửng hồng rạng rỡ. Nét sáng láng thông minh lộ rõ. Cô bé vẫn không quên cái đề tài tối hôm trước. Cô lại nũng nịu:
- Bố ơi! Còn chiếc chậu cảnh kia thì sao bố?
Như hiểu ý cô con gái, ông trả lời ngay:
- Bố sẽ gieo loại hoa bất tử vào chậu này để con chăm sóc. Ở đây gần vòi nước, con không phải vất vả. Loại hoa bất tử tượng trưng cho những người lính Bộ đội Cụ Hồ kiên cường bất khuất. Những bông cúc kia chỉ tồn tại thời gian ngắn sẽ lụi tàn. Mặc dù con tưới và chăm sóc hàng ngày.
Bé Lan cười lớn, cô nhảy cẫng lên dang tay ôm chầm vào chân bố và rối rít nói cười:
- Con cảm ơn bố! Bố yêu quý của con. Từ nay con sẽ có nhiệm vụ chăm sóc hoa bất tử. Khi nào có hoa nở đẹp con sẽ hái cắm vào bình hoa trên bàn của cô giáo ở lớp...
Mặt trời xiên tia nắng vào cửa sổ phòng ăn. Bữa điểm tâm buổi sáng nay như ngon hơn. Các món ăn dư âm của ngày Tết vẫn thơm nức qua sự chế biến từ bàn tay mẹ. Hai anh em vừa ăn vừa mỉm cười trìu mến, thân thiện. Tiếng bố lại trầm ấm như hòa tan vào những tia nắng xuân ấm áp:
- Các con ạ! Các con là tương lai của đất nước, phải làm người có ích cho xã hội. Ví như cái chậu cảnh, các loại hoa được trồng trong chậu quả là đẹp hơn. Ngay như dáng, thế của nó cũng được vào khuôn mẫu theo ý của con người. Vậy thì con người cũng tốt lên bởi giáo dục, rèn luyện... Muốn trở thành những nhân tài, các con phải tu dưỡng đạo đức trước tiên.
Ông vừa dứt lời cả hai anh em đều đồng thanh:
- Dạ. Con cảm ơn bố!
Ánh nắng xuân chan hòa, không khí phòng ăn như rộng thêm. Mẹ bé Lan âu yếm nhìn chồng và hai con với vẻ hài lòng pha chút hạnh phúc dâng tràn. Ngoài hiên, vài chú sẻ đồng gật gù nhặt nắng. Chú mèo mướp lim dim mắt, há miệng ngáp mấy cái rồi nằm sải chân, đàn sẻ vút lên cao... Những giọt sương đêm còn đọng lại lấp lánh trên dải phong lan treo trước hiên nhà. Mùa xuân sắp đi qua, nhưng trong lòng mỗi con người mùa xuân là bất tận.../.