Không quên mùa xuân ấy
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG
Còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán 1979 - Tết Kỷ Mùi. Mọi năm đồn biên phòng chúng tôi được trên cho luân phiên về quê ăn Tết với gia đình. Nhưng năm nay chỉ thị của trên cho biết: Tất cả cấm trại, không được ra khỏi vị trí của mình.
Những Tết trước, những ai được phân công ở lại thì những đồn biên phòng ở gần đồng bào dân tộc Mông đều được bà con đón xuống ăn Tết. Từ đồn biên phòng của tôi - địa phận Phong Thổ, Lai Châu cách bản làng người Mông khoảng bảy ki-lô-mét. Ngày chủ nhật, ngày Tết chúng tôi thay nhau xuống thăm bà con dân bản. Hàng năm Chi đoàn Thanh niên trong bản lên giao lưu văn nghệ với chúng tôi vào ngày hai sáu tháng ba - kỷ niệm thành lập Đoàn. Và theo thường lệ chúng tôi lại xuống với Đoàn Thanh niên và bà con dân bản vào đêm giao thừa đón năm mới, múa hát quanh đống lửa rừng. Nhưng năm 1978 này, tình hình dọc tuyến biên giới phía Bắc rất căng thẳng. Phía bên kia cho người khiêu khích bằng hành động, bằng lời nói. Về hành động, họ đã cho người sang sâu vào nội địa của ta cuốc đất trồng cây, rồi vào các bản hỏi mua móng trâu, rễ cây hồi (thế thì trâu, và cây sống sao được). Mới đầu cũng có một số người nghe theo nhưng nhờ bộ đội biên phòng tuyên truyền, sự việc mới chấm dứt. Còn lời nói thì những đám người đó văng đủ thứ ngôn từ tục tĩu, vu cáo Nhân dân ta phản bội họ, quên ơn họ… Có những vụ việc xảy ra đến mức ẩu đả nhau.
Tại một bản người Mông gần với đồn biên phòng của tôi, có một gia đình tự xưng là người Mông, ông ta khoảng năm mươi tuổi, ông bảo rằng cha mẹ ông bị người Pháp giết lúc ông mới bốn tuổi. Ông được dân làng cứu giúp, nhưng rồi loạn lạc, mỗi người một phương, ông lưu lạc đến đây cùng với vợ và vì vợ ông không sinh đẻ được, mãi rồi ông mới xin đứa con nuôi, năm 1978 nó mười tám tuổi.
Tôi nhìn kỹ thấy mặt mũi ông này không có gì là đặc trưng của người Mông. Đàn ông người Mông không ai to béo như ông: Môi dày, cặp mắt một mí cụp xuống và thường đảo mắt, rồi nhìn trộm người đối diện. Là người Mông mà không biết gì đến một điệu hát dân ca người Mông. Bản người Mông này, nhiều đàn ông không có giọng hát, nhưng cũng hiểu và biết các làn điệu dân ca và biết múa khèn. Đã vậy người đàn ông này sống khép kín, ít quan hệ với bà con trong bản. Ông tên là Thào Sáng.
Từ đầu năm 1978, bản người Mông này không hiểu từ đâu tung ra cái tin rằng vua Mèo sắp về, vua Mèo là người bên kia. Vua Mèo sắp về đây rồi. Vùng đất này là của người Mèo (người Mông) ta, ai không phải là người Mèo, phải ra khỏi đây thôi, nếu không đi vua Mèo sẽ trừng trị.
Đây là một hiện tượng lạ, đồn biên phòng chúng tôi báo cáo lên trên và được lệnh:
- Hãy bình tĩnh, để ý theo dõi. Hãy nói cho bà con dân bản biết đây là âm mưu chia rẽ dân tộc của bọn phản động. Theo sát những người lạ mặt ra vào bản.
Chúng tôi phân công nhau tuần tra dọc biên giới trong phạm vi của đơn vị mình bảo vệ, cử cán bộ vào với dân bản, tuyên truyền cho người dân chỉ nghe lời Chính phủ qua máy thu thanh mới là đúng, mà phải là Đài Tiếng nói Việt Nam, chứ không phải các loại đài nước ngoài nói tiếng Việt. Hình thức tuyên truyền của chúng tôi là tập trung dân bản lại vào các buổi tối. Do các gia đình ở rải rác nên việc tụ họp không thể đông đủ ngay được, chúng tôi bàn nhau cứ hai mươi gia đình do một cán bộ đồn biên phòng phụ trách. Trong số hai mươi gia đình do tôi được phân công tuyên truyền vận động, tôi để ý không thấy mặt Thào Sáng. Tôi có hỏi, bà con dân bản đều nói không biết nó đi đâu.
Nhà Thào Sáng sinh sóng gần như tách biệt với bà con dân bản, xa đường đi, giáp với rừng, ít người qua lại con đường đó. Tôi có hỏi một người già nhất bản, ông cụ Voòng Sa, bảy mươi chín tuổi rằng: “Cụ có biết gì về ông Thào Sáng không?”
- Biết gì là biết… gì à?
- Là ông ta có họ hàng, bà con gần gũi ở đây không, vợ con ra sao?
Cụ Voòng Sa nói:
- Hai mươi ba mùa rẫy trước (hai mươi ba năm trước, vào năm 1955) bản làng ta ít người lắm, không ai biết nó mà, chỉ thấy nó ở đấy, chỗ ở bây giờ à, nó không nói gì, dân bản ta cũng không hỏi nó bởi nó không đi ra ngoài. Rồi nó đưa một bé gái về, khoảng năm tuổi, năm nay nó cũng mười tám cái lá rừng rồi. Cán bộ muốn biết nữa thì đến hỏi cán bộ hộ khẩu ở xã này. Ái chà chà, xã này có ba bản. Anh công an hộ khẩu ở đầu xã. Tôi phải lội bộ tám ki-lô-mét mới đến được. Anh chia sẻ:
- Em năm nay mới ba mươi hai tuổi mà, em nhận bàn giao của người đi trước, ông ấy đi theo con trai về thị xã này.
Anh cho tôi xem sổ - thì đây: Thào Sáng, sinh năm 1929 (không có ngày tháng) dân tộc Mông. Nơi sinh bản Mù-săng-khai. Chữ viết tay, sổ lập năm 1960 sơ lược quá, không biết gì thêm về Thào Sáng.
Hôm nay tôi đến tận nhà nhà Thào Sáng. Ông ta không tỏ ra thân mật, cũng không tỏ ra thờ ơ, ông pha nước trà Thái Nguyên mời tôi và cũng không hỏi tôi đến đây có việc gì. Cặp mắt ông ta đảo lia lịa, không nhìn vào chỗ nào nhất định. Vô tình, thấy ông ta nhìn trộm tôi rồi vội nhìn ra chỗ khác. Tôi nói đại ý ông cho tôi biết rõ hơn về quê quán gia đình ông ở đâu. Ông hỏi việc này của cán bộ hộ khẩu, công an xã, sao công an biên phòng lại hỏi đến? Tôi nói do tình hình biên giới phức tạp, trên ra chỉ thị cho chúng tôi phải tìm hiểu những gì chúng tôi chưa biết rõ. Chúng tôi có quyền hỏi đến vì địa bàn này do chúng tôi bảo vệ.
Thào Sáng nói chậm rãi, rõ ràng, đại ý:
- Tôi là người Mèo (người Mông) Hà Giang, không biết bố mẹ là ai, chỉ biết là có những bốn lần bố mẹ nuôi, vì người thứ nhất nuôi tôi được hai năm thì họ bị bệnh chết, người thứ hai, thứ ba cũng vậy, người thứ tư nuôi tôi là một nhà giàu, lúc tôi tám tuổi. Mới đầu họ cho tôi ăn chơi được mười một tuổi, họ bắt đi chăn trâu, cắt cỏ. Tuổi hai mươi, tôi bỏ trốn ra Quảng Ninh, rồi về Lào Cai, đến năm 1955 tôi dạt về đây cho đến bây giờ.
Tôi ngạc nhiên, rồi hiểu ra, gã không phải là người Mèo, vì ngữ điệu của gã nói như tiếng người Kinh, lập luận chặt chẽ, chứng tỏ gã là người có ăn học đàng hoàng. Đang nói chuyện, con gái gã đi đâu về, bước vào nhà nói ngay:
- Bố ơi, bố dặn mua sách con mua đây rồi.
Cô bé đưa cho bố, gã Thào Sáng ra hiệu cất đi, nhưng tôi kịp nhìn, đó là những cuốn báo ảnh (mà ta quen gọi là họa báo) có chữ Trung Quốc. Tôi giả vờ không nhìn thấy, sau đó xin phép ra về.
Sau Tết Nguyên Đán Kỷ Mùi 1979, bốn ngày tình hình biên giới càng căng thẳng. Có tin bên kia tập trung quân lính, họ nói là để luyện tập quân sự. Chiều ngày mùng bảy Tết năm 1979, một đoàn viên thanh niên trong bản lên xin cho gặp chúng tôi. Đại úy Thắng, trưởng đồn cho mời vào, người đoàn viên đó nói:
- Hơn năm giờ chiều tối qua, chỉ là vô tình em đi qua nhà Thào Sáng thấy có bốn người lạ mặt không đi cổng chính mà chui vào bờ rào, mắt lấm lét. Em lùi ra xa, chờ trời tối rồi lẻn vào hàng rào nhà Thào Sáng, thấy họ uống rượu và nói với nhau bằng tiếng nước ngoài. Thế là rõ, Thào Sáng là nhân vật cài cắm.
Trong số chiến sĩ biết tiếng Tàu ở đơn vị tôi, có một đồng chí vốn là trinh sát đặc nhiệm của an ninh Bộ Công an được cử lên Lai Châu giúp công an biên phòng từ hơn một năm nay. Hiện tại, bằng biện pháp nghiệp vụ, đồng chí đã vào được nhà ở của
Thào Sáng, nấp dưới gầm nhà sàn, ngụy trang rất khéo. Thào Sáng nuôi một con chó rất dữ nhưng cũng bị đồng chí này vô hiệu hóa. Đêm ấy là mười bốn tháng một âm lịch năm 1979, khoảng hai mươi giờ, có năm bóng đen lẻn vào nhà Thào Sáng, họ thì thầm trao đổi bằng tiếng Tàu.
Tin tức mà đồng chí thu được, sáng hôm sau Hà Nội đã nhận được và thông báo đến các đồn biên phòng, các chốt dọc biên giới Việt - Trung. Các sư đoàn tinh nhuệ lập tức lên đường.
Đúng hai giờ sáng ngày mười bảy tháng hai dương lịch năm 1979 (vào ngày mười sáu tháng một âm lịch), bên kia ào ạt nã pháo sang làng mạc của ta, vào các vị trí đóng quân. Chiến tranh lại nổ ra. Cùng với quân dân cả nước, đồn biên phòng Phong Thổ - Lai Châu chúng tôi bước vào cuộc chiến đấu mới…
Bốn mươi ba năm đã qua kể từ mùa xuân ấy, trong chúng tôi có nhiều đồng đội hy sinh, nhưng đồng đội của chúng tôi đã chiến đấu anh dũng kiên cường đồng bào dân tộc thiểu số ở suốt dọc tuyến biên giới.
Mùa xuân 1979 là một trong những trang sử oanh liệt của dân tộc ta, trải qua nhiều thế kỷ, dân tộc ta đã mười lần đánh thắng giặc bành trướng bá quyền. Dẫu ngày nay thế giới đang đi vào hội nhập, phát triển nhưng chúng ta và con cháu chúng ta, các thế hệ mai sau nữa không được quên mùa xuân năm ấy./.