Cuộc hội ngộ trong mơ
DUY LƯU
Trên chuyến bay có đoàn văn nghệ sĩ tham gia Trại sáng tác Đại Lải ồn ào không ngớt. Lâu lắm rồi, đoàn văn nghệ sĩ miền Nam mới có dịp đi thực tế sáng tác tại miền Bắc nên ai nấy rất háo hức, riêng ông Bắc nét mặt luôn ưu tư. Ông chỉ mong sớm có mặt tại Vĩnh Phúc để tìm đến gia đình người đại đội trưởng của mình, thắp cho anh một nén nhang như ước nguyện cuối cùng của anh ấy khi cận kề cái chết. Gần nửa thế kỷ đã đi qua, nhiều lần ông lên lịch cho chuyến đi Vĩnh Phúc nhưng mọi tính toán cứ thay đổi, ông vẫn chưa thể thực hiện. Bước vào cái tuổi gần đất xa trời, tự hứa với lòng sẽ quyết tâm đi một chuyến nếu không sẽ không còn cơ hội bởi tuổi tác. Thời gian không chờ ông nữa, bước chân của ông đã chậm, đầu óc khi nhớ khi quên, vượt hai ngàn cây số một mình là chuyện không dễ. Thế rồi niềm vui bất chợt đến. Ngày cầm giấy mời đi dự Trại sáng tác phía Bắc, ông như trẻ lại, thấp thỏm chờ tới ngày lên đường. Mở chiếc rương cũ, ngắm tấm hình đen trắng của đại đội trưởng đã vàng ố theo thời gian, nỗi day dứt lại dâng đầy, miệng ông thì thầm: “Anh ơi, em sẽ về với anh”...
***
Chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài được xe đón ngay về Nhà sáng tác Đải Lải. Nhận phòng xong, ông vội rời Nhà sáng tác, kêu chiếc xe ôm… Hơn tiếng đồng hồ sau, chiếc xe ôm đã dừng ở nơi ông cần đến. Gần năm mươi năm trôi qua, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt. Bước xuống xe, ông ngơ ngác nhìn những bảng hiệu công ty ken dày san sát, cái xóm nghèo ngày nào lưa thưa hơn chục nóc nhà vách đất, mái tranh như lời thủ trưởng hay kể đã biến mất không dấu vết. Đứng sững sờ, miệng ông lẩm bẩm: “Anh ơi, nay mới có dịp về với anh… vậy mà…! Hơn nửa đời người rồi, thay đổi nhiều quá, biết tìm nhà anh ở đâu!” Khuôn mặt đầy thất vọng, đôi mắt rưng rưng, ông nói với người xe ôm: “Cậu đưa tớ về lại Nhà sáng tác”!
Cả đêm ấy ông không sao chợp mắt...
Bước vào buổi lễ khai mạc trại, đầu óc ông như đi trên mây, hình ảnh đại đội trưởng đánh cản đường tụi Pol Pot cho ông rút chạy khi khắp người anh đầy vết thương. Những lời cuối cùng của anh cứ âm âm trong đầu: “Tớ sẽ chặn địch, hai cậu mau thoát khỏi đây. Tớ lạnh lắm rồi… không sống được đâu! Đi mau đi. Đây là mệnh lệnh, hãy chấp hành. Sau này đứa nào còn sống, có dịp về quê tớ, hãy thắp cho tớ nén nhang…!”. Nghĩ tới đó, mắt ông cay xè, hai dòng nước lăn dài xuống khuôn mặt khắc khổ.
Buổi lễ khai mạc kết thúc, bỏ bữa trưa, cầm theo chiếc máy ảnh, ông lang thang xuống hồ Đại Lải. Đứng bên hồ giữa mây trời xanh thẳm trong chiều vàng lãng đãng gió heo may, chiếc máy ảnh thi thoảng lại lóe sáng. Tay vừa bấm máy, người bỗng nổi da gà, linh tính như mách bảo điều gì. Phóng to tấm hình vừa chụp, căng mắt nhìn kỹ khuôn mặt người đàn ông tóc bạc trắng vô tình lọt vào khuôn hình. Với góc máy chụp nghiêng, ông thấy rõ vết sẹo lớn từ mí mắt chạy qua tai, chiếc vành tai chỉ còn phân nửa phía dưới. Nhìn kỹ khuôn mặt người đàn ông trong hình, ông tự hỏi - Chiếc vành tai bị mảnh pháo cắt mất phần trên không thể lẫn với ai, liệu có đúng…?
Bước vội tới nơi người đàn ông ngồi đọc sách bên bờ hồ, nhìn kỹ chiếc vành tai bị mất, giọng ông thảng thốt: “Có phải thủ trưởng Kiên”? Người đàn ông nhìn ông Bắc chằm chằm:
- Cậu vừa hỏi tớ?
- Đúng là thủ trưởng rồi! - Ông Bắc hét to: - Bắc, trinh sát Đại đội Ba, Tiểu đoàn Một đây.
Người đàn ông giật mình, cuốn sách trên tay rớt xuống, ông run run đứng dậy, nhướng cặp lông mày bạc trắng nhìn ông Bắc không chớp rồi reo lên:
- Đúng là cậu rồi! Cái mũi hếch, tớ không bao giờ quên. Cậu còn sống? Trời ơi! Tớ cứ nghĩ trận đánh hôm ấy chỉ còn tớ với thằng Thành!
Hai người ôm chầm lấy nhau, nước mắt tràn trên khuôn mặt rạng rỡ.
- Bữa qua em tìm về nhà của thủ trưởng, tính thắp nhang cho anh đấy haha, - giọng ông Bắc đầy xúc động, - em cứ nghĩ thủ trưởng đã…!
- Cậu nghĩ tớ ngỏm củ tỏi rồi chứ gì?
- Đúng vậy thủ trưởng! Cái địa chỉ nơi gia đình thủ trưởng sinh sống mà thủ trưởng hay kể cho tụi em nghe, em nhớ như in trong đầu, giờ nó biến mất không dấu vết, em đã rất buồn và thất vọng… ai ngờ!
- Cậu tìm về nhà cũ của tớ? Rõ khổ, tớ chuyển nhà về đây hơn hai chục năm rồi. Mà thôi, chuyện dài lắm, giờ về nhà tớ đã.
- Em đang ở Nhà sáng tác Đại Lải, để em xin phép trưởng đoàn.
- Cậu trở thành dân văn nghệ sĩ từ khi nào vậy?
- Dạ, cũng hơn chục năm rồi thủ trưởng.
- Giỏi. Giỏi lắm. Này nhé, cái việc sáng tác của cậu, muốn viết gì, nói gì về vùng đất Vĩnh Phúc, tớ cung cấp tư liệu cho. Hiểu sâu về văn hóa, con người Vĩnh Phúc phải là người gốc Vĩnh Phúc như tớ. Vĩnh Phúc của tớ có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Làng hoa Mê Linh, Vườn cò Hải Lựu, hồ Xạ Hương cùng những điểm du lịch tâm linh như đền Mẫu Bà Chúa Thượng Ngàn, nhà thờ đá… có khối thứ để cậu viết.
***
Chiếc chiếu trải giữa nhà, món nhậu bày ra. Cầm chai rượu “cuốc lủi” nút lá chuối, giọng ông Kiên rổn rảng:
- Loại rượu chưng cất từ gạo nếp quýt giờ hiếm lắm, ai cũng ba ba, heniken, tớ thì vẫn chung thủy với cái khoản cuốc lủi hạ thổ trăm ngày trong chum sành, uống vô tới đâu tê người tới đó...
Nhìn hai người đàn ông rạng rỡ líu ríu hàn huyên, bà Hiền - vợ ông Kiên tủm tỉm cười, lấy vạt áo chậm nước mắt rồi góp thêm câu chuyện:
- Ông nhà tôi hay kể về chú Bắc, rằng chú là con trai duy nhất của gia đình vẫn tình nguyện nhập ngũ. Khi chiến đấu thì không sợ gian khổ hy sinh, trong những trận đánh ác liệt chú luôn là người đầu tiên lao lên phía trước nên ông nhà tôi rất khâm phục, thương và quý chú. Rõ khổ… cứ đinh ninh chú đã hy sinh nên ngày rằm, mùng một, ông ấy lại thắp nhang, cầu mong tìm được phần mộ của chú…
Câu chuyện của hai người lính già không ngừng, ký ức kéo họ về Cánh đồng chết, nơi diễn ra trận đánh giữa tổ trinh sát với bọn Pol Pot hôm ấy.
Đó là một đêm cuối tháng mười hai, tổ trinh sát gồm tám chiến sĩ do Đại đội trưởng Kiên chỉ huy, luôn sâu đột nhập vào căn cứ của bọn Pol Pot điều nghiên vẽ bản đồ chuẩn bị cho trận đánh của Tiểu đoàn. Cuộc đột nhập trót lọt, chừng hai giờ sáng, tám chiến sĩ rút ra an toàn, nhưng khi băng qua Cánh đồng chết thì đụng toán Pol Pot chừng ba chục tên. Khoảng cách đụng bọn Pot quá gần nên đội hình bị lộ. Tiếng bọn Pot hét thất thanh - Chô chô chô… và ngay từ những loạt đạn đầu của tụi Pol Pot, hai chiến sĩ đã hy sinh. Những chiến sĩ còn lại tách thành hai nhóm, tản rộng ra vừa đánh vừa rút. Lợi thế về quân số, tụi Pot bắn như đổ đạn. Thêm ba người hy sinh, đại đội trưởng bị thương rất nặng, Bắc bị viên đạn găm giữ đầu gối nên di chuyển hết sức khó khăn. Với trinh sát, cơ số đạn mang theo rất ít cùng mấy trái lựu đạn nên điểm xạ để tiết kiệm đạn là phương án hữu hiệu.
Nghe những loạt điểm xạ đanh gọn, từng trái lựu đạn nổ chát chúa, tiếng đồng bọn thét lên, đổ gục khiến tụi Pot không dám tiến lên. Những cái bóng đen nằm ép sát mặt ruộng xiết cò từng băng đạn dài. Lợi dụng tụi Pot không dám tiến lên, Bắc và Thành cố dìu ông Kiên lui xa tầm đạn. Thấy mình đã rất yếu, ông Kiên nói với hai người lính của mình: “Tớ bị nặng lắm không qua khỏi đâu, tớ sẽ đánh cản đường tụi Pot, các cậu thoát mau”. “Không! - Giọng ông Bắc kiên quyết: - Chúng em không thể bỏ thủ trưởng ở lại, chết thì cùng chết”. Ông Kiên nghiêm giọng: “Đừng để công sức của chúng ta đêm nay và cả sự hy sinh của đồng đội trở lên vô nghĩa, đi mau đi, đây là mệnh lệnh, nhưng nhớ mỗi đứa chạy một hướng, có sao vẫn còn một đứa trở về. Có được sơ đồ căn cứ của địch sẽ giúp ích rất lớn cho trung đoàn. Sau này đứa nào còn sống, có điều kiện về quê tớ, thắp cho tớ nén nhang là được”. Nghe ông Kiên ra lệnh, cả hai cùng quỳ xuống bên thủ trưởng của mình, giọng ông Bắc nghẹn lại: “Thủ trưởng ơi, sao tụi em có thể bỏ thủ trưởng lúc này được đây! Khi nào thủ trưởng cũng lo cho tụi em mà không nghĩ tới mình, không có thủ trưởng che chở bao lần, em đã chết từ lâu rồi, giờ sao em nỡ…”. “Đây là mệnh lệnh, hai đứa có nghe không? Đừng để tớ chết không nhắm được mắt. Thương tớ thì đi mau đi…”.
Bắc và Thành ôm thật chặt ông Kiên lần cuối, gạt nước mắt, xả những viên đạn cuối cùng về hướng bọn Pot rồi cả hai biến mất trong bóng đêm.
Bắn tới viên đạn cuối cùng, dành lại cho mình một trái lựu đạn, ông Kiên lết vào bụi cỏ rậm nằm chờ tụi Pot, nếu chúng tìm thấy, ông sẽ dùng quả lựu đạn cuối cùng chết chung với chúng. Nghĩ tới cái chết đang tới rất gần ông chợt nhớ tới mẹ. Mẹ ông đã tần tảo nuôi mấy chị em khôn lớn khi cha lâm bệnh hiểm nghèo và mất sớm. Mẹ đã từng hy vọng vào ông, vậy mà ông chưa một lần báo hiếu. “Mẹ ơi… con là đứa con bất hiếu… con xin lỗi…” Ông thì thào gọi mẹ, nước mắt nhòe trên khuôn mặt đau đớn, cơn lạnh dữ dội từ từ kéo đến khiến người ông run lên. Cảm nhận đôi chân không thể cử động, cố lật người nằm ngửa chờ cái chết nhẹ nhàng giữa không gian tối đen. Trên bầu trời bỗng xuất hiện một ngôi sao lấp lánh, hình ảnh cô bạn gái mờ ảo hiện lên.
Trước ngày nhập ngũ, đêm ấy hai người đã bên nhau, cũng vào cái đêm trời đất tối đen, một ngôi sao rất sáng chợt xuất hiện. Ghé tai ông, cô bạn gái thì thầm: Vào chiến trường, đêm đêm anh nhìn lên bầu trời, nếu thấy ngôi sao ấy thì chính là em... Nhắm nghiền đôi mắt, mặc hai dòng nước trào ra lăn dài xuống má, ông chìm vào cơn mê trong nỗi nhớ gia đình và người yêu da diết.
Tiếng súng của bộ đội chợt im bặt, những bóng đen của tụi Pot bắt đầu tiến lên. Một toán chỉ cách chỗ ông Kiên chừng chục bước chân nhưng do trời quá tối, chúng không phát hiện ra. Xả từng băng đạn dài vào xác những chiến sĩ đã hy sinh, Tụi Pot lầm lũi bỏ đi. Trời vừa tảng sáng, một trung đội được Thành dẫn đường quay trở lại. Khi ấy, ông Kiên đã ngất lịm bởi rất nhiều vết thương và hai chân đã bị gãy. Ngay trong buổi sáng hôm ấy, ông được chuyển thẳng về Sài Gòn bằng trực thăng và phẫu thuật thành công, mấy tháng sau ông được ra Bắc an dưỡng, rồi chuyển ngành, công tác tại Vĩnh Phúc cho tới ngày nghỉ hưu…
Ngửa cổ uống cạn ly rượu, khà một tiếng rõ dài, ông Kiên quay qua ông Bắc:
- Tớ hỏi cậu, còn sống sao cậu không trở về đơn vị làm tụi tớ cứ nghĩ cậu đã…
- Thủ trưởng biết đấy, đêm đó trời quá tối, em hoàn toàn bị mất phương hướng. Vượt qua Cánh đồng chết thì trời sáng nhưng tệ quá, phía trước là một phum nhỏ bỏ hoang, lố nhố bọn Pot. Cái gối thì sưng vù không đi nổi, đạn không còn một viên, cơn khát muốn cháy cổ, người cứ ngây ngây sốt. Ráng lết vào khu ruộng hoang cỏ lút đầu, nằm đó phó mặc cho số phận, đêm xuống sẽ tính tiếp. Vừa đói vừa khát lại mất máu nhiều, em thiếp đi khi nào không hay. Đang mê man bỗng nghe tiếng xe tăng gầm rú, tiếng đạn réo chiu chíu khắp nơi mới choàng tỉnh. Cố thò đầu lên quan sát, em nhận ra trời vừa sáng và bộ đội đang tiến công vào cái phum có bọn Pot, khi ấy em mới nhận ra, mình đã mê man một ngày một đêm. Gặp được quân mình có nghĩa đã sống, em như được tiếp thêm sức, cảm thấy khỏe hơn rất nhiều. Trận đánh diễn ra chừng hơn tiếng đồng hồ thì bộ đội làm chủ toàn bộ khu vực ấy. Lết ra khỏi ruộng cỏ, giơ khẩu AK vẫy lia lịa, miệng hét - “Các đồng chí… giúp tôi với!”. Mấy chiến sĩ cách đó chừng ba chục mét nhận ra em, họ chạy tới.... Em được đưa về trạm phẫu của Đại đội 19 mổ lấy cái đầu đạn còn nằm trong gối, dưỡng thương hơn hai tháng thì xin về đơn vị nhưng đồng chí Đại đội trưởng Đại đội 19 nói: “Cậu muốn về đơn vị cũ tôi sẽ giúp nhưng hiện tại, tôi cũng chưa biết đơn vị của cậu đang ở đâu, chiến đấu ở đâu cũng vì Tổ quốc mình, vì nghĩa vụ quốc tế nên ở đơn vị nào cũng vậy. Cậu muốn làm lính Sư đoàn 320 thì ở lại đây”. Vậy là em quyết định ở lại, cùng Sư đoàn 320 chiến đấu cho tới khi ta làm chủ hoàn toàn Campuchia nhưng cũng bị thương mấy lần súyt chết. Cuối tháng ba năm bảy chín thì em ra quân...
***
Câu chuyện của hai người lính già cứ râm ran không ngừng bên ly rượu cho tới tận khuya, họ cười chán rồi lại khóc khi nhắc đến những đồng đội đã hy sinh. Giọng ông Kiên ngậm ngùi:
- Hồi đó tớ cứ đinh ninh cậu chết mất xác bởi không thấy cậu trở về. Mấy cậu trinh sát sục tìm khắp Cánh đồng chết cũng không thấy cậu - châm thêm rượu vào ly, ông Kiên cười ha hả, - nào… tiếp tục uống để chúc mừng cuộc hội ngộ trong mơ này. Chúng mình may mắn được trở về dù cơ thể không lành lặn, còn nhiều đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Tớ có dự định tổ chức một chuyến thăm lại chiến trường xưa, tìm và quy tập phần mộ của đồng đội còn lại nơi đất bạn. Mấy lần dự định đi nhưng chưa thực hiện được. Song, lần này mình đã hạ quyết tâm.
- Em cũng xin đi cùng thủ trưởng.
Hai người lại nâng ly, cùng uống cạn như một lời hứa quyết tâm, rồi cả hai cùng đồng thanh: “Nhất định chúng ta sẽ trở lại chiến trường xưa…”./.