Chuyện ông già trăm tuổi
VÕ ANH CƯƠNG
Nhân vật trung tâm của câu chuyện này là ông Năm. Ông Năm tên thật là Trần Trọng, người ta hay gọi ông là ông Năm Trọng để phân biệt với ông Năm Tần ở cùng ấp. Nhưng đó là chuyện ngày xưa, bây giờ hầu như không ai gọi ông là Năm Trọng vì ông về sống với người con út ở khu phố nhà giàu với tên gọi rất kêu là Phú Mỹ. Chỉ có mấy bà tạp vụ và mấy người bảo vệ khi nói chuyện với nhau về ông họ đều gọi là ông già đầu bạc. Họ không biết tên ông và chắc họ cũng không cần tìm hiểu làm gì. Tôi là một người quen của gia đình ông Năm và cũng quen luôn mấy người bảo vệ và tạp vụ ở khu biệt thự cao cấp bao bọc bởi bốn con đường tổng chiều dài hơn một cây số.
***
Hôm nay sinh nhật ông Năm hay ông già đầu bạc, ngày sinh của ông không rõ lắm nên ông chọn một ngày trong tháng năm làm ngày sinh của mình. Ông nói với ông Chức: “Nếu các con muốn làm sinh nhật cho ba thì ba chọn ngày chủ nhật sau sinh nhật của Bác”.
Ông Chức hơi ngớ một chút nhưng hiểu ý cha mình, ông nói: “Ba chọn ngày nào cũng được, ngày đó con mời một số bạn bè, đối tác làm ăn được không ba?”. Ông Năm mỉm cười: “Con biết là ba sẽ không dự tiệc con đãi bạn bè mà, để ba hủ hỉ với con bé Cà Rốt”. Cà Rốt là cháu cố của ông Năm.
Thật sự ông Chức không ái ngại gì về điều này, sự có mặt của ông già không quan trọng bằng cái cớ để ông gặp mặt các chiến hữu làm ăn. Ông già Năm có xuất hiện chăng nữa thì cũng sẽ bị đám đông quên ngay sau tiếng cụng ly. Quả nhiên sự việc diễn ra trong ngôi biệt thự có chục bàn tiệc quanh hồ bơi y như vậy. Rượu Tây từ trong hầm được mang ra rót vào ly, mỗi chai có giá vài chục triệu nhưng xem ra thực khách thờ ơ với ly rượu óng vàng.
Ông Chức như hiểu “chiến hữu” nên ông tự mình vào hầm rượu chiết mấy chai rượu đặc biệt. Tôi biết cái hầm rượu này vì được vào đó một lần. Hôm ấy không biết sao tôi bị đau lưng, đi, đứng, nằm, ngồi gì cũng đau, nhưng mà nghe tin ông Năm bị bệnh nên tôi đến thăm. Người già mà, đâu biết lần gặp nào là lần gặp cuối cùng cơ chứ? Thấy tôi nhăn nhó, ông Chức hỏi “chú bị cái gì vậy?”. Khi biết tôi đang đau lưng, ông Chức kéo tôi vào hầm rượu “vô đây, tôi rót cho chú một ly rượu cao hổ cốt, bảo đảm chú uống xong ngày mai khỏe re cho coi”. Vui miệng ông Chức nói tiếp: “Cái này là hổ thật, người bạn thân của tôi chuyên nấu cao hổ cho các anh ngoài Trung ương để lại, nó kiểm từng cái xương hổ không thiếu một cái khớp nhỏ mới nấu cùng với nửa bộ xương ngựa bạch trong chừng tuần lễ mới thành”. Thấy tôi ngạc nhiên, ông Chức cười to nói tiếp: “Lúc sắp tới cao, thằng bạn tôi vớt bọt nói với đám giám sát rằng làm thế cho cao nó trong chứ thật ra cái này là tinh tuý nhất đấy”.
Hình như thấy tôi cũng chưa thông, ông Chức mới tiếp: “Thì họ cũng là con người thôi, no cơm thì rửng mỡ mà, khà khà...”.
Quả nhiên thứ tinh tuý hiệu quả thật (đó là đánh giá của tôi vào hôm sau), lúc đó mắt tôi nhìn thoáng qua kho rượu, rắn đủ cả tay gấu… Tôi chỉ tay vào một bình rõ to hỏi, ông Chức nháy mắt “phân của tê giác rừng Cát Tiên đấy, bổ cực kỳ!”.
Tối nay tôi thấy ông Chức hai tay hai chai kho rượu, tôi đoán chắc ổng cho đám chiến hữu uống thứ con tê giác kia chắc? Không ai trả lời tôi, tất nhiên là vậy. Đang tần ngần, một người giúp việc tới bên tôi nói nhỏ: “Ông cho mời chú lên phòng ông”, nói xong cô gái bỏ đi làm việc tiếp.
Tôi lên lầu mắt vẫn dõi theo cánh cửa hầm rượu, ông Chức từ trong ấy đi ra với hai chai rượu ngâm từ thứ phân con tê giác, chắc là con tê giác cuối cùng ở rừng Cát Tiên.
Ông Chức hỏi tôi: “Ông cụ sao vậy cậu?”. Tôi nhìn thẳng vào mắt Chức: “Có lẽ anh hay ai đó làm cho bác Năm buồn?”. Mắt ông Chức ánh lên một nét ngạc nhiên. “Trong nhà không có ai làm phật ý cụ cả, mà nè cậu, cậu nói thật đi tối qua ông già nói gì với cậu vậy?”. Ông Chức này lạ lắm, lúc gọi tôi bằng chú (em), lúc khác lại kêu bằng cậu (em vợ), tôi ban đầu hơi lạ nhưng giờ quen rồi.
Tôi kể cho ông Chức nghe chuyện lúc ông Năm gọi tôi lên phòng nói chuyện. Nghe xong ông Chức dường như suy tư một chút, sau đó quay lại trách tôi: “Chuyện lớn như vậy mà hôm nay cậu mới nói, sao hồi tối cậu không gọi tôi?”. “Tôi thấy anh đang tiếp khách... mà lại khách làm ăn!”. “Cậu nói cũng phải..., thôi để tôi tính!”.
Ông Chức tính kiểu gì mà tôi phải... nghỉ việc. Ban đầu tôi sốc khi nghe Mạnh gọi tôi vô phòng: “Từ hôm nay chú khỏi phải đến công ty nữa”. Tôi tái mặt giận dữ xổ liền: “Tôi làm gì mà giám đốc đuổi tôi?”. Tim tôi đập thình thịch, huyết áp tăng, mặt đỏ, tay run. “Bình tĩnh chú, cháu đã nói hết đâu”. Đuổi việc, ừ thì hắn có quyền, nhưng không có chuyện hễ muốn đuổi là đuổi nghen... phạm luật thì ta sẽ kiện hắn ra toà! Một cái nhói đau từ trong não, ra tòa... ra toà... nén bạc đâm toạc tờ giấy, mình sao đấu lại hắn? Vậy thì chỉ còn cách bắt hắn thỏa thuận khoản tiền bồi thường hợp đồng? Nhưng tóm lại là phải vất vả kiếm một chỗ làm khác... sống qua ngày.
Tay giám đốc rót một ly nước đẩy về phía tôi: “Chú uống đi rồi nghe tôi nói, chưa gì mà đã làm ầm ĩ lên rồi”. Là sao?
Là tôi vẫn là đội trưởng của công ty, đầu giờ sáng và đầu giờ chiều xách xe chạy “lòng vòng” mấy chốt bảo vệ, kiểm tra bộ phận kỹ thuật rồi về nhà ông Chức để hầu chuyện ông Năm. Tất nhiên ông Chức ra tay can thiệp chuyện này, tôi không thoải mái lắm nhưng nể ông Chức và thương ông Năm nên đành phải chịu.
Cũng chỉ vì đêm đó ông Năm nói với tôi: “Tôi sắp chết rồi chỉ lo là cái nhà này vắng tôi sẽ ra sao?”. Mắt ông ánh lên một tia là lạ: “Nhiều khi chết phứt đi cho rồi mà khỏe ha...”. Không biết ông nói với tôi hay với chính mình?
***
Ông Năm nói “tôi mà chết đi chỉ lo cho thằng Sửu”. Sửu là cháu nội ông Năm, con trưởng ông Chức đang giữ một chức vụ to to ở thành phố này. Tôi không hiểu ý ông Năm: “Bác lo làm gì cho mệt dù sao cậu Sửu cũng làm tới giám đốc… rồi phải biết tính đường đi nước bước chứ?”. Tôi nghĩ đây chỉ là khúc dạo đầu, quả đúng như vậy thật.
Ông Năm nhìn tôi, đôi mắt ông già nua nhưng xem ra vẫn còn tinh anh lắm. Đó là nhận xét trong đầu tôi, tôi không nói thành lời vì ngay lúc đó ông Năm nói tiếp: “Cháu biết vì sao tôi đặt tên cho nó là Sửu không?”. Cái vụ này thì tôi chịu, phàm thiên hạ hay lấy năm sinh đặt tên, nhưng cháu nội ông Năm có tên cúng cơm rất kêu mà.... “Là để nó phải làm như con trâu kéo cày thì mới không thiệt thân”. Ông Năm thở ra: “Ai dè cha nó không nghĩ vậy, gài thế cho nó vô quan lộ”. Thoáng một chút trầm tư ông Năm nói tiếp: “Âu cũng là định mệnh, năm nay nó đụng Thái Tuế!”. Tôi nghe giống như giữa trời quang mà nổi sấm.
“Tôi biết chút Dịch lý... không tránh được... không tránh được”.
“Không tránh được cái gì hả bác?”, tôi hỏi. Ông Năm khoát tay có vẻ không vui, tôi ngại không hỏi tới.
Không biết nghĩ sao lát sau ông nói: “Một đời đi theo cách mạng của tôi, sai lầm lớn nhất là không ngăn được thằng Chức cho thằng Trường Giang vô con đường làm quan... Ban đầu tôi nghĩ thôi thì nó làm chuyên môn cũng được, ai dè người ta dòm thấy lý lịch nên quy hoạch nó. Tôi biết thằng này học hành chỉ làng nhàng chẳng giỏi giang gì nhưng mưu mẹo thì đầy bụng, làm quan mà chỉ vụ lợi cho bản thân mình thì là họa cho dân”.
Ông Năm nói dông dài, thật sự tôi không hiểu lắm. Một cảnh lạ huơ lạ hoắc với tôi, tôi làm dân cũng... không xong thì làm sao hiểu đặng?
Dịch? Cái này thì tôi càng chịu!
***
Chắc cái vụ gì ghê gớm lắm mới khiến ông Năm nói với tôi rằng ông sắp chết và “thôi thì chết phứt cho rồi”. Dân Quảng nói chữ phứt nghĩa là cùng lắm rồi, không còn gì để nói nữa. Chán, không muốn sống nữa chăng? Không hỏi tôi nhưng dường như ông Năm hiểu điều tôi nghĩ: “Tôi sống đã trăm tuổi, thăng trầm đủ cả giờ có chết cũng chẳng tiếc nuối gì”. Thấy tôi im lặng, ông nói tiếp: “Cuộc đời vô thường, ngày mai nếu cái nhà này trở về số zero tôi cũng chẳng ngạc nhiên”. Thấy tôi vẫn im ông già nói tiếp: “Tôi buồn lắm, nhiều khi tôi tự hỏi sao thằng Sửu làm giám đốc mà giàu vậy, vợ nó ở nhà, thằng con học ở Mỹ, vậy mà..., hồi thời của tôi đâu có chuyện đó?”.
Thật sự tôi không biết phải nói làm sao cho ông Năm hiểu nữa, mà nghĩ cũng đúng, tôi thua ông già mấy chục tuổi, còn làm việc nghĩa là vẫn người đương thời mà cũng không hiểu được thì ông Năm sao hiểu chứ? Tôi đánh trống lãng cho nó lành nhưng trong bụng vẫn còn lăn tăn lắm. Vì vậy tôi nói hết mấy ý nghĩ rời với ông Chức.
Ông Chức dường như suy nghĩ lung lắm.
***
Ba người trên một chiếc xe Carnival. Tôi cầm lái, ông Chức ngồi ghế bên cạnh còn ông già Năm nằm trọn băng ghế giữa. Trước khi lên xe, ông Chức nói: “Chú cứ chạy từ từ thôi để ông già khỏi mệt”. Ừ từ từ thì từ từ, xoay chuyển cái xe to đùng giữa dòng xe cộ ken dày cũng mệt bở hơi tai.
Ai ngờ ra khỏi đường cao tốc thấy tôi cứ cà rịch cà tang, ông Năm nói: “Thằng Cành mày chạy như lúc nãy được không, sao cứ đủng đỉnh vậy thì chừng nào đến?”. Tôi nhìn ông Chức, ông Chức cũng nhìn tôi, cuối cùng ông Chức nói nhỏ: “Thôi chú chạy nhanh nhanh chút đi, chắc ông già sốt ruột”. Ai dè ông Năm nghe được, ổng nói: “Thằng Chức nói đúng đó ba đang sốt ruột”.
Ông Chức nhìn tôi, tôi nhìn ông Chức.
Ông Năm ngồi lên từ hồi nào, tôi nghe giọng ông vui lắm: “Mười mấy năm rồi bác mới được về Đà Lạt, chắc chuyến đi này là lần cuối rồi, cháu nhất định chở bác lên Cây số sáu”. Tôi không biết Cây số sáu ở đâu nhưng nghĩ bụng ông già muốn đi đâu mình chở tới. Ông Chức nói: “Ba ơi người cùng thời với ba chết hết cả rồi, lên đó không ai nhận ra ba đâu”. “Biết vậy nhưng ba muốn lên chỗ ngày xưa ba đi thoát ly”. “Chắc ba cũng không nhận ra đâu, bảy tám chục năm rồi còn gì”. “Ừ... thì dâu bể, có cái gì là vĩnh viễn đâu hả con?”.
Đà Lạt đẹp quá, tôi lái xe chạy như trong mơ. Không, như chạy ở thiên đường. Người ta đang tổ chức Festival Hoa, nghe đâu lần này kéo dài tới hai tháng.
Theo yêu cầu của ông Năm, tôi cho xe chạy quanh hồ Xuân Hương. Một cái hồ tuyệt đẹp. Đến một ngã ba ông Năm nói: “Cành, cháu chạy lên đường Đinh Tiên Hoàng đi”. Ông Chức bảo: “Cậu quẹo phải”. Dường như ông già trăm tuổi đang bồi hồi vì một kỷ niệm nào đó thì phải.
Ngã ba Cây số sáu mà ông Năm cần đến là một... ngã năm hoành tráng. Ở giữa là một bùng binh người ta trồng một đám cây gì đó. Ông Năm nói: “Cháu chạy lên trên đường này... đúng rồi, chạy chậm chậm để bác nhìn một chút”. Tôi thì đang khoái xuống phố xem hoa trồng hai bên đường nhưng ơ kìa, ở đây nhà nào cũng trồng hoa. Nếu được ở Đà Lạt, tôi ở liền.
***
Sau chuyến đi sức khỏe ông Năm tốt lên, tôi hàng ngày hầu chuyện ông, nghe ông kể nhiều chuyện lý thú liên quan đến những điểm ông đến thăm trong một tuần ở Đà Lạt. Có điều ông thắc mắc rằng sao thằng Sửu không thăm ông, tôi thường nín thinh rồi lãng qua chuyện khác. Cái tivi trong phòng khách to đùng cũng được ông Chức mang đi nói rằng đi sửa. Sửu bị bắt vì liên quan đến một vụ án thiếu trách nhiệm làm thiệt hại tài sản Nhà nước đến hàng trăm tỷ, tôi đọc báo biết vậy.
Ai cũng biết chỉ ông Năm không biết, ai cũng muốn để ông sống vui những ngày còn lại. Có điều cuối cùng ông cũng biết chuyện thằng cháu nội vô lò nhưng ông không chết hay suy sụp như mọi người lo sợ, ông hơi buồn một chút rồi nói với tôi: “Đã làm thì phải chịu trách nhiệm việc mình làm, luật nhân quả không chừa ai đâu cháu ơi”.
Tôi cũng tin điều đó./.