Đội hát bóng

TAP CHÍ LANGBIAN|6/2/2021 9:16:30 AM

Đội hát bóng

VÕ TRẦN PHÚ

Vượt qua sông Đạ Quýt, trên đất Phước Long, đi hết một ngày đường đến tối mịt cả đoàn mới dừng lại bên bờ sông Đồng Nai. Đoạn đường khá dài, lại phải lên dốc, nên mọi người mệt lử. Nguyên nhanh chóng làm xong chỗ ngủ, anh vội tranh thủ quơ mấy nhánh tre khô nhóm lửa nấu cơm. Ánh lửa bập bùng trong đêm hòa lẫn trong tiếng nổ tí tách của tre rừng thật vui tai. Đêm đầu tiên trong đời anh đặt chân lên vùng đất Nam Tây Nguyên. Tờ mờ sáng hôm sau, khu rừng già ven sông còn vương lại những mảng sương mai. Cả đoàn đã thức giấc, lệnh của trưởng đoàn:

 - Khẩn trương, chuẩn bị vượt sông. Lợi dụng sương mù chưa tan để tránh máy bay trinh sát của địch.

Nguyên vội vàng cho vào balô võng, tăng, máy ảnh, máy quay phim buộc chặt trong túi nilon, bên ngoài còn túm gọn tấm nilon che mưa, bó tròn làm phao để vượt sông. Nước sông lạnh, nhưng không chảy siết nên cả đoàn vượt sông an toàn.

***

Nguyên quê ở huyện Củ Chi - Sài Gòn, sau khi học xong lớp phóng viên quay phim chiến trường, anh được tổ chức phân công về Khu 6. Trong những năm đầu của thập kỷ 60, chiến trường chưa mở ra những chiến dịch lớn. Ta bí mật gây dựng lại cơ sở bên trong các ấp chiến lược, củng cố xây dựng lại vùng ven đô, móc nối đường dây giao liên bị đứt sau Luật 10/59 của anh em chính quyền họ Ngô. Truy bắt, giam cầm, tra tấn những “phần tử tiếp tay cho Việt Cộng” nhằm mục đích khủng bố tinh thần, đồng thời đẩy các lực lượng võ trang tuyên truyền của ta ra xa các cơ sở.

Những ngày đầu về nhận công tác ở Ban Tuyên huấn anh còn bỡ ngỡ, lạ lẫm với công việc, nơi đây thiếu thốn mọi phương tiện. Việc chính là đi phát rẫy trồng mì để có nguồn lương thực nuôi bộ đội từ A chi viện. Công việc thật nhàm chán, luôn luôn dằn xé nội tâm. Có lúc anh tự nghĩ “phải chăng đây là cuộc cách mạng trong đời”. Anh Nam Long, cán bộ phụ trách tiểu ban tuyên truyền, hằng ngày sống bên Nguyên hiểu được tâm trạng của cậu phóng viên trẻ mới ra trường qua từng hơi thở dài, qua từng mọi cử chỉ trong công việc.

- Mình muốn bàn công việc này với cậu…

- Công việc gì, có quan trọng không anh?

- Trước mắt, mình sẽ đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của anh Năm (anh Năm lớn là Trưởng ban Tuyên huấn) để cậu làm phim đèn chiếu. Trước mắt, phục vụ bà con dân tộc ở vùng căn cứ Cát Tiên và sau đó ở các buôn, sóc đồng bào vùng Đạ Tẻh, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp, Buôn Go, Bom Bo... Ngừng một lát, anh móc trong túi ra gói thuốc rê, hai tay vấn thuốc se tròn anh nói tiếp:

- Cậu chuẩn bị, cùng tôi đi xuống các buôn đồng bào quanh căn cứ để thâm nhập thực tế, viết kịch bản và bắt tay vào làm phim.

Nguyên mừng rơn, tâm trạng của anh lúc này vui không sao tả nổi, tay chân cứ lóng ngóng không biết phải làm gì. Mừng thì mừng, nhưng bụng vẫn lo. Anh nghĩ thầm “phim đèn chiếu mình chưa làm bao giờ, liệu có làm được không”.

Máy đèn chiếu phải gửi nhà cơ sở ở Mađagui mua đem vào. Máy chiếu từng miếng phim lẻ (slight) không phải thành cuộn như máy chiếu do Hà Nội sản xuất. Nên mỗi lần chiếu đến cảnh nào thuyết minh cảnh ấy.

Điểu Xuyên, cô gái có dáng người cao khỏe, giọng hát rất trầm, ấm nên được đội văn công chọn. Gọi là đội văn công nhưng thực chất chỉ có vài người, nhạc cụ là đàn ghita và mandolin. Với giọng đọc truyền cảm, Điểu Xuyên thường ra giới thiệu bài hát trước khi mở đầu tiết mục. Anh Nam Long cho gọi Điểu Xuyên vào bảo:

- Cháu, lên gặp anh Nguyên để ảnh dạy cách đọc lời bình của phim.

- Lời bình là sao hả chú?

- Cháu cứ tiếp cận rồi sẽ rõ.

Những buổi ban đầu, Nguyên và Điểu Xuyên gặp nhau còn bỡ ngỡ, dần dần qua công việc họ càng thân thương hơn. Nguyên không ngờ cô bé người dân tộc S’tiêng, không những thông minh, xinh đẹp mà còn biết để ý và làm theo những lời dặn dò của anh. Về sau cô còn sáng tạo câu chữ nhấn nhá, luyến láy, thể hiện tình cảm trong lời thuyết minh. Ngoài ra cô còn biết cả tiếng dân tộc Châu Mạ ở vùng Nam Cát Tiên. Đây là lợi khí cho những lần đi phục vụ ở các xã Bắc sông Đồng Nai.

Cái khó ở chiến trường, là làm sao có phim dương bản (Poshitip) để làm phim đèn chiếu. Sau bao đêm trằn trọc suy tư, thậm chí những lúc đi làm rẫy anh cũng suy nghĩ cách nào để làm phim.

- Ra rồi. - Anh hét giữa rẫy làm sửng sốt mọi người trong cơ quan.

- Ra cái gì? - Một đồng đội hỏi.

- Mình có cách làm phim đèn chiếu rồi.

Mọi người cười ồ lên, rõ là đồ dở hơi - tưởng gì ghê gớm lắm.

Cách duy nhất ấy là mua phim đảo dương (Inversip), chụp và tráng ra hình chiếu luôn, không thông qua phần âm bản (Nêgatip). Điều hạn chế là mỗi phim chỉ độc một bản.

***

Trong cuộc họp, dưới sự chủ trì của chú Năm lớn - Trưởng ban Tuyên huấn khu, anh Nam Long trình bày:

- Kính thưa anh Năm, thưa các đồng chí! Mục đích sát nhập đội chiếu bóng, đội văn công và phim đèn chiếu thành một đội tuyên truyền để đi phục vụ bộ đội và bà con dân tộc ở vùng căn cứ là một hình thức thể hiện mới. Tổng hợp cùng lúc ba bộ môn ca nhạc, chiếu phim, đèn chiếu tuyên truyền trong một trận chiến tư tưởng. Tạo nên sức mạnh tác động tích cực đến với người xem. Vì vậy cứ mỗi lần đi phục vụ bà con người đồng bào thường gọi là “Đội hát bóng”.

Lần từng bước qua suối, Nguyên nắm chặt tay Điểu Xuyên, bàn tay nhỏ nhắn thong thả, vương vấn một vài vết chai sạn, anh thấy chạnh lòng thương cho những người con gái hy sinh độ tuổi thanh xuân để đi làm cách mạng. Anh miên man nghĩ “Nếu Điểu Xuyên ở thành phố, ăn diện vào một tý thì có kém ai đâu”.

- Gần đến buôn rồi anh ơi! Điểu Xuyên hồ hởi.

Phía xa bên kia cánh đồng cỏ, buôn Brun ẩn mình trong khu rừng già. Chuyến đi này anh cùng Điểu Xuyên về buôn để thâm nhập thực tế viết kịch bản đầu tiên cho phim đèn chiếu. Dưới cái nóng oi nồng gay gắt, những giọt mồ hôi thấm đẫm trên lưng áo rách của những cô gái Châu Mạ, nhưng nụ cười vẫn nở trên môi. Họ đang tuốt lúa, hai tay thoăn thoắt liên hồi, miệng nói cười vui vẻ. Nguyên cùng Điểu Xuyên quan sát cảnh lao động trên nương từ đó anh hình thành đường dây kịch bản phim đèn chiếu “Mùa vàng trên rẫy”.

Sau này sau khi làm xong mang về buôn phục vụ, mấy cô gái thấy mình trên màn ảnh nên rất thẹn thùng. Họ xí lô xí là trong khi những bạn nam thanh niên thì la ó vang trời. Hình ảnh kèm theo lời thuyết minh tiếng dân tộc bà con dễ hiểu, thấm vào lòng người như một cơn gió mát thổi vào buổi trưa hè. Người già phấn khởi lắm, họ càng thêm tin yêu cách mạng.

***

Nắng chiều rọi xuống dòng sông lấp lánh những ánh vàng, một buổi chiều tà tĩnh mịch bỗng vang lên tiếng động cơ của chiếc máy bay trinh sát L19 rà sát mặt sông. Chúng phát hiện thấy một chiếc thuyền độc mộc đang tấp vào bờ trốn chạy. Tiếng gọi từ trong buồn lái:

- Đại Bàng nghe rõ trả lời. Chim cú cần chi viện gấp hai chim sắc ở tọa độ X.

Sau đó là tiếng rít của đạn rocket, âm thanh nghe chắc nịct “ầm”, một làn khói trắng bốc lên, chiếc thuyền độc mộc vỡ thành từng mảng.  Hai chiếc máy bay khu trục lao xuống ném bom liền hồi vào khu rừng già bên sông, nơi ấy là một buôn đồng bào đang sinh sống. Những cột khói bốc cao, những tiếng rít, tiếng nổ long trời lở đất xé tan không gian tĩnh mịch. Tiếp sau là tiếng chó sủa, tiếng gà kêu và tiếng người la ó gọi nhau chạy tan tác trong rừng. Nguyên và đội công tác nép mình bên gốc cây to, người anh nằm đè lên người Điểu Xuyên. Một sự tình cờ không có ý gì khác, một quả bom nổ gầm rung chuyển cả khu rừng già, lá cây đổ xào xạc, hai ngời ôm nhau thật chặt. Hàng nút bóp trên áo của cô bung ra, trước mắt anh một bộ ngực nảy nở căng tròn của người con gái mới lớn. Sự việc diễn tiến quá nhanh giữa sự sống và cái chết, hai người không nghĩ gì khác hơn ngoài bản năng sinh tồn là dựa vào nhau. Hết đợt bom, mặt Điểu Xuyên đỏ bừng, cô gượng gạo, bẽn lẽn đứng lên quay người cài lại hàng nút áo.

- Anh có sao không? Cái xe bay nó làm dữ quá.

- May quá. Nguyên trả lời: Nó không nhìn thấy anh em mình.

Cả đoàn không ai bị thương, duy chỉ có tư trang bị vài mảnh bom xuyên vào balo. Một sự phản xạ nghề nghiệp, Nguyên vội vàng lấy máy ảnh chụp lại những cảnh đang diễn ra trước mắt. Một khu rừng già bị cháy sém, những gốc cây to bị bật tung, cảnh gia súc chết cháy đen thui và cảnh người dân bồng bế nhau chạy sâu vào rừng già trên lưng còn mang những chiếc gùi rách, vai vác xà gạc.

Anh Nam Long lãnh hội ý kiến của trưởng ban chỉ đạo “Tổ hát bóng” phải ra một bản phim đèn chiếu về sự việc xảy ra ở buôn Bà Lú bên bờ sông nhằm phát động lòng căm thù, tố cáo tội ác của giặc, nhắc nhở bà con nêu cao tinh thần cảnh giác. Anh bàn với Nguyên:

- Bằng giá nào cậu phải ra bộ phim đèn chiếu về trận đánh bom tại buôn Bà Lú.

- Nhưng, hôm ấy em chụp bằng phim âm bản, báo cáo anh phim âm bản không thể làm ra phim đèn chiếu được.

- Đây là mệnh lệnh cấp trên không nhưng nhị gì hết.

Nét mặt của Nguyên chuyển sang màu xám, anh đứng trơ ra không nói nên lời. Như hiểu được tâm trạng của Nguyên, anh Nam Long ôn tồn:

- Cậu cố lên, mình tin tưởng vào tài tháo vát của cậu. Nhưng ông bà ta thường nói “Cái khó ló cái khôn” cậu chịu khó suy nghĩ đi.

Đêm rừng già yên ắng tĩnh mịch, ánh trăng khuya chênh chếch rọi xuyên qua kẽ lá, Nguyên trằn trọc không sao ngủ được với câu nói ban chiều của anh Nam Long: “Mình phải làm sao đừng để mất lòng tin của lãnh đạo”. Tiếng chim te te thức giấc làm anh giật mình, nghĩ mãi rồi cũng ra cách làm phim. Anh trở dậy câu bình ắc quy vào bóng đèn máy phóng, rọi hình lớn những phim chụp ban chiều ở buôn Bà Lú. Sau đó cho vào xả nước trong nilon đi mưa khoanh thanh một bồn nhỏ như chậu thau rửa chén. Khi anh trở lại võng thì gà đã gáy sáng. Làm một giấc ngủ dài, tiếng K’Lanh phụ trách máy nổ chiếu bóng quát to:

- Đêm qua làm gì mà ngủ dữ vậy, trưa rồi nghe.

- Mình phóng ảnh, rồi ngủ quên khi nào không biết.

Miệng trả lời tay xoa từng bức hình dưới nước suối sau đó treo lên phơi khô. Dùng phim dương bản (Inversip) chụp toàn bộ số hình phóng. Lúc tráng ra tuy chất lượng có giảm về độ nét, độ tương phản đen trắng kém hơn, nhưng có thể phục vụ được. Một tiếng thở phào “Thành công rồi”.

Chuyện tình cảm bên bờ sông Đồng Nai với người con gái dân tộc S’tiêng chỉ đọng lại trong tiềm thức. Chiến trường đang vào chiến dịch lớn, Nguyên vác balo theo bộ đội đi đánh chốt Đàm Ròn (huyện Đam Rông ngày nay) mùa hè năm 1963. Tiếp đến năm 1964 về giải phóng huyện Hoài Đức (tỉnh Bình Tuy) một vùng đất đồng bằng rộng lớn, vựa lúa của tỉnh Bình Thuận ngày nay. Anh như cánh chim, nơi nào có chiến dịch là anh có mặt cho đến ngày giải phóng miền Nam./.

Đội hát bóng