Cờ hoa trong nắng thu vàng
Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY (Cần Thơ)
“Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào/ Sao vàng mọc muôn sao vàng tung cánh/ Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy/ Là những dòng sông đỏ sóng cờ/ Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại…”
Mỗi lần nghe ca khúc ấy vang lên trên radio hay trên tivi - bài hát Ba Đình nắng của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, phổ thơ Vũ Hoàng Địch, tôi lại thấy mình như đang sống về những năm tháng trước. Vào những ngày mùa thu Tháng Tám, những đoàn người ngập tràn trước và xung quanh Nhà hát Lớn (Hà Nội), cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Tôi thấy mình đang đi trong khung cảnh rộn rã của cuộc mít tinh năm xưa, đi trong tiếng nói cười của bao người và rồi đứng nghiêm trang, im lặng khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập với giọng điệu hào sảng, đầy kiêu hãnh:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy…”.
***
Tôi hẹn Sơn ở Thủy Mộc - một quán cà phê nhỏ nằm ở cuối con đường Hoa Sữa, Sài Gòn. Tôi vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn, mỗi buổi sáng tôi thường chạy thể dục ở công viên gần nhà, tập dưỡng sinh để rèn luyện sức khỏe. Sơn không tập được, ông ấy đi chân giả, mỗi khi hẹn uống cà phê hàn huyên chuyện cũ hay họp cựu chiến binh - những người đã từng xông pha và cuộc kháng chiến máu lửa của toàn dân tộc, nay còn lại không bao nhiêu - Sơn thường nhờ đứa cháu chở đến. Tôi hấp háy cặp mắt, nhìn rõ cái dáng thập thững từ phía cửa đi vào, tôi biết Sơn đã đến. Tôi đứng dậy chào Sơn, nghiêm trang và chỉn chu, như cách chào của những người trong quân ngũ.
- Đồng chí đến lâu chưa? - Sơn hỏi.
- Sau khi chạy bộ. - Tôi đáp gọn. - Lại nhờ đứa cháu làm “tài xế” nữa à?
Sơn cười khì, gật đầu. Chỗ khớp nối giữa chân giả và chân thật của đồng chí ấy vẫn thường đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Tính Sơn vẫn trầm lặng như trước, không sôi nổi như tôi và đồng đội, nói đúng hơn, ông ấy sống nội tâm.
Những ngày này, khi gió se hơn và không gian bắt đầu thoảng hương hoa sữa, tôi lại đau đáu nhớ về Hà Nội. Trước khi về Sài Gòn, tôi và Sơn sống tại thủ đô - mảnh đất đã và đang là ước mơ của bao người. Vào Nam, chúng tôi vẫn giữ trọn tình yêu dành cho Hà Nội, không phải vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, mà nơi ấy hằn in những năm tháng chúng tôi sống và chiến đấu vì Tổ quốc, không tiếc máu xương mình vì độc lập, tự do. Nơi ấy, chúng tôi từ trong khói lửa tiến đến mít tinh, tiến về Quảng trường Ba Đình ngày thu ươm nắng. Tôi nhớ khoảnh khắc Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, tôi đã bấm chặt tay Sơn. Nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu vì sao thời tôi và Sơn mười tám, mười chín lại nhiệt huyết và dũng cảm đến thế!
- Ông có định về thăm Hà Nội không, Sơn? - Tôi hỏi.
- Ước nguyện của tôi bây giờ là về thủ đô đấy! Chúng mình đã già cả rồi, không biết lúc nào sẽ về cùng cát bụi. Tôi muốn được nhìn thủ đô thêm lần nữa.
Từ khi vợ Sơn qua đời, ông thui thủi, buồn tẻ. Nhiều lần Sơn tâm sự với tôi về gia đình, con cái ông mỗi đứa mỗi công việc khác nhau, đi từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về để ăn bữa cơm nhà. Ông thân nhất với đứa cháu. Ông kể cho nó nghe bao việc, từ chuyện chiến tranh cho đến chuyện thời bình, về quê hương, đất nước. Những câu chuyện đó có lẽ không đủ sức hấp dẫn đứa con trai chuyên ngành lập trình, IT. Nhưng nó vẫn lắng nghe. Sơn nói: “Đó là lịch sử hào hùng của dân tộc”.
Mùa thu này, tôi muốn trở về Hà Nội. Chúng tôi không thể tự đi, nhất là Sơn với cái chân khập khiễng. Giờ ra Hà Nội không khó như hồi đất nước mới thống nhất, ngồi máy bay vài giờ là đến. Chúng tôi cũng được Nhà nước quan tâm nên chuyện kinh phí không phải là điều đáng lo. Nhưng Hà Nội vẫn còn là một giấc mơ xa xỉ. Tôi nhớ lại, đã mười năm mình chưa trở về thủ đô. Song những yêu dấu thủ đô vẫn cứ sống mãnh liệt trong tim tôi.
- Tôi có nói với đứa con chuyện tôi muốn ra thăm thủ đô, nó bảo đến khi nó sắp xếp công việc ổn thỏa nó sẽ đưa tôi ra đó. Mà, đồng chí ơi! - Sơn nói tiếp, thoảng chúng tôi vẫn gọi nhau là “đồng chí” như hồi còn cầm chắc tay súng. - Bọn trẻ tham công tiếc việc, biết bao giờ mới rảnh rỗi đây.
- Tôi hiểu đồng chí! Người già chúng mình thường cô đơn. Đôi khi chỉ ước ao giá mà mình được sống lại cái thời trẻ trung, nhiệt huyết ấy. Lúc đó mình chỉ biết trong tim mình là đất nước, là Mẹ Việt Nam thôi!
Chúng tôi ngồi ngẫm ngợi. Tách cà phê đã vơi dần. Hoa sữa vẫn còn thoang thoảng đâu đó trong không gian. Ở phương Nam không có mùa thu như đất Bắc, có chăng thì tín hiệu báo thu về chỉ là gió mát, trời trong, hoa sữa nồng nàn ở vài con đường trong thành phố và những loại hoa trái từ miền Bắc vận chuyển vào khiến tôi nhớ đau đáu một Hà Nội xa xôi, thủ đô yêu dấu. Cũng như Sơn, tôi muốn ra Hà Nội để thăm lăng Bác, thăm Quảng trường Ba Đình nơi chúng tôi từng xúc động khi nghe Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập. Cũng chính tại nơi này, ngay trong ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, tôi đã gặp người nữ Thanh niên xung phong có cài bông hoa trắng nhỏ trên mái tóc, nón tai bèo kéo ngược ra sau lưng và hai bím tóc choàng dài qua hai bên vai, trông rất duyên dáng. Chúng tôi gặp nhau, tưởng rằng khói lửa chiến tranh sẽ chia ly dang dở. Chúng tôi lên đường đi chiến đấu. Chúng tôi đã cùng nhau mang yêu thương qua cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ác liệt của dân tộc. Tình yêu chúng tôi được bom đạn quân thù thử thách, vì thế chúng tôi càng trân trọng nhau hơn. Chúng tôi đã thành một đôi. Khoảnh khắc đó, tôi biết mình đã hòa tình yêu lứa đôi riêng tư vào tình yêu đất nước mênh mông, cao rộng.
Người phụ nữ đó đã sống cùng tôi đến tận bây giờ, hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi là nhìn thấy niềm hạnh phúc vô bờ của dân tộc.
***
Tôi nói với Thanh: “Bố mẹ muốn về thăm Hà Nội”. Không rời mắt khỏi màn hình laptop, Thanh nói:
- Con không yên tâm khi để bố mẹ đi một mình. Đợi xong dự án này, con sẽ dẫn bố mẹ ra Hà Nội, ở đó hẳn nửa tháng để bố mẹ có dịp thăm lại đồng đội cũ, đến những nơi bố mẹ muốn đến.
Tôi gật đầu, và trông đợi một chuyến về thăm Hà Nội. Đồng đội tôi - những người còn sống không nhiều, bao người đã về thế giới bên kia và may mắn khi kịp nhìn đất nước đổi mới. Hà Nội - trong tim tôi, vợ tôi và cả đồng chí Sơn - là một vùng trời ký ức tuổi thơ, nơi có tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, là nguồn cội, yêu thương.
Hình như Thanh đã quên mất lời hứa với tôi. Dự án xong, những chuyến đi liên tục mở ra, nay trong nước, mai ngoài nước. Vợ chồng tôi luẩn quẩn trong nhà, trong bếp, ở khu vườn nhỏ có trồng đầy hoa dạ hương thảo, một ít hồng, cúc và vài chậu kiểng bonsai tôi uốn nắn mỗi ngày. Chúng tôi không nói gì thêm về lời hứa mà Thanh chưa thực hiện được. Tôi biết rằng thời mà tôi còn trẻ với thời mà Thanh đang sống khác nhau hoàn toàn. Thanh (và thế hệ thanh niên trẻ) ít nhiều bị cuốn vào vòng xoay công việc, danh vọng, lao đao và nỗ lực đi tìm vị trí cho riêng mình. Bởi vậy Thanh đã quên mất lời hứa với tôi.
Trong căn phòng của tôi có hẳn một góc lưu giữ những kỷ niệm một thời “chúng tôi đã đi không tiếc đời mình”. Huân chương, quân phục, mũ, những bức thư tay, vài vỏ đạn… được tôi đặt lên cẩn thận, hằng ngày vợ tôi lau lau dọn dọn, đó là góc nhỏ hồi ức của chúng tôi để mỗi khi đứng tần ngần một hồi lâu trước chiếc tủ gỗ đó, tôi lại bồi hồi. Chiến tranh là điều không ai mong muốn, nhưng những ký ức mà tôi, đồng đội tôi, thế hệ tôi đã có thì không dễ gì mờ phai. Trong một phần ký ức của tôi có bóng hình vợ tôi, đồng đội, và Hà Nội mà tôi yêu mến.
***
“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Bao lần tiễn con đi, bao lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng yên…”
Giai điệu trầm hùng ấy bỗng chốc vang lên trong không gian quán Thủy Mộc khiến tôi và Sơn bỗng dưng nghẹn lại, không nói được nên lời. Chúng tôi thả mình theo từng ca từ, giai điệu, bỗng thấy tim mình dâng lên niềm tự hào. Đó là bài hát Đất nước tôi của Phạm Minh Tuấn - phổ từ bài thơ xúc động của Tạ Hữu Yên.
Tôi không nói thêm gì với Sơn, nhưng tôi biết đồng chí ấy (và cả tôi nữa) đang sống về một thời huy hoàng trước đó, khi chúng tôi ở Hà Nội. Hà Nội bốn mùa hoa, với bao sự kiện trọng đại mà có lẽ tôi nhớ nhất là ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay Nhân dân; ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trước Quảng trường Ba Đình, thay mặt cho Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khai sinh ra nước Việt Nam mới. Đó là ngày hội lớn của toàn dân tộc.
- Những ngày này, chắc Hà Nội rộn ràng cờ hoa, nhạc cách mạng vang lên trên những ngả đường, đồng chí Sơn nhỉ?
- Vâng! Giá chúng mình đang ở đấy, cùng với những đồng đội cũ, chúng mình sẽ cùng đi khắp các ngõ ngách Hà thành. Năm xưa chiến chinh chúng mình vẫn đi khắp đất nước đó thôi…
Nỗi xúc động khiến mặt Sơn đỏ ửng. Người cựu chiến binh ấy, qua bao năm vẫn giữ riêng cho mình sự trầm lặng, hướng nội nhưng đầy tình cảm. Trong sự trầm lặng đó có bóng hình của đất nước. Sơn, tôi và vợ tôi, và những cựu chiến binh khác không thể nào quên đi những năm tháng hào hùng đã qua. Những năm tháng đã thách thức chí can trường của chúng tôi, để đến thời điểm hiện tại, khi chúng tôi sắp sửa ngã vào lòng đất mẹ bao dung, chúng tôi có thể tự hào nói câu mà Ostrovsky đã từng viết trong quyển sách “gối đầu giường” của thế hệ thanh thiếu niên chúng tôi khi ấy: “Đời người chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…”.
Tuổi trẻ chúng tôi đã sống vì đất nước.
***
Thanh muốn đưa tôi và vợ tôi về Hà Nội. Tôi lắc đầu bảo Thanh cứ lo công việc ở thành phố, bởi vì giờ đây, chúng tôi - Hội Cựu chiến binh - đã quyết định về thăm thủ đô ngàn năm dấu yêu, giữa mùa thu này gợi về mùa thu lịch sử.
Hà Nội vào thu đẹp như một giấc mơ.
Trong chuyến đi có tôi, vợ tôi, đồng chí Sơn và nhiều nhiều đồng chí khác nữa. Trên chuyến xe đong đầy ý nghĩa ấy, chúng tôi đã cùng hát những khúc hát vang vang trên ngả đường ra trận năm nào. “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/ Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về/ Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết chớ lui”…
Đi trong nắng thu vàng, giữa ngày Hà Nội cờ hoa rực rỡ, tôi thấy tim mình trẻ lại, tựa hồ như đang đi trong Hà Nội của những ngày sau Cách mạng Tháng Tám, ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Khoảnh khắc đó, không gian nồng nàn hương hoa sữa, hương sen cuối mùa ngan ngát tỏa ra từ những chiếc xe chở hoa đi dọc dài trên phố… Và thấy nụ cười hiện trên đôi môi của cô Thanh niên xung phong đang đi bên cạnh tôi./.