Không còn khoảng cách
TÚY TÂM
Chiếc Vietnam Airlinnes hạ xuống cảng Hàng không Liên Khương vào lúc mười ba giờ trưa hai mươi chín tháng tư. Trong đám hành khách đủ hạng người sang trọng ấy, người ta thấy một ông lão chừng bảy mươi, dáng cao ráo, đeo kính cận, mái tóc bạch kim bồng bềnh rất nghệ sĩ, cả chòm râu trắng như cước trông rất phong cách ngỡ người nước ngoài. Theo hộ chiếu, ông lão tên Trần Văn Hạnh, một Việt kiều từ Canada về thăm quê. Hầu như mọi hành khách trên chuyến bay quốc tế này ít nhiều đều có người thân đến đón, riêng ông Hạnh thì chẳng thấy ai. Có lẽ ông biết mình như thế nên vẫn thản nhiên thong thả kéo valy đến chỗ chiếc taxi đang đậu.
Thị trấn Liên Nghĩa và cả Đức Trọng bây giờ đang trong hạ mùa tràn ngập nắng. Nắng chói chang phường phố. Nắng lấp lóa trên nương đồi cà phê bạt ngàn đang bung xòe nở từng chùm hoa trắng như những bông mây đang rải khắp rẫy nương. Nắng tưới xanh những vườn hoa rau nhà kính mướt rượt thung đồi. Ông Hạnh ngắm nhìn, nghe lòng bồi hồi xúc động. Mấy mươi năm mới hồi hương về lại cố xứ, bao cảnh vật đổi thay trù phú đến không ngờ.
Đà Lạt xinh đẹp của ông chỉ cách chưa đầy ba mươi kilômet, nửa giờ taxi chạy nữa là về tới. Ông chưa vội lên xe, cứ nhẩn nha \nhìn mây ngó núi. Dãy R'Chai đang xanh rì như đôi bầu ngực thiếu nữ dậy thì căng tròn nằm khiêu gợi dưới trời trong vắt, dưới màu phượng vĩ rực rỡ, giữa tiếng ve rộn rã như hối thúc người tìm về thăm lối xưa. Ông mơ màng nhìn dãy Phú Hội hùng vĩ và cả vùng Loan nhấp nhô xa mờ dưới chiều sương bảng lảng. Vùng núi ấy \là nỗi kinh hoàng của một thời trai trẻ… Trong hồn ông bao kỷ niệm bỗng hiện về.
***
Bà Hà cùng con dâu đang trang trí phòng khách, hai mẹ con ngồi ngắm nghía chùm lay ơn vừa cắm trong chiếc độc bình sứ trên bàn vẻ ưng ý, thích thú. Những cành hoa lay ơn mới mua từ nhà vườn về còn đẫm đầy hương thơm, rực rỡ, đỏ thắm như son môi thiếu nữ, dáng vẻ quý phái kiêu sa. Đang mải mê ngắm hoa trong phòng khách trang nhã, xinh xắn. Nghe tiếng còi xe trước nhà, tưởng có khách, bà nhìn ra nhưng chẳng thấy ai nên hơi bồn chồn trông đợi. Nắng hạ sớm đang lên, thả ánh vàng mơ xuống phố phường, thung đồi còn lãng đãng sương đẹp như tranh thủy mặc. Đà Lạt đang cuối tháng tư, người xe các nơi đổ về đông nghịt. Những ngõ đường phố thị treo rợp cờ hoa, băng rôn, đèn màu neon giăng mắc. Một màu đỏ rực rỡ như sắc hoa lay ơn trang điểm khắp phố núi. Trong thâm tâm bà Hà cũng vui lây với niềm vui đất nước độc lập, tự do. Và trong thẳm sâu lòng bà cũng dậy chút thương tiếc bao người thân, đồng đội đã hy sinh? Một thời chiến tranh mất mát và tuổi thanh xuân của mình đã chìm trong lửa đạn.
Hôm nay cùng cả nước, thành phố nơi gia đình bà sinh sống đang chuẩn bị lễ kỷ niệm ngày ba mươi tháng tư lịch sử. Ngày cả dân tộc tưng bừng mừng chiến thắng. Mừng bốn mươi sáu năm non sông liền một dải, không còn chia cắt. Gia đình bà cũng háo hức trang hoàng và chuẩn bị bữa tiệc nho nhỏ mừng sum họp người thân. Đặc biệt mời đón những đồng đội cũ chiến trường xưa.
- Nội ơi! Có ông nào lạ đang tìm nội kìa!
Nghe thằng cháu đích tôn chạy vào báo tin, bà Hà nghĩ chắc mấy anh trong đơn vị cũ ở chung trong phố đã bắt đầu đến, bà mừng, vội vàng đứng dậy bước ra hiên. Người đàn ông đối diện bà đeo kính cận trông vẻ trí thức. Một nụ cười hiền làm quen, hơi gượng gạo sau chòm râu trắng. Có lẽ người khách lạ sợ nhầm nhà, địa chỉ cũng nên và chủ nhà cũng e dè với vị khách không mời mà đến. Cả hai đều bỡ ngỡ.
- Xin lỗi! Ông tìm ai?
- Dạ! Xin lỗi bà. Có phải bà là... Hà.
- Vâng! Tôi là Hà đây, sao ông biết tên tôi? Chúng ta gặp ở đâu rồi nhỉ?
Người đàn ông lạ hơi ngập ngừng:
- Trước khi đến đây, tôi đã hỏi thăm nhiều người quen, họ cho tôi địa chỉ…
- Vậy xin mời ông vào nhà, ta nói chuyện.
Bà dẫn khách vào nhà, cố nhớ người đàn ông kia là ai, nhưng chịu. Khi rót nước mời khách xong, bà dè dặt hỏi khách từ đâu tới? - Người đàn ông chưa vội trả lời:
- Tôi xin lỗi hỏi. Có phải trước bà là y sĩ của quân Giải phóng?
Thấy chủ nhà nhìn mình sững sờ, người khách ngập ngừng một lát, lại lên tiếng:
- Chắc bà còn nhớ trận đánh cuối cùng ở vùng Loan giáp ranh tỉnh Bình Thuận năm đó? Một người lính được bà tận tình cứu...
Nghe người khách lạ nhắc rõ rành chuyện cũ, bà sực nhớ, không lẽ đối phương ngày nào đây sao?
***
Tiếng đại bác, tiếng súng, cả tiếng xe tăng, máy bay… đều im vắng, mất hút trước chạng vạng. Chỉ còn lại những đốm lửa rực cháy loang lổ khắp cánh rừng vùng Loan mênh mông sau những trận bom rải xuống. Bóng đêm đã bò lên liếm dần ánh sáng, hoàng hôn đang giãy giụa yếu ớt trên chòm cây lá. Bóng tối như mực đã nuốt chửng những rừng cây, hốc đá như bị nhốt vào màu đêm đen kịt. Người lính Sài Gòn biết trận chiến đã kết thúc. Đơn vị tác chiến của anh đã bị quân Giải phóng bẻ gãy, đánh tan tác như bầy chim rừng lạc bay tứ tán. Anh hoảng loạn nghĩ sau trận đánh không biết đơn vị mình bao người chết, bao người bị thương, liệu có được đơn vị trực thăng vận chuyển về hậu cứ hay bỏ lại? Và anh ta biết chắc mình bị lạc, bị bỏ rơi lại giữa rừng với vết thương quá nặng. Người lính thất trận cố lết về tiếng nước suối chảy róc rách đâu đó rất gần. Máu ra quá nhiều, cổ họng khô rát, toàn thân anh ta run lên như ngọn lửa nung dẫu đêm rừng sương xuống se sắt. Đang lết từng chút một, chợt anh ta nghe có tiếng hổ gầm đâu đó. Tiếng gầm của chúa sơn lâm thét gào như giận dữ trước sự tàn phá, hủy diệt của con người. Anh ta biết chắc con hổ ấy đang tìm mồi, nó đang đói sau trận bom chiều nay. Anh ta cũng đang đói khát giữa rừng hoang, liệu có tìm được thức ăn cho mình hay làm mồi cho thú dữ? Cố bò vào hốc đá để tránh con hổ đang lùng sục. Sức kiệt, lực tàn anh ta nghe mơ màng thấp thoáng có ánh đèn pin soi rọi và cả bước chân người. Một giọng nữ lên tiếng:
- Theo vết máu thì chắc chắn người bị thương đang ở gần đâu đây thôi!
- Không biết phe ta hay địch nhỉ? - Một giọng nam hỏi lại.
- Dù địch, ta gì cũng tìm thử. Mẹ em thường nói: Cứu một mạng người hơn xây bảy cổng chùa. Phải không thưa đồng chí anh!
Lúc đầu anh ta rất sợ, rủi gặp đối phương chắc không còn mạng sống, bởi anh ta từng nghe đồn Việt Cộng rất khát máu, thường mổ bụng, moi gan đối phương. Nhưng nghe câu nói sau cùng của người nữ, anh khấp khởi mừng, hy vọng…
Người lính miền Nam được hai người chiến sĩ ấy chuyển về lán trại dã chiến trong rừng chăm sóc vết thương. Người khiêng anh ta về là nữ y sĩ trực tiếp cứu chữa. Cô chăm sóc, hỏi han đủ chuyện và biết trước khi cầm súng, anh là sinh viên bị bắt quân dịch trong cuộc tổng động viên. Cô cũng bảo mình là sinh viên cùng trường nhưng khác khoa, khác khóa. Thế là từ hai phe cầm súng bắn nhau, hai người trở nên thân thiết khi biết cùng trường, cùng phố. Những ngày dưỡng thương, anh nghe ké đài bộ đội nơi lán trại. Biết lực lượng Sư đoàn 7- Quân đoàn 4 của bộ đội đã đánh chiếm Madagui, Đạ Huoai, tiến vào thị xã B’Lao, Di Linh, phối hợp với Quân khu 7 và lực lượng vũ trang địa phương đánh chiếm các căn cứ. Cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Tòa hành chính tỉnh, Tiểu khu, sân bay Kohinda (Lộc Phát) và các mục tiêu khác. Dân chúng ở các địa phương nổi dậy như thác đổ. Tại Tuyên Đức, các đơn vị chủ lực Quân khu 6 cùng lực lượng vũ trang địa phương đánh chiếm các chi khu Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, tiến công vào thị xã Đà Lạt. Đồng bào các dân tộc thiểu số nổi dậy phá khu tập trung trở về buôn làng cũ. Tại Đà Lạt, học sinh, sinh viên và nhân dân chiếm giữ, tổ chức canh gác, bảo vệ các cơ sở trọng yếu trong thị xã. Quân giải phóng cùng với Nhân dân làm chủ hoàn toàn thị xã Đà Lạt.
Chiến tranh sắp kết thúc.
Trước khi đoàn quân chủ lực và đơn vị của cô y sĩ hối hả hành quân về Trảng Bom, Xuân Lộc, tiến về Sài Gòn trong chiến dịch thần tốc tháng tư, hai người đã biết tên nhau và ghi địa chỉ để sau này có khi còn liên lạc. Vết thương lành, Hạnh được trả tự do về lại gia đình. Thành phố nơi anh sống đã thay đổi chủ. Cả nhà anh và bao gia đình có dính líu trong bộ máy chính quyền cũ hầu như sợ hãi bỏ đi không còn ai ở lại. Họ đã di tản về Sài gòn, rồi rời thành phố, chen lấn xuống tàu, chiến hạm, lên máy bay chạy tìm an lành nơi miền đất hứa xa xôi..
Anh về, ra trình diện ban quân quản thành phố, rồi tập trung đi học tập cải tạo. Sau thời gian mãn hạn cũng rời Đà Lạt đi theo diện H.O để sum họp gia đình đang ngụ cư nửa vòng trái đất.
***
Cô y sĩ Hà năm xưa cứ nhiệt tình mời khách ở lại. Ông Hạnh chưa kịp chối từ đã thấy ba, bốn người đàn ông mặc quân phục, đeo phù hiệu cựu chiến binh bước vào nhà cười nói rôm rả. Trên khuôn mặt của những người lính già vẫn toát lên vẻ yêu đời. Gặp ông, người lính miền Nam bị thương năm nào, mọi người mừng rỡ, tay nắm chặt tay, ôm nhau thắm thiết như người thân lâu ngày xa cách. Ông Hạnh biết những người lính ấy, cả bà Hà đã cứu sống ông như từng cứu bao người lính hai bên. Họ như góp phần làm lành vết thương chiến tranh, lành vết cắt chia vĩ tuyến mười bảy một thời nhói đau. Nối lại cả đôi bờ Bến Hải phân ly nửa thế kỷ không còn xa cách. Tiếng hát đò đưa của con sông quê hương hòa hợp ấy xoa dịu bao nỗi đau một thời đau thương mất mát. Dưới hai mùa nắng mưa vẫn ngân nga mái chèo giai điệu sắc son, gắn kết nghĩa tình trải suốt chiều dài đất nước. Và tình máu mủ ruột thịt đồng bào như bà Hà và đồng đội của bà đã rịt lành vết thương hơn ba mươi năm cuộc chiến chống xâm lược, thống nhất non sông…/.