Gió Tà Nung

TAP CHÍ LANGBIAN|6/23/2022 2:50:43 PM

Gió Tà Nung

                                                     NGUYỄN VĂN NGỌC

 

Không biết từ bao giờ, người ta lan truyền câu: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Tà Nung”. Vùng đất Tà Nung như một lòng chảo, xung quanh là đồi núi, chỉ có một con đường nhỏ phủ đầy sỏi đá nhấp nhô chạy qua làng. Tà Nung cách Đà Lạt chừng hai mươi kilômet, có đặc sản là khoai lang mật, hương vị thơm ngon có tiếng, đất đỏ bazan Tà Nung rất tơi xốp, các loại rau lấy củ chỉ cần dùng tay bới nhẹ là thu hoạch được ngay. Tà Nung là miền đất vẫn còn hoang sơ, ẩn chứa tiềm năng cho nông nghiệp, phong điện, thủy điện, khoáng sản… Nhiều người giàu ý chí và tài năng đã đến đây lập nghiệp nhưng sau khoảng thời gian đầu tư tiền của và công sức, không hiểu vì sao họ đều bị thất bại. Người ta cố tìm ra nguyên nhân, phải chăng đất Tà Nung có con “sâu sùng” chuyên cắn rễ các loại rau, vùng Tà Nung vượng âm khí, hay là Tà Nung gió quá mạnh.

 Có một thời ruồi vàng, bọ chó Tà Nung chắc là độc địa lắm, còn gió Tà Nung liên tục đổi chiều, hiếm thấy một bắp ngô có hạt thẳng hàng, phần lớn hàng hạt bị xiên về trái hoặc vẹo sang phải. Gió Tà Nung xoáy từ dưới lên, làm tốc váy các cô gái K’Ho đi nương rẫy, làm tốc mái nhà, thổi lìa tán nhiều lứa đôi, nhưng đôi khi gió lại đẩy những thân phận cô đơn sát lại gần nhau. Những đêm gió thổi mạnh, tiếng gió hú rít  làm cho người ta có cảm giác bất an.

***

 Ai cũng bảo tuổi bốn mươi là “tuổi hoa” của đời người phụ nữ, tuổi tâm sinh lý ổn định, cái tuổi mà cô gái mười tám đôi mươi phải chờ đợi hai mươi năm sau mới có được vẻ đẹp mặn mà đằm thắm của đàn chị, mà không có cách nào đốt cháy được giai đoạn.

Hiền lấy chồng sớm, ba mươi bảy tuổi cô đã có con mười bảy tuổi. Con gái Hiền chưa đủ tuổi vẫn được đặc cách thi Đại học, trúng tuyển khoa Sinh học, ra trường con sẽ nối nghiệp bố trồng hoa. Niềm vui con vào đại học chưa trọn vẹn, cô bị viêm khớp dạng thấp, các khớp ngón tay bị sưng, có ngón bị vẹo lệch, vừa đau vừa trông rất bất mãn. Cô còn buồn hơn, trong sáu tháng liền, tự nhiên cô bị tắt kinh, cô thấy trong lòng tĩnh lặng, muốn xa chồng để vào Tà Nung sinh sống một mình.

Hiền vào Tà Nung mua một rẫy cà phê rộng ba héc ta, có suối nước bao bọc xung quanh, tiếng nước chảy róc rách suốt ngày đêm, nghe cũng vui tai. Hàng xóm của cô là một sư thầy, ông đã tốt nghiệp đại học Phật giáo Huế trước năm 1975, ông là người mực thước uyên thâm, một lòng cầu kinh niệm Phật. Cô đứng bên này hàng rào ra mắt vị sư thầy, hai người làm quen nhau qua hàng cây mít tố nữ xanh um.

Những ngày đầu nơi vùng đất lạ, Hiền mất ngủ triền miên, mí mắt cô sưng húp, thân hình cô khô héo. Gió thổi như mèo đuổi nhau trên lớp tole mái nhà, gió rít qua những khoảng trống tuềnh toàng của căn nhà vùng sâu, Hiền cảm giác như có người đang rình rập, may thay tiếng cầu kinh gõ mõ của người tu hành như nhịp điệu an toàn trong cảnh sống đơn lẻ của người phụ nữ giữa mênh mông cà phê, cô cảm thấy ấm lòng.

Rẫy cà phê mà Hiền đang sở hữu đã được chuyển giao qua hai đời chủ, cô là người chủ thứ ba. Hai đời chủ trước đều là người yêu mến cỏ cây, họ đã phủ kín khoảng đất trống bằng những giống cà phê mới vừa năng suất lại vừa có giá trị, bờ rào quanh vườn xen kẽ hàng cây bơ, mít tố nữ, sầu riêng, ai đến chơi cũng đều tấm tắc khen là cô có cơ may mua được một khu vườn lý tưởng.

Con người ta dễ thích nghi trong thế giới tự nhiên, nhất là phụ nữ, sức chịu đựng và tính thích nghi của họ phải nói là tuyệt vời. Trước đây, rất nhiều phụ nữ bị ép duyên, thế mà họ vẫn đẻ cả đàn con cho chồng, sau đó là sự hòa hợp tình yêu và thủy chung cho đến cuối đời. Các loại thủy sinh và động vật hoang dã, môi trường sống chỉ thay đổi đôi chút là chúng đã chết hàng loạt.

Hiền trải qua xáo trộn về hoàn cảnh sống chỉ trong một thời gian ngắn, những đêm mất ngủ đã lùi xa, phía trước là mùa cà phê bội thu đầy hứa hẹn. Những cơn gió thổi mạnh làm cô khó chịu ngày nào, giờ đây tiếng gió rít liên hồi thân quen như người bạn hiền. Đêm nào tự nhiên gió ngừng thổi hoặc thổi nhẹ, cô lại thấy hơi sờ sợ, cảm giác trong lòng bất an.

Hiền thức dậy cùng nhịp với mặt trời, ánh sáng vừa soi tỏ mặt người cô đã cầm kéo cắt tỉa cành cà phê, bắt đầu từ hàng cây thứ nhất. Trong những tháng năm chung sống với chồng, anh là kỹ sư sinh học, cô đã học hỏi được phương pháp làm việc khoa học của anh. Ba mươi ngàn mét vuông đất đồi, nhấp nhô như sóng hình sin có biên độ rộng, trong khoảng thời gian mười sáu năm, hai đời chủ trước đã phủ kín sáu ngàn cây cà phê các loại. Giờ đây, nó được chăm sóc và quản lý bởi một người phụ nữ ba mươi bảy tuổi, đâu phải chuyện thường. Theo chu kỳ sinh trưởng, việc chăm sóc bón phân cho cây cà phê nếu không theo kịp thời tiết, cô phải thuê thêm nhân công. Mỗi năm tỉa cành cắt ngọn hai lần, làm cỏ cào bồn ba lần, bón phân ba lần, những trận mưa tưới cây đúng thời điếm cứ như trời thương nuông chiều lòng mong muốn của cô, làm nông nghiệp như thế thì còn gì bằng?

Mùa cà phê ra hoa, sắc trắng bao phủ suốt tầm mắt. Có đêm Hiền phải đóng kín các cửa sổ, gió thổi dồn hương thơm ngào ngạt. Những đêm trời trong có trăng, từ ngày đầu tháng trăng lưỡi liềm đến ngày trăng tròn, cô có thói quen uống trà xanh ngắm nhìn ánh trăng như rải bột trên rẫy cà phê, cô thả hồn theo gió…

Mỗi buổi sáng, gió thổi xào xạc hàng cà phê trĩu quả như sóng lượn, thành quả của quá trình chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật, Hiền rất hài lòng. Trong trạng thái phấn khích, cô thuê thợ máy xúc đào một hồ cá phía dưới đồi nơi đầu nguồn nước. Cô thả vài chục cân cá giống: Loại ăn chìm, loại ăn lửng và loại ăn nổi. Mỗi khi cô cho cá ăn, cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi, cá diêu hồng nổi lên quẫy dậy sóng cả mặt hồ, tiếng cá đớp thức ăn ngoàm ngoạp, lòng cô thấy vui nhìn chúng lớn trông thấy từng ngày.

Tháng sáu thời tiết vào hè, ve sầu kêu vang ran cả khu vườn, số lượng ve nhiều quá, tiếng đồng ca với tần số chói tai làm Hiền cảm thấy rất khó chịu.

Rồi một ngày, khi quả cà phê đã bắt đầu tròn mẩy chuẩn bị cho vụ thu hoạch, Hiền để ý thấy lác đác vài cây rủ lá, quả rụng. Ngày qua ngày, số lượng cây lá rủ quả rụng tăng lên già nửa vườn. Cô mất bình tĩnh chạy đôn đáo đi hỏi khắp nơi, từ Hội Nông dân đến các kỹ sư nông nghiệp đầu ngành của tỉnh, không có lời giải đáp nào thỏa đáng.

Hiền nhớ lại, chỉ mới tháng trước thôi, rẫy cà phê của cô tưng bừng khí thế, mà giờ đây cô ứa lệ, ánh mắt nhạt nhòa nhìn hàng ngàn cây ủ rũ như đàn thiên nga bị gãy cánh. Đêm hôm ấy, cô không sao ngủ được, trời mưa rất to dai dẳng, sấm chớp đầy trời, tiếng sét gần đến nỗi có thể sét đã đánh trúng nơi nào đó rất gần rẫy cà phê của cô, chẳng hiểu sao cô vẫn yên lòng lắng nghe tiếng gõ mõ đều đều của sư thầy hàng xóm.

Sáng sớm, Hiền đi xuống ao cho cá ăn, cô hốt hoảng, trận mưa như trút nước đêm qua đã dâng nước tràn bờ cuốn trôi cả ao cá. Cô chỉ thấy lác đác vài con nổi lên ngáp ngáp trông rất tội nghiệp, tưởng như những con cá may mắn còn lại chúng đang thương nhớ đàn. Cô ngồi phịch xuống vệ cỏ, cảm giác buồn chán mất phương hướng.

Trong tâm trạng bất an, Hiền nghĩ đến chồng, cô cầu cứu anh giúp đỡ để tìm ra nguyên nhân vì sao cây cà phê bị chết hàng loạt? Lời giải có ngay:

- Trước khi chết, ve sầu đẻ trứng xuống dưới lớp đất của gốc cà phê, giấc ngủ dài sau mười bảy năm ấu trùng mới nở, chúng thức dậy hoạt động hối hả dưới lớp đất, rộn ràng như một thế giới ngầm. Những ve sầu con ra sức ăn rễ cây để phát triển, chẳng mấy thời gian, chúng đã tàn phá rẫy cà phê như có một sức mạnh vô hình đem chết chóc đến những cây cà phê trĩu quả trước đó.

Con ve sầu đã đi vào tuổi thơ của Hiền, nó như một biểu tượng chỉ thời gian vào hè. Mùa đông qua đi, tiếng ve sầu râm ran báo hiệu mùa hè ấm áp nắng vàng đã đến, học sinh vui sướng được nghỉ hè như cô gái có người yêu. Thế mà giờ đây, biểu tượng đó đã biến mất trên màn hình vi tính của cuộc đời cô, loài ve sầu đã tàn phá rẫy cà phê đầy hứa hẹn, nó đã đánh cắp của cô niềm hy vọng dựng xây một trang trại tiện nghi kiểu mẫu. Cô nghĩ: “Tại sao trên đời này lại có một sinh vật vừa vô tích sự lại vừa nguy hiểm như con ve sầu? Cô nhớ lại truyện ngụ ngôn Êdốp: Mùa hè, ve sầu suốt ngày ca hát, lười biếng không chịu đi kiếm ăn, đến khi mùa đông tới, chúng đến nhà kiến vay thức ăn, kiến từ chối và nói bốn mùa họ nhà kiến đều chăm chỉ kiếm ăn, làm gì có thời gian ca hát như ve sầu, thế là tan tác xác ve.

Trong thế giới tự nhiên, cái chết là một phần của sự sống, phần lớn cái chết chăm bón cho cây đời tươi tốt. Cá hồi trở về chết ở nơi nó sinh ra, các nhà khoa học gọi đó là cái chết về nguồn. Trên suốt chặng đường hàng ngàn cây số “hồi hương”, cá hồi để lại sau nó thảm thực vật xanh tươi, xác cá là phân bón hữu cơ cho cây. Ve sầu là một hiện tượng kỳ quặc, chu kỳ sinh trưởng của nó vô tình đã phá hoại mùa màng, ve sầu phải được ghi vào trong sổ tay nhà nông như là một loài sinh vật “khủng bố”.

Thời tiết cuối mùa hè trời thường mưa to kèm theo giông bão. Một buổi sáng bầu trời xám xịt, Hiền thấy hàng trăm cây cà phê bị gió cuốn bật gốc.

“Thời gian mười bảy năm, chu kỳ vùa đủ để hoàn thiện bộ máy sinh nở của người phụ nữ. Trai mười bảy bẻ gãy sừng trâu, gái mười bảy đã vào đại học, thế mà cũng bằng ấy thời gian, “tác phẩm” của con ve sầu là biến bạt ngàn rừng cà phê trĩu quả thành củi đốt”: - Hiền cay đắng nghĩ như vậy.

Sống một mình nơi hẻo lánh, để tránh người đời dòm ngó, Hiền cạo trọc đầu, cô sắm một bàn thờ Phật Bà Quan Âm. Sau một ngày làm lụng vất vả, cô nghe Phật pháp, gõ mõ tụng kinh niệm Phật, đôi khi tiếng mõ của cô hòa cùng tiếng “Thác Vọng”* làm cho không gian trở nên ấm áp.

Một buổi tối gà vừa lên chuồng, sau khi ăn hết một quả mít tố nữ, Hiền vào phòng tắm. Gần như cả năm, lần tắm này cô mới chú ý đến thân thể của mình, cô duỗi xuôi đôi chân, chợt nhận thấy chân tươi chân héo, nhưng cặp vú ngà voi vẫn đều đặn. Cô ngạc nhiên, sau bao nhiêu lo toan vất vả, trong héo ngoài vẫn tươi, cơ thể cô trở nên săn chắc, bụng phẳng lì, các ngón tay đã ngay ngắn trở lại, tóc cô đã mọc dài, da mặt có vài vết nám mờ nhưng cô không quan tâm. Cô lấy sữa tắm thoa bờ vai rồi đến vùng nhạy cảm, cô vô cùng ngạc nhiên, cô đã thấy tháng trở lại.

Tắm xong, Hiền vội vàng lên giường đắp chiếc chăn len mỏng ấm áp, cô nghĩ:

- Một người đàn bà đơn lẻ phần lớn làm cái gì cũng khó khăn, loài ve sầu nhỏ bé nó cũng “bắt nạt” được cô. Nếu có chồng, anh sẽ có giải pháp kỹ thuật để tiêu diệt lũ ve sầu con ngay khi chúng vừa mới nở. Trời sinh ra người đàn bà phải có người đàn ông để nương tựa trong những lúc hiểm nguy.

Hiền nhớ chồng con, thương con gái bận rộn học hành mà tuần nào cũng phải đi về trên bốn mươi cây số đường cấp phối để vào thăm và an ủi mẹ, chồng cô thì lúc nào cũng trong tình trạng chờ đợi tín hiệu xanh để đón cô trở về nhà đoàn tụ.

Có lần chồng cô bảo: - Em như người bị trời đày.

Thức trắng đêm, cô nghĩ, có thể cô phải cám ơn lũ ve sầu đã phá rẫy cà phê, cám ơn cơn mưa to đã cuốn trôi ao cá, phải chăng công việc vất vả và những lo toan lành mạnh của cô trong thời gian qua như một kích thích tố tự nhiên mà không cần bất kỳ liều thuốc nội tiết estrogen nào? Cô còn phải đội ơn Trời Phật đã thấu hiểu lòng mong mỏi sâu kín trong tâm linh để cho cô trở lại thành người phụ nữ vẫn trong thì khao khát yêu đương.

 Tiếng gió reo làm Hiền xao xuyến, tiếng gió giật như tiếng gõ cửa dồn dập của chồng con thân yêu, những mất mát vật chất không là gì so với tài sản vô giá mà cô vừa được thụ hưởng, cô tràn đầy lòng tin yêu cuộc sống. Cô sẽ rủ chồng vào Tà Nung lắp đặt một cối xay gió để lấy điện thắp sáng cho nhà kính trồng hoa. Vợ chồng cô sẽ không trồng cà phê nữa, một năm ở đây, cô biết chắc vùng này sẽ thích hợp với cây lan hồ điệp.

Người phụ nữ như cuộc sống, không ai hiểu hết được họ, chỉ có họ tự hiểu mình và tự họ lựa chọn cách sống. Hiền đã có một gia đình yên ấm, tự nhiên cô giở chứng vào Tà Nung mua rẫy làm cà phê. Sau tất cả những gì xảy ra, cô đã biết nâng niu và giác ngộ thế nào là tổ ấm gia đình.

Một ban mai vẫn còn ẩm ướt sương đêm, Hiền tự tin mặc chiếc quần jeans đã sờn gối, chiếc áo pull một năm nay cô chưa mặc, có dòng chữ tiếng Anh chéo ngang ngực: “I love you”. Cô trang điểm nhẹ, nét mặt tươi tắn của người đang yêu, cô sốt ruột chờ chồng vào đón cô trở về nhà nghỉ ngơi, ngày mai mọi công việc đã có hai người, cô không còn lo sợ bất kỳ điều gì nữa./.

 

-----------------

Chú thích:

* “Thác Vọng” là tên riêng của thác ở vùng Tà Nung, cách xa vài cây số, người ta vẫn nghe được tiếng vọng của thác.

 

 

Gió Tà Nung