Hành quân giữa mùa xuân

TAP CHÍ LANGBIAN|4/6/2021 4:06:47 PM

Hành quân giữa mùa xuân

VÕ TRẦN PHÚ

 

Phong mang balô đầy bánh kẹo, trà, thuốc lá hăm hở trở về hậu cứ, để chuẩn bị làm đám cưới với Lan, cô y sĩ ở ban quân y tỉnh. Hai người yêu nhau đã lâu, vả lại họ cũng đã lớn tuổi nên cấp trên tác hợp và đồng ý. Đến trạm giao liên, Phong ngả balô, mắc võng nằm nghỉ, anh mơ màng nghĩ về đám cưới ngày mai.

- Hù!...

Phong choàng tỉnh anh ngồi dậy ôm Lan ngồi xuống võng, hôn nhẹ lên mái tóc người yêu.

- Anh đợi hơi lâu, sốt ruột quá chừng. Việc của chúng mình em chuẩn bị tới đâu rồi?

- Em đã báo cáo với các chú, mượn hội trường Bệnh xá Quân y để làm lễ. Hiện giờ anh em thanh niên trong chi đoàn đang trang trí.

- Thế thì tốt quá rồi.

Ngoài trời, những cơn gió nhẹ giao mùa thoảng qua làm khẽ rung những chiếc lá lang lay theo chiều gió. Họ cùng sóng bước bên nhau tiến về phía hội trường quân y. Nửa đường họ gặp An, liên lạc của chú Ba Hưng.

- Em tìm anh từ sáng tới giờ, Thủ trưởng Ba Hưng gọi anh lên có việc khẩn cấp.

Một thoáng chần chừ, Phong bịn rịn chia tay người yêu, theo sau An đi về phía cơ quan Tỉnh đội. Anh lội qua con suối nhỏ là đến lán trại nơi Thủ trưởng Ba Hưng đang làm việc.

- Báo cáo thủ trưởng, tôi là Phong chính trị viên Đại đội 115 có mặt.

Thủ trưởng Ba Hưng chậm rãi cho trà vào ấm, chỉ ghế mời Phong ngồi.

- Cậu ngồi xuống đi, bình tĩnh nghe mình nói, chuyện của cậu và cô Lan ngày mai mình đã nắm rõ, nhưng... - một thoáng chần chừ, ông Ba Hưng rót nước vào chén trà rồi nói tiếp:

- Theo mệnh lệnh của quân khu, tất cả các cơ quan quân, dân, chính, Đảng đều phải hành quân cấp tốc về hướng thị xã trong đêm nay, còn đến đó làm gì sẽ chờ mệnh lệnh sau.

Nhấp một ngụm nước trà đặc sánh ông nói tiếp:

- Mình rất thông cảm cho hoàn cảnh của cậu, nhưng lệnh của cấp trên yêu cầu chúng ta phải chấp hành. Ngay chiều hôm nay, chúng ta phải tiếp cận Đường 21 (nay là Đường 27 nối dài), chờ đêm tối chúng ta vượt đường về suối Cát cho kịp.

Nghe đến đây, Phong thấy trong người bàng hoàng khó tả. Vậy là việc đám cưới phải tạm gác lại. Bao nỗi niềm khao khát chờ đợi bấy lâu nay, biết bao giờ hai người mới được sum họp - anh lẩm bẩm:

- Thế là… Mất công toi.

***

Đêm hai chín Tết, xuân Mậu Thân 1968, đoàn người lặng lẽ hành quân đến gần Đường 21. Cả đoàn dừng chân tạm nghỉ, chờ trinh sát cho vượt đường. Phong ngước mặt lên bầu trời. Những ánh sao đêm lấp lánh, lòng anh vẫn còn xao xuyến biết bao cảm xúc khi ngồi bên Lan. Không biết giờ này Lan đã ngủ chưa, hay đang làm gì. Anh đâu có ngờ cũng vào thời điểm ấy, đoàn quân hậu cần đơn vị của Lan cũng chuẩn bị vượt Đường 21 qua ngả R’Lum tiến về phía buôn Phi Tô để ngược dòng Cam Ly về đóng quân ở dốc Bứa. Ngay hôm sau, cả đoàn đã bắt tay vô triển khai đào hầm, đào giao thông hào, cất nhà giải phẫu và trại thương binh, cùng với việc làm bếp Hoàng Cầm. Công việc cứ tấp nập, túi bụi.

***

Mười giờ sáng hôm sau, đơn vị của Phong đã về đến suối Cát. Dòng suối Cát nằm dưới chân Hòn Bù (trong dãy Núi Voi), hôm nay khác hơn ngày thường. Những cánh quân đóng dày kín hai bờ suối. Họ gặp nhau chào hỏi tay bắt mặt mừng, những câu chúc mừng năm mới trước khi vào trận chiến. Thủ trưởng Ba Hưng đứng trên mỏm đá cao, trên vai vẫn còn khoác tấm dù bông ngụy trang, trông rất oai vệ. Ông dõng dạc nói:

- Các đồng chí, khẩn trương chuẩn bị cơm trưa, cơm vắt và lương khô, xong chúng ta lại hành quân tiếp, lên hướng Tây Bắc thị xã. Dọc đường hành quân tuyệt đối giữ bí mật. Đêm nay khi thời khắc giao thừa đến, chúng ta đón mừng năm mới giữa lòng thị xã thân yêu. Trên đường đi nếu gặp địch kháng cự ta được quyền nổ súng, gặp những ổ đề kháng, đồn bốt ta được quyền sang phẳng. Mục tiêu chính là trung tâm thị xã.

Tất cả đoàn quân hô to: “Rõ”.

Chiều hôm ấy Phong chỉ huy một đại đội đi vào vùng Măng Lin, ém quân bên bờ ruộng nhỏ, chờ đến đêm vượt qua  suối Năm Cống (cầu có năm cống ngầm qua suối Cam Ly) để vào ấp Cao Thắng. Đơn vị của anh được phân công tiến về phía nhà thờ Domaine De Marie, nhằm chiếm Ty Công an và đánh chặn quân phản kích từ hướng sân bay Cam Ly. Gần đến Ty Công an, đại đội anh vấp phải sự kháng cự quyết liệt của địch.

Trời sáng dần, Phong cho anh em rút quân về phía sân nhà thờ, anh thầm suy nghĩ: “Thế nào địch cũng điều phi, pháo để phản kích”, Phong ra lệnh:

- Toàn đại đội tất cả phải đào quân sự và giao thông hào để chống phi, pháo.

Đúng như dự đoán, tờ mờ sáng địch đã cho máy bay trinh sát L.19 bay vo ve lượn vòng quan sát trên bầu trời Đà Lạt. Trời sáng tỏ, chúng gọi máy bay khu trục lên ném bom, gọi pháo binh giã tới tấp. Một số anh em trong đơn vị bị thương nhẹ, toàn đại đội của Phong quyết tâm bám giữ trận địa. Do địa bàn ở đây là cơ sở tôn giáo nên địch không giám hủy diệt. Vả lại các đơn vị bạn cũng đồng loạt nổ súng nên địch bất ngờ trước sự tiến công của quân giải phóng, chúng chỉ phản công lẻ tẻ.

Sau ba ngày cầm cự quyết liệt, đạn dược còn quá ít, cấp trên lệnh cho các cánh quân rút về đồi đất đỏ, cách đó chừng năm trăm mét về hướng Bắc, bám trụ lại chuẩn bị đánh phản kích. Địch bung ra từ hướng sân bay Cam Ly, một tiểu đoàn từ trường chiến tranh chính trị vượt qua Nghĩa địa Số 4 theo hướng Đông tiến lên. Một đại đội biệt động quân có xe thiết giáp yểm trợ tiến thẳng về hướng đồi Đất Đỏ, nhằm đẩy quân ta ra khỏi thị xã.

Trước khi tràn lên Cây số 4 (đường Ngô Quyền ngày nay) chúng gọi pháo binh dập liên hồi kỳ trận, dọn đường cho bộ binh tiến lên. Cánh quân của Phong chạm phải một đơn vị bảo an. Cuộc chiến tầm gần giữa ban ngày rất quyết liệt - Nam sạ thủ B40 đã hy sinh bên công sự, lúc ấy Phong lao lên chụp lấy khẩu B40, vừa đặt lên vai chưa kịp bóp cò thì anh đã phải hứng  một quả M79 nổ tung trước mặt. Phong tối tăm mặt mũi, ngã ngay trên công sự, đồng đội kịp tiếp cứu, chuyển anh về đội phẩu tiền tiêu bên đồi Cao Thắng.

***

Chiều xuống trên đồi Bứa. Nắng xuân nhẹ nhàng rải đều trên từng cành lá. Dưới tán  rừng già, liên tiếp những ca thương binh chuyển từ tuyến trước đưa về bệnh xá dã chiến. Từng tốp hộ lý, y tá, y sĩ, bác sĩ thay nhau túc trực bên các thương binh. Công việc chữa chạy, băng bó những vết thương trên từng cơ thể người lính được chăm sóc khẩn trương và  kỹ lưỡng. Lan đang phụ mổ dưới hầm giải phẫu, thì nghe y sĩ Linh báo tin:

- Lan...! Anh Phong bị thương nặng, đang nằm trên lán cấp cứu.

Nghe tin đột ngột như sét đánh, Lan buông ngay dụng cụ y tế, miệng nói luôn:

- Xin phép bác sĩ...

Vừa nói vừa chạy vào lán cấp cứu. Tại đây Phong đã được các y tá đưa lên sạp tre để xem xét vết thương. Lan đứng nhìn hình hài người yêu đầy máu thấm đẫm qua lớp băng gạc, chị đứng lặng không nói nên lời, những giọt lệ trào ra từ khóe mắt...

***

Ba tháng sau khi những vết thương trên người của Phong đã bắt đầu khép kín miệng. Những lúc này, anh lại càng nhớ thương các đồng đội đã ngã xuống trên chiến hào. Và những người còn sống không biết giờ này họ chiến đấu nơi nao. Hơn lúc nào hết tình cảm, sự chăm sóc chu đáo của Lan dành cho Phong như vợ chồng. Những người thương binh cũng là đồng đội của Phong, họ rất thông cảm cho hoàn cảnh của hai người.

Vào một ngày cuối tháng ba năm 1968, cán bộ, bác sĩ, nhân viên cùng với thương bệnh binh ở bệnh xá quân y tiền phương rạo rực đón tin vui. Hôm ấy khác với mọi ngày, ở lán hội trường cờ hoa rực rỡ. Thay mặt Đảng ủy Mặt trận tiền phương, chú Ba Hưng tuyên bố:

- Kể từ hôm nay, đồng chí Nguyễn Thanh Phong và y sĩ Ngô Phương Lan nên đôi vợ chồng.

Tiếng vỗ tay hoan hô, những lời chúc tốt đẹp và những bài hát đồng ca vang dội một góc rừng. Cuộc sống giờ đây giữa hai người càng thêm ý nghĩa. Họ luôn sát cánh bên nhau, cùng hành quân giữa mùa xuân./.

 

 

Hành quân giữa mùa xuân