Đêm thức
CHU BÁ NAM
Chợt thức, anh mở mắt, tỉnh táo. Thật khó mà hình dung được trước đó vài phút mình chỉ là một thực thể không hồn. Chưa bao giờ anh thấy mình minh mẫn như lúc này. Đôi tai bỗng thính đến lạ thường. Có tiếng ri ri như tiếng ve. Tiếng côn trùng chăng? Đêm mênh mông này mới thực là ngày của chúng. Không, tiếng côn trùng lại khác, nó giống như tiếng xúc xắc bằng kim loại, nghe xa gần ngoài vườn. Vậy thì tiếng ri ri đều đều vẫn ong ong trong óc anh là gì? Phải chăng là nội âm của cơ thể? Máu đang chảy trong não, trong màng nhĩ, phải, chúng cũng gây ra tiếng động chứ? Và anh như nghe thấy tim mình đang đập, tiếng phổi, tiếng dạ dày co bóp... tất cả hòa vào nhau, tan ra trong máu, thành một thứ âm thanh kỳ quái.
Mình điên rồi. Không, ảo giác cả.
Gần đây anh mất ngủ, cứ một hai giờ đêm là tỉnh giấc và nhiều hôm thức đến sáng, khỏi đánh răng rửa mặt. Có khi gần sáng mới chợp mắt, kéo mê mệt đến sát giờ đi làm. Vợ anh quở: “Gớm, ngủ gì mà ngủ như chết”. Trí nhớ lại càng giảm sút, nhiều khi cứ nghĩ là mình mất trí nhớ. Gặp người bạn ngang đường mà không sao nhớ được tên. Khách đến liên hệ công tác vừa giới thiệu xong anh quên luôn, chẳng tiện hỏi lại, thôi thì cứ anh anh, tôi tôi để lấp đi sự đãng trí của mình. Còn thời gian đối với anh quả là một sự thách đố. Quên ngày quên tháng đã đành, có khi năm bao nhiêu cũng phải hỏi người bên cạnh, họ lại tưởng anh khôi hài. Anh còn thấy nóng ruột, không yên tâm làm được việc gì cho ra đầu ra đũa.
Đó là những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh tâm thần. Có thể lắm, vì theo thống kê thì trên thế giới ngày nay cứ mười người lại có sáu người mắc bệnh này. Những người bình thường, ba mươi tuổi não đã có những vết xơ. Năm nay anh bao nhiêu? Bốn hai, bốn ba gì đó. Đời người, tất cả như là mới bắt đầu mà đã sắp kết thúc. Năm năm qua, mười năm qua anh làm gì? Chẳng được cái gì cả. Chẳng được cái gì gọi là cho xứng đáng với hai chữ cống hiến. Chỉ thấy lúc nào cũng nghiêm túc, cũng vất vả và bận rộn.
Anh băn khoăn về một cái gì đó hơi khó xác định và chắc chắn là không thể giải thích được. Vì thế cứ nghĩ, nghĩ không đi đến đâu, vẫn nghĩ. Ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác... Đời sống khó khăn. Mỗi năm một khác, mỗi tháng một khác, và đến bây giờ mỗi ngày một khác. Đồng lương chỉ đủ cho mấy lần đi chợ. Chi tiêu đã giảm đến mức tối thiểu, và cuối cùng không còn gì để giảm nữa.
- Làm thế nào bây giờ? - Anh hỏi một người bạn.
Bạn anh cười:
- Làm thế nào ư? Tôi cũng đang định hỏi anh thì anh lại hỏi tôi.
- Đến phải làm liều một cái gì đấy...
- Anh tưởng liều mà dễ à? Anh thử liều tôi xem nào.
Và chúng tôi nhìn nhau, cười phá. Phải có vốn. Đúng, muốn liều cũng phải có tiền mới liều được.
Anh ở tập thể, một tấc đất cắm dùi cũng không. Có cái hành lang hẹp lại vóng, su su trồng không ra trái. Có chậu cà chua trẻ con nó cũng vặt quả. Ai ở nhà mà canh được suốt ngày. Heo anh cũng đã từng nuôi, vợ anh đâu phải lười, ngày nào cũng xắn quần đến gối quét chuồng, tắm cho nó. Chăm sóc heo còn hơn là chăm sóc cho người. Heo chậm lớn cả nhà lo, còn người sút cân có ai thèm quở. Hy vọng, nhưng tính chi li ra thì lỗ.
- Thế anh tưởng nuôi heo lãi à? - Vợ anh hỏi.
- Biết không lãi thì nuôi làm gì? - Anh ngạc nhiên.
- Nuôi heo mà cám bã ra ngoài chợ thì chỉ được ăn phân thôi.
- Nhưng nhà mình có đất đâu mà cần phân.
Chúng tôi lại nhìn nhau cười. Những tràng cười như thế thật quý.
Của đáng tội mấy tháng trước anh cũng có “buôn”.
Vay tiền mua được mấy mét vải phân phối, còn đang chưa biết lấy khoản gì để trả nợ thì có người nằng nặc đến xin mua lại. Giá một gấp rưỡi. Anh ra chợ mua ngay một ký thịt, không cần mặc cả. Khi ngồi vào mâm cơm, nhai miếng thịt, trước cái nhìn của các con, anh thấy mình không được đường hoàng. Lúc xỉa răng, uống nước, anh hỏi chúng:
- Nếu ngày mai hết thịt, chỉ có rau dưa, thậm chí rau cũng không đủ các con có chịu được không?
- Được! - Cả nhà đồng thanh.
Đêm hôm đó, đang nằm im tự nhiên anh hỏi vợ:
- Em thấy thế nào?
- Người ta mong được tiền, đằng này tiền nó tìm đến anh lại sợ. Nói cho đúng không phải là anh sợ mà là anh mặc cảm. nhưng thôi, “ăn cơm với cáy thì ngáy o o”. Cũng chỉ có em là chịu được cái tính của anh thôi. Chẳng có trẻ con nhà nào như trẻ con nhà mình, cứ thích những củ cải với dưa chua. Anh xem, thịt chúng nó cứ dửng dưng như không. Cơm thì ăn như mèo, chẳng bằng người ta ăn ráng, cũng may.
Không “buôn” nữa, thế thì làm gì? Đành rằng không sống vì tiền nhưng cũng phải có tiền chứ. Chủ nhật trước có mấy người bạn ở Hà Nội vào tham quan Đà Lạt và tìm gặp anh ở ngoài chợ. Họ đã thuê phòng ở khách sạn, nhưng cũng nên mời về nhà. Anh quyết định mời luôn bữa cơm trưa hôm ấy. Gọi là gặp gỡ bất ngờ, bà chủ lại đi làm chưa về, đàn ông với nhau, thôi thì qua loa. Chiều về vợ anh phàn nàn:
- Sao không hẹn các anh ấy vào bữa chiều? Đợi em về làm một bữa cho chu đáo có hơn không? Chẳng gì thì anh với anh ấy cũng là...
- Nhưng mà họ đi chung cả đoàn...
- Nói là một chuyện, đi làm về mệt, đồng xu dính túi không có, bước chân vào nhà thấy một đống khách chắc gì cô ấy đã vui. Ai chẳng muốn đẹp mặt, nhưng muốn đẹp cũng phải có tiền.
“Cứ đúng một trăm phần trăm thì chẳng bao giờ có tiền, mà sai cũng chết. Tốt nhất là ở ranh giới giữa cái đúng cái sai”. - Bạn anh khuyên.
Vốn liếng của mình là gì? Là sự hiểu biết. Người ta chỉ lõm bõm vài điều cũng biến được nó thành tiền, đằng này cái gì anh cũng biết nhưng mới chỉ là tiềm năng, có khi còn tốn thêm vào đấy.
“Khoa” với chẳng “học”. - Vợ anh cáu: - Thôi, anh hãy quên ngay cái kiến thức của anh đi. Em thấy người ta kiếm tiền nó đơn giản lắm, mà anh thì hết phương án này đến phương án nọ, chẳng cái gì ra cái gì.
Đúng thật. Gần đây anh có giúp cho một công ty làm xà phòng. Kinh phí nghiên cứu ghi rõ bao nhiêu phần trăm dành cho người thực hiện. Làm xong thì công ty cho biết kinh phí đã được duyệt, song tiền thì vẫn chưa có. Hóa chất mà anh sử dụng cũng mới chỉ là tạm ứng.
- Còn tiền của cán bộ nghiên cứu... - Ông giám đốc ái ngại nhìn anh... - Hay là chúng tôi giải quyết thêm một ít hóa chất nữa, rồi anh làm thế nào thì làm. Bây giờ không có khoản tiền mặt nào mới chết chứ.
Anh hiểu ngay. Nhưng bán một mét vải còn phải nghĩ nữa là. Hóa chất Nhà nước độc quyền. Đã đành là cơ quan cho phép, và cũng là để chữa cháy thôi, nhưng trước pháp lý đâu có nói như thế được. Thôi, nghèo cũng đã nghèo rồi, chẳng dại. Một lần rồi người ta lại hiểu sai về mình. Còn con cái nữa chứ, và một khi đã nghĩ đến con, thì lợi lộc cũng dễ bỏ qua.
Bao nhiêu ngày vất vả, vừa làm thầy, vừa làm thợ, nghĩ tiếc công quá, phải đòi bằng được. Lại lóc cóc đạp xe đến cơ quan nọ. Những lần trước thì đúng là đi đòi, còn bây giờ thì rõ ra là đi xin. Ông giám đốc cũ về hưu, người mới lên thay không được bàn giao, anh phải kể lể từ đầu mỏi cả miệng. Cuối cùng ông ta nghe ra:
- Thế thì phải thưởng lớn. Để chúng tôi đề nghị cấp trên thưởng. Đề tài này mà thưởng ở cấp xí nghiệp thì uổng, ít ra cũng phải vài ba chục ngàn...
- Cấp xí nghiệp thì được bao nhiêu? - Anh hỏi ngay.
- Vài ba ngàn là cùng.
- Thôi, cấp xí nghiệp cũng được. Giám đốc cười mỉm.
Tính ra thì cũng chỉ bằng tiền cà phê thuốc lá trong khi thực hiện đề tài. Mà hai ba ngàn bây giờ thì mua được cái gì. - Giám đốc hơi ngạc nhiên, nhìn anh từ đầu đến chân. Chẳng lẽ lại túng đến thế kia ư? Ăn mặc thì cũng không đến nỗi nào.
Giá than tăng vọt: Tám đồng, mười đồng, rồi mười lăm đồng, hai mươi đồng. Đành vác dao lên rừng làm khúc gỗ về đun, mùa mưa đến nơi rồi. May quá, anh bập ngay phải cây xá xị. Cất tinh dầu đối với anh thì có khó gì. Cả nhà hì hục đẽo đêm đẽo ngày, hàng xóm cũng mất ngủ luôn. Gửi mẫu dầu lên kiểm nghiệm thì họ bảo “chưa được”. Lần thứ nhất “chưa được”, lần thứ hai “chưa được”, lần thứ ba lại cũng vẫn “chưa được”. Bực quá, anh hỏi một người đã được cấp đăng ký sản xuất.
- “Chưa được” nghĩa là thế nào?
- “Chưa được” nghĩa là “chưa được” chứ còn thế nào nữa. - Hắn cười vẻ bí ẩn. - Thế này, bây giờ ông phải bán dầu ấy cho tôi. Rồi tôi...
Hắn đưa ra một cái giá không thể chấp nhận được. Anh phát ức, nó chỉ bằng tuổi con anh, biết gì kỹ thuật mà định bắt mình làm thuê.
Không gặp ai nữa. Kiếm được đồng tiền mà phải chạy cửa này, chui cửa nọ thì ngồi im nhịn đói còn hơn. Nhưng nói thế thôi, cuối cùng cũng cứ phải làm. Đã vào tận Lâm Đồng rồi thì ngại gì rừng với chả núi. Người ta kháo nhau vào hồ Tuyền Lâm làm rẫy, anh cũng vào. Hay cắm mấy đọt dây lang chẳng được củ cũng được nắm rau cho heo. Rảnh rỗi ngồi câu cá làm thơ chơi. Và rồi anh làm thơ thật. Được đăng. Đến lĩnh nhuận bút thì họ trừ đi một phần ba tiền đánh máy. Bài thơ của anh nào có mấy chữ. Nhưng mà thôi, nó là cái vui, có ai sống bằng văn chương, vài trăm còn hơn là không được đồng nào.
Vào núi đã yên đâu. Thằng cha chiếm mảnh đất bên cạnh cứ lấn dần. Đánh nhau với hắn thì chắc chắn anh thua. Đưa ra tổ dân phố, kẻ phân tích thế này, người ý kiến thế nọ, anh cứ lặng im nghe. Kéo nhau vào rừng rồi vẫn chưa hết tranh giành.
- Thôi, tôi biếu không ông cả mảnh đất ấy đấy. Thời gian qua cứ coi là vợ con tôi tập thể dục, đã sao! - Anh đứng lên đi thẳng ra cửa.
Chẳng nói chẳng rằng, về đến nhà anh gieo mình xuống giường, vợ hỏi:
- Sao!
- Thôi, không nói nữa.
- Lại ngủ?
- Ngủ!
Anh nằm nghĩ.
Năm 1975, tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, chấn động cả dư luận thế giới. Lúc đó anh đang học tập ở một nước xã hội chủ nghĩa anh em. Một hôm anh đang ngồi ăn trưa ở một khách sạn thì có mấy người đứng tuổi ngồi bàn bên cạnh nói nhỏ “Việt Nam, Việt Nam”. Rồi họ rót rượu, nâng cốc chúc mừng anh. Đối với người lạ hành động như thế là rất hiếm, chỉ trong những trường hợp quá xúc cảm. Một người trong số họ trịnh trọng: “Tự đáy lòng tôi vô cùng kính phục Nhân dân Việt Nam. Các đồng chí đã nêu một tấm gương chiến đấu vì tự do. Giờ đây chiến tranh đã kết thúc, xin chúc đồng chí sớm trở về xây dựng Tổ quốc. Dân tộc Việt Nam đã anh hùng trong chiến đấu, nhất định sẽ anh hùng trong lao động hòa bình”. Tiếng vỗ tay kéo dài hồi lâu trong căn phòng, người kéo đến đông nghịt từ lúc nào. Trước cái nhìn thán phục của họ, anh sung sướng, tự hào vì mình đang là hiện thân của Việt Nam trên mảnh đất xa xôi này. Một người Nhật chừng ba mươi tuổi, cao, đẹp trai (khác hẳn với những định kiến trước đây của anh) tươi cười nói với anh ngoài hành lang.
Sau năm 1945, Nhật là một nước thất trận, Thiên hoàng triệu tập các nhà tư sản lại và hỏi họ xem có cách nào vực nền kinh tế Nhật lên không. Một nhà tư sản cho rằng, có thể các cô gái Nhật phải làm nghề mãi dâm để kiếm đô la.
- Chẳng lẽ chúng ta phải làm đến cả những việc như thế hay sao? - Nhà vua nghĩ ngợi.
- Vâng. Vốn liếng chúng ta không còn gì... Tôi tin rằng, vì nước Nhật, phụ nữ chúng ta sẵn sàng hy sinh.
Đó là những người mẹ của nước Nhật. Những người cả nước phải mang ơn, ra đường nhà vua phải cúi đầu kính nể.
Trên đất nước xã hội chủ nghĩa mà anh đã sống, có người Việt Nam mới về kể rằng: Ở đó sinh viên Nhật được học bổng cao nhất, có chế độ nhà ở tốt hơn, khi ăn cơm họ ngồi riêng bàn, cắm cờ Nhật. Đi đường gặp người châu Á, hỏi đúng người Nhật là họ tìm cách mời bằng được về nhà xơi cơm chiều và vinh dự giới thiệu với hàng xóm. Gặp anh em Việt Nam mua đồ cũ ngoài chợ, họ bắt tay xã giao: “Việt Nam anh hùng, Việt Nam anh hùng”.
Có sinh viên Việt Nam khoác áo dệt kim với hàng chữ Nhật trước ngực, hạn chế dùng tiếng mẹ đẻ trước mặt những người nước ngoài. Trên tàu điện gặp các cô các chú trong nước mới sang thì không chào, lánh mặt. Các chú tưởng rằng nó ngượng vị tóc dài, sợ bị quở, có biết đâu nó khinh mình, nó cũng khinh luôn cả nó nữa.
Phải thấy đau đớn, thấy tủi nhục để mà ngẩng cao đầu. Anh đã từng mơ ước, đã từng nỗ lực và hy vọng. Nhưng giờ đây anh chỉ nghĩ đến mình, cho gia đình vợ con mình. Nghĩ đến những nhu cầu sơ đẳng nhất để tồn tại. Anh cảm thấy không yên, một cái gì tồi tệ hơn sắp đến với mình. Anh lo tránh, tránh cho anh, cho những người thân của anh. Và anh cũng chỉ dám lo đến thế. Anh đâu có hoàn toàn thờ ơ với những người xung quanh, nhưng anh bất lực, anh biết không thể làm gì nổi, và dần dần trở thành vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm với đất nước, vô trách nhiệm với con người. Anh tưởng có thể cứu riêng mình, cứu những người máu mủ ruột thịt của mình. Con người đã trở thành tầm thường, túi cơm giá áo.
Ý nghĩ đó khiến anh bàng hoàng. Anh đang chạy trốn bỗng dừng lại bình tĩnh ngắm đất trời. Anh lại yêu đời nghĩ đến một công việc tốt đẹp mà anh từ bỏ nhiều năm nay.
Hoa hồng! - Giấc mơ của anh.
Đà Lạt đẹp vì nó ẩn hiện trong rừng thông. Du khách mỏi chân có thể sà xuống ven đường. Những cặp tình nhân đi dạo trong những con đường rừng giữa thành phố. Nhưng nếu mỗi ngọn đồi lại bị vây bằng hàng rào kiên cố thì sẽ rất kinh khủng. Con người sẽ bị cô lập trước thiên nhiên và Đà Lạt mất đi cái vẻ dịu dàng, tự nhiên vốn có của nó. Đấy là chưa tính đến tốn kém về vật tư, công sức, diện tích.
Hoa hồng hóa toàn bộ hàng rào! Lúc đó Đà Lạt trở thành thành phố hoa theo đúng nghĩa. Anh đang sở hữu giống hoa hồng thơm nhất thế giới. Đi đường anh tính cứ mỗi cột rào là một khóm hoa thì toàn thành phố sẽ có bao nhiêu khóm. Mỗi khóm cho bao nhiêu bông, cho bao nhiêu tinh dầu... Mà tinh dầu hoa hồng thì có thể sánh với vàng, điều đó ai cũng biết.
Nhưng anh không tin chương trình của mình có thể thực hiện được. Bởi lẽ trẻ con có thể phá. Người lớn sẽ đánh cắp về nhà mình.
Kết luận là không thể làm được. Anh thở dài. Mười năm rồi cây hoa hồng vẫn nằm im trong chậu nhà mình.
“Một người Nhật kém một người Việt Nam. Mười người Nhật bằng mười người Việt Nam, và một trăm người Nhật thì hơn một trăm người Việt Nam”. Virus rất yếu nhưng triệu triệu con quật ngã người bệnh. Một điện tử có nghĩa gì, nhưng khi chuyển dời có hướng thì sinh ra dòng điện. Phô tông ánh sáng lại càng nhỏ nhưng giao động với cùng tần số thì thành tia laze xuyên thủng sắt thép. Người ta cũng vậy, tự tách mình ra, không muốn, và cũng không dám dính vào ai nữa, không thể được. Trong sự chen lấn hỗn độn, anh tìm một chỗ chúi, sao cho người ta khỏi giẫm đạp lên mình, phải ngồi chờ ở đó hy vọng và thấp thỏm... Không, chỉ có cả đoàn người đều bước mới tránh khỏi chen lấn, giẫm đạp. Lấy đâu ra sự bình yên cho một cá nhân? Và một lần nữa anh thấy mình ích kỷ.
Gà gáy sáng.
Lại một đêm thức, thức như bao đêm thức./.