Kí ức tháng tư

TAP CHÍ LANGBIAN|5/27/2022 4:03:00 PM

                                                   Kí ức tháng tư

  DUY LƯU

 

Đứng ngắm cây bằng lăng trước nhà nở tím sắc hoa, ông Hai Lê - người cựu chiến binh già thấy lòng trống trải nôn nao nỗi nhớ da diết. Hình ảnh Ka Liên - cô nữ du kích nhí nhảnh hồn nhiên, đôi mắt to tròn, đen láy, lúc nào cũng như đang cười kể cả lúc trút hơi thở cuối cùng luôn hằn sâu trong tâm trí ông, dù thời gian đã mấy mươi năm trôi qua.

Mỗi độ tháng tư về, cả đất nước tưng bừng chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, ông lặng lẽ hái những bông hoa bằng lăng tím ngắt đặt trước di ảnh người con gái đã cùng ông th hẹn, đất nước thống nhất sẽ về chung một nhà. Vậy mà cái thời khắc đất nước sạch bóng quân thù chỉ còn tính bằng ngày, em lại ra đi.

Ngồi bất động trước di ảnh Ka Liên, nỗi buồn thương trong ông dâng đầy, nơi khóe mắt mờ đục hai dòng nước lăn dài, giọng nói của Ka Liên như văng vẳng bên tai: Em không thể cùng anh đi hết cuộc đời, nhớ mang tấm hình của em bên người, như thế… em sẽ luôn được ở bên anh…”! Hai tay bưng mặt, gục đầu xuống gối, người ông rung lên…

***

Ba mất trong cuộc kháng chín năm chống Pháp khi Hai Lê mới ba tuổi, mở vậy tần tảo nuôi Hai Lê khôn lớn. Khi thi đỗ đại học, những ngày đầu nhập hàng ngũ sinh viên, Hai Lê là một chàng trai nhút nhát. Những tưởng tuổi trẻ sẽ gắn liền với giảng đường đại học; nhưng rồi một ngày, Hai Lê chợt nhận ra rằng, không thể sống cho riêng mình, những biến động ngoài xã hội thôi thúc Hai Lê thay đổi cách nghĩ.

Ngày đầu tiên bước chân vào Trường Đại học Đà Lạt, Hai Lê được Vinh - học trên hai khóa, người B’Lao tận tình chỉ bảo. Ban đầu, anh giúp Hai Lê thích nghi với lối sống của sinh viên. Khi đã thân thiết, anh giúp Hai Lê nhận biết những bất công ngoài xã hội. Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, dân nghèo không có tiếng nói, không có tự do. Chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy dồn hàng vạn người dân vào ấp chiến lược. Đàn áp dã man những người theo cách mạng ngay trên đường phố, lùng sục, bắt quân dịch khi nam thanh niên mới tuổi mười sáu, mười bảy.

 Rồi một ngày bọn cảnh sát bất ngờ ập vào trường bắt Vinh cùng bốn người bạn khác. Không hiểu chuyện gì, Hai Lê lao tới trước bọn cảnh sát: “Tại sao bắt người vô cớ?”. Vừa nói dứt câu, chiếc báng súng của tên cảnh sát đã thúc mạnh giữa ngực khiến Hai Lê lảo đảo, mắt nổ đom đóm. Các thầy và mấy chục sinh viên vây tụi cảnh sát, yêu cầu thả người. Cuộc giằng co của sinh viên chống bắt người diễn ra, song chân tay không thể đấu với dùi cui, súng đạn. Trước khi bị cảnh sát đưa đi, Vinh đưa mắt nhìn Hai Lê với cái nhìn rất lạ, như muốn nói nhiều điều.

Một tháng sau khi Vinh bị bắt, những bạn trong trường rỉ tai nhau: “Vinh và bốn bạn kia là người của cách mạng, bị tra tấn dữ lắm, chết đi sống lại mấy lần, c tỉnh chúng đánh tiếp bắt khai người cầm đầu. Hôm rồi chúng dìm Vinh vào phi nước, tưởng anh đã chết, chúng bỏ vô nhà xác của bệnh viện. Sáng hôm sau tụi cảnh sát tới, xác của Vinh đã không còn, chúng điên cuồng lục tung mọi ngóc ngách trong bệnh viện vẫn không tìm ra đành bất lực bỏ đi. Mấy bữa rồi, Hai Lê bị tụi ảnh sát đến tra hỏi về mối quan hệ giữa anh và Vinh, Hai Lê rất lo nhưng chưa biết sẽ xử lý ra sao.

Thành phố vừa lên đèn, ngồi trong phòng ký túc xá lơ đãng nhìn qua ô cửa sổ, trong đầu miên man suy nghĩ chợt một gái với bộ áo khoác trùm đầu, mắt kính màu xám cỡ lớn che gần nửa khuôn mặt đột ngột bước vào: “Anh là Hai Lê”. “Cô có chuyện muốn nói với tôi?”. “Vinh muốn gặp anh”. “Cô không đùa chứ”. “Đừng nói gì, hãy theo tôi”. Hai Lê vội vã theo cô gái ra khỏi ký túc xá hướng về hồ Xuân Hương…

Trên ghế đá bên hồ, người đàn ông bận áo măng tô dài tới gối, chiếc mũ lưỡi trai kéo xụp tận mắt đang ngồi hút thuốc. Thấy hai người tới, anh cất tiếng vừa đủ nghe: “Tới rồi hả?”. “Anh khỏe không - giọng Hai Lê run run: - Nghe nói chúng đánh anh dữ lắm”. “Anh hẹn gặp em để nói lời từ biệt, đêm nay anh sẽ ra rừng, không biết khi nào mình mới gặp lại. Anh đã chọn con đường theo cách mạng, giải phóng đất nước, em ở lại hãy học thật tốt, nếu chọn theo cách mạng, anh sẽ hướng dẫn. Anh tin em nên mới nói mấy lời này”. Ôm Hai Lê, Vinh thì thầm gì đó một hồi rồi cười buồn: - Anh phải đi rồi, tạm biệt nghe”… Vinh bước nhanh cùng gái về hướng đèo Prenn.

Lại một đêm không sao ngủ bởi những điều Vinh vừa nói, đã từng nói khi hai người ngồi tâm sự - Là thanh niên mình không thể ngồi yên nhìn đất nước bị gót giày ngoại bang xâm lược. Hình dung khuôn mặt mẹ hạnh phúc thế nào khi Hai Lê trở về với tấm bằng đại học cùng tương lai êm đềm mở ra. Chọn con đường nào đây? Hai Lê cứ trằn trọc cho tới khi tiếng gà gáy sáng vang lên…

 Hai tuần sau cuộc gặp gỡ với Vinh, Hai Lê trở về nhà với toàn bộ sách vở, đồ dùng cá nhân khiến mẹ quá đỗi bất ngờ. Giọng mẹ nhỏ nhẹ nhưng nghiêm khắc: “ vào thời buổi nhiễu nhương này, con không học đến nơi đến chốn sau sẽ làm được gì? Không học, con sẽ phải đi quân dịch, ra chiến trường, sống chết không nói trước được. Con không thể tùy tiện quyết định, ngay lập tức hãy trở lại trường”.

 Hai Lê bỏ học, dân làng nơi gia đình anh sinh sống bắt đầu xì xào. “Không lo học hành, đàn đúm ăn nhậu quậy phá, bị đuổi cũng nên”. “Khi còn nhỏ nó cũng ngoan, sao giờ đổ đốn. Thật vô phúc!”…

Việc bỏ học làm mẹ rất buồn, thêm lời dị nghị của hàng xóm khiến Hai Lê rất đau lòng, nhưng anh đã quyết định con đường đi của mình. “Xin lỗi mẹ, từ nay cho con tự quyết định con đường tương lai của mình, con không muốn làm điều mình không thích, những gì con làm sẽ không để mẹ thất vọng”. “Có nghĩa rằng anh đã lớn, đủ lông đủ cánh, không cần tới tôi! Vậy từ nay không cần hỏi ý kiến của tôi khi muốn làm điều gì, hãy tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình”. Mẹ lặng lẽ đứng dậy, bước nhanh vô phòng riêng, đóng mạnh cửa. Nhìn hành động của mẹ cùng với việc bà thay đổi cách xưng hô - anh với tôi làm lòng Hai Lê quặn đau.

Một tuần sau, với hành trang là vài bộ quần áo, không dám gặp mẹ, Hai Lê lặng lẽ rời nhà vô Lộc Bắc, tìm tới buôn Bù Đăng theo hướng dẫn của Vinh khi hai người chia tay bên Hồ Xuân Hương. Tối hôm ấy, bữa cơm ông K’Ré tiếp Hai Lê là những củ mì luộc, măng rừng luộc chấm muối ớt. Đêm đầu tiên ngủ trên nhà sàn trong rừng, không mùng, chỉ chiếc mền mỏng, muỗi rừng kêu oo như dàn nhạc, Hai Lê đã cảm nhận được con đường tiếp theo sẽ rất gian nan. Chừng sáu giờ sáng, ông K’Ré đeo gùi lên lưng, miệng hối: “Đi thôi, nếu không xuống tới Vùng Ba ông mt trời sẽ đi ngủ mất

Khi mặt trời lên giữa đỉnh đầu, hai người đã vượt qua đỉnh núi Con Ó. Xuống hết chân dãy núi, ông K’Ré dừng lại: “Đưa mày tới đây thôi, mình phải quay lại. Cứ theo đường mòn mà đi, tới buôn Đăng Mít, tìm nhà K’Lú nghe. Nói dứt lời, ông K’Ré quay lưng đi ngược trở lại. Giữa mênh mông rừng già, một chút sợ hãi lo lắng dâng lên, bước chân của Hai Lê bắt đầu hối hả. Đi chừng hơn tiếng đồng hồ, con đường mòn chợt tỏa ra ba hướng. Đứng giữa ngã ba không biết phải rẽ hướng nào. Quyết định rẽ hướng Tây, càng đi con đường mòn càng rậm rịt. Khi bóng chiều đỏ ối cũng là lúc khoảng trống trước mặt mở ra, Hai Lê thầm nghĩ, chắc đã tới buôn Đăng Mít. Niềm vui vụt tắt khi trước mặt là một đầm lầy mênh mông. Thất vọng dâng đầy, vội quay lại ngã ba khi ráng chiều đã tắt, trong đầu thầm nhủ - lộn đường lần nữa chắc chắn ngủ rừng! Nghĩ tới đó, Hai Lê chợt rùng mình. Chọn một trong hai ngã rẽ còn lại nhưng càng đi, con đường như trở ngược lên núi! Lại lộn đường chăng? Thật t. Đang phân vân lo lắng chợt nghe tiếng chặt cây chí chát. Không chần chừ, nhằm hướng phát ra tiếng chặt cây, cắt rừng đi tới. Tiếng chặt cây mỗi lúc rõ hơn. Một gái dân tộc K’Ho rất trẻ. Cô ta làm gì vậy? Hai Lê tự hỏi rồi bước nhanh tới… “Chào cô… cho tôi hỏi thăm chút”. Cô gái giật mình, dừng tay quay lại, đôi mắt mở to nhìn Hai Lê hồi lâu mới lên tiếng: “Muốn hỏi gì?”. “Cô làm ơn chỉ giùm với buôn Đăng Mít,”. “Kiếm ai ở đó?”. “Tôi kiếm nhà KLú”. “Vậy sao! Chờ chút lấy xong ổ mật ong tôi đưa đi. Tôi về Đạ Ka La, đi ngang Đăng Mít”. “Vậy sao? Cảm ơn cô nhiều nghe. Mà cô tên gì?”. “Ka Liên”. Nói rồi Ka Liên tiếp tục công việc của mình. Khi cái bọng cây được mở rộng, Ka Liên đưa tay vô lôi ra một tảng sáp ong bằng cái tô cùng những chú ong đen thui chỉ lớn chừng con kiến bống bám đầy quanh tảng sáp. Bỏ cái sáp ong vào chiếc gùi, Ka Liên quay lại nói như ra lệnh: “Đi theo tôi”… Hai người về tới buôn Đăng Mít, nhà nhà đã sáng đèn.

***

Hai Lê gia nhập đại đội tác chiến của Vùng Ba, bắt đầu cuộc đời của chiến sĩ cách mạng. Khi ấy, đại đội tác chiến và trung đội du kích luôn kết hợp chống càn, tải lương, tải đạn, tăng gia sản xuất lương thực. Ka Liên là Trung đội trưởng trung đội du kích. Gặp lại Ka Liên trong một lần bộ đội và du kích phối hợp chống càn, Hai Lê vui lắm. Kể từ đó, mỗi lần bộ đội và du kích phối hợp, Hai Lê thường đi chung với Ka Liên. Những khi rảnh, Hai Lê lại qua đội du kích cùng Ka Liên đi dạo trong rừng. Tình cảm của hai người lớn dần sau những chuyến đi công tác chung. Đã vài lần Ka Liên đưa Hai Lê về nhà tại buôn Đạ Ka La, nhiều đêm hai người thức trắng, Hai Lê dạy chữ cho Ka Liên. Thấy hai đứa thân thiết, già K’Rik - cha Ka Liên thường đùa: “Bộ đội mà thương Ka Liên thì phải ở rể nhà mình ba năm đó nghe”. Hai Lê cũng vui miệng trêu lại già: “Nếu Ka Liên đồng ý, con ở rể cả đời luôn”. Những lúc như vậy, Hai Lê thường bị Ka Liên đấm cho đau điếng, trả lời: “Không giỡn nghe, Ka Liên không lấy người kinh”.

Nói vậy nhưng trong bụng vui lắm, giấu nét mặt ửng đỏ, Ka Liên chạy ào ra rừng lập tức Hai Lê đuổi theo. Đứng nấp sau đám cây rậm, Ka Liên cười vang: “Đố anh bắt được, Liên sẽ làm vợ anh hi hi…”. Cuộc rượt đuổi, đùa giỡn giữa hai người đôi khi diễn ra cả tiếng đồng hồ trong rừng, cuối cùng Hai Lê cũng bắt được Ka Liên. “Giờ thì chịu làm vợ anh chưa?”. “Không! Mẹ có chịu cưới con dâu người dân tộc à!”. “Anh chịu là mẹ chịu”. “Ka Liên không chịu”…

Một lần ra Đường 20 nhận lương thực, Hai Lê, Thắng bên đại đội tác chiến kết hợp với hai du kích - K’Vết và K’Ríu, bốn người mới qua địa phận rừng Vùng Ba tới Đạ Huoai thì đụng biệt kích, chúng nổ súng làm K’Ríu hy sinh, Hai Lê bị mấy viên AR16 làm gãy tay, khẩu súng cũng bị hư. Lợi thế về quân số, tám tên biệt kích kêu gọi bộ đội buông súng đầu hàng, Thắng và K’Vết nấp sau gốc cây lập tức bắn trả. Tình thế lúc ấy rất khó khăn khi súng của cả hai người sắp hết đạn.

Nấp dưới gốc cây lớn, không giúp được đồng đội, Hai Lê vô cùng lo lắng. Đúng lúc ấy, những loạt AK từ phía sau tụi biệt kích đột ngột nổ giòn, ba thằng biệt kích thiệt mạng, ba thằng còn lại hốt hoảng tháo chạy sâu vào rừng khiến Hai Lê, Thắng và K’Vết hết sức ngỡ ngàng. Thì ra Ka Liên đưa cán bộ từ Vùng Ba đi K4 trở về, nghe tiếng AR16 AK rộ lên, đoán ngay đã có chuyện, lập tức cắt rừng tới hỗ trợ…

… Được các y sĩ mổ lấy đầu đạn và bó bột xong, Ka Liên đưa Hai Lê về nhà để già K’Rik chăm sóc… Từ đó tình cảm của Hai Lê dành cho Ka Liên càng sâu đậm hơn.

Cuối tháng ba năm 1975, quân và dân Lâm Đồng đồng loạt nổi dậy tiến công địch trên toàn tỉnh, Đại đội của Hai Lê, trung đội du kích của Ka Liên phối hợp cùng một Tiểu đoàn bộ đội chính quy tấn công đồn Madagui. Trong vài giờ, toàn bộ binh lính quân đội Sài Gòn tại đồn Madagui bị tiêu diệt và bắt sống. Trên đà thắng lợi, bộ đội, du kích tiến đánh Chi khu quân sự Đạ Huoai. Đám lính ngụy trong chi khu chống trả quyết liệt. Ka Liên bị thương rất nặng khi dẫn đầu trung đội của mình đột phá hàng rào xông vào. Trận đánh diễn ra suốt một ngày, tới gần tối thì kết thúc, đám lính chi khu quân sự Đạ Huoai phần bị tiêu diệt phần bỏ chạy theo Đường 20 về B’Lao. Chạy đến bên Ka Liên, Hai Lê bàng hoàng quỵ xuống… Ka Liên nằm bất động, khắp người đỏ máu, khuôn mặt trắng bệch, chỉ đôi mắt vẫn mở to như đang cười, giọng nói yếu ớt: “Nhớ mang tấm hình của em bên người… như thế… em sẽ luôn được ở bên anh. Nói dứt lời, đôi mắt tròn to của Ka Liên từ từ khép lại. Hai Lê hét lên: “Ka Liên! Tỉnh lại đi… anh yêu e…m.…!.

 Trên không trung, tiếng con chim lạc bạn thảng thốt vang lên, chú chim sải cánh mải miết bay về phía dãy núi Con Ó. Tiếng kêu gọi bạn của nó nhỏ dần nhỏ dần rồi tắt lịm giữa thinh không./.

Kí ức tháng tư