Hạnh phúc giản dị

TAP CHÍ LANGBIAN|8/12/2021 3:36:47 PM

Hạnh phúc giản dị

NGUYỄN THƯỢNG THIÊM

 

Hôm nào cũng vậy, cứ độ ba rưỡi sáng là bà Tâm lại gọi chồng dậy. Nhưng hôm nay, bà kêu tới mấy lần mà ông vẫn nằm. Bà lẩm bẩm… “Tháng bảy, heo may, trời se lạnh. Vết thương cũ ở chân lại hành ông đây”. Bà nhẹ nhàng ngồi bên thành giường lay vào vai ông:

- Ông Thành ơi, ông có sao không? Có làm được không kẻo… muộn nè.

Ông giật mình choàng dậy, vừa xoa bóp bên chân đau vừa nói, muộn cũng làm, bà sắp đồ chưa? Hôm nay có khách đặt hàng rồi đấy.

- Đủ cả rồi. Đợi ông có mà…

Ông xốc đôi quang gánh lên vai. Một bên là bộ lưới rút, một bên là cặp thúng, cái rỏ và mấy vật dụng cho việc đánh bắt cá. Ông nhấp nhô đi trước. Bà vội bước theo sau. Nhằm cánh đồng làng Vạn mà tới. Ngắm dáng đi của ông, bà như đứt từng khúc ruột. Bà bảo:

Ông để tôi gánh cho, nhìn cái kiểu đi chấm phẩy của ông kìa… - Ông khoát mạnh tay:

 - Để tôi, “yếu trâu còn hơn khỏe bò”!

***

 Thành sinh ra và lớn lên bên dòng sông Đáy, đoạn chảy qua đập Phùng thuộc huyện Đan Phượng, Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1971 khi tròn mười tám tuổi, anh nhập ngũ và chiến đấu ở Quảng Nam. Sau đại thắng mùa xuân 1975, Thành được cấp trên cho đi học Đại học Nông nghiệp II ở Bắc Ninh. Vừa ra trường thì bọn bành trướng Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Anh hăng hái xung phong ra trận theo lời kêu gọi tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.

Thành được biên chế vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 Sao Vàng phục vụ chiến đấu tại khu vực cầu Khánh Khê giữa lúc cuộc chiến bước vào giai đoạn hai vô cùng ác liệt. Sư đoàn 3 của anh liên tục chống trả ba sư đoàn bộ binh 160, 161, 129 cùng nhiều tăng, pháo của địch tiến công trên một chiều dài hai mươi kilômét từ xã Hồng Phong huyện Văn Lãng đến xã Cao Lâu huyện Cao Lộc, nhằm chiếm thị xã Lạng Sơn. Sau nhiều trận đánh đẫm máu giành giật các điểm cao, nhưng trong suốt các ngày từ hai tám tháng hai đến mùng hai tháng ba năm 1979, quân Trung Quốc vẫn không vượt qua được đoạn đường bốn kilômét để vào thị xã Lạng Sơn.

Vào khoảng  mười sáu giờ ngày mùng hai tháng ba năm 1979, trong khi vác đạn lên trận địa pháo của ta, Thành bị bộ binh địch bắn vỡ đầu gối chân phải và hỏng con mắt trái. Anh khuỵu xuống. Hàm răng nghiến chặt bỗng văng ra câu chửi:

- Tổ cha quân bành trướng. Mày đừng hòng lấy một tấc đất thiêng liêng của cha ông chúng tao…

 Máu ra rất nhiều. Anh ngất đi trong vòng tay đồng đội. Năm đó Thành vừa tròn hai mươi sáu tuổi.

***

     Sau chiến thắng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Thành được chuyển về Trại điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành đặt tại xã Ninh Xá huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đây là đơn vị nuôi dưỡng, điều trị thương, bệnh binh nặng tập trung, có số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất của cả nước. Thành xác định, phải tiếp tục sống và chiến đấu trong một “trận chiến mới”: Chiến thắng bệnh tật. Anh thường chia sẻ với anh em cùng cảnh ngộ:

- Mặc dù bị thương tật nặng, nhưng chúng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại chiến trường. Chúng mình được sống, được chứng kiến đất nước ta ngày càng phát triển, cảm thấy rất vui mừng và hạnh phúc vì những cống hiến của mình góp phần làm nên những thành quả đáng ghi nhận này. Nhờ lạc quan, yêu đời, vết thương của anh bình phục khá nhanh. Thành tham gia các hoạt động của trại. Động viên đồng đội tự vươn lên bằng các việc làm vừa sức như nhặt cỏ, vệ sinh nhà cửa… như lời Bác Hồ đã dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Ở Trại điều dưỡng được sáu năm, từ cuối năm 1979 đến 1985, theo đề nghị của gia đình và nguyện vọng cá nhân, Thành được trở về địa phương nơi anh sinh ra, đó là Xóm 8 xã Tân Hội, khi vừa bước sang tuổi ba mươi mốt. Đúng lúc ấy, Hội Phụ nữ có phong trào nhận đỡ đầu thương binh. Thành được xếp loại Thương binh 1/4. Một vài chị em thấy anh vừa hỏng một mắt, vừa cụt chân phải nên ngại tiếp xúc. Anh em thương binh cùng xã ai cũng có người nhận chăm sóc. Riêng Thành vẫn sống dựa vào người mẹ đã ngoài năm mươi tuổi. Bố anh hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp chỉ trước một ngày khi Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Nhiều ngày, nằm một mình trên cánh võng, Thành thấy tủi thân. Anh thương mẹ tuy chưa nhiều tuổi nhưng sức yếu. Ngày ngày hết việc hợp tác xã đến việc nhà lại chăm nom mình, trông mẹ ngày thêm tiều tụy. Vào một buổi chiều cuối năm, gió bấc tràn về, mưa giăng lạnh giá, Thành thấy vai mẹ oằn xuống khi gánh mạ đi cấy. Anh đã tức tưởi khóc như chưa bao giờ được khóc… Bỗng có tiếng ai ngọt mềm bên cửa sổ:

- Lêu… lêu… xấu lắm… lớn rồi mà còn khóc…

Rồi một chuỗi cười lấp lóa từ hàm răng trắng tỏa ra, như vừa trách vừa thương.

Thành bật dậy, đôi môi mấp máy, giọng như lạc đi: “Ôi Tâm! Vào đi, mưa ướt rồi kìa”. Tâm ở xóm bên, nhỏ hơn Thành năm tuổi. Ngày còn ở nhà, Thành học cùng anh trai của Tâm, và là một đôi bạn thân. Nhiều lúc anh trai Tâm trêu đùa: “Mày học giỏi, chăm ngoan, tao nói bố mẹ gả con Tâm cho”. Thành chỉ biết lấy vở che mặt cười. Vây mà… thời gian như nước trôi qua cầu. Tâm đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Ra trường dạy ở gần nhà đã được mấy năm. Thành gắng gượng ngồi dậy. Nhưng như người mất thăng bằng, anh lại lật xuống tấm võng dù. Tâm vòng tay phải vào nách, tay trái đưa xuống dưới đùi phải, nhẹ nhàng đỡ Thành dậy.  

- Để em phụ anh nào. Chân anh đau mà…

Thành cảm giác như có đàn kiến bò khắp người khi má Tâm chạm nhẹ vào má mình. Càng xao xuyến hơn khi một mùi hương tỏa ra vừa thơm vừa ngọt từ người con gái ấy. Như vô tình, anh gục đầu vào ngực Tâm. Tai thẩm thấu sự loạn nhịp của con tim mà chỉ những người khác giới lần đầu trao cho nhau… Thành nói như một vận động viên điền kinh chạy trăm mét khi dừng ở đích:

- Anh… à tôi… xin lỗi… Tâm…

- Anh… anh… không sao đâu. Em… yêu anh.

Tâm ôm chặt lấy Thành. Đã lạnh lắm đâu mà hai người run lên. Phía đầu tường tiếng con tắc kè kêu lên bảy tiếng “Tốt rồi… tốt rồi…” Từ phút ấy, Thành và Tâm dính vào nhau như hòn Trống Mái trên biển. Dù gió to sóng lớn cũng không thể làm cho họ rời xa.

Sau ngày cưới ít hôm, Tâm xin chuyển trường về gần nhà để có điều kiện chăm sóc chồng. Thành hăng hái tham gia công tác ở xã, khi thì Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, lúc Phó ban Thương binh xã hội.

Đã tròn ba mươi năm ở bên nhau, ông bà có với nhau hai mặt con: Một gái, một trai. Đứa chị tên Lạng, đứa em tên Sơn. Cái tên của các con ghi dấu một thời ông xông pha trận mạc ở Lạng Sơn, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược đầy tham vọng của bọn bá quyền Trung Hoa.

***

Buổi sáng hôm ấy, sau khi tất tả ra khỏi nhà, ông bà nhằm hướng Tây mà đi. Đường làng vắng lặng. Đồng làng Vạn cách nhà ông bà Thành chừng hơn cây số. Ở đây có một cái hồ rộng. Tôm cá sinh sản tự nhiên khá nhiều. Mặt hồ gợn lăn tăn. Bóng các ngôi sao in trên mặt nước, lấp loáng vòng tròn, khi nhỏ khi to tỏa lan theo làn sóng. Bà Tâm đỡ chồng, đặt đôi quang gánh xuống một cái gò cao. Ông Thành vươn vai, hít một hơi dài đón gió từ mặt hồ thổi lên vừa man mát vừa tanh tanh. Ngày làm việc bắt đầu, ông bà mỗi người giữ một đầu lưới. Đây là loại lưới vây (hay còn gọi là lưới bao hoặc lưới rút) có hai mảnh đối xứng, mỗi mảnh dài mười lăm đến hai mươi mét, mắt lưới chỉ rộng từ một phẩy năm đến hai centimét vuông., là ngư cụ khai thác chủ động, đánh bắt theo nguyên lý lọc nước bắt cá, chủ yếu bắt cá đàn hoặc kết cụm thành đàn. Lưới vây thường không bao vây đàn cá hết độ sâu nơi khai thác, mà thông qua giềng rút chì để chặn cá thoát xuống phía dưới. Ông cầm một đầu mành lưới lội xuống trước. Khi ông rải lưới, những chiếc phao trắng trồi lên, tụt xuống trông như tôm nhảy. Nước trong hồ khá ấm. Khi mặt nước ngang vai, ông quay vào bờ, đi gần đến chỗ bà. Hai người bắt đầu rút lưới. Một vài con cá vọt lên trong lòng lưới sáng như tia chớp.

 Sau lượt rút đầu tiên áng chừng thu được dăm bảy ký, cá đổ đầy hai cái rỏ. Ông đến ngồi bên gò, rít một hơi thuốc thật sâu như cháy điếu. Ôi khoan khoái. Cạnh ông, bà têm miếng trầu, thong thả đưa lên miệng, trệu trạo như nhai kẹo cao su. Phía Tây, trăng còn treo như quả gấc chín. Ngắm cánh đồng mênh mông, thoảng đâu đây mùi hương lúa quyến rũ. Trăng thượng tuần trải màn sương mỏng như buông mùng. Ông thấy lâng lâng trong người:

- Bà ơi… tôi bảo.

- Ông lại nghĩ ra trò gì vậy?

Ông lại gần bà, sao hôm nay người bà như ướp mùi trầu thơm lựng. Ông thầm thì, còn sớm, cá được nhiều, bà… chiều tôi… cái nào. Thương ông nhưng sợ giữa đồng không mông quạnh, lỡ có việc gì. Nhưng bà khéo léo:

- Được… còn sớm… thì làm mẻ nữa. Lát tôi cho…

Mẻ lưới thứ hai diễn ra nhanh và trôi chảy. Cá xếp trên lưng thúng. Ông bà cười ấm một góc hồ. Thấy ông mặc quần áo. Bà nhắc:

- Được cá rồi, ông muốn… bắt tôm không?

- Bà… tôi ngâm nước lâu. Teo mẹ nó… bugi rồi. Về thôi…

Phía Đông, bình minh ửng hồng. Cũng là lúc kết thúc một buổi lao động cật lực, ông bà nhanh tay phân loại cá để gánh về cho kịp buổi chợ. Ông gánh đồ đi trước, dưới ánh trăng xuống thấp, bóng ông dài ra. Cứ nhấp nhô, nhấp nhô bên cạnh cái bóng của bà. Hai người im lặng. Phía trước, chợ huyện hiện ra.

Khách hàng quen mua cá của ông bà đã đợi sẵn. Không phải mặc cả, mọi người xúm vào mua, chả mấy lúc hết hàng. Quảy đôi quang gánh đã hết hàng lên vai, ông giục, về thôi … bà. Bà kéo tay ông nói, đợi tôi chút đã. Bà tất tả vào chợ mua mấy lạng lòng lợn còn nóng với cút rượu trắng. Nét mặt bà rạng rỡ:

- Đây phần ông đây. Bồi dưỡng cho ông khỏe nè…

Hai người lại như tựa vào nhau, liêu xiêu rời khỏi chợ trong niềm vui, niềm hạnh phúc giản dị.

Hạnh phúc giản dị