Hồi ức về K

TAP CHÍ LANGBIAN|8/23/2022 4:21:03 PM

Hồi ức về K

ĐẶNG HOÀNG THÁM (Cần Thơ)

 

Bạn tôi là một nhà thơ nghiệp dư. Còn tôi là một tác giả viết văn. Đôi lúc gặp nhau, sương sương vài cốc tâm tình, tôi thường được nghe Trần Khải Vinh kể vài mẩu chuyện về những năm tháng thời tuổi trẻ của anh... Nhất là những ngày trên đất K (Campuchia).

***                                                                      

Bat Tam Bang năm 1986- 1987 .

 “Vinh! Cậu được đề bạt lên tiểu đoàn phó và thăng hàm Thượng uý rồi đấy nhé!” - Trung đoàn trưởng giao quyết định cho tôi. Ông  nói:

- Ráng làm việc. Cậu còn trẻ lại có học vấn khá. Mai này về  nước sẽ có tương lai!

Trung đoàn trưởng nhìn ra phía cánh rừng:

- Bọn tôi đã già! Đánh Mỹ cũng đã mệt mỏi rồi! Bây giờ nhường lại cho các cậu chứ!

- Trung đoàn trưởng vẫn còn phong độ. Thưa đồng chí!

Trung đoàn trưởng vỗ vai tôi. Ông bỗng trầm ngâm:

- Anh biết trong đời tôi sợ cái gì nhất  không?

- Xin thủ trưởng nói!

Ông bật lửa, đốt thuốc, rồi chợt nhiên ông nói như tâm sự:

- Tình yêu và sự thiếu quyết đoán. Tình yêu, tôi muốn nói ở đây là tình yêu của những người yêu nhau… Ngày xưa, thời chống Mỹ tôi có quen và yêu thương một người con gái. Tôi không bao giờ quên được chuyện đau lòng ấy. Đại khái là như vầy:… Nàng đã đẩy tôi xuống hầm trong một trận pháo càn của giặc. Lúc đó tôi về công tác ở địa  phương, còn nàng là giao liên của xã. Nàng đã hứng một mảnh pháo 105 của giặc và hy sinh ngay trên miệng hầm tôi núp. Từ đó, tôi sinh ra căn bệnh sợ những người yêu tôi. Tôi đâm ra mặc cảm với họ nếu không làm cho họ hạnh phúc. Sau này, tôi chủ động yêu người mà mình thương, nhưng lại rất ngán ngại khi  được các cô ấy yêu mình, tất nhiên đó là quan điểm của tôi. Có thể nó không giống ai… Còn sự thiếu quyết đoán! Có một lần tôi gặp một người con gái tôi thầm yêu trộm nhớ. Tôi không dám nói yêu nàng, dù trong ánh mắt hai người đã hiểu ý nhau. Sau cùng, cô  ấy có chồng. Mấy năm về sau gặp lại, lúc này tôi đã có vợ, còn chồng cô ấy thì đã hy sinh. Cô ấy cho biết nếu ngày đó tôi nói yêu cô ta thì hai đứa đã thành vợ chồng, còn bây giờ thì đã muộn; lỡ chợ lỡ quê, xin hẹn lại kiếp sau… -Trung đoàn trưởng thở dài.

- Thật thú vị… Không ngờ thủ trưởng lại có những chuyện hấp dẫn và sâu sắc như thế!

- Chuyện đời mà! - Trung đoàn trưởng cười - Nghĩ lại cũng  buồn, cũng vui! Các cậu bây giờ, cậu nào cũng trẻ tuổi, đẹp trai và có học vấn, đường công danh và tình duyên tốt lắm nhưng coi chừng cũng không ít long đong đâu!

Thủ trưởng nói như tiên tri! - Nhàn - bạn tôi  xen  vào. Anh ta cười ha hả:

- Đồng chí Vinh có tới hai cô bồ. Cô bé nào cũng đẹp, hiền và dễ thương. Đặc biệt có một cô người Campuchia là bác sĩ ở bệnh viện tiền phương Phnôm Pênh.

- Cô gái Campuchia nào vậy?

- Cô Mai Saly, lúc đó được tổ trinh sát của Tiểu Đoàn 3 giải thoát ở Phnôm Pênh!

- À! Thì ra cô bé đó hả? Cũng xinh  thật. Đồng chí Vinh  lúc  ấy đưa về đơn vị phải không?

- Dạ phải! - Vinh  trả lời.

Trung đoàn trưởng bật cười:

- Như vậy là cậu có dịp để “quyết đoán” rồi nhé! Chúc cậu  may mắn!

Câu chuyện bỗng dừng lại vì có tiếng pháo bên kia sông bắn qua. Trung đoàn trưởng ra lệnh:

- Thôi! Tất cả hãy về vị trí. Sẵn sàng tác chiến.

Tôi và Nhàn chụp mũ đội vội, mang súng lên vai, chào nhanh trung đoàn trưởng rồi hối hả quay về tiểu đoàn bộ. Về đến đơn vị, vệ binh cho hay đồng chí Tâm - Đại đội  phó, Đại đội 4 đã hy sinh sau loạt pháo vừa rồi. Tôi xuống vị trí. Tâm được đặt nằm trong một lán tranh. Sau gáy anh, một dòng máu đen sậm đã đông lại nhưng còn ươn ướt.

 Lấy cao su quấn đồng chí Tâm lại. Điện báo cáo về Trung đoàn!

Thế là thêm một người bạn của tôi, nằm lại vĩnh viễn trên đất Chùa Tháp. Buổi chiều hôm ấy trên mâm cơm của ban chỉ huy vắng một người. Tôi bới chén cơm và gác đôi đũa lên cho anh. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng nhìn về phía bên kia sông, lòng ngổn ngang buồn bực và căm giận. Bầu trời tháng bảy tối sầm và những cơn mưa đổ xuống như trút  nước.

***

Mùa khô đến, chúng tôi vào chiến dịch. Lúc này bọn Pôlpôt đã chạy dạt về biên giới Thái Lan. Trung đoàn chúng tôi được chi viện thêm một đại đội tăng thiết giáp và một khẩu đội pháo binh của sư đoàn. Tiểu đoàn của tôi là lực lượng chủ công đánh vào một căn cứ địch giáp biên giới Thái. Chúng tôi vận động hành quân theo đoàn tăng. Tiếng động cơ gầm rú, bánh xích nghiến nát mặt đường đất đỏ, tung bụi khói mù trời. Dọc đường, chúng tôi vẫy chào các chiến sĩ bộ đội pháo binh cũng đang hành quân.

- Một trận đánh hứa hẹn nhiều  hấp dẫn! - Anh Thắng, chính trị viên tiểu đoàn nói. Anh là người rất trầm tĩnh, trời có sập đến nơi anh vẫn tự nhiên. Tôi thầm phục cái nết Ăng - lê trong người anh. Gần anh, người ta có cảm giác an toàn, tự tin. Anh không nói nhiều, đã làm thì quyết cho được, làm được thì làm mãi!

- Tinh thần các chiến sĩ của anh như thế nào, đồng chí Vinh?

- Thưa đồng chí! Rất tốt. Anh em nằm suốt mùa mưa bực bội, ngứa ngáy lắm! Muốn đánh một trận cho đã!

- Trận này gay lắm đấy! Nhớ làm tốt công tác tư tưởng. Đơn vị mình đã hai lần được phong anh hùng…

- Vâng tôi hiểu. Thưa đồng chí!

Anh Thắng chỉ tôi một sĩ quan trẻ, ngồi cạnh anh, đang chăm chú tấm  bản đồ:

- Giới thiệu với đồng chí Vinh. Đây Là đồng chí Đương, sĩ quan hướng dẫn pháo binh, tăng cường cho đơn vị ta.

- Chào anh! - Tôi bắt tay thân mật với Đương.

Đương có vóc người vừa phải, tuổi chừng ba mươi trở lại. Anh có sống mũi thẳng, đôi mắt đen hơi sâu, vầng trán như trẻ thơ; môi dưới chẻ và đỏ, bàn  tay đẹp nhưng mạnh mẽ. Anh nói rất lịch sự:

- Đồng chí Vinh! Anh giúp đỡ  tôi. Đây là lần đầu tiên tôi đi tiếp cận. Mọi việc nhờ các anh…

- Đồng chí Đương yên tâm! Tôi sẽ cộng tác hết khả năng với  anh.

Đời lính, chúng tôi dễ thân nhau. Trên đường, Đương kể tôi nghe về quê  hương anh ở miệt biển xa xôi. Thời thơ ấu, anh có một tuổi thơ nhiều kỷ niệm. Lúc ấy chiến tranh chưa chấm dứt. Lớn lên, anh thi đỗ đại học và sau khi ra trường anh đi làm việc. Chiến tranh Tây Nam đã thôi thúc anh ra đi. Anh là đoàn viên tiên tiến của chi  đoàn cơ quan. Anh nói: “Nếu tôi không tình nguyện lên đường thì ai sẽ đi? Mình động viên người khác, bảo người khác phải hy sinh, nhưng chính bản thân mình có nghĩ đến sự hy sinh chưa?” Tôi thầm phục anh là người có lý tưởng, anh hơn tôi. Tôi ra đi, có một phần lý do vì chuyện tình yêu dang dở thời trai trẻ. Tôi muốn quên đi. Tôi cảm  thấy hơi thẹn trước Đương.

Giờ G. Chúng tôi được lệnh tấn công. Đương gọi pháo binh bắn cấp tập vào những tọa độ đã chấm sẵn. Sau loạt pháo mở đường. Tôi hét lên ra lệnh:

- Xung phong!…

Các chiến sĩ của tiểu đoàn giương lê sáng quắc trong ánh chiều chập choạng:

- Tiến lên!… Xung phong!… Xung phong!…

Mặt trời vừa lặn sau dãy núi. Ánh hồng đỏ rực màu máu của buổi chiều tà hắt lên khuôn mặt của mỗi chúng tôi. Địch trên ngọn đồi bắn trả dữ dội. Những viên đạn lửa đan chéo nhau, rực sáng như muốn cắt nát buổi chiều hoàng hôn ra trăm ngàn mảnh. Cứ thế bọn PôlPôt vẫn ngoan cố chống cự

Tôi bò lại, hỏi  anh Thắng:

- Nó bắn rát quá! Làm sao đồng chí?

Anh Thắng thoáng suy nghĩ, rồi ra lệnh:

- Đồng chí cho “thằng một” vòng qua bên trái, “thằng hai” vòng qua phải. Còn mình phải tiến lên như cuốn chiếu để thu hút nó!

- Có mạo hiểm không? Một số bộ đội mình vừa bị thương vong!

- Phải vậy thôi! Đâu còn cách nào khác. Chính diện phải chịu hy sinh nhiều một chút!

Anh Thắng chợt gọi:

- Đồng chí Đương đâu?

- Dạ, có tôi!

- Ông kêu pháo binh bắn mỗi đợt ít thôi. Mỗi đợt mình tiến lên mươi bước. Thế nào cũng xong thôi! - Thật là táo bạo! - Tôi thầm nghĩ.

Chiến thuật của anh Thắng quả hiệu nghiệm. Bọn PolPôt vốn nhát gan. Chúng cảm thấy hai sườn bị uy hiếp, nên đã giảm hỏa lực phía trước. Ban chỉ huy tiểu đoàn và Đại đội bốn xông lên sau mỗi đợt pháo yểm hộ. Chúng tôi giáp mặt bọn  PônPốt. Tôi nhảy vào giao thông hào của địch và đâm mạnh một lê vào tên đang ôm  khẩu B.40. Anh Thắng quỳ gối cạnh một góc cây và bắn từng loạt đạn. Đương  hét rối rít trên máy thông tin gọi pháo binh bắn chặn. Các chiến sĩ chúng tôi như đàn cọp săn đuổi mồi. Bọn PolPôt bỏ chạy tan tác. Chúng tôi đã chiếm được căn cứ của  địch.                  

- Chúc mừng các đồng chí thắng lợi! - Điện của trung đoàn: - Bên ta thế nào?

- Báo cáo! Có ba đồng chí hy sinh! Bị thương bảy…

- Các đồng chí sắp xếp an táng cho các liệt sĩ! Khẩn trương đưa các thương binh về tuyến sau.

- Tuân lệnh!            

Màn đêm buông xuống trên ngọn Đồi 191. Tôi, anh Thắng và Đương ngồi chụm nhau che nón hút thuốc.

- Chiến tranh dữ dội quá, anh Vinh nhỉ? - Đương nói với tôi.

- Đời lính tụi mình thì chiến tranh gần như là cuộc sống! - Tôi  trả  lời  Đương.

Đương bỗng hỏi tôi:

- Anh có vợ hay người yêu gì chưa?

- Tôi chưa có vợ, nhưng đã có người yêu.

- Thế bao giờ anh cưới cô ấy?

- Chúng tôi có hẹn. Nhưng chưa biết bao giờ!

Cả bọn tôi im lặng. Tôi nhìn Đương. Đôi mắt anh hơi chùng xuống. Tôi thấy đôi mắt ấy thoáng chút gì xa xăm. Về sau tôi được biết, trước khi qua K, anh Đương đã hứa hôn với một người con gái nơi quê nhà! Anh với cô ấy có lời ước hẹn…

***          

Một điều đáng buồn và đáng nhớ là sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp bạn. Anh Đương đã không có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về. Những ngày gần cuối của cuộc chiến tranh, Đương đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt gần Pailin. Bây giờ, mỗi lần thấy những ngôi chùa của người Khmer, mái cong cổ kính, tôi lại nhớ đến người sĩ quan pháo binh trẻ tuổi, tên Lê Hoàng Đương…/.

Hồi ức về K