Đồng đội
Truyện ngắn: LÊ HUỲNH TÚY TÂM
Xưa, ba thằng cùng đậu tú tài. Cả ba đều là lính Tây Nguyên tăng cường ra tới tận Hà Giang, Lạng Sơn đánh với tụi Tàu tràn lấn biên giới. Đứa giỏi nhất bọn, giờ làm anh nông dân thứ thiệt. Đứa sĩ quan công an văn hóa mới về hưu. Đứa còn lại là Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu “ăn nên, làm ra” rất hoành tráng. Ba thằng gặp lại trong những ngày cuối chạp. Ly rượu mừng hội ngộ giữa phố phường bỗng nồng nàn, thảo thơm thắm tình hơn huynh đệ. Thằng Bình nâng ly, nói như ra lệnh:
- Nhiệm vụ của thằng Nhân là phải lo cho thế hệ con cháu như đã yêu cầu. Còn thằng Tâm về chuẩn bị cái Tết thật chu đáo hơn mọi năm. Mừng xuân "song hỷ lâm môn". Còn tau thì có nhiệm vụ... "dô!". Nào cạn trăm phầm trăm nhé các đồng chí thân yêu! Khà khà... Tiếng cười của ba gã đồng đội xưa giòn tan vui như pháo Tết.
***
Đã nửa tháng chạp mà cả xóm vẫn yên tĩnh, không chộn rộn như mọi năm. Có lẽ cơn đại dịch đang lan tràn đến ngóc ngách làng quê nên mọi thứ chừng chững lại. Tầm này năm ngoái bà con trong thôn đã rạo rực chuẩn bị gạo nếp thật ngon để dành gói bánh tét, bánh chưng. Heo, gà trong chuồng thì cũng vỗ béo mươi con để dành sẵn đâu vào đó cả. Chỉ hơn tuần nữa là tiễn đưa ông Táo về trời. Thế mà vợ chồng lão Tâm vẫn tỉnh queo vác cuốc ra đồng dọn cỏ, bỏ phân cho mấy sào ruộng lúa đang làm đồng, ngậm sữa. Và hầu như bà con trong xóm thôn, ai cũng chúi đầu vào chuyện ruộng nương, chẳng thấy lo sắm sửa khi Nguyên đán đang cận kề .
Vợ Tâm lom khom nhổ những cây cỏ dại mọc lẫn trong đám lúa, ngó lên thấy chồng cũng đang lúi húi dọn cỏ bờ đám đậu phộng phía trên. Chị nhìn trời cuối năm trong veo và cái nắng tàn đông nhàn nhạt rải trên cánh đồng làng mà lòng thản nhiên như mấy con chim én mới ra ràng đang nhởn nhơ bay lượn. Trên đường đất qua làng có mấy người từ xa về đang râm ran trò chuyện. Nhìn, chị biết họ là những cô cậu từ thành phố về quê nghỉ Tết. Sực nhớ thằng con trai nhắn tin nói bữa nay hoặc mai nó cũng có mặt ở nhà nếu tàu xe không trục trặc. Con trai chị vừa tốt nghiệp với bằng cử nhân công nghệ loại ưu, nó nán lại thành phố tìm kiếm việc làm, nhưng coi bộ trầy trật, chưa có công ty, xí nghiệp nào nhận. Chị biết con trai mình học giỏi, nhưng thủ tục "đầu tiên" thì nó dở, yếu nên khó có cơ may chen chân vào nơi chốn phồn hoa đô hội.
***
- Sáng nay chồng ra phố gặp anh Nhân chứ?
Vừa vác cuốc đi trổ nước từ ruộng về, nghe vợ nhắc. Sực nhớ, nên lão gật đầu:
- Ừ hỉ! May em nhắc không tui quên lửng.
Thế là lão quýnh quýu rửa tay chân đang lấm lem bùn đất. Ăn vội gói mì tôm, lấy bộ quân phục ngày còn trong quân ngũ ra thay. Mặc bộ đồ cất trong tủ lâu ngày vẫn mới tinh, lòng lão bỗng ùa về bao kỷ niệm thời trai trẻ. Vợ lão ngồi ngắm chồng trong bộ đồ lính, lòng cũng nao nao nhớ về cánh rừng Tây Nguyên những tháng năm xưa. Ngày chị và lão, tuổi mười tám, đôi mươi cùng bao trai gái làng quê háo hức lên đường nhập ngũ, chị trở thành chiến sĩ nuôi quân thuộc Ban Hậu cần Trung đoàn. Còn lão khoác ba lô về nhận nhiệm vụ ở Ban Tham mưu. Sau mấy năm cống hiến, hoàn thành nghĩa vụ, hai người phục viên, rồi hữu duyên họ thành đôi. Lão về không như đồng đội chạy chỗ này chỗ kia xin việc. Chỉ thích làm anh nông dân chất phác chân lấm tay bùn, vui thú điền viên cho lòng thanh thản. Thực ra lão có tài, xin cơ quan nào mà chẳng được. Nhưng lão thương mẹ già nên không thể bất hiếu, bỏ đi lần nữa.
Chị quý tánh lão ngay thẳng, không thích quỵ lụy ai. Nhưng nhiều lúc thấy đồng đội xưa nên danh phận, có người làm thủ trưởng, trưởng phòng, giám đốc công ty này nọ thì cũng hơi buồn. Nếu lão cũng làm ông nọ, ông kia thì chắc chắn thằng con trai không phải vác đơn xin việc. Nhớ có lần gợi ý, hay là mình nhờ mấy đồng đội cũ xem sao. Lão gạt phắt:
- Nhờ vả mang tiếng lắm em. Lỡ nó lắc đầu thì mình nhục lắm. Thôi để con nó tự đi trên đôi chân của chính mình.
Chị biết thời buổi kinh tế thị trường. Con trai chị tự đi trên đôi chân của nó là rất khó. Muốn con tương lai bay nhảy thì phải có điểm tựa, bệ phóng lúc ban đầu. Chị nghĩ có tiền, việc dù khó mấy cũng xong… Đang miên man nhớ lại những tháng năm cũ, thấy lão ngồi lên chiếc Wave, nổ máy định chạy. Chị đến bên chồng nhắc:
- Con đã đưa hồ sơ cho anh chưa?
Bộ anh định đi tay không hả? Thời buổi "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" Nói xong, chị nhét vào túi anh phong bì dày cộm:
- Bạn thì bạn, chẳng ai lo không mình chuyện gì đâu. Anh nhớ rủ anh Bình cùng đi cho vui. Có gì, nhờ ảnh nói giúp vào một tiếng. Anh nhớ khéo léo đưa cái bì này cho Nhân. Miễn ảnh nhận là mình có hy vọng. Lão nghe vợ dặn tỉ mỉ chỉ biết gật đầu, nhe răng cười. Vốn dĩ tánh lão thật thà, cứ nghĩ ai cũng như mình, giúp được gì cứ giúp, quà cáp làm chi cho mệt.
***
Thằng Bình, đồng đội cũ của lão là Thượng tá Công an vừa nghỉ hưu. Bình ở cùng xã, khác thôn, về làm Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh nên thi thoảng gặp. Như đã hẹn, sáng nay Bình trong bộ đồ ngành trông oai vệ, cứ như một sĩ quan đương chức. Thấy lão đến, Bình cười vui chạy ra chào đón, bắt tay thật chặt trong nghĩa tình đồng đội lâu ngày gặp lại. Bình biết hồi còn ở chung đơn vị, chẳng đứa nào giỏi hơn lão. Là một sĩ quan tham mưu nổi tiếng của Trung đoàn. Bao lần lão dẫn quân đi truy quét bọn Fulro phải bỏ chạy, chúng trốn chui trốn nhủi qua tận rừng Lào, núi Thái, rồi lão xung phong ra biên giới Bắc. Nhớ năm 1979 bọn Tàu trở mặt, lật lọng, xua quân xâm lược sáu tỉnh biên giới. Trung đoàn được lệnh khẩn tăng cường. Nhiều tay trong đơn vị ngại ra trước hòn tên, mũi đạn, riêng lão thì mừng ra mặt. Lão nói: Làm thằng lính mà không dám đấm đá với giặc thì ngứa tay ngứa chân, buồn lắm! Hơn nữa chưa có dịp ra Bắc lần nào, nên lão háo hức như trẻ con đợi mẹ cho đi chợ Tết. Đoàn quân tăng cường có cả Bình và Nhân, ba thằng cùng huyện. Hơn tháng ròng rã đánh nhau với giặc, lão may mắn không sứt sỉa đến một sợi lông chân. Có lẽ pháo đạn Tàu run sợ trước sự mưu trí, tánh gan dạ của lão nên né tránh tất tần tật. Đạn như vải trấu mà chỉ bắn vào cây rừng, đá núi... Riêng thằng Nhân có lần dính phải mảnh pháo bị thương nhẹ ở bắp chân, lão cõng đồng đội ra khỏi trận địa, băng bó an toàn. Rốt cuộc tụi lính Tàu cũng bị ta đánh tơi tả, thất bại ê chề nên cuốn gói chạy như Thoát Hoan chui ống đồng trốn về bên kia biên giới. Trung đoàn chiến thắng cũng trở lại Tây Nguyên. Ba đứa, đứa nào cũng được thăng quân hàm thành những sĩ quan trẻ, nòng cốt của đơn vị.
- Anh mời anh Tâm xuống ăn sáng, cà phê cho nóng.
Vợ Bình từ phòng ăn đi lên gật đầu mỉm cười chào lão, nhắc chồng. Hai người bạn chiến đấu năm nào lại quàng vai thân thiết đến bên bàn ăn. Lão thiệt tình bảo mới làm gói mì tôm còn no bụng, nhưng hai vợ chồng chủ nhà ép mãi mới cầm đũa. Bình biết tánh khí của bạn vì con cái, bất đắc dĩ mới đến nhà mình cũng như đi nhờ vả bạn bè.
***
Thấy mặt lão tươi tỉnh bước vô nhà. Thằng Duy hỏi: “Việc sao rồi ba?”. - Chị cũng nôn nóng nhìn lão chờ thông báo kết quả.
Lão nổi hứng cười khà khà:
- Nói chung là "very good!", Nhân đã nhận hồ sơ của thằng Duy và hứa bố trí việc ngon lành cho nó. Chắc ra Tết.
- Thế… ảnh có… nhận phong bì chứ! - Chị ấp úng hỏi thăm dò.
Lão cười xởi lởi:
- Tui đưa. Nhân ngần ngừ một lát rồi nhận bỏ túi. Còn vui cười rối rít cảm ơn bà đã quá chu đáo.
Chị không nói gì, nghĩ mình đoán đúng. Thời buổi kim tiền này chẳng có ai hoàn hảo cả. Mình muốn mau được việc thì ít nhiều gì cũng phải tốn, cho dù là anh em ruột, ai cũng phải ăn mới sống, làm gì có chuyện làm công không. Rồi chị lại thầm an ủi: “Con mình mới ra trường, có việc làm ổn định là may mắn lắm rồi. Thôi kệ!”. Thậm chí có khi tốn nhiều hơn cũng phải chạy mà chưa chắc vào được công ty tư nhân chứ đừng nói chi của Nhà nước! Chị giấu lão đã bán sợi dây chuyền ngày cưới và mấy khâu bốn số chín dành dụm. Chỉ để lại một ít lo Tết còn bao nhiêu bỏ hết vào phong bì.
Sáng nay mồng một Tết. Thôn xóm rộn rã hơn. Nhà nào nhà nấy vui như nắng ấm đầu năm. Hầu như mọi người mừng đón xuân mới trong tâm thế tràn đầy mơ ước. Và hình như con cô-vi, cô veo cũng đã chạy trốn đâu mất tiêu, chẳng ai thèm để ý đến nó nữa. Nhà nào nhà nấy đều tinh tươm, hương hoa thơm lừng lựng.
Cả nhà chị tươm tất quây quần bên mâm cơm sum họp gia đình đầu năm. Thằng Duy rót lon Henieken vừa cúng ông bà ra ly. Nó bưng hai tay mời ba má. Cầu chúc sức khỏe, an lành. Cả nhà "Happy New Year", vừa nâng ly bỗng nghe có tiếng xe đỗ trước sân. Ngó ra, thấy vợ chồng Nhân veston, áo dài sang trọng đang bước xuống xe, vào nhà. Lão hơi ngạc nhiên không ngờ người xông đất đầu tiên nhà mình năm nay lại là thằng đồng đội chí cốt mới gặp hôm trước. Cũng là vị Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nổi tiếng từ phố về. Mọi người mừng rỡ bắt tay nhau thắm thiết. Họ cụng ly chúc cho nhau những lời tốt đẹp như rót tự đáy lòng. Trước khi ra về, Nhân vỗ vai thằng Duy:
- Mừng chàng trai trẻ của chú tốt nghiệp cử nhân xuất sắc. Mừng tuổi năm mới. Chú thím lì xì con. Còn quyết định chú đã ký. Hôm nào về công ty làm việc, con nhận luôn thể!
Duy dạ, cảm ơn rối rít. Khi vợ chồng Nhân đi khỏi. Thằng Duy từ phòng riêng ré lên:
- Ôi! Chú Nhân lì xì gì mà kỳ vậy nè! Ba má lại xem!
Trong bao xì lì Tết đỏ thắm như màu hoa hồng là tờ năm trăm mới toanh cùng phong bì trắng dày cộm dán kín.Vừa nhìn, chị biết nó là của chị đưa lão hôm trước. Chị bỗng phân vân: Sao vợ chồng Nhân trả lại? Có phải chê ít? Nhưng lúc nãy Nhân bảo đã ký quyết định cho thằng Duy rồi kia mà! Thấy vợ tự nhiên thẫn thờ suy nghĩ. Lão bỗng nhớ lại, phá lên cười:
- Hôm thằng Nhân nhận phong bì, nó với thằng Bình cười cười. Tui hơi nghi nghi rồi. Nó sợ mình không tin nó nhiệt tình giúp, nên giả bộ nhận thiệt. Giờ nó lì xì cho thằng Duy cũng thiệt! Khà khà… Đúng là những thằng đồng đội của tui thật tuyệt vời. Đâu phải ai cũng vì tiền cả đâu! Em không nên nghĩ lung lung nữa nhé!
Thằng Duy nhìn ba nó cười khoái chí.Trong lòng nó cũng vui lây:
- Đúng là đồng đội của ba thật tuyệt vời. Dù ở cương vị nào cũng không phân biệt, họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ cho nhau.
Ngoài ngõ đã thấy bà con trong xóm râm ran rủ nhau đi chúc Tết. Và hình như tiếng ai giống vợ chồng Bình đang nói cười trong nắng./.